Thắng cố ngựa xứ Tuyên
Về với xứ Tuyên trong những ngày đông lạnh giá, không gì thú vị hơn khi ngồi xuýt xoa hít hà hương vị thơm lừng từ món thắng cố ngựa của đồng bào Mông.
Sở dĩ món thắng cố ngựa của người Mông đặc biệt bởi vì cách chế biến của nó. Món thắng cố truyền thống được làm từ thịt ngựa, khi nấu thì không bỏ bất cứ phần nào trên cơ thể ngựa, kể cả phần ruột già. Nếm một miếng thắng cố, đặc biệt là phần nội tạng, bạn sẽ cảm nhận được hương vị đặc trưng của món ăn núi rừng xứ Tuyên, thơm thơm, bùi bùi, ngọt ngọt… khiến bạn sẽ nhớ mãi không quên.
Cách nấu thắng cố ngựa cũng vô cùng đơn giản. Thịt ngựa sau khi được làm sạch sẽ, chia thành từng phần nhỏ, ướp với các loại gia vị cho ngấm rồi cho vào một nồi nước dùng gồm có xương ngựa, nội tạng, tiết và 12 loại gia vị như thảo quả, hoa hồi, quế chi… Người ta đun nồi nước dùng ấy khoảng vài tiếng để thịt ngựa nhừ ra là có thể dùng được. Nếu bạn đã từng đến các phiên chợ vùng cao, bạn có thể nhìn thấy những nồi thắng cố lớn tới nỗi đủ cho cả vài chục người ăn.
Nếu như bạn không quen với hương vị của món ăn của đồng bào dân tộc, bạn vẫn có thể thưởng thức món ăn đặc biệt này tại một số nhà hàng, nhưng cách nấu thắng cố ở các nhà hàng này cũng đã cải biên đi nhiều, hợp khẩu vị với người miền xuôi.
Theo Vanhien.
Lên Bắc Hà thưởng thức thắng cố ngựa
Theo các già làng ở vùng cao Bắc Hà, món thắng cố ngựa ra đời từ khi người Mông, Tày, Nùng về Bắc Hà cư trú đã mấy trăm năm nay
Món này xuất hiện ở các chợ phiên vùng cao, đáp ứng nhu cầu ẩm thực của người Mông khi đi chợ, gắn liền với đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người Mông, Tày, Nùng Bắc Hà bao đời nay. Qua bát thắng cố thơm ngon, nghi ngút khói, chén rượu ngô thơm nồng, người ta bày tỏ, tâm sự tình cảm, chia sẻ buồn vui, kinh nghiệm sống, sản xuất...
Ở Bắc Hà, cả người Mông, Tày, Nùng đều nấu thắng cố ngựa. Cách nấu thắng cố tuy đơn giản nhưng phải có kinh nghiệm, bí quyết riêng nấu mới ngon. Sau khi mổ ngựa, làm thịt sạch sẽ xong, tất cả "lục phủ ngũ tạng" được chặt ra thành từng miếng. Trên bếp lửa rực hồng, một cái chảo cỡ lớn đặt sẵn. Tất cả các thứ như: thịt thủ, thịt mông, xương đầu, xương chân, tim, gan, lòng... được đổ vào chảo cùng lúc, xào lăn, theo kiểu "mỡ ngựa rán ngựa". Đợi ít phút, miếng thịt se se cạnh, người ta đổ nước vào chảo và cứ thế ninh sôi sùng sục hàng tiếng đồng hồ. Ngoài muối và chút ít mì chính, gia vị cho món thắng cố cần phải có thảo quả, địa điền nướng thơm, tán nhỏ, ướp vào thịt trước lúc đem xào. Khi thắng cố chín kỹ, các thứ gia vị bổ trợ cho nhau tạo nên một thứ hương vị đặc trưng và quyến rũ. Theo làn gió núi, mùi thắng cố lan tỏa từ đầu đến cuối chợ như mời gọi, chèo kéo mọi người, không một lời rao bán, một hình thức quảng cáo nào hiệu quả hơn.
Hiện nay, thắng cố ngựa ngon nhất phải kể đến thắng cố chợ văn hóa Bắc Hà. Trước đây, chợ Bắc Hà chủ yếu là các lều quán tạm bợ được dựng lên, lợp rơm, không vách, người ta đặt chảo thắng cố ở chính diện lều, xung quanh có thể bày bán là những tấm ván, có quán không có bàn, lấy các viên gạch hay đá nhẵn thay ghế, tất cả mọi người ngồi quây quần bên chảo thắng cố. Thắng cố được múc ra một cái bát sứ to, mỗi người một đôi đũa gắp chung, không bát con, bên cạnh là một ống tre đựng ớt để chấm, chai rượu và mấy ống tre nhỏ để rót rượu uống. Còn bây giờ, chợ được xây dựng khang trang hơn, những nơi bán thắng cố có bàn ghế bằng gỗ ngồi, có bát con riêng, nhưng vẫn chung một bát thắng cố to. Đã là đàn ông nếu ăn thắng cố nhất thiết phải uống rượu. Người Mông Bắc Hà có câu: "Ăn thắng cố ngựa mà không uống rượu ngô Bản Phố coi như không phải là ăn thắng cố". Còn phụ nữ và trẻ em ăn thắng cố với cơm nắm hoặc mèn mén (bột ngô xay nhuyễn, hấp chín) mang theo. Bên bàn thắng cố, một ngàn lẻ một thứ chuyện được đề cập; nhiều nhất và rôm rả nhất là chuyện về ruộng nương, về săn bắn, về làng bản, về dâu con, trao đổi kinh nghiệm làm ăn... Thật ra, thắng cố ngựa Bắc Hà vốn đã ngon, nhưng ngon hơn và trở lên nổi tiếng, hấp dẫn là nhờ không khí của chợ sôi động, náo nhiệt, ẩm thực trong môi trường đông người, đông bè bạn, anh em, người thân...
Thắng cố là món ăn dân dã, nhưng đó còn là nét văn hóa mà qua đây, thấy rõ những chuẩn mực ứng xử, tập tục và truyền thống của một dân tộc giữa nhiều dân tộc, trong một phạm vi không gian giao tiếp rộng rãi và khoáng đạt... Có lẽ vì thế mà người ta vẫn nói: "Thắng cố Bắc Hà ăn ở Bắc Hà mới ngon, chứ mua về nhà ăn chẳng ngon bằng".
Theo Lào Cai
Loạt món ăn hấp dẫn của các nước vào dịp Tết Âm lịch Mỗi quốc gia đều có những hương vị truyền thống đặc trưng để đón mừng năm mới. Những món ăn độc đáo dưới đây đã tạo nên sự phong phú cho bản đồ ẩm thực mùa lễ hội. Hàn Quốc: Mâm cỗ cúng đêm giao thừa của người Hàn Quốc thường có tới hơn 20 món, trong đó không thể thiếu Tteokguk (hay...