Thanh Chương nỗ lực khắc phục sau lũ
Thanh Chương là địa phương bị thiệt hại nặng nhất tỉnh Nghệ An bởi mưa lũ do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 9. Giờ đây, huyện nghèo đang gồng mình, nỗ lực giúp người dân sớm ổn định cuộc sống sau lũ cùng sự hỗ trợ của các lực lượng vũ trang và cả cộng đồng.
Làm cầu tạm phục vụ sự đi lại của người dân.
Đêm lũ kinh hoàng
Dù trận lũ đã qua được mấy ngày, nhưng sự thất thần vẫn lộ rõ trên vẻ mặt của vợ chồng anh Nguyễn Huy Hoàng (34 tuổi) giáo dân ở thôn Mỹ Lương, xã Thanh Mỹ (Thanh Chương) khi nói về đêm lũ 29-10 vừa qua. Mặc dù được lệnh phải sơ tán người lên vùng cao nhưng vợ chồng anh vẫn nấn ná, vì nghĩ bao năm nay ở đây không có lũ lớn. Xẩm tối, thấy mưa như dội, nước sông Giăng dâng nhanh khác thường, vợ anh Hùng-chị Nguyễn Thị Thanh, bụng bầu 8 tháng, vội tất tả ngược lũ, đưa ba đứa con nhỏ sơ tán lên nhà quen; anh Hùng cũng kịp dắt con trâu và con bò mẹ đi gửi. Cả hai quay về nhà để đưa đồ đạc lên gác cao thì lũ đổ về ầm ầm. Nửa đêm, nước dâng lên quá nửa nhà, anh Hùng vội điện cho lãnh đạo địa phương cầu cứu. Gần sáng, nước tiếp tục dâng, cứ 30 phút lại thêm 20-30 cm, hai vợ chồng run rẩy, tháo ngói để chuẩn bị phương án trèo lên nóc nhà. Giữa trời mưa lũ, lạnh và đói, hai vợ chống ôm nhau khóc. Chung quanh chỉ toàn nước. Anh Hoàng cho biết: “Giữa lúc chúng tôi nghĩ đến cái chết thì xuồng cứu hộ đã kịp thời có mặt, đưa hai vợ chồng thoát khỏi biển lũ an toàn”.
Cũng trong buổi sáng lũ dâng đó, xuồng của đoàn thiện nguyện cùng với lực lượng cứu hộ của huyện đã đưa hàng chục người thoát khỏi dòng lũ, đến nơi an toàn. Ngay sau lũ rút, vợ chồng anh Hùng trở về, đều bật khóc, khi ngôi nhà trống toác, bao nhiêu tài sản, lương thực đều bị lũ cuốn trôi, hư hỏng. Và chỉ có một lớp bùn ở trong nhà, ngoài sân, bốc mùi khăm khẳm. Hơn một tấn lúa mới thu hoạch cũng bị cuốn mất; số còn lại, cất trên nóc nhà đã ngấm nước, lên mầm. Hai vợ chồng vừa vuốt nước mắt vừa lần tìm trong bùn những tài sản còn sót lại. Hôm sau, được sự giúp đỡ của đơn vị bộ đội cùng lực lượng dân quân xã, mà vợ chồng anh Hoàng mới vệ sinh được ngôi nhà của mình. Nhìn chị Thanh đen đúa, gầy rộc, bụng bầu vượt mặt mà ái ngại. Không biết, chị lấy sức đâu mà sinh con, lấy đâu tiền để sinh nở, nuôi con…
Xót xa, thẫn thờ trước việc tài sản bị lũ cuốn trôi, nhiều người dân ở các thôn Mỹ Lương, Mỹ Hương (Thanh Mỹ) đều cho biết: Do nước lũ từ trên núi đổ về, nước sông Giăng lên quá nhanh, chỉ kịp chạy thoát thân lên cao, chưa kịp hiểu chuyện gì thì mọi thứ trôi hết. Bà Lê Thị Lục (56 tuổi) ở thôn Mỹ Lương, chồng chết, con đi làm ăn xa, ở nhà một mình, bàng hoàng: “Khi đang cố gắng cứu tài sản, chính bản thân mình cũng bị nước xô đi, nếu đội cứu hộ không đến kịp thời, tôi cũng bị trôi theo cùng với dòng lũ hung dữ rồi”.
Về vùng lũ Thanh Mỹ mọi người vẫn nhắc lời tri ân đến những chiếc xuồng của đoàn thiện nguyện từ TP Vinh lên, từ Hà Nội vào, từ sớm 30-10 đã có mặt ở rốn lũ để tập trung cứu người và tài sản. Cùng với đó là những đội cứu hộ của các lực lượng vũ trang huyện.
Video đang HOT
Chủ tịch UBND xã Thanh Mỹ Hoàng Phạm Thọ cho biết, trận lũ kinh hoàng đêm 29-10, đã khiến 700 hộ dân trong xã bị ngập nước, trong đó có 200 hộ tập trung ở các thôn: Mỹ Lương, Mỹ Hương bị ngập sâu từ 1,5-3m. Lũ lên nhanh bất thường đã khiến nhiều gia đình tài sản bị trôi, hư hỏng, từ hàng chục đến trăm triệu đồng, nhất là những gia đình kinh doanh, buôn bán. Ngoài ra, lũ còn cuốn trôi cầu Khe Liệu nằm trên tuyến đường trung tâm xã nối với đường Hồ Chí Minh; sạt lở 1.000m đường giao thông… Những nhà bị ngập sâu, gần như bị mất hết tài sản và lương thực, cái đói đang hiện hữu trước mắt.
Các xã vùng thượng huyện Thanh Chương như Thanh Mỹ, Thanh Đức… nước lũ lên rất nhanh. Nhiều người cao tuổi sống ở đây cho rằng, nước hấn (nước lũ) vô nhanh chưa từng có! Hơn cả năm 1978. Nhưng chỉ hơn một ngày sau đã rút cơ bản, bà con nhân dân cùng lực lượng chức năng dọn dẹp nhà cửa sớm ổn định cuộc sống. Vùng hạ huyện như Thanh Tùng, Thanh Hà, Thanh Xuân… thì vẫn ngập sâu, kéo dài đã khiến nhiều vùng bị chia cắt hoàn toàn.
Khắc phục điểm sạt lở Rú Nguộc để thông quốc lộ 46 lên thị trấn Dùng (Thanh Chương).
Sáng 2-11, chúng tôi có mặt ở xã Thanh Hà. Nước lũ bắt đầu rút, nhưng ở khu vực trường mầm non vẫn ngập nước. Các cô cùng cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Sư đoàn 324 tranh thủ nước rút đến đâu, vệ sinh sạch đến đấy. Ngoài sân trường, nước còn ngang bụng chân, mọi người tranh thủ chùi rửa đồ chơi. Trong phòng học, từng đống tài liệu, sách giao khoa, đồ chơi bằng giấy, đất nặn ngấm nước, ngấm bùn toang hoang; ngổn ngang bàn ghế, tủ bằng gỗ ép ngâm trong nước. Hiệu trưởng Trường mầm non Bùi Thị Vinh cho biết: Mặc dù trước mưa lũ, nhà trường đã nhận được chỉ đạo và tổ chức kê những tài sản, đồ dùng dạy học cần thiết lên cao, nhưng do nước lên nhanh và quá cao nên không kịp trở tay.
Tại xã Thanh Xuân, nước cũng bắt đầu rút nhưng biển nước vẫn bao quanh các xóm. Chủ tịch UBND xã Bùi Xuân Anh cho biết: Toàn bộ các xóm đều bị nước lũ cô lập từ thứ 5 tuần trước. Nhờ có xuồng cứu hộ của bộ đội và công an huyện túc trực 24/24 trong suốt những ngày lũ vừa qua để đưa hàng cứu trợ đến cho những nhà bị ngập lụt, giờ chỉ mong nước rút thật nhanh để huy động các lực lượng giúp dân thu hoạch 300 ha sắn, trong đó có nhiều ha sắn đang bị ngập trong nước lũ sắp bị hư hại.
Tất cả cho vùng lũ
Sau những ngày vất vả chống chọi với cơn lũ kỷ lục trong vòng 30 năm qua, người dân xã Thanh Mỹ, đã trở về dọn dẹp đống đổ nát. Các lực lượng vũ trang cùng những đơn vị khác cũng sớm có mặt để cùng giúp người dân khắc phục. Trong đó có Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện cùng 150 CBCS Sư đoàn 324 (Quân khu 4).
Thượng tá Nguyễn Xuân Thắng, Phó Sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn 324 cho biết: Vừa hoàn thành việc giúp người dân Quảng Bình khắc phục lũ, ổn định cuộc sống, thì nhận được mệnh lệnh từ Quân khu, Sư đoàn đã điều 400 CBCS hành quân về giúp Thanh Chương và Đô Lương khắc phục hậu quả lũ, lụt. Xem nhân dân như chính người thân của mình, nên ngay sau về với bà con ở xã Thanh Mỹ, các CBCS sư đoàn 324 đã bắt tay ngay vào công việc thu dọn nhà cửa, đồ đạc, phơi thóc đến sửa lại chuồng nuôi nhốt gia súc, gia cầm… giúp các gia đình già cả, neo đơn, gia đình chính sách. Đại úy, Phó Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 335, Sư đoàn 324 Đặng Thanh cho biết: “Chúng tôi luôn làm việc với tinh thần cao nhất. Ngay từ sáng sớm các CBCS đã có mặt tại các gia đình để bắt tay vào công việc”. Bộ đội còn phối hợp chính quyền địa phương đến thăm hỏi và tặng quà, động viên các gia đình chính sách, người già và phối hợp trạm y tế, tổ chức thăm khám sức khỏe cho bà con… Sáng 3-11, CBCS sư đoàn tiếp tục tham gia khắc phục cầu Khe Liệu bị nước lũ làm đứt gãy tại thôn Mỹ Sơn, giúp bà con thuận tiện trong việc đi lại, từng bước ổn định cuộc sống.
Được bộ đội sửa nhà cửa, dọn đồ đạc và lợp lại chuồng bò, bà Lê Thị Lục, ở thôn Mỹ Hương cho biết, nếu không có bộ đội làm giúp thì không biết khi nào tôi mới xong việc thu dọn nhà cửa sau lũ. “Về với bà con, các chú bộ đội làm việc không khác người thân trong nhà. Người dân Thanh Mỹ chúng tôi cảm ơn các chú bộ đội sư đoàn 324 nhiều lắm!” – bà Lục cảm động nói.
Tại xã Thanh Hà, 50 CBCS Sư đoàn 324 đã bắt tay ngay vào nạo vét bùn đất, tổng vệ sinh, làm sạch đồ dùng học tập, dọn bàn ghế cho các trường học nhằm giúp học sinh trở lại trường sớm nhất. Thượng tá, Phó Tham mưu trưởng sư đoàn 324 Nghiêm Việt Đức cho biết: Thợ kỹ thuật của đơn vị còn tiến hành sửa chữa hệ thống điện cho các trường học bị hư hỏng do bị ngập nước. Quân y đơn vị phối hợp trạm y tế xã khám bệnh cho những người đau ốm. Hiệu trưởng Trường mầm non Bùi Thị Vinh, chia sẻ: “Sau khi lũ rút, khối lượng công việc khắc phục hậu quả là rất lớn; ban đầu chúng tôi dự kiến phải mất từ 4-5 ngày. Nhưng rất mừng, có bộ đội về giúp đỡ nên chắc chắn thời gian khắc phục sẽ hoàn thành sớm hơn. Nhà trường xin chân thành cảm ơn tình cảm mà CBCS Sư đoàn đã dành cho cô trò chúng tôi”.
Bộ đội Sư đoàn 324 vệ sinh giúp các trường học vùng lũ Thanh Chương.
Được biết, khi xã Thanh Mỹ và Thanh Hà cơ bản ổn định, bộ đội lại tiếp tục hành quân về xã Thanh Xuân để giúp nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt. Đồn Biên phòng 559 huy động tối đa CBCS, tập trung thu dọn cây cối bị đổ, vệ sinh môi trường trên địa bàn hai xã tái định cư Ngọc Lâm và Thanh Sơn…
Với quan điểm không để người dân đói, khát, ngay trong lũ, các đoàn cứu trợ của lực lượng vũ trang Quân khu 4, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, tỉnh Nghệ An, huyện Thanh Chương đã đưa một lượng lớn gạo, lương khô, mì tôm, nước uống đến hỗ trợ cho người dân vùng ngập lụt cũng như thăm, tặng quà, động viên các gia đình chính sách, các hộ nghèo và người trên địa bàn bị nạn khi nước lũ dâng cao.
Rời vùng lũ, nhìn những sợi rơm còn dính trên hàng dây điện, điện thoại dọc đường mới thấy lũ kinh khủng làm sao nhưng ấm lòng khi thấy từng đoàn xe cứu trợ của các địa phương trong tỉnh, trong cả nước về với các vùng lũ. Đoàn thì đi vào trụ sở UBND xã để bàn giao hàng; đoàn thì đi thẳng xuống các nhà văn hóa các xóm, thôn hay đến từng nhà để phát quà. Đó là lương thực, thực phẩm, quần áo, sách vở và cả tiền để giúp người dân vơi đi khó khăn. Trong những đoàn xe cứu trợ này, có không ít chiếc xe từ Hà Tĩnh, Quảng Bình – nơi cũng vừa bị bão số 7, số 8 gây thiệt hại vô cùng nặng nề mà thấy cảm động và cảm nhận được nghĩa đồng bào lúc gian khó.
Hiện tỉnh Nghệ An đang cùng với Thanh Chương triển khai các lực lượng, phương án bố trí lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu bảo đảm cho bà con sau lũ không bị đói, rét, sớm ổn định cuộc sống. Triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường, tiêu độc, khử trùng, xử lý bảo đảm nước sinh hoạt trong các vùng bị ngập úng và hướng dẫn nhân dân vệ sinh môi trường, phòng trừ dịch bệnh cho người và gia súc. Huy động máy móc, thiết bị cùng nhân lực để xử lý các vị trí sạt lở, ách tắc giao thông…
Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ tại huyện Thanh Chương, Nghệ An
Đến chiều 31/10, nước lũ đã rút tại những xã bị ngập nặng của huyện Thanh Chương (Nghệ An), lực lượng chức năng cùng chính quyền các địa phương, người dân đang tập trung khắc phục hậu quả thiên tai.
Người dân xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương dọn vệ sinh nhà cửa sau lũ.
Xã Thanh Đức nằm bên bờ sông Giăng bị ngập nặng nhất, có xóm bị ngập hơn 3m. Đến sáng 31/10, tranh thủ lúc nước rút, người dân địa phương tập trung vệ sinh nhà cửa, thu dọn đồ đạc, tài sản bị hư hại để sớm ổn định cuộc sống.
Tại nhà của bà Hoàng Thị Ngọ (xóm Đức Thịnh, xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương) rất đông người thân, anh em họ hàng phân công nhau lau chùi lại đồ đạc, bàn ghế, đẩy bùn non ra khỏi nhà, khỏi san; sau đó dùng vòi nước gắn với máy bơm dã chiến cỡ lớn để xịt rửa khuôn viên bị bùn bám vào.
Bà Hoàng Thị Ngọ cho biết, nước lên nhanh, nhà bị ngập hơn 3m, gia đình không kịp đưa đồ đạc lên gác nên nhiều đồ dùng bị ngâm nước, hư hỏng; gia súc, gia cầm bị cuốn trôi, gia đình gặp nhiều khó khăn.
Cũng chung cảnh ngộ, anh Nguyễn Đình Tiến (Xóm 4, xã Thanh Đức) cho biết, đây là trận lụt lớn nhất kể từ năm 1978 đến nay. Nước lũ lên rất nhanh, anh cùng người thân trong gia đình chỉ kịp chạy đến nơi cao để đảm bảo tính mạng, còn tài sản trong nhà đành bỏ lại.
Nguyện vọng của người dân hiện nay là được chính quyền các cấp, các ngành chức năng đề ra chính sách hỗ trợ cho vay vốn, hỗ trợ vật nuôi, tạo nguồn sinh kế để người dân vượt qua hoạn nạn.
Người dân xã Thanh Mỹ được 50 cán bộ, chiến sỹ của Trại giam số 6 (Công an tỉnh Nghệ An) đến hỗ trợ khắc phục hậu quả trận lũ. Tuy nhiên, tại xã này cũng như một số xã khác gặp nhiều khó khăn do lượng bùn non do lũ để lại quá lớn trong khi điện lưới vẫn chưa có nên phải dùng đến sức người ở tất cả mọi công việc.
Ông Hoàng Phạm Thọ, Chủ tịch UBND xã Thanh Mỹ, cho biết: Xã có 700 ngôi nhà bị ngập, đứng đầu về mức thiệt hại của huyện Thanh Chương. Trong số này có hơn 300 ngôi nhà ngập nặng và người dân phải sơ tán đến trụ sở UBND xã, trạm y tế xã.
Bên cạnh đó, với chủ trương không để người dân bị đói và thiếu nước sạch, trong hai ngày 30 và 31/10, chính quyền xã Thanh Mỹ phối hợp với chính quyền các cấp, các nhà hảo tâm tiến hành khảo sát, phân bổ, trao quà cứu trợ là các mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết, nước ngọt cho các hộ gia đình chịu nhiều tổn thất do mưa lũ.
Ông Lê Đình Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, cho biết, trong hai ngày 30 - 31/10 huyện có hơn 1.800 nhà dân bị ngập nước. Hiện ở các xã nước đã lũ đã rút, huyện chỉ đạo chính quyền các địa phương tập trung giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai. Hiện trên địa bàn huyện có 7 xã vùng trũng (trong tổng số số 37 xã, thị trấn) nước chưa rút hết, đó là các xã Thanh Xuân, Thanh Lâm, Thanh Mai, Thanh Tùng... Bởi đây là các địa phương vùng trũng, nước lũ rút chậm. UBND huyện Thanh Chương đã chỉ đạo chính quyền các xã rà soát danh sách các hộ gặp khó khăn để hỗ trợ các nhu yếu phẩm, nước ngọt; có phương án đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân tại các vùng nguy hiểm; tổ chức phân công lực lượng trực ứng cứu khi có các trường hợp bất thường xảy ra.
Tan hoang sau lũ dữ Ngày 10-10, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã ngớt mưa, nước bắt đầu rút xuống, để lại những ngôi làng xác xơ, tan hoang. Con đường dẫn vào thôn Bình Mỹ (xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) nhầy nhụa bùn non, trơn trượt. Sau khi hứng chịu 2 đợt lũ lên liên tiếp trong vòng chưa đến 3 ngày,...