Tháng đầu cầm quyền gây chao đảo Washington của Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tháng đầu tiên ở Nhà Trắng có hàng loạt quyết sách gây chao đảo Washington.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Việc cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Michael T. Flynn quyết định từ chức là cao trào trong tháng đầu tiên ông Trump điều hành Nhà Trắng, theo New York Times. Tổng thống Mỹ đã trải qua 30 ngày đầy trắc trở khi phải đối mặt với các thách thức pháp lý đặt ra cho sắc lệnh hạn chế nhập cảnh, đấu đá nhân sự tại Nhà Trắng cũng như những chỉ trích liên quan đến vấn đề tính khí của ông khi giao tiếp với các lãnh đạo thế giới.
Michael T. Flynn, một trung tướng lục quân về hưu, chỉ mới tại vị 24 ngày trước khi phải từ chức do nói dối Phó tổng thống Mike Pence và các đồng nghiệp khác ở Nhà Trắng về nội dung cuộc điện đàm với đại sứ Nga tại Mỹ, trong đó đề cập đến khả năng nới lỏng các lệnh trừng phạt mà Washington áp đặt lên Moscow.
Giới quan sát đánh giá quyết định từ chức của Flynn và cơn hỗn loạn đang diễn ra bên trong Hội đồng An ninh Quốc gia đã làm rúng động thiết chế chính trị cầm quyền ở Washington.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain hôm 14/2 nói rằng động thái từ chức của Flynn cho thấy sự rối loạn trong bộ máy an ninh quốc gia, đồng thời cáo buộc Nhà Trắng đang trở thành một nơi mà “không ai biết ai đang nắm quyền lãnh đạo và không ai biết ai là người thiết lập chính sách”.
Tướng Tony Thomas, tư lệnh Bộ Chỉ huy các Chiến dịch Đặc biệt của quân đội Mỹ, cũng bày tỏ lo ngại về chấn động bên trong Nhà Trắng.
“Chính phủ chúng ta tiếp tục rơi vào tình cảnh hỗn loạn không thể tưởng tượng nổi. Tôi hy vọng họ sớm giải quyết mọi việc ổn thỏa bởi chúng ta là một đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh”, ông Thomas phát biểu tại một hội nghị quân sự hôm 14/2.
“Là một tư lệnh, mối quan tâm hàng đầu đối với tôi là chính phủ phải càng ổn định càng tốt”, ông nhấn mạnh.
Cây bút Michael D. Shear từ New York Times nhận định quyết định rời bộ máy chính phủ vào khuya 13/2 của Flynn chỉ càng làm gia tăng cảm nhận về sự hỗn loạn ở Nhà Trắng.
Video đang HOT
Châm ngòi phẫn nộ toàn cầu
Trong một thời gian ngắn kỷ lục, Tổng thống Mỹ thứ 45 đã châm ngòi làn sóng giận dữ trên toàn cầu với sắc lệnh hành pháp cấm người tị nạn và công dân từ 7 nước Hồi giáo lớn nhập cảnh, sa thải quyền bộ trưởng tư pháp Sally Yates vì từ chối bảo vệ sắc lệnh này và lên tiếng chỉ trích khi các tòa án liên bang nhanh chóng ra phán quyết ngăn chặn sắc lệnh vì xem đó là hành động sử dụng quyền hành pháp trái với hiến pháp.
Tổng thống Trump cũng tạo ra hiềm khích khi thúc đẩy kế hoạch xây bức tường biên giới Mỹ – Mexico, dẫn đến việc cuộc gặp cấp cao giữa ông với Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto bị hủy. Ông giận dữ gác máy trong lúc đang nói chuyện với Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, ra lệnh thực hiện một chiến dịch đột kích các phần tử al-Qaeda ở Yemen khiến một lính đặc nhiệm SEAL thiệt mạng và liên tục tham gia các cuộc cãi cọ trên mạng xã hội Twitter.
Những lời nói và hành động của Trump gây ra các cuộc biểu tình phản đối gần như mỗi ngày trên cả nước.
“Tôi chưa bao giờ lo lắng đến vậy trong cuộc đời mình về những gì có thể hoặc không thể xảy ra ở Washington”, Leon Panetta, một thành viên đảng Dân chủ, người từng đảm nhận các chức vụ chánh văn phòng Nhà Trắng, bộ trưởng quốc phòng, giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), chia sẻ.
“Tôi không biết liệu Nhà Trắng có đủ khả năng đưa ra những phản ứng cẩn trọng hay không trong trường hợp một cuộc khủng hoảng bùng nổ”, Panetta nói trong cuộc phỏng vấn với New York Times hôm 14/2.
Các đồng minh với ông Trump cũng phải lưu ý rằng Tổng thống đã đi quá xa, vượt mức bình thường trong những ngày đầu tiên nhiệm kỳ. Ông đề cử một thẩm phán mới cho tòa án tối cao chỉ sau 12 ngày cầm quyền và ban hành 12 sắc lệnh hành pháp trước hàng loạt vấn đề như: Hạn chế ảnh hưởng từ những nhà vận động hành lang, giảm thiểu thủ tục hành chính, loại bỏ Đạo luật chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền (Obamacare), xúc tiến kế hoạch xây dựng đường ống dẫn dầu gây tranh cãi Keystone XL nối Canada và Mỹ, rút khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và thúc đẩy nhanh các vụ trục xuất.
Các động thái trên khiến những người ủng hộ Trump trên khắp đất nước phấn chấn, Sara Fagen, người từng giữ vị trí trợ lý cấp cao cho cựu tổng thống George W. Bush, nhận xét. Nhưng bà cho rằng tình hình ở Nhà Trắng khác xa với cảm nhận từ các khu vực bên ngoài Washington.
“Nếu ở trong vành đai Nhà Trắng, bạn sẽ hiểu rằng mọi thứ thực sự chao đảo. Song nếu bạn đứng ngoài vành đai này, bạn sẽ nghĩ ‘Đó là lý do vì sao chúng tôi bỏ phiếu đưa ông ấy đến đây’”, Fagen nói.
Tuy vậy, phân nửa nội các của Tổng thống vẫn chưa được Thượng viện phê chuẩn. Và một số tiếng nói quan trọng ở Nhà Trắng đang trở thành mục tiêu mỉa mai hàng ngày trên các chương trình truyền hình.
Chiến thuật gây hỗn loạn
Khi còn là ứng viên tổng thống, Trump cam kết nhanh chóng hành động để ngăn chặn nhập cư lậu, đưa việc làm trở lại Mỹ, chấm dứt các thỏa thuận thương mại mà theo ông không có lợi cho quốc gia hay giảm thiểu tội phạm. Trọng tâm chương trình vận động tranh cử của ông là cam kết trở thành một nguồn sức mạnh phá vỡ nguyên trạng ở Washington và ông thực sự đã làm vậy sau khi nhậm chức.
Kể từ khi đắc cử, Trump và các trợ lý thân tín đã chấp nhận sự hỗn loạn và xem đó như bằng chứng cho thấy nỗ lực quyết liệt của họ nhằm tái tổ chức nền tảng bộ máy chính phủ.
Michael D. Shear đánh giá Trump coi sự hỗn loạn như một vũ khí chiến thuật và tin rằng những dòng tweet gây náo động vào mỗi sáng sớm mà ông đưa ra, các thông báo gây tranh cãi trong những cuộc họp báo vào buổi chiều tại Nhà Trắng cùng các sắc lệnh hành pháp gây bất ngờ sẽ đẩy đối thủ, truyền thông cũng như những thế lực đối địch khác vào tình thế bối rối.
Tuy nhiên, sự hỗn loạn cũng có cái giá của nó. Đến nay, Trump vẫn chưa thúc đẩy được nỗ lực bác bỏ Obamacare. Nhà Trắng chưa thể đề xuất một dự luật sửa chữa cơ sở hạ tầng bị xuống cấp như Trump từng cam kết trong quá trình vận động tranh cử. Bên cạnh đó, các trợ lý chó Tổng thống cũng chưa soạn ra được các kế hoạch cải tổ bộ luật thuế.
Sự hỗn loạn đó cũng có thể kéo theo những hệ quả ảnh hưởng đến cơ hội của ông Trump nhằm giúp đảng Cộng hòa giành thắng lợi trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2018.
Các chuyên gia vận động tranh cử đảng Cộng hòa thừa nhận cơ hội tái đắc cử của Trump có lẽ phải trông chờ vào khả năng kiểm soát cơn hỗn loạn ở Nhà Trắng.
Kevin Madden, người từng giữ vai trò cố vấn cấp cao cho cựu thống đốc bang Massachusetts Mitt Romney trong quá trình ông này vận động tranh cử tổng thống hồi năm 2012, cho biết các cử tri ủng hộ Tổng thống Trump muốn ông cải tổ thiết chế chính trị ở Washington, điều mà họ đã nghe cam kết nhiều và chờ đợi quá lâu nhưng lại thấy rất ít hành động.
“Cử tri chắc chắn yêu cầu thay đổi. Họ chắc chắn muốn thấy những bước chuyển biến mạnh. Nhưng nếu sự thay đổi bắt đầu giống như cơn hỗn loạn và sự chuyển biến mạnh dần biến thành tình trạng rối loạn, bạn có nguy cơ đánh mất niềm tin ở cử tri”, Madden cảnh báo.
Hồng Vân
Theo VNE
Cố vấn an ninh của Trump bị nghi nhận tiền từ Nga
Michael T. Flynn, cố vấn an ninh của Tổng thống Trump phải đối mặt với tương lai bất ổn khi bị nghi là nói dối Nhà Trắng và nhận tiền từ Nga.
Cố vấn an ninh Mỹ Michael T. Flynn . Ảnh: Aljazeera
Các quan chức Nhà Trắng đưa ra thông điệp khác nhau về việc liệu cố vấn Michael T. Flynn có nhận được sự tín nhiệm của Tổng thống Donald Trump hay Phó tổng thống Mike Pence, New York Times hôm qua đưa tin.
Bộ Tư pháp Mỹ cảnh báo Nhà Trắng rằng Flynn đã lừa dối các quan chức trong chính quyền Trump về việc liệu ông có gọi điện cho đại sứ Nga tại Washington để thảo luận về lệnh trừng phạt chống lại Moscow. Bộ Tư pháp Mỹ cũng cho rằng Flynn có thể bị Nga tống tiền.
Phó tổng thống Pence cho biết ông tin rằng Flynn đã dối trá khi phủ nhận việc thảo luận với đại sứ Nga về chủ đề cấm vận hồi tháng 12/2016. Giới phân tích cho rằng ngay cả khi cuộc thảo luận chỉ về vấn đề chính sách, nó cũng thể hiện sự phá vỡ nghi thức ngoại giao, bởi khi đó Flynn chưa nhậm chức.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang điều tra các cuộc điện thoại của Flynn do mối nghi ngờ ngày càng tăng về sự tương tác với quan chức Nga và cách ông quản lý Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ.
Quân đội Mỹ cũng đang điều tra liệu Flynn đã nhận tiền từ chính phủ Nga trong chuyến đi tới Moscow hồi năm 2015. Hiến pháp Mỹ cấm cựu sĩ quan quân đội nhận tiền từ chính phủ nước ngoài mà chưa có sự cho phép của Quốc hội. Các quan chức quân đội Mỹ cho biết không có ghi chép nào về việc tướng ba sao về hưu Flynn nộp các giấy tờ cần thiết cho chuyến đi.
Nhà Trắng đã thảo luận về khả năng thay thế Flynn, Tổng thống Trump đang tham khảo ý kiến Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis. Những cái tên được nhắc tới là David H. Petraeus, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Mỹ (CIA) và Thomas P. Bossert, người đứng đầu hội đồng an ninh trong nước của Trump.
Petraeus là tướng 4 sao về hưu, bị buộc rời cương vị ở CIA do ngoại tình. Ông Petraeus sẽ không cần xác nhận của thượng viện Mỹ để trở thành cố vấn an ninh của tổng thống. Petraeus dự kiến có mặt ở Nhà Trắng vào ngày 14/2.
Văn Việt
Theo VNE
Nội tình hỗn loạn ở Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Hội đồng An ninh Quốc gia, trung tâm quản lý các giải pháp an ninh của tổng thống Mỹ trước một thế giới bất ổn, đang trải qua những ngày hỗn loạn và đầy căng thẳng. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Michael T. Flynn phát biểu tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng. Ảnh: AP Tối 13/2, Cố vấn An...