Thanh Hóa: Dân thành phố khốn khổ chờ tái định cư
Không điện, không nước, không đường… Đó là thực trạng của một số mặt bằng tái định cư (TĐC) trên địa bàn TP Thanh Hóa đang khiến nhiều người dân rơi vào cảnh khốn khổ. Nhiều hộ sau khi nhường đất cho dự án làm đường đã phải sống trong những căn lều dựng tạm hay đi thuê trọ.
Dù tiền đã đóng, nhà không còn nhưng hơn trăm hộ dân tại mặt bằng TĐC 2 xã Quảng Thịnh và Đông Tân (TP Thanh Hóa) cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể “an cư”.
Lãnh đạo khi yêu cầu dân nhường đất đã hứa sau 3 tháng sẽ có mặt bằng với đầy đủ cơ sở hạ tầng cho bà con thế nhưng hơn nửa năm trôi qua, người dân Quảng Thịnh vẫn mòn mỏi chờ tái định cư.
Ghi nhận tại 2 mặt bằng này là những cây cột điện nằm chỏng chơ, hệ thống cống thoát nước dở dang. Xã Quảng Thịnh với hơn 100 hộ dân phải di dời để làm đường thuộc 3 thôn Gia Lộc, Thịnh Hùng, Tiến Thọ. Hiện những hộ dân này đang phải sống lay lắt trong những căn phòng trọ, lều dựng tạm. Cuộc sống, sinh hoạt bị đảo lộn, học hành của con cái bị ảnh hưởng…
Cơ sở hạ tầng ngổn ngang của hai mặt bằng TĐC trên địa bàn TP Thanh Hóa
Bà Bùi Thị Tâm, thôn Gia Lộc cho biết: “Khi lấy đất của dân thì họ hứa những lời có cánh lắm, rằng chỉ sau 3 tháng là có mặt bằng với đầy đủ đường, điện, nước cho bà con thế mà hơn nửa năm rồi vẫn chưa thấy thay đổi gì. Khi dự án đi qua, căn nhà tôi bị lấy đi hơn 1 nửa, vì không biết bao giờ mới có mặt bằng để làm nhà nên vợ chồng tôi đã quyết định gia cố phần còn lại của căn nhà để ở tạm”.
“Đại gia đình tôi có 5 hộ thì cả 5 thuộc diện GPMB. Vì vậy, hơn nửa năm nay con, cháu trong gia đình đang phải đi ở nhờ hoặc thuê trọ để đợi mặt bằng TĐC hoàn chỉnh thì mới xây dựng nhà, nhưng đợi mãi vẫn không thấy điện, nước” – Ông Nguyễn Huy Bình, thôn Thịnh Hùng nói.
Chị Dư Thị Hiểu (thôn Thịnh Hùng, xã Quảng Thịnh, TP. Thanh Hóa) ngậm ngùi: “Gia đình dù chỉ có 2 vợ chồng và 1 đứa con, tuy nhiên cảnh thuê trọ nhiều bất cập, nhà cửa ẩm ướt, phòng trọ chật hẹp… thế là vợ chồng bàn nhau đánh liều ra mặt bằng TĐC dựng lều, đòi được đo đất, xây dựng.
Gia đình đòi mãi, cuối cùng họ cũng xuống đo đất phân lô. Được đo đất, nhưng để được xây dựng cũng không dễ. Mình đã được cấp sổ đỏ đâu, mình xây dựng cũng không phép. Ban đầu quy tắc đô thị cũng xuống cấm nhưng rồi sau họ cũng phải đồng ý, thông cảm cho gia đình”.
Cũng theo chị Hiểu thì đợt mưa lũ vừa rồi, do hạ tầng chưa hoàn thiện, nước ngập trắng băng. Hiện tại gia đình chị đang phải mua điện, mua nước trong khu dân cư gần mặt bằng. Nhiều hộ khác cũng muốn ra xây dựng nhưng do chưa đòi được các thủ tục cần thiết, trong đó quan trọng nhất là vị trí lô TĐC ở xa khu dân cư, muốn đấu nối mua điện, nước là rất khó.
Video đang HOT
Dân đã phải dựng tạm lều để ở trên chính mặt bằng TĐC
Không riêng gì mặt bằng TĐC Quảng Thịnh, tại mặt bằng TĐC xã Đông Tân, TP. Thanh Hóa cũng chung thực trạng. Mặt bằng dở dang, dừng thi công, hơn 30 hộ dân đang phải lay lắt đi thuê trọ, mòn mỏi chờ mặt bằng dự án.
Ông Lê Khả Bằng, xóm Cộng, xã Đông Tân phải đi thuê nhà từ khi dự án về, ông bức xúc: “Thực hiện chủ trương giải tỏa để làm đường của thành phố, gia đình chấp hành bàn giao mặt bằng để họ thi công. Lúc họp dân triển khai dự án, thành phố hứa hẹn sẽ sớm hoàn thiện khu TĐC vào tháng 7/2017 để các hộ làm nhà. Nhưng hiện mặt bằng TĐC vẫn còn ngổn ngang, thời gian gần đây không thấy họ thi công nữa”.
Được biết, tại xã Quảng Thịnh có 2 mặt bằng TĐC, với tổng 197 lô, trong đó đã giao cho các hộ 85 lô. Tại mặt bằng TĐC xã Đông Tân có 172 lô, trong đó có 31 hộ đã đăng ký lấy đất.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Thịnh, cho biết: “Trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng khu TĐC, nhà đầu tư đã triển khai chậm. Để bảo đảm cuộc sống ổn định cho nhân dân, xã cũng đã nhiều lần đề nghị với Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình cơ bản TP Thanh Hóa đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công. Tuy nhiên, cho đến nay, không hiểu lý do gì nhà thầu vẫn chưa thực hiện được đúng cam kết với bà con”.
Ông Lê ĐứcThao, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng số 1, TP Thanh Hóa xác nhận hai mặt bằng TĐC trên chưa hoàn thiện về đường, điện, nước do dự án đang khó khăn về vốn.
“Nguồn vốn được lấy từ nguồn khai thác quỹ đất của các dự án. Bán đất cho dân được bao nhiêu tiền thì lấy nguồn đó quay về đầu tư hạ tầng, mặt bằng TĐC bấy nhiêu. Trước đây, khi dự án triển khai, do giá đất TĐC không thể nâng cao, nhằm tạo điều kiện cho người dân có đủ khả năng ra mua đất. Vì vậy dự án đã phải cắt giảm một số hạng mục, với mục đích giá trị thửa đất có mức thấp nhất có thể. Cụ thể, một số hạng mục sẽ cắt giảm như: lát hè, trồng cây, san đất mặt bằng… Chúng tôi đang cố gắng đến cuối năm 2017 sẽ xong về hạ tầng cơ sở để người dân ra làm nhà, ổn định cuộc sống” – ông Thao nói.
Bình Minh
Theo Dantri
Có "3 nhành cọ xanh", nông dân trồng rau an toàn và bội thu
Những năm qua, với sự định hướng, hướng dẫn và hỗ trợ từ Hội Nông dân (ND), nhiều tổ, nhóm nông dân liên kết, câu lạc bộ ND cùng sở thích trên địa bàn huyện Gia Lộc (Hải Dương) đã được hình thành. Tham gia các hình thức kinh tế hợp tác này, nông dân không chỉ được đào tạo nghề bài bản mà còn được Hội hỗ trợ nhiều lĩnh vực khác trong sản xuất, kinh doanh.
Xây dựng vùng trồng rau an toàn
Đến thôn Lúa, xã Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc, những ngày này nơi đâu cũng nghe những câu chuyện xung quanh rau màu vụ đông sớm. Trên con đường bê tông khang trang sạch sẽ dẫn vào thôn có đến hàng chục điểm tập kết thu mua rau xanh tấp nập.
Lãnh đạo Hội ND tỉnh, huyện thăm mô hình trồng RAT của hội viên ND thôn Lúa, xã Đoàn Thượng. Ảnh: Đức Thịnh
Hội ND huyện còn phối hợp Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao xây dựng thành công các mô hình trình diễn điểm trên cây lúa và rau màu... tại nhiều xã trên địa bàn huyện nhằm thực nghiệm so sánh hiệu quả sử dụng phân lân Lâm Thao so với các loại lân đơn khác mà bà con vẫn hay dùng.
Chúng tôi đến thăm Tổ ND liên kết trồng rau an toàn (RAT) thôn Lúa khi các thành viên đang tất bật sơ chế, đóng thùng, cân và bốc xếp rau ra những chiếc xe tải đợi sẵn ngoài ngõ. Trời se lạnh nhưng ai nấy đều nhễ nhại mồ hôi, không khí phấn khởi rộn ràng vì năm nay rau được mùa, được giá.
Bí thư Chi bộ thôn Lúa Lê Thạc Bình là một trong những thành viên chịu trách nhiệm thu mua rau cho tổ, cho biết, trước đây, ngoài trồng rau các hộ cũng mang rau đi các chợ đầu mối bán, mạnh ai nấy làm nên chỉ tiêu thụ rau với số lượng nhỏ. Từ ngày quy hoạch được vùng sản xuất trồng RAT tập trung, nhất là tham gia vào tổ liên kết do Hội ND thành lập, việc tiêu thụ rau rất "xuôi chèo mát mái", thuận lợi.
"Chúng tôi liên kết với nhau tạo sự hợp tác chặt chẽ với các mối thụ lớn hay các doanh nghiệp rau củ quả khu vực miền Trung. Hiện, trong tổ có đến 7 thành viên đứng ra làm đầu mối thu mua với số lượng rau lên đến hàng chục tấn mỗi ngày. Tổ cũng tạo công ăn việc làm cho hơn chục lao động đóng rau với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng" - anh Bình nhấn mạnh.
Bí thư Chi bộ thôn Lúa thông tin: Thôn Lúa có 170 hộ, thì 100% số hộ chuyên trồng rau. Mỗi năm, bà con nơi đây trồng 3-4 vụ rau, mùa nào thức nấy. "Chúng tôi bảo nhau "tấc đất tấc vàng" nên không để đất nghỉ bao giờ. Ở đây, hầu như cả làng đều là triệu phú trồng rau, nhiều gia đình thu về cả trăm triệu đồng mỗi vụ rau không phải chuyện hiếm" - anh Bình phấn khởi khoe.
Theo anh Bình, chỉ tính riêng trong Tổ ND liên kết trồng RAT với 35 thành viên thì có đến 20 thành viên có thu nhập từ 200 triệu đồng/năm trở lên. Năm 2016, cánh đồng RAT thôn Lúa cho thu nhập bình quân 300 triệu đồng/ha.
Hội đảm nhận vai trò trung tâm kết nối
Trao đổi với chúng tôi về tình hình địa phương, ông Nguyễn Văn Luổn - Chủ tịch Hội ND xã Đoàn Thượng cho hay, nghề trồng rau có ở địa phương từ gần 30 năm nay. Tuy diện tích trồng rau ở xã lớn, nhưng chủ yếu bà con làm ăn theo kiểu tự phát, mạnh ai nấy làm, chưa quy hoạch được vùng chuyên canh rau tập trung. Đầu năm 2016, UBND xã đã giao cho Hội ND xã thực hiện Đề án "Quy hoạch và xây dựng vùng rau, hoa, quả tập trung theo hướng an toàn tiến tới sạch phù hợp với kinh tế nông nghiệp ven đô giai đoạn 2016 -2020".
Từ trồng rau an toàn, nhiều nông dân thôn Lúa, xã Đoàn Thượng (Gia Lộc, Hải Dương) có thu nhập ổn định. Ảnh: Đ.T
Tham gia lớp tập huấn, bà con ND được cán bộ kỹ thuật công ty Lâm Thao cung cấp những kiến thức về kỹ thuật trồng rau an toàn như: Hướng dẫn sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; phân bón và cách sử dụng phân bón trong sản xuất rau an toàn; phương pháp sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc cỏ an toàn, cách phòng trừ sâu bệnh trên rau; thời gian thu hoạch rau ăn lá, rau ăn quả...". Ông Nguyễn Văn Luổn
Theo đó, năm 2016, Hội ND xã chọn thôn Lúa làm điểm để xây dựng và hỗ trợ vùng trồng rau tập trung. Đến nay sau 1 năm thực hiện đề án, Hội ND xã đã đạt được những kết quả tích cực, thu nhập của ND trồng rau ở thôn Lúa được cải thiện rõ rệt. Hiện, thôn Lúa đã quy hoạch được 3 vùng sản xuất rau tập trung gồm vùng 1 trồng su hào với diện tích 18,5ha; vùng 2 trồng súp lơ với diện tích 7ha và vùng 3 là trồng bắp cải, cần, tỏi với diện tích hơn 3ha.
Theo ông Luổn, để đề án đi vào thực tế, trước tiên Hội ND xã phối hợp Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND thuộc Hội ND tỉnh mở 1 lớp dạy nghề trồng RAT cho 35 học viên. Đặc biệt, với mục đích tạo nơi để ND trao đổi kỹ thuật, hỗ trợ nhau tiêu thụ sản phẩm, ngay sau khi lớp học nghề kết thúc, Hội ND xã đã thành lập Tổ ND liên kết sản xuất rau an toàn và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân với 35 thành viên tham gia tại thôn Lúa.
Để hỗ trợ ND, hàng năm Hội ND xã Đoàn Thượng đều phối hợp các doanh nghiệp uy tín trong đó có Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cung ứng hơn 100 tấn phân bón theo hình thức trả chậm, riêng thôn Lúa lấy đến 20 tấn phân bón/năm.
Ngoài cung ứng phân bón, Hội còn tích cực phối hợp với Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao mở các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT, ứng dụng tiến bộ vào sản xuất, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm "Rau an toàn thôn Lúa"...
Không chỉ Hội ND xã Đoàn Thượng, Hội ND các xã khác trên địa bàn huyện Gia Lộc cũng tích cực phối hợp với Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao thực hiện cung ứng phân bón trả chậm và chuyển giao tiến bộ KHKT. Đơn cử như Hội ND xã Gia Khánh, hàng năm đều đứng ra cung ứng hàng trăm tấn phân bón theo hình thức trả chậm cho hội viên, ND trồng lúa và rau màu.
Ông Đặng Đình Khang - Chủ tịch Hội ND xã Gia Khánh phấn khởi nói: "Ngoài việc giải tỏa nỗi lo phân bón giả, phân bón kém chất lượng đang trôi nổi trên thị trường và khắc phục chuyện thiếu vốn đầu tư phân bón của người ND mỗi mùa vụ sản xuất, thì chương trình này còn có tác dụng "kích cầu" các phong trào, hoạt động của Hội ND xã. Hội viên ND ngày càng gắn bó giữa với tổ chức Hội. Vai trò, vị thế, uy tín của Hội ngày càng nâng cao. Hội ND xã cũng thuận lợi trong việc tập hợp và phát triển thêm nhiều hội viên ND".
Bà Vũ Thị Hải Hậu - Chủ tịch Hội ND huyện Gia Lộc cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 01 ngày 18.11.2013 của Ban Chấp hành Hội ND tỉnh về đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ ND giai đoạn 2013 - 2018, các cấp Hội ND huyện Gia Lộc đã phối hợp các doanh nghiệp, trong đó có Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao thực hiện chương trình cung ứng phân bón trả chậm cho ND. Đây là sản phẩm phân bón mang thương hiệu phân bón ba nhành lá cọ xanh của Lâm Thao. Sản phẩm đã được kiểm định chất lượng và áp dụng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới nên dễ sử dụng, có chất lượng ổn định và giá cả hợp lý.
Ngoài việc bán phân bón trả chậm, hàng năm Hội ND huyện Gia Lộc còn phối hợp đồng bộ với các cấp Hội cơ sở, đặc biệt là Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao mở các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sử dụng phân bón. Theo đó, từ đầu năm đến nay, Hội ND huyện Gia Lộc phối hợp Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tổ chức được 10 lớp tập huấn hướng dẫn sử dụng phân bón Lâm Thao cho 850 hội viên, hội ND của 10 xã trong huyện.
Theo Danviet
Ông Phạm Minh Chính: 'Thắt lưng buộc bụng' để xây sân bay Long Thành Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho rằng, phải có chính sách tiết kiệm, "thắt lưng buộc bụng" mới có đủ tiền xây sân bay Long Thành. Phát biểu trong phiên thảo luận tại tổ về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long...