Tháng Giêng… không trẩy hội và những cảnh tượng “nghìn năm có một”
Có lẽ, chưa bao giờ người dân Việt Nam lại đón một mùa xuân bình yên, tĩnh lặng, thậm chí có phần quạnh quẽ với một tháng Giêng không… trẩy hội như năm nay.
Đền Bà Chúa Kho không còn tấp nập khách thập phương về cầu may. Ảnh: Trần Hồng Hạnh.
Quạnh quẽ đền Sóc
Tôi có mặt tại đền Sóc (Phù Ninh, Sóc Sơn, Hà Nội) sau lễ khai hội Gióng 2020 vài ngày. Từ quốc lộ 3 đến cổng đền chỉ khoảng 3km nhưng phải mất đến 15 phút đi bộ tôi mới bắt gặp người xe ôm đầu tiên đang đón khách, tuyệt nhiên không có bóng dáng taxi nào.
Vừa đi, anh Đào Tuấn – một người dân địa phương vừa tâm sự: “Chưa năm nào khách đến đền Sóc lại thưa vắng như năm nay. Thu nhập từ quán ăn phục vụ khách du lịch của gia đình giảm nhiều so với mọi năm. Tôi phải chịu khó chạy vài chuyến xe ôm để kiếm thêm”.
Hội Gióng năm nay vừa khai mạc được một hai hôm thì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịchcó công điện tạm dừng tất cả các lễ hội trên toàn quốc trước tình hình bệnh dịch nCoV. Không còn hình ảnh “đông như trẩy hội”, đền Sóc nay vắng vẻ người qua. Các du khách đến đây chủ yếu đi theo từng nhóm nhỏ.
Trong không gian thanh vắng thoảng nhẹ hương trầm, mọi người nhàn nhã tản bộ, chụp hình – một khung cảnh hiếm thấy ở đền chùa nói chung trong mùa cao điểm lễ hội. Một trong số đó là nhóm bạn trẻ đến từ Hà Đông, Hà Nội.
Được biết, trước khi đến đây mọi người đã dặn nhau chuẩn bị nước rửa tay khô và thay khẩu trang liên tục lúc di chuyển đến từng khu vực.
Thời tiết mưa lạnh suốt một ngày dài khiến cho khung cảnh xung quanh càng thêm vài phần ảm đạm. Vào khu vực đền Hạ, tôi nhận được sự đón tiếp nồng hậu của ông Nguyễn Viết Cương – Phó Trưởng phòng Bảo tồn Trung tâm quản lý khu di tích đền Sóc trong bộ trang phục áo the khăn xếp truyền thống. Vì không có nhiều du khách nên ông Cương có khá nhiều thời gian để trò chuyện, cũng như làm thêm nhiệm vụ của một “hướng dẫn viên du lịch”.
Lạ thường… Tam Chúc
Dẫu biết lễ khai hội chùa Tam Chúc (Hà Nam) năm 2020 đã tạm dừng, tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên trước sự vắng vẻ của nơi đây trong ngày chính hội 12 tháng Giêng. Nhất là khi chỉ cách đấy vài ngày, người ta vẫn còn chứng kiến cảnh tượng quá tải, chen lấn của người dân thập phương đổ về chùa du xuân.
Bước vào cổng chùa, trước mắt tôi là những chiếc xe điện lẻ loi đợi khách trong tiết trời mưa giá. Ngay cả những bác lái xe cũng hóm hỉnh đùa rằng, việc một – hai khách đi trên một xe điện như tôi và anh Lê Văn Tài – người bán hàng trong khuôn viên chùa Tam Chúc là cảnh tượng “nghìn năm có một”. “Bình thường nếu đúng vào ngày khai hội sẽ có rất đông phật tử đến chùa.
Video đang HOT
Có những lúc lượng đồ ăn bán ra không kịp phục vụ du khách và người dân. Cũng “may” vì ế khách nên hôm nay tôi mới được đi dạo xung quanh thế này” – anh Lê Văn Tài vừa góp thêm câu chuyện, vừa vẫy tay chào một chiếc xe điện lác đác vài khách ngược chiều.
Trên đường tiến vào điện Tam Thế, có thể dễ thấy nhất là hình ảnh người dân che ô và bịt khẩu trang kín mít ở mọi lứa tuổi. Việc khách du lịch vừa đeo khẩu trang vừa chụp ảnh giờ đây không còn là điều hiếm gặp. “Thời điểm dịch bệnh, chẳng riêng gì tôi mà hầu hết du khách đều bịt khẩu trang… chụp ảnh” – Đến vãn cảnh chùa Tam Chúc, chị Nguyễn Thị Thúy Hằng (Ninh Bình) nói.
Khá nhiều du khách phương xa có bày tỏ chút tiếc nuối với việc lễ khai hội chùa Tam Chúc năm nay bị hoãn lại để rồi sẵn lòng đồng tình vì đây là điều cần làm trong thời điểm hiện nay. “Dẫu phải tạm hoãn khai hội, song nhà chùa vẫn mở cửa đón các phật tử đến lễ Phật, chiêm bái để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân. Nhà chùa đã phát khẩu trang miễn phí và khuyến khích du khách sát trùng tay trước khi vào lễ Phật” – chị Nguyễn Thị Thu Hà phụ trách truyền thông chùa Tam Chúc cho hay
Quan họ không… giao duyên
Đến chùa Lim vào ngày chính hội năm nay không còn thấy hình ảnh người dân đông đúc trẩy hội mà chỉ lác đác bóng người lễ chùa, vãn cảnh.
Hầu hết các du khách đến với chùa Lim đều bày tỏ chút nhớ nhung khi không được thưởng thức những liền anh, liền chị quan họ giao duyên để thấy lòng thật thanh tịnh khi được ngắm cảnh chùa yên tĩnh giữa ngày hội.
Bà Nguyễn Thị Hoa, một người dân địa phương đang chấp tác tại chùa chia sẻ: “Hàng năm có khoảng 20 – 30 sinh viên thành tâm về đây giúp nhà chùa đưa đón, hướng dẫn du khách thập phương. Năm nay không có hội nên sinh viên không về, các vãi trực chùa cũng thấy buồn hơn mọi năm”.
Cách chùa Lim không xa là đền Bà Chúa Kho nằm ở làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh. Vì hiện đang có dịch cúm nên từ mùng 9 tháng Giêng lượng người đến đền đã bắt đầu thưa dần.
Có thể thấy, ở đây đã không còn tình trạng kẹt xe từ đường lớn và người dân đứng kín sân đền như mọi năm. Ngay từ cổng chào, Ban Quản lý đã cho lắp biển và băng rôn thông báo về việc dừng tổ chức lễ hội cũng như khuyến cáo tình hình dịch bệnh đến người dân.
Đại diện Ban Quản lý đền Bà Chúa Kho cho biết: Lượng du khách về lễ tại đền chỉ bằng khoảng 2 đến 3 phần so với mọi năm.
“Đúng là có bâng khuâng khi tháng Giêng không thể trẩy hội, thế nhưng, giữa lúc dịch nCoV hoành hành thì sức khỏe và tính mạng của cộng đồng phải được đặt lên trên hết. Thật mừng khi hầu hết người dân, du khách thập phương đến vãng cảnh chùa, lễ Phật đều tự ý thức được việc đeo khẩu trang để bảo vệ bản thân cũng như những người xung quanh” – Ông Nguyễn Viết Cương, Phó Trưởng phòng Bảo tồn Trung tâm quản lý khu di tích đền Sóc (Phù Ninh, Sóc Sơn, Hà Nội)
Trần Hồng Hạnh
Theo giaoducthoidai.vn
Đặc sắc chợ Tết vùng cao
Những ngày áp Tết, khi những cành đào rừng đua nhau khoe sắc giữa đại ngàn Trường Sơn, cũng là lúc bà con ở các xã vùng sâu, vùng xa miền Tây Quảng Bình gác lại công việc làm ăn, nô nức xuống núi đi chợ sắm Tết. Phiên chợ Tết với đầy đủ hàng hoá và người bán kẻ mua tấp nập gấp bội lần ngày thường.
Trong cái se lạnh của vùng biên giới miền Tây tỉnh Quảng Bình vào ngày áp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, chúng tôi có chuyến "ngược núi" lên với đồng bào dân tộc thiểu số ở hai xã Dân Hóa và Trọng Hóa của huyện Minh Hóa đi chợ Tết Y Leng.
Y Leng thuộc xã Dân Hóa, phiên chợ ngày cuối năm rộn ràng và tấp nập bà con người Chứt, Khùa, Mày... đi mua sắm Tết. Từ sáng sớm tinh mơ, người dân từ khắp các bản xa xôi của Dân Hóa và Trọng Hóa đổ về chợ bằng xe máy hoặc đi bộ để kịp sắm Tết, gặp bạn bè thân hữu.
Ông Cao Xuân Khiêm, bản Ka Ai cho biết: "Nhà mình ở cách đây xa lắm, nên phải dậy đi chợ từ lúc 5 giờ sáng. Mà đi chợ tết vui lắm nên năm nào mình cũng đi và đi thật sớm để chọn mua đồ cho ưng ý, gặp bà con, bạn bè để hàn huyên tâm sự nữa".
Một góc chợ Tết Y Leng, xã Dân Hoá, huyện vùng cao Minh Hoá.
Nhiều sản vật của đồng bào các tộc người Khùa, Mày, Chứt tự tay làm rất hấp dẫn được bà con đem bán chợ Tết.
Chợ họp với đủ các loại hàng hoá do thương lái vận chuyển từ dưới xuôi lên như lương thực, các nhu yếu phẩm, quần áo, giầy dép bày bán rất rôm rả. Đặc biệt nhiều mặt hàng là những sản phẩm do bà con chế biến, lấy từ rừng như mật ong, rau bù lù, cây nhúc, cá mát, rau dớn, thịt chuột, thịt dúi, lá dong, lạt gói bánh... đã tạo nên một nét đẹp riêng độc đáo chỉ có ở chợ tết vùng biên giới phía Tây của tỉnh Quảng Bình.
Phiên chợ ngày giáp Tết bao giờ cũng đông vui, nhiều hàng hóa và thời gian họp lâu hơn những phiên chợ ngày thường. Bà con ở đây sắm Tết rất giản dị chứ không cầu kỳ, không mua sắm nhiều quá mà chỉ đủ dùng trong những ngày tết.
Đến chợ Tết ngoài việc mua sắm còn là một nét văn hoá đặc sắc nơi đây. Những người đi học, làm ăn xa quê cả năm trời thì đi chợ để chơi xuân gặp gỡ bạn bè người thân, ngắm nhìn những mặt hàng quen thuộc một thời nuôi lớn mình. Những bà mẹ thì mua sắm quần áo mới cho con cái, còn những ông bố, cụ cao niên thì dạo chợ ăn bát cháo lòng, uống chén rượu chúc nhau sức khoẻ...vì cả năm trên nương trên rẫy ít được gặp nhau.
Cá Mát nướng, đặc sản người vùng cao Minh Hoá được bày bán ở chợ Tết.
Anh Hồ Phom, bản Ông Tú, xã Trọng Hoá, huyện Minh Hoá cho biết: "Năm nay bản mình ăn Tết vui lắm! Nhờ có Đảng, Nhà nước quan tâm nên bà con không phải lo cơm gạo vào những ngày Tết như trước nữa. Lợn gà cũng tự nuôi được rồi nên mổ ăn Tết thôi. Đi chợ là để mua quần áo mới và bán vài thứ rau củ quả của nhà làm ra nữa".
Là chợ vùng cao nên cũng rất đơn giản nhưng vẫn ngăn nắp trật tự. Các mặt hàng như quần áo, giầy dép, áo váy, đồ điện máy... được bố trí bán trong đình chợ. Những mặt hàng nông sản do bà con sản xuất được bày bán trên những tấm bạt rất đơn giản để người dân và du khách thập phương lựa chọn dễ dàng.
Chị Đinh Thị Vương, một tiểu thương từ dưới xuôi lên bán ngày chợ Tết cho biết: "Chợ Tết Y Leng không có năm nào là mình không đi cả. Vì đi cũng bán được hàng, bà con mua sắm nhiều. Hơn nữa chợ này vui lắm, người dân ở đây rất thật, họ bán nhiều mặt hàng đặc sản mua về dùng Tết rất thích...".
Măng nứa nấu lá thuốc và đọt cây mây, những món ăn quen thuộc của đồng bào vùng cao Minh Hoá.
Bình thường, chợ phiên Y Leng chỉ họp duy nhất mỗi tháng một lần vào ngày 18 và muộn nhất cũng chưa hết buổi trưa là tan. Nhưng những ngày cận Tết chợ họp đến tận chiều. Chợ phiên cuối năm không chỉ là nơi mua sắm, mà với người dân vùng cao vui hơn cả còn là nơi để các chàng trai tìm bạn kết duyên, nếu gặp được cô gái ưng ý thì sẽ dùng tiếng khèn bè dặt dìu bày tỏ tình yêu.
Đi chợ Tết vùng cao sẽ thấy được nhiều giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số còn lưu giữ qua bao đời nay. Đặc biệt cảm nhận không khí xuân đang về từng ngõ ngách, từng bản làng thật ấm cúng đầy niềm tin và hy vọng
L.Phương - Đ.Hoàng
Theo toquoc.vn
Đồng Nôi "hút" khách trong tuần đầu năm 2020 Những ngày đầu năm 2020, Khu du lịch sinh thái Đồng Nôi (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) vẫn là địa chỉ tham quan du lịch thu hút đông đảo du khách thập phương. Theo Ban Quản lý Khu du lịch Đồng Nôi, nhờ thời tiết thuận lợi, những ngày đầu năm 2020, hàng ngàn lượt du khách đã đến tham quan trải nghiệm tại...