Thắng cảnh Hồ Chiềng Khoi, Sơn La
Hồ Chiềng Khoi thuộc Bản Pút, Xã Chiềng Khoi, Huyện Yên Châu, Tỉnh Sơn La. Từ trung tâm thị trấn huyện Yên Châu về phía Nam 4 km, Hồ Chiềng Khoi có diện tích 40 ha hiện ra như một con nhện khổng lồ.
Theo cách giải thích của người dân bản địa, Chiềng Khoi có nghĩa là vùng đất rộng lớn, bằng phẳng và ở trên cao. Tương truyền rằng, xưa kia Chiềng Khoi là vùng đất thiếu nước, đất đai khô cằn, người dân nơi đây tuy chịu thương, chịu khó nhưng cuộc sống vẫn chật vật, khó khăn vì thiếu nước. Trên mảnh đất này có một chàng trai tên là Khoi, chàng có sức khoẻ phi thường. Thân chàng đen và bóng như thân gỗ lim, tay chàng to như mặt quạt. Thấy nhân dân cực khổ chàng bèn dời núi, khơi các dòng nước từ các hướng chảy về đây, hình thành nên hồ Chiềng Khoi.
Nhưng đó mới chỉ là Hồ Chiềng Khoi của những câu chuyện truyền kỳ. Còn một Hồ Chiềng Khoi nữa của một hệ sinh thái khá phong phú. Hồ Chiềng Khoi là hồ nhân tạo được khởi công xây dựng năm 1971 với một đập chắn cao 45 m, dài 110 m và hoàn thành đi vào sử dụng năm 1980. Hồ Chiềng Khoi vốn là đáy các thung lũng hẹp, có các dòng suối nhỏ từ trong lòng núi chảy vào Suối Sập. Lòng Hồ là một thung lũng hẹp, chạy ngoằn ngoèo quanh những quả đồi lớn dài tới 7 km. Nước Hồ Chiềng Khoi lúc nào cũng trong xanh, yên ả quanh năm bởi nguồn nước cung cấp cho hồ đều chảy ra từ trong lòng núi. Chính những con suối nhỏ và rừng núi nguyên sơ đã tạo cho mặt hồ và cảnh quan nơi đây có vẻ đẹp huyền ảo. Như bức tường thành thẫm xanh bồng bềnh mây trắng, những dãy núi điệp trùng trải dải từ phía Nam đến phía Tây Bắc và rừng già ôm lấy toàn bộ mặt hồ, hồ lồng trong bóng núi. Khi du khách đến đây vào mùa hoa ban nở sẽ thấy một mầu trắng thuần khuất trải dài theo sườn núi và mềm mại như một dải lụa, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh sắc trời đất nơi đây.
Các đồi đất, dãy núi đá vôi bao bọc Hồ Chiềng Khoi còn có nhiều loại rau rừng rất ngon như rau sắng, lá xồm pon, măng tre, măng đắng, măng lay, nhiều loại nấm và rất nhiều loại chim trong đó có họa mi, khiếu, cò trắng, chào mào, vẹt, chim én. Rừng ở đây có nhiều loại động vật sinh sống như khỉ, sơn dương, hoẵng, lợn rừng, cầy hương, cầy bay. Hồ Chiềng Khoi có các loại cá tự nhiên như cá chép, cá mương, cá quả, cá trê, cá riếc và nhiều loài tôm, cua, ếch.
Đến Chiềng Khoi, du khách không chỉ được thưởng ngoạn vẻ đẹp của thắng cảnh Hồ Chiềng Khoi mà còn được thưởng thức những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Thái Yên Châu với những lễ hội, ca vũ đặc sắc. Người Thái ở đây còn có các nghề thủ công truyền thống. Với bàn tay khéo léo họ đã tạo ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo như: nhạc cụ dân tộc, đồ dùng mây tre đan và tiêu biểu nhất là vải “Khít”, là loại vải thổ cẩm nổi tiếng không những ở Yên Châu mà cả vùng Tây Bắc. Đặc biệt vùng đất này nổi tiếng với nghề thêu khăn piêu và làm khèn bè. Sau vài giờ thưởng ngoạn cảnh đẹp và không khí trong lành mát dịu trên hồ, du khách sẽ thăm những bản mường nơi đây để thưởng thức những món ăn dân tộc do chính bàn tay của những cô “Sơn nữ Châu Yên” chế biến. Du khách lại được dập dìu trong tiếng trống, đắm mình trong điệu xoè, đầm ấm bên chum rượu cần, cảm nhận thấy sự thân thiện, không khí chan hoà bởi lòng mến khách của dân tộc nơi đây. Hồ Chiềng Khoi là một điểm du lịch sinh thái – văn hoá ngày càng hấp dẫn du khách.
Khám phá hải đăng Mũi Dinh, Ninh Thuận
Từ năm 1904, người Pháp đã xây trên sườn núi cao 300m ở Mũi Dinh (Ninh Thuận) ngọn hải đăng, từ đó đến nay đêm nào nó cũng đỏ đèn, nhấp nháy để báo hiệu cho tàu thuyền vị trí chuyển hướng quan trọng trên đường ra Bắc vào Nam.
Tuy không ở trên đảo xa nhưng Mũi Dinh cũng heo hút và vắng bóng người. Muốn đến Mũi Dinh phải đi bộ chừng gần 10km ven biển, sau đó leo núi, đường dốc ngoằn ngoèo cả tiếng đồng hồ. Bù lại, cái mà Mũi Dinh có thể "chiêu đãi" khách đầu tiên là gió. Vì nằm ở vị trí có thể hứng cả gió Tây Nam lẫn Đông Bắc nên mùa nào gió kéo qua đây cũng lên đến cấp 7. Gió rít qua các khe cửa hú lên những tràng dài suốt đêm. Trong ngôi nhà có tường dày nửa mét theo phong cách kiến trúc của người Pháp với những chiếc cửa cao, hành lang dài hun hút, tiếng gió hú gợi lên cảm giác thật lạ.
Suốt đêm, ngọn hải đăng lặng lẽ quét những luồng sáng dài trên mặt biển. Khi đứng ở hải đăng ta mới thấy được luồng sáng này; còn khi ở xa, trong vòng bán kính 60km, các tàu đi biển sẽ thấy ngọn đèn nhấp nháy như một vì sao theo chu kỳ 20 giây. Ngày xưa, lúc chưa có máy phát điện, hải đăng Mũi Dinh thắp bằng đèn dầu và vòng kính hội tụ xoay bằng một quả tạ nặng chừng 10kg được nhân công kéo lên, quả tạ rơi xuống sẽ làm đèn xoay. Hải đăng được dân đi biển gọi bằng cái tên thân thương là "mắt biển".
Đứng trên "mắt biển" Mũi Dinh thấy trời biển sao sáng lung linh. Đèn tàu thuyền nhấp nháy kỳ ảo để các tàu lưu thông trên biển bắt được tín hiệu, từ đó xác định được vị trí mình đang ở hải phận nào. Nếu đèn gặp sự cố thì tàu thuyền sẽ mất phương hướng, vì thế mà dù "cô đơn" và nhàn rỗi giữa biển khơi nhưng những người gác hải đăng vẫn đêm ngày bám trụ để giữ ngọn đèn luôn sáng.
Hồ Bờ Tân Thắng cảnh đẹp của Bắc Giang Từ TP Bắc Giang đi Hà Nội trên Quốc lộ AH1, đến ngã tư Song Khê-Nội Hoàng rẽ trái đi trên trục đường 298, đường đi thị trấn Neo huyện Yên Dũng, khoảng chừng 10 km, hiện lên trước mắt chúng ta một màu xanh huyền bí của dãy núi Nham Biền những ngọn núi nhấp nhô, xen giữa những cánh đồng lúa...