Thành Công Motor đề nghị giảm 50% phí trước bạ với ô tô trong nước: Phó Thủ tướng chỉ đạo gì?
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa có văn bản yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu kiến nghị của doanh nghiệp, đề xuất hướng tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, báo cáo trong tháng 8/2021.
Thành Công Motor đề nghị giảm 50% phí trước bạ với ô tô trong nước: Phó Thủ tướng chỉ đạo gì?
Vừa qua, Công ty Cổ phần Thành Công Motor Việt Nam có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị tái áp dụng quy định mức thu lệ phí trước bạ giảm 50% đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp nghiên cứu kiến nghị của Công ty Cổ phần Thành Công Motor Việt Nam. Đồng thời đánh giá và tính toán kỹ tác động, trên cơ sở đó đề xuất hướng xử lý kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, trong bối cảnh dịch Covid-19, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2021.
Theo báo cáo của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam ( VAMA), doanh số bán ô tô tháng 7/2021 của các doanh nghiệp thành viên đạt 16.035 xe, giảm 32% so với tháng 6/2021. Đây là tháng thứ ba liên tiếp doanh số bán ô tô của các doanh nghiệp bị sụt giảm.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, doanh số bán của các doanh nghiệp thành viên VAMA đạt 166.516 xe các loại, trong đó xe lắp ráp trong nước đạt 94.109 xe, nhập khẩu đạt 72.407 xe.
Báo cáo số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, 7 tháng đầu năm, toàn bộ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đạt sản lượng 185.300 xe. Còn Tổng cục Hải quan cho hay, 7 tháng đầu năm, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam là 98.000 xe.
Tổng nguồn cung ô tô 7 tháng đầu năm 2021 cả sản xuất trong nước và nhập khẩu là hơn 283.000 xe các loại. Trong khi đó, doanh số bán xe sản xuất lắp trong nước của các thành viên VAMA, cộng với Hyundai Thành công và VinFats, cùng các doanh nghiệp khác ước đạt 170.000 xe và 72.407 xe nhập khẩu nguyên chiếc là 242.407 xe. Tồn kho ước tính hơn 40.000 xe các loại, tương đương với khoảng hai tháng tiêu thụ.
Hiện nay, nhiều địa phương thực hiện giãn cách, tạm dừng làm thủ tục đăng ký xe mới, cùng với việc các đại lý bán lẻ phải đóng cửa dài ngày để chống dịch càng khiến cho tiêu thụ ô tô giảm mạnh.
Trước tình hình này, mới đây, tỉnh Ninh Bình đã có văn bản đề xuất Chính phủ xem xét tái áp dụng hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ tới ít nhất hết năm 2021.
Video đang HOT
Tỉnh Quảng Nam cũng đề xuất cho phép tiếp tục gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đến hết năm 2021 như đã áp dụng trong năm 2020. Đồng thời, giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thêm một khoảng thời gian phù hợp như đã áp dụng trong năm 2020.
Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc công ty TC Motor, đánh giá nếu ngành sản xuất ô tô gặp khó khăn, doanh số sụt giảm mạnh, nộp ngân sách sẽ giảm theo. Việc ưu đãi lệ phí trước bạ, sẽ giúp tăng doanh số bán và tăng nguồn thu cho ngân sách.
Xe nhập khẩu tăng mạnh, xe nội lo lép vế
Trước sức ép ngày càng tăng của xe nhập khẩu, nhiều địa phương, doanh nghiệp đang đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ.
Ô tô nhập khẩu nguyên chiếc tăng lên đồng nghĩa với thị phần của xe sản xuất trong nước giảm xuống tương ứng. Trước sức ép ngày càng tăng của xe nhập khẩu, nhiều địa phương, doanh nghiệp đang đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ để cân bằng tương quan giữa xe nội với ô tô nhập khẩu.
Ô tô nhập khẩu vào Việt Nam trong 7 tháng năm 2021 tăng mạnh về số lượng so với cùng kỳ
Vì sao xe nhập khẩu tăng trở lại?
Trong một báo cáo trình Chính phủ mới đây, một doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước đã nêu lại diễn biến thị trường năm 2020.
Theo đó tỷ trọng xe nhập khẩu nguyên chiếc tăng cao bất thường, lên tới 41% trong nửa đầu năm, đạt mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Tuy sang tới 6 tháng đầu năm 2021, tỷ trọng xe nhập khẩu đã giảm về mức 34% nhưng lại đang có xu hướng tăng mạnh trong một vài tháng gần đây.
Theo số liệu từ Bộ Công thương, tính đến hết tháng 6 năm nay, trong khi sản lượng ô tô sản xuất lắp ráp trong nước đạt 161.100 xe, tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước thì ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu cũng tăng kỷ lục, đạt 81.107 chiếc, tăng tới hơn 100% về cả lượng và giá trị so với cùng kỳ.
Tỷ trọng giữa số lượng ô tô nhập khẩu và sản xuất lắp ráp trong nước trong 6 tháng đầu năm 2021 là 33,5 - 66,5%, thu hẹp khoảng cách so với cùng kỳ năm 2020 là 31,5 - 68,5%.
Tính đến hết tháng 7/2021, khoảng cách giữa xe nhập khẩu và lắp ráp tiếp tục được thu hẹp với tỷ trọng là 34,5 - 65,5% và xe nhập khẩu được dự đoán sẽ tiếp tục tăng mạnh những tháng cuối năm.
Lý giải về hiện tượng xe nhập khẩu tăng mạnh trong bối cảnh đại dịch vẫn phức tạp, chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng cho biết, cuối quý II năm trước là quãng thời gian "tạo đáy" của toàn ngành công nghiệp ô tô, sức mua giảm rất mạnh.
Tháng 5 năm ngoái, Việt Nam nhập khẩu 4.886 xe (trị giá 109 triệu USD) đã là mức rất thấp so với mọi năm, nhưng sang tháng 6, xe nguyên chiếc nhập khẩu giảm tiếp, chỉ về nước có 3.552 chiếc (trị giá 97,9 triệu USD), lập kỷ lục tháng nhập khẩu thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Còn theo đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), một quy luật dễ nhận thấy là qua mỗi năm, tỷ trọng xe nhập khẩu sẽ tăng dần lên, xe lắp ráp sẽ hạ xuống theo mức tương ứng bởi xe lắp ráp trong nước rất khó cạnh tranh do chi phí sản xuất cao.
"Thực tế các hãng lựa chọn nhập khẩu sẽ có lợi hơn, do chi phí thấp nên giá cạnh tranh tốt hơn, không phải đầu tư dây chuyền sản xuất tốn kém. Thị trường tăng thì hãng nhập nhiều, còn thị trường giảm thì nhập ít. Nếu muốn sản xuất xe thì phải mua bộ khuôn về làm, rồi duy trì trong vòng 5 năm mà không biết có bán được hay không. Trong khi có thể chọn nhập thử một số lượng xe về để thử thị trường, nếu tốt thì tăng cường nhập khẩu. Sau khi bán tốt, ổn định thì lúc đó họ mới tính đến việc lắp ráp, ví dụ như Mitsubishi Xpander", đai diện VAMA dẫn chứng.
Cũng theo vị này, chi phí nhập khẩu linh kiện về để lắp ráp cũng cao hơn chi phí nhập xe nguyên chiếc từ ASEAN. Nhập khẩu linh kiện phải tốn các loại chi phí như logistics, đóng gói sản phẩm... một số linh kiện nhập về không được ưu đãi thuế nhập khẩu trong khi ô tô nhập khẩu ASEAN lại được miễn thuế nếu đủ điều kiện.
Đó là lý do các hãng xe luôn đặt lựa chọn việc nhập khẩu cao hơn là lắp ráp.
Đại diện một doanh nghiệp ô tô sản xuất trong nước cho biết, sự tăng trưởng tỷ trọng xe nhập khẩu do chiến lược của các hãng, đặc biệt là các hãng nhập khẩu ô tô từ ASEAN vì không chịu thuế nhập khẩu.
Họ có nhiều sản phẩm mới hơn và thấy nhập khẩu có nhiều ưu thế và tiết kiệm được nhiều chi phí hơn.
Thêm vào đó, cuối năm 2020 có chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ nên các hãng lắp ráp ô tô tăng cường sản xuất nhưng nay không thấy có chính sách gì thì lại tăng cường nhập khẩu.
Kiến nghị hỗ trợ ô tô lắp ráp
Tỷ trọng xe nhập khẩu đang tăng trở lại so với 6 tháng cuối năm 2020 khi ô tô SXLR được giảm 50% lệ phí trước bạ. Ảnh: Yến Chi
Theo một số doanh nghiệp ô tô trong nước, sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam hiện có nhiều rủi ro, trong khi chuỗi cung ứng gặp khó khăn do dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra phức tạp trên thế giới.
Đặc biệt, khủng hoảng thiếu chip đang diễn ra trên toàn cầu, trong khi chỉ có một số nhà sản xuất chip nên họ sẽ ưu tiên phân phối cho một số thị trường trọng điểm. Việt Nam doanh số không cao, không phải thị trường trọng yếu nên sẽ không được ưu tiên.
Cộng với dịch bệnh diễn biến phức tạp, chi phí vận chuyển hàng hoá cũng tăng, gây khó khăn cho việc sản xuất lắp ráp.
Tựu chung lại, có thể thấy trong bài toán kinh doanh, có thể các hãng sẽ lựa chọn nhập khẩu để tránh rủi ro trong sản xuất và giảm thiểu khó khăn, chi phí.
Đại diện một hãng xe khác tại Việt Nam nhận định, nếu không có những can thiệp kịp thời và quyết liệt từ Chính phủ thì sản xuất trong nước khó có thể tiếp tục cạnh tranh được với nhập khẩu, nhất là trong bối cảnh tất cả các hàng rào thuế quan và phi thuế quan áp dụng cho xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc đều đã hoặc đang trên lộ trình gỡ bỏ theo cam kết của Việt Nam tại các FTA thế hệ mới.
Ngành công nghiệp ô tô nếu không dựa trên nền tảng là sản xuất công nghiệp thì sẽ không thể bước đi nhanh, mạnh và phát triển vững chắc, như định hướng của Chính phủ.
Được biết mới đây, UBND tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam và một số doanh nghiệp trong nước đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.
Các văn bản trên đều đề xuất một số giải pháp gồm: Gia hạn, kéo dài thêm chương trình ưu đãi thuế đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; Cho phép các doanh nghiệp mới thành lập được tham gia vào chương trình ưu đãi thuế mà không xem xét tiêu chí về sản lượng tối thiểu trong 3 năm đầu tiên; Gia hạn thời hạn nộp thuế thiêu thụ đặc biệt và giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước...
Lượng ô tô sản xuất trong nước gần gấp đôi xe nhập khẩu Với tổng cộng 185.300 chiếc, lượng ô tô được sản xuất và lắp ráp trong nước 7 tháng đầu năm 2021 đang nhiều gấp 1,89 lần so với xe nhập khẩu nguyên chiếc. Mới đây, Bộ Công Thương vừa công bố số liệu thống kê về xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tháng 7/2021. Theo đó, lượng ô tô sản...