Thanh Hóa: Bỏ nửa tỷ đồng ra trồng loại dưa vàng đẹp như phim
Với việc thay đổi cách sản xuất mới, nhiều nông dân thị trấn Vạn Hà ( huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đã “mạnh tay” đầu tư gần nửa tỷ đồng để xây dựng hệ thống nhà màng trồng loại dưa vàng lạ mắt.
Bước đầu, mô hình đang cho những trái dưa vàng kim hoàng hậu thơm, ngon với thu nhập tăng gấp 5 lần. Nhiều người dân địa phương đã trầm trồ tấm tắc khi ngắm ruộng dưa vàng mà trước nay chỉ thấy trên phim.
Đưa phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN đi tham quan mô hình nhà màng rộng 1.300m2, ông Lê Văn Dung (tiểu khu 5, thị trấn Vạn Hà) chỉ tay về phía những gốc dưa kim hoàng hậu phát triển rất tốt, lá xanh mơn mởn, quả to, đều, và chuẩn bị cho thu hoạch.
Năng suất trồng dưa kim hoàng hậu trong nhà màng tăng 5 lần. Ảnh: Vũ Thượng
Ông Lê Văn Dung nói: “Trước kia gia đình chỉ trồng một số cây rau màu như: Xà lách, rau cải, cà chua…năng suất thì thấp, giá bán bấp bênh, thường xuyên bị sâu bệnh phá hoại, chưa kể thời tiết xấu khiến cây rau kém phát triển. Nhưng kể từ khi xây dựng nhà màng mọi lo toan của gia đình không còn và thu nhập tăng lên gấp 5 lần so với cách sản xuất trước”.
Theo ông Dung, hiện nay UBND huyện Thiệu Hóa đang khuyến khích nông dân xây dựng nhà màng để tăng năng suất cây trồng, với cơ chế hỗ trợ gồm tỉnh Thanh Hóa 50 triệu đồng; huyện Thiệu Hóa 50 triệu đồng; thị trấn Vạn Hà 30 triệu đồng. Ngoài ra, thị trấn, HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng phối hợp với Công ty CP mía đường Lam Sơn bao tiêu sản phẩm, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Đồng thời, công ty hỗ trợ thêm vốn vay với lãi suất thấp, tiền lãi và gốc trừ vào khi có thu hoạch, thời gian vay trong 5 năm.
Những trái dưa trồng đúng kỹ thuật. Ảnh: Vũ Thượng
Qua tính toán của ông Dung, với diện tích 1.300 m2 gia đình trồng 2.600 gốc dưa kim hoàng hậu. Bước đầu, tổng đầu tư nhà màng, mua giống, các máy móc…khoảng 400 triệu đồng. Trong đó, chi phí đầu vào và khấu hao vụ đầu tiên tạm tính 65 triệu đồng. Một vụ dưa thu về được 4,5 tấn, với giá bán bình quân 30 nghìn đồng/kg, gia đình cũng lời gần 100 triệu đồng/vụ.
Video đang HOT
Phải thường xuyên thăm vườn để phòng trừ sâu bệnh. Ảnh: Vũ Thượng
Lưu ý, đối với trồng dưa kim hoàng hậu. Khi gieo ươm phải trong bầu đất, lượng giống từ 1-1,2 kg/ha. Cây cách cây 0,5cm, hàng cách hàng 1,5m. Nên trồng hàng đôi, mật độ cây từ 25.000 – 26.000 cây/ha. Lượng nước tưới phụ thuộc vào cơ cấu đất, thời tiết và thời kỳ phát triển của cây, nên tưới vào lúc sáng hoặc chiều mát. Thông thường dưa hay bị một số loại sâu phá hoại như: Bọ trĩ, rầy mềm còn gọi là rầy nhớt, và mắc bệnh thối rể, héo dây…Phải thường xuyên kiểm tra vườn dưa để phòng trừ sâu bệnh kịp thời.
Phải đảm bảo khoảng cách giữa các gốc dưa để tiện chăm sóc. Ảnh: Vũ Thượng
Nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, một năm trồng được 3 vụ dưa. Đối với trồng dưa kim hoàng hậu, thời gian thu hoạch từ 60-70 ngày. Mô hình áp dụng theo một quy trình chuẩn, được kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn hạt giống, theo dõi quá trình sinh trưởng, nước tưới cho đến khi dưa được thu hoạch.
Bên cạnh đó, việc thụ phấn được thực hiện bằng phương pháp thủ công, tức là lấy nhụy hoa đực úp vào hoa cái, sau một tuần là dây bắt đầu hình thành quả. Mỗi dây dưa để khoảng 3-4 quả, sau đó một tuần, chọn một quả to, đẹp nhất để lại nuôi dưỡng.
Ngoài ra, nước tưới cho dưa phải qua bộ xử lý máy lọc, kiểm tra độ PH theo tiêu chuẩn, tưới nhỏ giọt tự động ứng dụng từ công nghệ thủy canh của Isreal. Theo đó nước được tưới nhỏ giọt đến từng gốc dưa, phân được hòa vào nước rồi theo hệ thống tưới nhỏ giọt cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển.
Kết cấu nhà màng phải làm chắc chắn. Ảnh: Vũ Thượng
Để lắp đặt nhà màng giúp cây sinh trưởng một cách tốt nhất, theo công nhân có kinh nghiệm lâu năm cho biết, trước tiên phải chọn tránh hướng gió, các khung sắt, mối hàn kết cấu phải chắc chắn, nên làm móng kiên cố, có hệ thống thông gió, hệ thống làm mát…
Ưu điểm của việc lắp đặt nhà màng trồng dưa, nhằm hạn chế tối đa rủi ro về tác động tiêu cực của thời tiết, sâu bệnh…Chính vì vậy, năng suất, sản lượng, chất lượng dưa duy trì ổn định qua các vụ, người trồng chủ động về mặt thời vụ.
Nhiều hộ dân thị trấn Vạn Hà đang khẩn trương lắp đặt nhà màng để trồng vụ dưa mới. Ảnh: Vũ Thượng
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, ông Nguyễn Văn Dương-Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng cho biết: “Làm nhà màng để sản xuất rau, củ, quả…là hướng đi mới của địa phương và hiệu quả tăng gấp 5 lần so với sản xuất truyền thống trước kia. Hiện nay, HTX đang làm thí điểm 5.000 m2 nhà màng, bình quân cứ 1.000 m2 đầu tư 300 triệu đồng. Bước đầu, mô hình làm nhà màng trồng dưa kim hoàng hậu đã có thu hoạch, trừ mọi chi phí cứ 1.000 m2 cho thu về hơn 50 triệu đồng/vụ”.
Theo Danviet
Thanh Hoá: Lơ là trong phòng chống dịch tả lợn Châu Phi
Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa khẳng định vẫn còn tình trạng lơ là, chủ quan của cấp ủy, chính quyền các địa phương trong phòng chống dịch tả lợn.
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi theo quy định các cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi phải được chính quyền địa phương phun thuốc tiêu độc khử trùng mỗi ngày một lần.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của anh Hoàng Ngọc Luận - chủ cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi ở Thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa, kể từ ngày bùng phát dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện đến nay, cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi của gia đình vẫn chưa một lần được phun thuốc tiêu độc, khử trùng. Vấn đề đáng lo ngại hơn là cơ sở của anh chưa được chính quyền thị trấn Vạn Hà tuyên truyền, hướng dẫn về công tác phòng chống dịch.
Thương lái vận chuyển lợn tại vùng dịch.
"Xe nhà nếu có đi chở mới tiêu độc khử trùng, qua các điểm chốt các cơ quan chức năng mới phun nếu không chúng tôi cũng không được phun."- anh Luận nói.
Còn tại ở thôn Phong Lượng, xã Quảng Phong, huyện Quảng Xương, lợn của gia đình anh Bùi Sỹ Huy bị chết bốc mùi hôi thối nhưng chưa được tiêu hủy. Theo quy định, khi lợn bị dịch và chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và được tiêu hủy trước 12 giờ. Anh Huy cho biết, số lợn trên đã chết từ ngày 16/9, gia đình đã báo với chính quyền địa phương. Tuy nhiên, đến ngày 17/9, số lợn chết đã bị phân hủy và phát tán mùi hôi thối nhưng chưa được chính quyền địa phương đến để làm công tác tiêu hủy.
"Sáng ngủ dậy chúng tôi phát hiện lợn chết vào báo chính quyền địa phương, chính quyền bảo chiều vào tiêu hủy nhưng đến chiều vẫn phải chờ họ đến"- anh Bùi Sỹ Huy cho biết.
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều tồn tại, yếu kém của cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân trong công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi.
Qua công tác kiểm tra, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết, nhiều địa phương chưa thực hiện tốt công tác tuyên truyền, chưa quan tâm đến công tác tiêu độc khử trùng tại các cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, tại các chuồng trại chăn nuôi, vẫn còn tình trạng lơ là, chủ quan của cấp ủy, chính quyền các địa phương. Đây chính là những nguyên nhân làm phát sinh, không kiểm soát được dịch bệnh, làm cho dịch tái phát trở lại, có chiều hướng diễn biến phức tạp trên địa bàn.
"Do ảnh hưởng của bão số 3 làm nguồn nước toàn tỉnh bị ô nhiễm, mầm bệnh của tất cả trang trại chăn nuôi đưa ra đồng ruộng. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương các xã lơ là trong công tác quản lý, chủ quan cho rằng dịch đã khống chế. Ngoài ra, số lượng chăn nuôi nhỏ lớn không được kiểm soát."- ông Nguyễn Viết Thái, phó giám đốc Sở NN và PT nông thôn Thanh Hóa cho biết.
Hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn 1.100 thôn, 231 xã của 21 huyện đang còn dịch tả lợn Châu Phi, trong đó có 81 xã tái phát dịch trở lại. Trước tình hình dịch bệnh có chiều hướng gia tăng trở lại, nếu cấp ủy, chính quyền và người dân chủ quan, lơ là sẽ khiến cho bệnh dịch tiếp tục lây lan, gây nên những tổn thất nặng nề đối với người chăn nuôi và toàn xã hội./.
Theo CTV Thúy Lượng/VOV1
Người dân bị đe dọa vì tố cáo khai thác cát trái phép Lợi nhuận trong việc khai thác cát trái phép trên sông vô cùng lớn nên các đối tượng bất chấp mọi phương thức để thực hiện. Khi chính quyền ra quân được một thời gian lắng xuống sau đó lại bùng phát, người dân lên tiếng tố cáo thì bị đe dọa, ném chất bẩn. Theo đơn kêu cứu, chúng tôi tìm tới...