Thành, bại của những phim Việt hóa kịch bản nước ngoài
Trong khi phiên bản Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản được khán giả Việt nồng nhiệt đón nhận, bản Việt hóa lại hứng chịu không ít gạch đá từ người hâm mộ.
“ Cầu vồng tình yêu” – Thành công ngoài sức tưởng tượng
Được chuyển thể từ kịch bản phim truyền hình Vinh quang gia tộc nổi tiếng của Hàn Quốc, Cầu vồng tình yêu đã tạo nên một cơn sốt lạ trong năm 2013. Bộ phim thu hút được sự quan tâm của không chỉ khán giả trẻ tuổi, các bà nội trợ mà ngay cả những khán giả cao tuổi, khó tính nhất cũng phải ngóng trông và theo dõi từng tập của bộ phim.
Nhắc tới quá trình Việt hóa của phim, đạo diễn Vũ Hồng Sơn cho biết, các nhà làm phim muốn đưa nhiều yếu tố văn hóa Việt vào Cầu vồng tình yêu. Ngoài tình yêu của các cặp đôi, phim còn chạm tới mối quan hệ gia đình mang hơi thở xã hội Việt Nam, trách nhiệm bậc cha mẹ, và đạo lí làm con. “Chúng tôi ý thức phải làm bộ phim Việt. Thà khán giả xem phim phản hồi phim chưa hay, còn hơn là mang tiếng phim nhái Hàn Quốc”, đạo diễn phim cho biết. Chỉ đạo sản xuất, Giám đốc VFC Đỗ Thanh Hải cũng chia sẻ: “Lâu rồi mới có dịp làm phim được đầu tư cẩn thận, nhiều tâm huyết đến thế”.
Và quả nhiên, ngay từ những tập đầu tiên được phát sóng, Cầu vồng tình yêu đã nhận được sự yêu mến đặc biệt của khán giả. Nhiều người còn không tiếc lời khen phiên bản Việt hay hơn rất nhiều so với phim Hàn Quốc. Thế nhưng, ngoài yếu tố kịch bản hay, chính dàn diễn viên trẻ đẹp, nhiệt huyết và diễn “có hồn”, đặc biệt là cặp đôi chính Minh Khang (Hồng Đăng) và Mộc Miên ( Hồng Diễm), mới là yếu tố quan trọng nhất tạo nên thành công của bộ phim. Đa phần các diễn viên đều đã làm tròn vai của mình, lột tả được thần thái, cảm xúc của nhân vật và tạo nên những nét cá tính rất riêng.
Bên cạnh câu chuyện về hai dòng họ danh gia vọng tộc, những câu chuyện tình đẹp, lãng mạn và mang dư vị ngọt ngào riêng cũng là thứ gia vị không thể thiếu cho phim. Mỗi câu chuyện tình lại có sức hút riêng, với số phận riêng, và đầy đủ những cung bậc cảm xúc: ngọt ngào, cay đắng, trái ngang… Nếu như chuyện tình của Mộc Miên và Minh Khang khiến khán giả phải khóc, phải xót xa; câu chuyện tình “phường chèo” của Thế Hiển và Phương Nam lại mang tới cho khán giả những tiếng cười sảng khoái.Những tình huống được khai thác trong phim cũng gần gũi với cuộc sống như chuyện cô dâu mới về nhà chồng, chuyện vợ chồng và những xung khắc trong gia đình, những mối quan hệ bố mẹ, con cái, anh chị em… tất cả đều góp phần mang bộ phim lại gần với khán giả hơn và mang lại thành công ngoài sức tưởng tượng cho Cầu vồng tình yêu.
Dù chưa hẳn là bộ phim xuất sắc nhất, vẫn còn có những hạt sạn trong phim, những cảnh quay chưa đạt, vẫn có những vai diễn còn sống sượng, thế nhưng có thể nói ở thời điểm hiện tại, đây chính là một trong những phim Việt “mượn” kịch bản nước ngoài thành công nhất, đưa khán giả Việt tới gần với phim truyền hình nước nhà.
“ Ngôi nhà hạnh phúc” – Sao Việt đóng phim Hàn
Là phiên bản Việt của bộ phim Hàn Quốc từng “làm mưa làm gió” – Full house, cộng thêm bàn tay “nhào nặn” của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, Ngôi nhà hạnh phúc từng được người hâm mộ ngóng trông từng ngày tới thời điểm ra mắt.
Nhưng rồi bộ phim lại nhận được không ít gạch đá từ chính những người xem trung thành nhất. Nhiều khán giả thẳng thắn bình luận, bộ phim quá “sống sượng”, không phù hợp với văn hóa và cuộc sống của người Việt, cứ như đang xem sao Việt đóng phim Hàn. Thậm chí, ngay cả fan của Minh Hằng và Lương Mạnh Hải cũng đều không hài lòng về diễn xuất của thần tượng trong phim.
Ngay khi những tập đầu tiên của Ngôi nhà hạnh phúc chính thức lên sóng, nữ chính Minh Minh đã bị chê vô duyên, giả tạo, gượng gạo. Nam chính Vương Hoàng bị đánh giá quá điệu đà, thiếu nam tính, là bản sao thất bại của Bi Rain.
Một khán giả bức xúc để lại lời bình luận sau khi xem phim: “Điểm chưa được lớn nhất ở hai tập đầu là diễn xuất quá gượng của diễn viên. Cách đạo diễn cho 2 nhân vật chính là Minh Minh (Minh Hằng đóng) và Vương Hoàng (Lương Mạnh Hải đóng) đối thoại với nhau có cảm giác như đang ‘phá’ nhân vật. Mạnh Hải nỗ lực để giống diễn xuất của Bi (Rain) nhưng càng cố càng thấy độ chênh khá rõ khiến khán giả không khỏi bị hẫng hụt ngay từ những tập đầu”.
Ngoài diễn xuất cứng đờ của hai nhân vật chính, lời thoại cũng là một điểm yếu bị soi xét của Ngôi nhà hạnh phúc. Nữ chính có những lời thoạt rất “ngớ ngẩn” như: “Cười gì mà cười, vô duyên. Nhìn gì mà nhìn, bộ thấy tôi đẹp lắm hả”. Thay vì hình ảnh bướng bỉnh nhưng vẫn giữ được nét hồn nhiên, đáng yêu, nhân vật Minh Minh lại kém duyên, thiếu muối và cười một cách dễ dãi.
Hàng loạt lỗi lớn, lỗi nhỏ của bộ phim được khán giả mổ xẻ ngay trong những ngày đầu phát sóng, đủ biết kết quả đang chờ đón Ngôi nhà hạnh phúc ở cuối con đường. Dù nhà sản xuất cho biết, 20% nội dung được biên tập lại để có nét riêng của Việt Nam, 80% nội dung kịch bản giữ đúng theo bản gốc song đối với nhiều khán giả Việt, Ngôi nhà hạnh phúc chính là bản “copy” bị lỗi của Full house.
“ Váy hồng tầng 24″ – Hy vọng lắm, thất vọng nhiều
Video đang HOT
Với độ dài 24 tập, Váy hồng tầng 24 là bộ phim Việt hóa mới đây được chuyển thể từ phim truyền hình Unbeatable 1 – một trong những phim truyền hình ăn khách nhất Đài Loan năm 2010. Với dàn diễn viên trẻ đẹp,Váy hồng tầng 24 được kỳ vọng sẽ làm nên cơn sốt cho phim Việt vào khung giờ vàng. Thế nhưng hy vọng lắm, thất vọng nhiều, bộ phim được coi là phiên bản Sex and the city châu Á bị chê tơi tả ngay từ những ngày đầu lên sóng.
Váy hồng tầng 24 nhận gạch đá bởi những lý do muôn thuở của phim Việt hóa kịch bản nước ngoài: cách xây dựng nhân vật, câu chuyện khiên cưỡng, bối cảnh chưa được “Việt hóa” hoàn toàn, lời thoại dài dòng, xa rời đời thường và trên hết là diễn xuất sống sượng, gượng gạo của dàn diễn viên.
Sự thất vọng của khán giả trở nên đỉnh điểm vào hai tập cuối, khi bao nhiêu hy vọng về một cái kết bất ngờ, vén lên bức màn bí ẩn xuyên suốt bộ phim được xử lý một cách vụng về, thiếu logic, thậm chí phi lý quá mức. Nhiều khán giả nhận xét, Váy hồng tầng 24 là một bức tranh quá nhiều chi tiết, quá nhiều màu sắc khiến người xem đau đầu, lóa mắt và chẳng thể hiểu được rốt cục ý nghĩa của nó là gì.
Ngay cả những màn khiêu vũ trong phim cũng bị đánh giá là bất hợp lý, chưa đạt được độ lãng mạn cần thiết. Vũ điệu tango của hai nhân vật được quay chậm với những động tác rời rạc, thiếu tinh tế, hoàn toàn không có sự biểu cảm gương mặt cũng như ánh mắt quyến rũ…
Nhân vật bị ném đá nhiều nhất trong phim chính là An Nhiên. Khán giả nhận xét, Nhiên trong kịch bản là một người cá tính, tài năng, dễ thương, nhưng khi lên phim, cô trở nên trẻ con, vô duyên, vô trách nhiệm với câu nói cửa miệng: “Người không mắc sai lầm thì còn gì dễ thương”. Ngoài ra, dàn diễn viên nữ trong phim cũng bị chê vì quá lạm dụng việc make-up khiến khuôn mặt trở nên cứng đờ.
Một điểm cộng hiếm hoi của bộ phim chính là phần âm nhạc khá cuốn hút, hấp dẫn người nghe và những hình ảnh nóng bỏng của các người đẹp.
“Cô gái xấu xí” – Càng xem càng chán
Cô gái xấu xí – bộ phim do Nguyễn Minh Chung đạo diễn và Đài Truyền hình Việt Nam, Công ty BHD, Hãng phim Việt sản xuất – được mua bản quyền của một hãng truyền hình Colombia.
Betty la Fea (Betty xấu xí), bộ phim gốc, đã thành công vang dội tại Colombia và phim Việt hóa Cô gái xấu xí từng được hy vọng sẽ nối tiếp thắng lợi rực rỡ của phiên bản gốc. Thế nhưng, cũng như nhiều phim Việt kịch bản nước ngoài khác, bộ phim không thoát khỏi lời nguyền “nhàm chán, thiếu muối, bất hợp lý”.
Thời gian đầu, vào các tối thứ 2, 3, 4 hàng tuần, nhà nhà người người đều hào hứng ngồi trước màn ảnh nhỏ để xem thử cô Huyền Diệu xấu “ma chê quỷ hờn” làm cách nào chinh phục trái tim của sếp An Đông điển trai, hào hoa, và đã có cô vợ chưa cưới Mai Lan xinh đẹp, sắc sảo và ghen kinh khủng. Thế nhưng sau những trái ngọt ban đầu, bộ phim nhanh chóng “xuống dốc không phanh” khi những khán giả trung thành nhất cũng phải chê phim càng lúc càng dài lê thê, nhạt nhẽo và bất hợp lý.
Một Huyền Diệu xấu xí ban đầu được khán giả thương, giờ lại như cái gai trong mắt họ khi bản thân là một thạc sĩ tài chính, làm việc tại một công ty lớn, hẹn hò với một người đàn ông như An Đông mà lại có gu thẩm mỹ quá quái dị, kiểu tóc “độc nhất vô nhị” và cứ ngu ngơ một cách đáng ghét. Người xem bỗng đặt câu hỏi, một người yêu cái đẹp như An Đông, vì cớ gì mà lại từ bỏ cô vợ sắp cưới xinh đẹp, sắc sảo để trao trái tim cho một cô gái “bảo thủ”, không chịu làm đẹp cho bản thân mình như Huyền Diệu. Phải chăng giá trị đang đảo lộn tất cả, không biết đường nào mà lần?
Một ông bố Huyền Diệu nghiêm khắc ngoài sức tưởng tượng, tới mức con gái gọi điện về trễ, ông sẽ hối hả đến đón và đưa ra hàng loạt lời nhắc nhở. Thế nhưng, ông lại để cho anh chàng Ninh Lâm “caro” thoải mái tung hoành trong phòng riêng của con gái, chỉ vì cái mác “bạn thân”.
Một anh phó giám đốc Tiến Mạnh đẹp trai nhưng cả ngày, cả bộ phim chẳng biết làm gì ngoài tư vấn chuyện yêu đương cho An Đông cũng khiến khán giả ngao ngán. Chưa kể tới cô nàng Phương Trinh đanh đá, chua ngoa và lẳng lơ cũng khiến người xem dị ứng. Diễn xuất của Phi Thanh Vân trong phim cũng bị đánh giá rất cứng, đơn điệu và thiếu muối.
Tất cả những sạn lớn, sạn nhỏ đó đã tạo nên một Cô gái xấu xí càng ngày càng chán.
“Cô nàng bất đắc dĩ” – Sự cố đạo diễn
Xây dựng dựa trên kịch bản mua bản quyền của Argentina, bộ phim bắt đầu bằng chuyện cô phóng viên Mai Ly không thể chấp nhận việc bị phó tổng biên tập Anh Lân bỏ rơi nên đã nhờ cậy đến bà đồng để trả thù. Và anh chàng sở khanh Anh Lân (Đức Hải đóng) bỗng chốc bị biến thành… đàn bà với nhân dạng mới là Lan Anh (Vũ Thu Phương đóng). Và từ đây, bao rắc rối bắt đầu xảy ra.
Với kịch bản được mua từ nước ngoài, cộng tới dàn diễn viên trẻ đẹp, Cô nàng bất đắc dĩ từng được hy vọng sẽ mang lại thành công cho phim Việt hóa. Tuy nhiên, bộ phim của chân dài Vũ Thu Phương không tránh khỏi lời nguyền phim có kịch bản nước ngoài và chịu số phận hẩm hiu, bị người xem hắt hủi.
Những rắc rối đầu tiên của Cô nàng bất đắc dĩ đến từ những scandal ở hậu trường, khi diễn viên kiện đạo diễn, rồi lần lượt thay đạo diễn, thay diễn viên khiến người xem quay như chong chóng. Việc chọn diễn viên cho bộ phim cũng có nhiều bất ổn. Dàn diễn viên trong phim hầu hết là những gương mặt mới, chưa kể một số diễn viên chọn chưa đúng với nhân vật từ ngoại hình đến tính cách. Thậm chí, một nhà biên kịch còn quả quyết: “Chưa có diễn viên đẳng cấp đóng loại nhân vật này”. Chính khán giả cũng đánh giá, diễn viên của phim, cứ được ngoại hình thì mất diễn xuất.
Vai chính được giao cho người mẫu Thu Phương cũng bị đánh giá là quá mạo hiểm. Dù diễn xuất của cô có khá nhiều tiến bộ nhưng nhân vật một người đàn ông trong thân xác một người phụ nữ vốn là thử thách lớn đối với ngay cả diễn viên chuyên nghiệp, chưa nói tới một diễn viên tay ngang như Thu Phương.
Và “hạt sạn” to nhất trong Cô nàng bất đắc dĩ chính là điều mà đa phần phim Việt hóa từ kịch bản nước ngoài đều mắc phải – chưa gần gũi với khán giả trong nước. Bằng đó lỗi đủ để bộ phim trở nên mờ nhạt trong lòng người xem.
“Những người độc thân vui vẻ” – Phim làm như kịch
Thêm một bộ phim Việt hóa từ kịch bản nước ngoài nữa nhận được những ý kiến trái chiều từ phía độc giả – đó chính là Những người độc thân vui vẻ. Lần đầu tiên một bộ phim dài tập được thực hiện bằng thể loại sitcom (phim hài tình huống được quay, thu tiếng đồng bộ trong một nội cảnh cố định) được trình chiếu trên sóng của Đài truyền hình Việt Nam với độ dài kỷ lục nhất từ trước đến nay. Bộ phim khắc hoạ góc sống của những người trẻ tuổi độc thân là chủ và khách của khu nhà có tên là “Vui vẻ”, đề cao giá trị tình yêu và những ứng xử tốt đẹp của con người.
Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau khi chính thức được phát sóng,Những người độc thân vui vẻ bắt đầu bị ném đá tơi bời vì những chi tiết phi thực tế như việc hai nhân vật Vân Dung và Quang Thắng đánh đuổi sếp của mình hay những cảnh quay gượng gạo, diễn xuất thiếu muối của diễn viên như cảnh gã say rượu “như không say” đi tán tỉnh bà chủ khu chung cư…
Dàn diễn viên xuất thên từ các sân khâu hài cũng khiến người xem có cảm giác như đang xem một chương trình tiểu phẩm hài như Gặp nhau cuối tuần và thốt lên “Phim làm như kịch vậy”.
Vào thời điểm bộ phim đang được phát sóng trên VTV3, đạo diễn Đỗ Thanh Hải với tư thế vừa làm vừa nghe ngóng của sitcom đã cho biết: “Những người độc thân vui vẻ sẽ tiếp tục được sản xuất cho đến khi nào khán giả thấy… chán thì thôi”. Và quả nhiên, bộ phim được xếp cùng hạng với Cô gái xấu xí, trở thành phim càng xem càng chán trong lòng khán giả Việt.
Theo Tri thức
"Váy hồng tầng 24": Khi "đáng yêu"... quá tay!
Nhân vật An Nhiên trong "Váy hồng tầng 24" có một câu nói: "Làm người mà không mắc sai lầm thì còn gì là đáng yêu nữa!". Chỉ tiếc là bộ phim của đạo diễn Nguyễn Minh Chung lại "đáng yêu" nhiều quá nên trở thành phản tác dụng!
Dựa theo kịch bản của Unbeatable 1 - bộ phim được coi là phiên bản của Sex and the city ở châu Á - một trong những bộ phim truyền hình ăn khách nhất của Đài Loan trong năm 2010, Váy hồng tầng 24 xoay quanh 4 cô gái xinh đẹp và tài năng cùng làm việc trong lĩnh vực truyền thông: An Nhiên (Diễm My 9x), Khánh Ly (Khánh My), Thảo Vy (Minh Khuê) và Thùy Như (Yumi Dương).
"Váy hồng tầng 24" quy tụ một dàn diễn viên trẻ đẹp
Những tình tiết mào đầu của bộ phim truyền hình này được bắt đầu khá chóng vánh: An Nhiên - một cô sinh viên mới ra trường chưa hề có chút kinh nghiệm giắt lưng bỗng dưng nhận được thư mời dự phỏng vấn từ SHE - một công ty truyền thông danh tiếng. An Nhiên trượt phỏng vấn, nhưng lại làm quen được anh chàng dọn vệ sinh tự xưng là "giám đốc tạp vụ" Trác Nguyên (Huy Khánh đóng) ở SHE.
Tuy nhiên, điều bất ngờ là sau khi An Nhiên đi phỏng vấn ở SHE, công ty này bất ngờ phải giải quyết một sự cố động trời mà tình cờ thay, chỉ có An Nhiên mới là người "cứu" được họ. Cô sinh viên nọ trở thành "con tốt thí mạng" hoàn hảo, từ một cô gái chân ướt chân ráo bước vào nghề, An Nhiên "một bước lên tiên", trở thành... Giám đốc điều hành sáng tạo của SHE - một ví trí trong mơ đối với bất kỳ ứng viên nào.
Từ đây, bộ phim tập trung khai thác cuộc sống, tình yêu của An Nhiên và 3 cô bạn thân trong nhóm: Khánh Ly, Thảo Vy và Thùy Như, đồng thời là những tranh giành, đấu đá, âm mưu, thủ đoạn khi làm việc trong ngành truyền thông nhiều cạnh tranh.
Điểm cộng lớn nhất dành cho Váy hồng tầng 24 đó chính là dàn diễn viên "đẹp như mơ" gồm toàn trai xinh gái đẹp. Những cô gái chân dài trong phim đua nhau khoe sắc trong trang phục bắt mắt, phụ kiện hàng hiệu... Bên cạnh "gái đẹp" thì "trai xinh" cũng không thiếu: một Huy Khánh, dù là nhân viên quét dọn thì vẫn cứ lãng tử, hòa hoa, "công tử" Hứa Vỹ Văn phong độ ngời ngời, bên cạnh một Quốc Trường, nam diễn viên vào vai Hoàng Khải cũng "chất" không kém...
"Phần nhìn" không chỉ dừng lại ở ngoại hình của diễn viên mà còn hiện lên lung linh, hào nhoáng trong bối cảnh, với những căn biệt thự nội thất xa xỉ, những chiếc xe hơi sang trọng, quý phái...
Nhưng ngoài phần nhìn ra thì Váy hồng tầng 24 có gì? Có lẽ sẽ rất nhiều khán giả băn khoăn tìm câu trả lời cho câu hỏi hóc búa này! Váy hồng tầng 24 vẫn vấp phải những nhược điểm muôn thuở của dòng phim Việt hóa nhiều năm trở lại đây, là chưa thực sự phù hợp với hoàn cảnh, văn hóa Việt Nam. Các tình tiết phim trong phiên bản gốc khi được Việt hóa trở nên gượng gạo, khiên cưỡng. Chưa cần bàn đến tiểu tiết, chỉ riêng tình tiết chính xuyên suốt từ đầu phim là việc An Nhiên "một bước lên tiên" cũng đã quá thiếu sức thuyết phục.
Kịch bản Việt hóa đã dở, diễn xuất của diễn viên thậm chí còn dở hơn. Nhưng không nên đổ hoàn toàn lỗi cho họ, bởi bản thân nhân vật trong kịch bản có lẽ đã không hề có sự nhất quán, thiếu logic và cá tính. Đơn cử như nhân vật An Nhiên, xuyên suốt hàng chục tập phim, người ta vẫn không hiểu sự giỏi giang, thông minh, cá tính hay khả năng lãnh đạo, giải quyết vấn đề của cô gái này ở đâu. Diễm My 9x dù có giỏi đến đâu chắc cũng khó lòng mà làm tròn vai trong bộ phim này.
Bên cạnh An Nhiên, tất cả các nhân vật khác hầu như chỉ được nhớ đến bởi vóc dáng, gương mặt và những bộ đồ hàng hiệu, còn cá tính thì hoàn toàn nhạt nhòa. Huy Khánh là một diễn viên có kinh nghiệm và dường như anh cũng đang cố tạo nên màu sắc cho bộ phim này bằng diễn xuất sinh động, nhưng một mình anh không đủ cứu một bộ phim nhạt nhẽo. Kịch bản Unbeatable 1 giống như một chiếc áo quá khổ, được cố gắng cắt chỗ nọ, vá chỗ kia, đính thêm chiếc mác "Việt hóa" rồi bắt các diễn viên khoác lên người, nên dù có cố đến đâu vẫn cứ gượng gạo, mất tự nhiên.
Một điểm yếu nữa, cũng đã quá quen thuộc với phim Việt tiếp tục xuất hiện trong Váy hồng tầng 24, chính là thoại của nhân vật. Diễn viên đọc thoại như trả bài, đôi khi lại như đọc... diễn văn (đặc biệt với những đoạn thoại nói về công việc hay những kiến thức truyền thông), vừa cứng vừa thiếu cảm xúc.
Bên cạnh đó còn phải xét đến yếu tố quảng cáo lộ liễu gây phản cảm. Một thương hiệu kem dưỡng da được nhai đi nhai lại trong nội dung phim, mà hầu như tập nào cũng xuất hiện dày đặc gây khó chịu cho khán giả. Đó là chưa kể tới việc người làm phim... cẩu thả (hoặc lười biếng?), nhiều cảnh phim với bối cảnh công ty SHE liên tục lặp đi lặp lại trong nhiều tập và hoàn toàn không khó để nhận ra!
"Váy hồng tầng 24" mất điểm vì quảng cáo lộ liễu
Câu chuyện mâu thuẫn, tranh giành, đấu đá trong công ty SHE nói riêng hay bối cảnh ngành công nghiệp truyền thông nói chung ở bộ phim cũng chưa được đẩy tới đỉnh điểm. Chuyện phim dàn trải và khó tìm được cao trào hay những tình tiết hấp dẫn đến mức khiến khán giả phải hồi hộp, căng thẳng theo dõi.
Nhân vật An Nhiên trong Váy hồng tầng 24 có một câu nói đã trở thành "triết lý sống" của cô nàng:"Làm người mà không mắc sai lầm thì còn gì là đáng yêu nữa!". Chỉ tiếc là bộ phim của đạo diễn Nguyễn Minh Chung lại "đáng yêu" nhiều quá nên trở thành phản tác dụng. Thôi thì nếu buổi tối rảnh rỗi, khán giả vẫn có thể giải trí bằng cách bật TV lên ngắm... diễn viên và quần áo, đôi khi bật cười một chút trước cái sự "đáng yêu" ngờ nghệch của bộ phim, để sau đó tự động viên mình, rằng nỗi buồn phim Việt này đâu có mới?
Theo Trí thức trẻ
Diễm My 9X đuối với vai diễn lập kỷ lục Với hơn 600 phân đoạn, được quay ròng rã trong 3 tháng, Diễm My không tránh khỏi những lúc mệt mỏi trong quá trình quay "Váy hồng tầng 24". Sau gần 3 tháng bấm máy, những cảnh quay cuối cùng của Váy hồng tầng 24 - bô phim tâm lý, tình cảm, chuyên thê từ kịch bản của Unbeatable 1 (phiên bản của...