Thặng dư thương mại của Australia lại lập kỉ lục, vượt xa kỳ vọng của thị trường
Tuy vậy, có chuyên gia cảnh báo thặng dư thương mại của Australia có thể gần đạt mức đỉnh và bắt đầu bước vào chu trình giảm.
Nguyên nhân là Trung Quốc – người mua lớn nhất của Australia – đang cố gắng hạn chế sự phụ thuộc vào than nhập khẩu, cũng như tăng cường tìm kiếm các nguồn cung quặng sắt bên ngoài Australia.
Vận chuyển quặng sắt tại khu cảng Rio Tinto, gần Dampier, miền Tây Australia. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Thặng dư thương mại của Australia trong tháng 6/2022 tiếp tục ghi nhận mức cao kỷ lục mới 17,7 tỷ AUD (127,44 tỷ USD), tăng 2,7 tỷ AUD so với tháng trước đó, vượt xa kỳ vọng 14 tỷ AUD của thị trường.
Số liệu do Cơ quan Thống kê Australia (ABS) công bố mới đây chỉ ra rằng doanh thu xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của “xứ chuột túi”, bao gồm than, quặng sắt và ngũ cốc, tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ nhờ nhu cầu cao và giá cả tăng. Trong tháng cuối quý II/2022, kim ngạch xuất khẩu nói chung đã tăng 2,9 tỷ AUD, tương đương 5,1%, trong khi nhập khẩu tăng 324 triệu AUD, tương đương 0,7%.
Video đang HOT
Nhà kinh tế trưởng Craig James của Công ty Chứng khoán CommSec nhận định Australia đã duy trì được liên tiếp 54 tháng thặng dư thương mại. Đây là tín hiệu tốt cho các doanh nghiệp nội địa, cho thấy tiềm năng xuất khẩu của nước này còn rất lớn, đặc biệt là trong bối cảnh xuất hiện nhiều lo ngại về việc nền kinh tế toàn cầu đang rơi vào tình trạng suy thoái.
Tuy nhiên, hai nhà kinh tế Madeline Dunk và David Plank của Ngân hàng ANZ cảnh báo thặng dư thương mại của Australia có thể đã gần đạt mức đỉnh và bắt đầu bước vào chu trình giảm. Các chuyên gia cho biết người mua lớn nhất của Australia là Trung Quốc đang cố gắng hạn chế sự phụ thuộc vào than nhập khẩu, cũng như tăng cường tìm kiếm các nguồn cung quặng sắt bên ngoài Australia.
Chuyên gia James lưu ý trong vòng 12 tháng tính đến tháng 6/2022, kim ngạch xuất khẩu của Australia sang Trung Quốc đạt 170,5 tỷ AUD, giảm đáng kể so với kỷ lục 179,5 tỷ AUD được thiết lập trong cùng quãng thời gian tính đến tháng 11/2021.
Mặc dù vậy, một tín hiệu tốt là thương mại giữa Australia và Ấn Độ đang tăng vọt, thể hiện qua việc xuất khẩu tăng 108% so với năm ngoái và nhập khẩu tăng 63,5%. Bên cạnh đó, xuất khẩu quặng sắt, nguồn thu chủ lực cho ngân sách Australia vẫn ghi nhận mức tăng 5,5%, lên 15,5 tỷ AUD trong tháng 6/2022, với các điểm đến đáng chú ý là Trung Quốc, Việt Nam và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc).
Xuất khẩu than giảm 0,6% xuống còn 14,35 tỷ AUD (10,33 tỷ USD), chủ yếu là do giá than thế giới đã giảm từ mức cao kỷ lục. Trong khi đó, giá trị xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp tăng 11,8% nhờ thịt và ngũ cốc tăng mạnh.
ABS lưu ý rằng trong tháng 6/2022, xuất khẩu nguyên liệu lithium, thành phần quan trọng để chế tạo pin sạc ô tô điện và các thiết bị lưu trữ năng lượng tái tạo, của Australia đã đạt kỷ lục 1,1 tỷ AUD, tăng 1.189% so với một năm trước. ABS nhận định đây sẽ là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Australia trong tương lai, với dự kiến kim ngạch xuất khẩu đóng góp 9,4 tỷ AUD doanh thu cho nền kinh tế trong năm tài chính 2023- 2024.
'Cuộc chiến' trường kỳ giữa Canada và Mỹ vẫn chưa có hồi kết
Bộ trưởng phụ trách Thương mại quốc tế của Canada, bà Mary Ng cho rằng các mức thuế mới mà Mỹ áp đặt với gỗ xẻ của Canada là "vô căn cứ", "không chính đáng" và "không công bằng", nhưng vẫn để ngỏ khả năng giải quyết tranh chấp đã kéo dài hàng chục năm này.
Bộ Thương mại Mỹ thông báo sẽ áp đặt mức thuế 8,59% đối với hầu hết các nhà sản xuất gỗ xẻ của Canada. Ảnh minh họa: Canadian Engineered Wood Products
Bộ Thương mại Mỹ mới đây thông báo sẽ áp đặt mức thuế 8,59% đối với hầu hết các nhà sản xuất gỗ xẻ của Canada, giảm mạnh so với mức thuế 17,91% hiện tại và cũng thấp hơn nhiều so với mức 11,64% được đề xuất đầu năm nay. Tuy nhiên, các mức thuế này chưa đủ để xoa dịu sự thất vọng của Canada.
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, phản ứng trước động thái trên của Mỹ, Bộ trưởng phụ trách Thương mại quốc tế của Canada, bà Mary Ng nhận định rằng các khoản thuế này là phi lý cho dù ở mức độ nào và sẽ gây khó khăn lớn đối với cả ngành lâm nghiệp của Canada và người tiêu dùng Mỹ. Bà cho biết Ottawa sẽ chính thức phản đối theo hệ thống giải quyết tranh chấp của Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada (USMCA).
Bà Mary Ng đánh giá các mức thuế mới là "vô căn cứ", "không chính đáng" và "không công bằng". Tuy nhiên, bà vẫn để ngỏ khả năng giải quyết tranh chấp đã kéo dài nhiều năm này. Bà Ng nhấn mạnh:"Chúng tôi vẫn tin tưởng rằng một giải pháp thương lượng cho vấn đề thương mại đã tồn tại từ lâu này là vì lợi ích tốt nhất của cả hai nước và chúng tôi hoan nghênh một cuộc đối thoại cởi mở với Mỹ về mục tiêu này".
Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết Mỹ sẵn sàng đối thoại với điều kiện Canada phải giải quyết chế độ thu phí ở cấp tỉnh mà các nhà sản xuất Mỹ lâu nay phàn nàn rằng đã mang lại cho các nhà sản xuất Canada một lợi thế không công bằng. Mỹ và Canada áp dụng các hệ thống khác nhau để tính phí chặt cây. Ở phần lớn các khu vực của Canada, người mua phải trả phí cho chính quyền các tỉnh để có quyền khai thác. Cốt lõi khiếu nại của Mỹ đối với xuất khẩu gỗ xẻ của Canada là mức phí trên quá thấp, để sau đó gỗ được bán phá giá vào thị trường Mỹ.
"Cuộc chiến" gỗ xẻ giữa Canada và Mỹ đã kéo dài từ năm 1982. Thỏa thuận gỗ mềm Canada - Mỹ năm 2006 đã hết hạn vào tháng 10/2015. Trong vòng tranh chấp thương mại mới nhất, các nhà sản xuất Canada đã nộp thuế gỗ xẻ kể từ tháng 4/2017.
Chủ tịch Hội đồng Thương mại gỗ xẻ tỉnh British Columbia Susan Yurkovich cho biết do các nhà sản xuất Mỹ vẫn không thể đáp ứng nhu cầu trong nước, các mức thuế này tiếp tục cản trở sự phục hồi kinh tế sau đại dịch và làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát ở cả hai nước.
Theo số liệu chính thức của Chính phủ Canada, nước này xuất khẩu gỗ xẻ mềm trị giá khoảng 8 tỷ CAD (6,2 tỷ USD) ra thị trường thế giới mỗi năm và Mỹ là khách hàng mua đơn lẻ lớn nhất. Không phải tất cả các sản phẩm gỗ của Canada bị áp mức thuế giống nhau vì Mỹ cáo buộc các công ty Canada được trợ cấp ở các mức khác nhau.
Mercosur hoàn tất quá trình đàm phán FTA với Singapore Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, ngày 20/7, Bộ trưởng Ngoại giao Paraguay Julio Arriola thông báo khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur), gồm các nước Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay, đã hoàn tất quá trình đàm phán Hiệp định Tự do Thương mại (FTA) với Singapore, đồng thời đạt được thỏa thuận về việc giảm 10% mức thuế chung đối...