Tháng Chạp và những thảo thơm ngày cũ
Tháng Chạp mở cửa ra, mù sương bên đồng người đẫm rợp. Gió hiu hắt như mỏng tang thành sợi, cái gió này, màu trời này đâu có giống ở quê.
Tháng Chạp quê, khuya tối hù mù mịt, gió dữ thông thống lùa vào cửa hông, má thắp một ngọn đèn, biểu ba cột lại tấm liếp dừng ngang cửa. Mấy con gà rúc trong bếp tránh gió, ngủ không yên ư ử gù trong cổ họng. Má chẻ ngo nhóm bếp, khói ứa ra từ kẽ hở mái dừa, chưa kịp thành ngọn, gió hung hăng thổi khói tan hoang trong bữa khuya xanh xám. Đám con co ro ngủ chập chờn, mùi khói ngo dầu ràng rịt giấc chiêm bao. Anh Hai dậy sớm, phụ má hấp bánh bèo bán sáng. Má thủ thỉ dặn, ở nhà hái dừa lột vỏ, nướng sơ cho dễ cạy cơm, má đi bán về sẽ tranh thủ sao chảo mứt.
Vậy đó. Tết về từ tháng Chạp.
Ảnh: Phạm Văn Hương.
Miền cực Nam duyên hải đãi người bằng gió mùa cuồng nộ, bằng cái nắng xiên khoai hừng hực khét đầu. Độ này, chắc má đang phơi củ cải, đêm dụi đầu vào lòng má, cải trắng hăng hăng quẩn quanh đầu mũi. Bếp bữa mười lăm sực mùi mứt thơm, mứt bí. Mấy anh em ngồi chóc ngóc chờ nhón miếng mứt thơm vừa kẹo lại. Sân nhà bữa mười tám đặc quánh mùi dầu lửa pha thuốc chà chân đèn. Ba cắt lá dứa dại đập dập để chà thêm nước cuối, bộ lư đồng bóng sáng, loang loáng trước sân phơi. Bếp bữa hai lăm, hai sáu dậy mùi bánh thuẩn, bánh men, sân nhà chấp chới góc áo đỏ xanh, mền mùng chiếu gối. Khói nắng gờn gợn bốc lên, hun khoảng sân đầy ảo ảnh, trưa tháng Chạp mông lung mùi vị.
Ở phố mười năm, tháng Chạp quê luôn có cách chống lại sự lãng quên. Như khi, tháo khẩu trang cho dễ thở, lại vừa lúc hớp một ngụm khói xăng đùng đục sặc lên tới óc, tự nhiên thèm một nắm khói ngo dầu. Như khi, Facebook tưng bừng đăng tuyển người phụ lặt lá mai, không dưng lại nhớ cậu bạn gánh nước tưới bông vạn thọ, căn chòi canh rớt đầy hoa nắng, nó tần ngần, biểu má mày năm nay đừng mua bông nữa, ra nhà tao lựa đem về.
Tháng Chạp có khi nhớ nhà quá nên về quê bất chợt. Thấy má ngồi trước đầu gió nhóm lửa than sên chuối ngào đường. Tay chân đầy vết cắt, muội than hun đỏ mắt, má cặm cụi quạt, lưng còng nhỏ thó, chỏng chơ. Mình xót má đâm ra gắt gỏng, đồ mua sẵn thiếu gì tự nhiên bày ra chi cho cực. Má xoa xoa lưng mình vuốt giận, nói bây đi hết rồi nhà buồn quá, má ở không riết nhức đầu. Má dích miếng mứt thơm quyện đường nâu vàng bóng lưỡng, biểu ăn đi ăn đi, hồi nhỏ con thích nhứt món này, ăn vụng hoài má đánh.
Video đang HOT
Ảnh: Phạm Văn Hương.
Chợt nhận ra mình vẫn thèm thuồng những thảo thơm ngày cũ, có chăng, cuộc mưu sinh trải dài năm tháng xa quê đã bào mòn ký ức. Chỉ có má vẫn ở lại những ngày con lên ba, lên bảy thèm chua ngọt thơm lừng trong bếp. Má lạc hậu vẹn nguyên, đau đáu nhớ thương, đau đáu giữ gìn nếp Tết. Miếng mứt ngọt lịm chưa tan không dưng đắng đót chua cay nơi đầu lưỡi. Bởi đìu hiu này có phần mình mang lại.
Tết về từ tháng Chạp, phượng vàng rực phố. Năm nay nơi phương xa có đứa con gái tha hương tập tành gói bánh chưng, bánh tét, nấu bằng thứ bếp ga sạch sẽ đến lạnh lùng. Hồi hộp chờ đến nửa khuya bánh chín, vớt ra chất lên mâm, hít một ngụm khói thơm nồng, ấm áp đến mức khiến người ta hốt nhiên rơi nước mắt. Chợt nghĩ, từ nay cho đến lúc già đi vẫn sẽ thèm những ngụm khói thơm tho mùa tháng Chạp, sẽ trở thành một bà má quẩn quanh trong bếp, bày ra đủ thứ, cố giữ nếp Tết xưa. Và tháng Chạp luôn có cách chống lại sự lãng quên…
HỒ THỊ NGỌC GIÀU
Theo thegioitiepthi.vn
Hít hà Tết
Không thể không bắt đầu bằng những cái Tết tuổi thơ đã xa lâu rồi, đó là những cái Tết nghèo ở quê biển mà tôi nhớ nhất là việc ông nội gói bánh chưng, việc bà mua hai cây mía về để thờ ở hai góc gian thờ.
Còn tôi, được vui chơi, được thấy mọi người lo tết, làm tết, vui tết, thấy những ngày khác thường; rộn ràng hơn, có nhiều cái ăn và trò chơi hơn, có cả hội chơi cờ người. Rồi tôi có những đồng tiền mừng tuổi: năm xu, một nào, hai hào. Tôi được đi qua những chỗ vui vẻ.
Rồi nhiều cái Tết lần lượt qua đi, trưởng thành hơn, cảm nhận, ghi nhớ về Tết của tôi cũng được đầy lên. Những cái Tết của núi rừng với ba mẹ và các em, Tết của những cây đào không ngừng bung hoa, hồng rực góc vườn, góc sân. Tết của những chồi non cựa quậy đòi bật ra từ những cành trụi trơ khắp nơi, trên trời cao, núi đồi, đồng bãi.
Tết để người ta thêm tuổi và lớn lên. Tết của những người đi xa được trở về nhà với bao thương nhớ, hồi hộp. Tết của những tình yêu bắt đầu, của những tình yêu được thêm tuổi, thêm nỗi chờ đợi, mong ngóng, thêm lần gặp gỡ, thêm thiết tha, Tết với việc cất giấu, gác lại những khó khăn, những nỗi buồn để hướng vọng những tốt lành.
Nhiều loài hoa bung nở khi Tết đến. Ảnh: Hà Huy.
Khi Tết đi vào kí ức nhiều hơn thì Tết xâm lấn tâm trí, tâm hồn nhiều hơn. Tháng Chạp đến là nhẩm tính. Bắt đầu từ ngày nào Tết lén bước, rồi rầm rập? Từ ngày Hai Mươi đã vương vương khí Tết, mùi Tết? Hay sớm hơn? Những câu nói; "Tết sắp đến rồi, "Tết đến nơi rồi", "Năm hết Tết đến rồi"... là khi Tết xôn xao từ trong nhà ngoài ngõ, làng trên, xóm dưới, từ những nẻo đường, từ những bước chân người ở xa về, từ túi, giỏ, gánh, xe chật đầy Tết đi qua về lại, người lo sớm thì nói "đã Hai Mươi Tết rồi".
Và chợ được gọi là Chợ Tết, người xe hàng hóa đầy tràn, nhanh, nhanh quá! Hai Bảy Tết, Hai Tám tết, Hai Chín Tết, những ngày tất bật mua sắm, lau dọn, trang hoàng để ngày Ba Mươi Tết nhà nhà bớt dần náo nhộn, xóm làng lắng lại những náo nhiệt để sắp sửa an tọa bên sự tươm tất, tươi mới, tinh thơm, để đưa tiễn và nghênh đón, để có những phút giờ được thảnh thơi, hướng về, nghĩ tới những an lành tốt đẹp, để lắng đọng, nguyện cầu.
Tết, mọi người cùng hướng đến để cầu mong những thành công mới, những hi vọng, những đổi thay tốt lành.
Rồi một ngày sống xa quê, tôi càng nhớ vô cùng những cái Tết quê, những cái Tết mà tôi đã tìm được hương vị tết để lưu giữ cho chồng con, cho mình. Là bận rộn mua lá dong, tập chẻ lạt và gói bánh chưng, trong khí lạnh được gói và đun bánh quyện lẫn mùi hương trầm thơm ngọt ấm áp... Là bắt mình phải kiên trì chọn mua bằng được cành đào dù nhỏ nhưng từ cành, búp và lộc đều dâng sức sống, sức xuân.
Không khí Tết. Ảnh: Hà Huy.
Hoa đào, bánh chưng, hương trầm, và nấu sẵn vài ba món, cùng ít hoa quả, bánh kẹo... thế là tôi đã có những cái Tết gọn nhẹ, có thể dành giữ cho riêng mình chút ít thư thái để được ngắm nhìn mọi người, mọi nhà làm Tết; cũng cành đào, bánh chưng, hương trầm... Xem các bà, các mẹ chắt chiu bày biện, tôi theo dõi Tết về từng ngày, từng buổi, từng lúc xung quanh mình, thu ngắm những sắc màu, lắng vào những hương vị.
Làm nên Tết, nhìn thấy Tết, hít hà Tết... để rồi mang theo kí ức. Nhìn Tết từ mọi ngả, Tết của xóm giềng, Tết trên những cành, những cánh hoa đào, Tết trong mùi nếp ngâm, lớp nhân đỗ, hành, tiêu, thịt, trong khói lửa và nồi bánh sôi, chín trong cái lạnh không ngưng thơm mùi hương trầm... và không khỏi hoài nhớ mùi pháo, tiếng pháo của một thời sáng ran giao thừa.
Đơn sơ, giản tiện, tự thấy đủ. Nhưng tôi thấy mình thật sự đủ đầy, sung túc khi nghe được Xuân về cùng Tết. Vì Tết là rộn rã, nhưng xuân về lại rất khẽ, phải tĩnh lòng để lắng nghe.
Tôi biết những người phụ nữ, các bà, các mẹ, các chị... vẫn luôn lo sao cho hương vị ngày tết đủ đầy, sung túc, họ làm bánh, mứt, nấu nhiều món truyền thống, món lạ, họ dọn dẹp, tất bật, chộn rộn và vẫn lo lắng lỡ có gì đó không trọn vẹn từ năm cũ đưa qua năm mới. Họ luôn muốn hoàn tất tốt đẹp cho những cái Tết, họ là những người làm nên hương vị Tết từ khói bếp, đến bàn thờ, mâm cỗ, bàn tiệc, họ khiến tôi luôn nể và thương.
Tôi hết tuổi vô lo, làm chủ gia đình, làm mẹ... cũng bận rộn vì Tết. Nhưng tôi cắt giảm để tiết kiệm, để bớt việc, để có thêm chút thời gian tĩnh lòng nhìn ngắm. Thanh tịnh để lắng nghe... Mưa lạnh, hoa nở, lộc nhú, con người tĩnh lắng lòng thì cảm được nhiều những chất chứa bừng dậy từ đất đai mầm chồi đội lên, từ trong vỏ cây già xù xì mầm đòi nứt nhú, từ những trơ trụi bao nhiêu mắt sắp chồi.
Tết là thế, cùng nhiều vất vả toan lo lẫn mệt mỏi ta có cả một không gian bao la ùa về sức sống của mùa xuân và chúng ta có quyền thư thả tận hưởng.
Tết là có biết bao nhớ thương!
HỒ THỊ NGỌC HOÀI
Theo thegioitiepthi.vn
Tết của những người trưởng thành Tôi vẫn còn nhớ như in cái cảm giác được đón gió xuân dưới cảm nhận của một đứa trẻ ngây thơ. Chiều 29, 30 Tết, bố mẹ chuẩn bị mua sắm bao nhiêu là thứ: mứt tết, bánh kẹo, hoa quả, cành đào, cành mai, câu đối đỏ, đèn nháy,... và đặc biệt là lá rong, đỗ xanh, thịt lợn,... để gói...