Thắng Campuchia 3 – 0: Món quà chào tạm biệt và cảm ơn SVĐ Hàng Đẫy 85 năm một hành trình
Trận đấu Việt Nam – Campuchia ngày 24/11/2018 sẽ là lần cuối cùng Hàng Đẫy lắng nghe tiếng hô vang “Việt Nam vô địch”.
Nhằm phục vụ SEA Games 31 vào năm 2021 tổ chức tại Việt Nam, thành phố Hà Nội đã đồng ý giao cho một doanh nghiệp sở hữu CLB Hà Nội FC xây dựng mới sân vận động (SVĐ) Hàng Đẫy với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 6.000 tỷ đồng. Như vậy, ngày hôm nay là lần cuối cùng người Hà Nội nói chung và cổ động viên Việt Nam được cổ vũ màu cờ sắc áo trên SVĐ Hàng Đẫy. Sẽ không còn thấy lớp tường vàng có chút thô kệch hay đôi bờ vách tường được vá lại che đi vết nứt do năm tháng, người ta sẽ thấy một SVĐ Hàng Đẫy hiện đại, tích hợp trung tâm thương mại sang trọng, sân thi đấu đa năng… cùng với đó, là những dấu ấn về một thời vàng son của lịch sử bóng đá nước nhà.
Hàng Đẫy – những ký ức không thể phai mờ, những cảm xúc vẫn còn nguyên vẹn.
Nằm giữa làng Bích Câu và phố Hàng Đẫy cũ, SVĐ Hàng Đẫy ban đầu được xây dựng và sử dụng từ năm 1934. Hàng Đẫy là cái tên SVĐ ghi những dấu ấn vàng của bóng đá Việt Nam, gắn liền với những cột mốc chói lọi của một nền bóng đá từ thời còn non trẻ. Đó là dấu ấn Tiger Cup 1998 với thế hệ của Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Đức Thắng, Hữu Thắng, Đỗ Khải, Công Minh dưới sự dẫn dắt của HLV Alfred Riedl. Trận thắng Thái Lan trên sân Hàng Đẫy của mùa giải ấy đã khuynh đảo cả Đông Nam Á và chiếm trọn trái tim những người hâm mộ Việt Nam sau khi lọt vào tới bán kết. Tiếc rằng Tiger Cup 1998, chúng ta chưa kịp chạm tay vào ngôi vương, nhưng sắc trời Hàng Đẫy trong trận Việt Nam – Thái Lan ấy vẫn là bước chuyển mình lớn nhất của nền bóng đá nước nhà.
Hàng Đẫy là ký ức chẳng thể phai mờ, từ những bước đi chập chững của bóng đá nước nhà, cho tới thời kỳ vàng son của bóng đá Việt Nam. 10 năm sau, bóng đá Việt Nam lên đỉnh Đông Nam Á nhưng là ở một sân khấu khác – sân vận động Quốc gia Mỹ Đình. Người ta vẫn nhắc đến trận chiến Hàng Đẫy năm 5/9/1998, nhắc về “chảo lửa” của Đông Nam Á, nhắc về khoảnh khắc bùng nổ 3-0 trước Thái Lan, nhắc về những đau đớn, những giọt nước mắt sau lưng áo các cầu thủ Singapore khi tuột tay khỏi ngôi vương Đông Nam Á…Việt Nam sẽ không có được ngày hôm nay nếu không có những nỗi đau trên SVĐ Hàng Đẫy năm ấy.
Người ta chỉ được sống lại ký ức của Hàng Đẫy trong những câu nói: “Không thể tuyệt vời hơn! Gần bước sang độ tuổi thất thập cổ lai hy tôi mới được sống lại ký ức bóng đá thời bao cấp. Sân Hàng Đẫy ngày đó luôn chật kín người mỗi khi diễn ra các trận đấu của Thể Công, Công an Hà Nội, Tổng cục Đường sắt… Để mua được 1 tấm vé vào sân phải chen lấn rất khổ. Có vé trong tay rồi thì vô cùng hạnh phúc, bóng đá ngày ấy có giá như vậy đấy”!…
Video đang HOT
Hàng Đẫy cũng phải lớn lên, phải cởi bỏ lớp áo kiến trúc đặc trưng của Việt Nam nửa thế kỷ trước, thô ráp, sơn vàng. Hàng Đẫy rồi sẽ lại là một SVĐ đa năng hiện đại, nhưng người hâm mộ vẫn không thể quên những dấu ấn của một thời vàng son bóng đá Việt Nam.
Hàng Đẫy – Người hùng thầm lặng dìu dắt những thế hệ tiếp nối của bóng đá nước nhà
Khi SVĐ quốc gia Mỹ Đình được hoàn thành vào năm 2003, Hàng Đẫy lùi về sau, buồn bã hơn. Những giải đấu không còn được tổ chức tại Hàng Đẫy, không còn những tiếng hô vang “Việt Nam vô địch”… Hàng Đẫy không còn dang tay chào đón người hâm mộ với những khoảnh khắc bùng nổ, cuồng nhiệt và tự hào. Nhưng không phải vì thế, mà quên đi nhiệm vụ của mình: Hàng Đẫy thầm lặng thực hiện một sứ mệnh khác – dìu dắt những thế hệ tiếp nối của bóng đá Việt Nam.
SVĐ Hàng Đẫy là “sân nhà” của Hà Nội T&T và Viettel. Còn Hà Nội T&T và Viettel là ngôi nhà của Quang Hải, Duy Mạnh, Bùi Tiến Dũng, Văn Quyết… Hàng Đẫy là nơi Quang Hải chạy những bước chạy đầu tiên trên con đường trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, là nơi Duy Mạnh từ một cậu bé đến khi trở thành trung vệ tốt nhất của đội tuyển Quốc gia. Hàng Đẫy đón tiếp hết thế hệ này đến thế hệ khác, nối tiếp nhau xây dựng nên lịch sử bóng đá nước nhà từ những bước chập chững đầu tiên của họ.
Như vậy, nếu Mỹ Đình như một biểu tượng của thời hiện đại, của bóng đá Việt Nam thế hệ mới, thì Hàng Đẫy mới chính là bức tường thành, là cá nôi của bóng đá. Dù Hàng Đẫy vắng vẻ đón tiếp vài trăm người xem các giải đấu trong nước mỗi cuối tuần, hay chỗ ngồi 3 vạn ghế đôi khi quá trống trải chờ đón, khao khát những trận cầu đỉnh cao, hay đôi khi người ta quên đi “chảo lửa” Hàng Đẫy năm xưa, thì Hàng Đẫy vẫn vậy. Lặng im trên phố Trịnh Hoài Đức, âm thầm nuôi dưỡng, dìu dắt những thế hệ tiếp nối những thế hệ. Thời gian qua đi, còn trọng trách ấy, mãi mãi chưa thể hoàn thành.
Nhưng một ngày nào đó, khi giấc mơ chạm tay vào World Cup không còn xa vời với Việt Nam nữa, người ta vẫn sẽ nhớ tới Hàng Đẫy – nơi mà giấc mơ đó bắt đầu.
Món quà chào tạm biệt và cảm ơn sân vận động Hàng Đẫy – 85 năm một hành trình
Hôm nay, Hàng Đẫy chào đón những người con Việt Nam trở về một lần nữa, và đón tiếp đội tuyển nước bạn Campuchia. Chắc ít ai nhận ra rằng, đây là lần cuối cùng Hàng Đẫy bùng nổ như một chảo lửa, lắng nghe tiếng hô vang “Việt Nam vô địch”, Hàng Đẫy trở lại đông vui như ngày nào trước khi nó kết thúc sứ mệnh 85 hành trình đồng hành cùng quả bóng và màu cờ sắc áo của Việt Nam.
“Việt Nam thắng Campuchia đã trở thành chuyện bình thường”, sẽ chẳng có gì là bất ngờ hay kỳ tích như trận Tiger Cup 1998… như thường lệ. 3-0 cũng là một thành tích xứng đáng và ai cũng có thể đoán định được trước. Nhưng là đặc biệt, vì những đứa con được sinh ra và lớn lên trên sân Hàng Đẫy đã chiến đấu những giây phút cuối cùng tại nơi này, như một món quà vô giá tạm biệt và cảm ơn SVĐ Hàng Đẫy. Không chỉ bởi Hàng Đẫy nuôi dưỡng ước mơ bóng đá của họ, mà còn để tri ân những “ký ức Hàng Đẫy” không thể nào quên của bóng đá Việt Nam.
Thế thời thay đổi, Hàng Đẫy cũng phải thay đổi để phù hợp với thời đại, không thể mãi nhỏ bé không còn vừa vặn với sự phát triển của sự nghiệp bóng đá nước nhà. Lúc này đây, Hàng Đẫy “hồi sinh” trong một bộ cánh mới, chắc còn nhiều rung động hơn.
85 năm của Hàng Đẫy, hành trình quá dài và quá rộng. Dài cho lịch sử bóng đá Việt Nam, rộng cho tầm vóc của những người con nước nhà. Tạm biệt Hàng Đẫy, tạm biệt một hành trình. Cảm ơn Hàng Đẫy, cảm ơn những đóng góp, những cống hiến và những hy sinh thầm lặng, cảm ơn một hành trình.
Cuối cùng, cảm ơn đội tuyển Việt Nam. Cảm ơn các anh đã chiến đấu hết mình trên sân Hàng Đẫy nói riêng và trong suốt vòng bảng của AFF Suzuki Cup 2018 vừa qua, để người hâm mộ có những giây phút mãn nhãn và vỡ òa hạnh phúc, và để SVĐ Hàng Đẫy một lần nữa, được sống dậy những cảm xúc vẹn nguyên như ngày đầu.
Ann
Bắt Campuchia mang rổ đựng bóng, Việt Nam vượt mặt Thái Lan để lập nên kỷ lục vô tiền khoáng hậu ở AFF Cup
Với việc thắng đậm 3-0 trước Campuchia, ĐT Việt Nam đã thiết lập nên kỷ lục khó tin ở AFF Cup. Đây là thành tích mà đến cả Thái Lan hay Indonesia cũng chưa hề đạt được.
Bước vào AFF Cup 2018 với tâm thế là ứng cử viên sáng giá cho chức vô địch AFF Cup 2018, ĐT Việt Nam được giới chuyên môn và NHM kỳ vọng rất nhiều. Sau chiến thắng 3-0 trước Campuchia, ĐT Việt Nam thêm một trận đấu giữ sạch lưới. Trải qua cả 4 trận vòng bảng, thủ thành Đặng Văn Lâm không phải trổ tài quá nhiều. Trước đó, chúng ta thắng Lào 3-0, thắng Myanmar 2-0 và hòa Myanmar 0-0.
Kết thúc trận đấu với Campuchia, Việt Nam cũng đi vào lịch sử của giải đấu với thành tích giữ sạch lưới hết vòng bảng ở 2 kỳ AFF Cup khác nhau. Trong quá khứ, chúng ta từng có 1 kỳ AFF Cup không bị thủng lưới vòng bảng là Tiger Cup 2000. Khi đó, thầy trò HLV Alfred Riedl lần lượt hòa Malaysia 0-0, hủy diệt Campuchia 6-0, đánh bại Singapore 1-0 và thắng Lào 5-0.
Trở lại trận đấu trên SVĐ Hàng Đẫy vừa qua, Việt Nam chơi lấn lướt hoàn toàn và chứng minh đẳng cấp vượt trội trước đối thủ. Tiến Linh, Quang Hải và Văn Toàn chính là 3 cái tên lập công cho đội bóng áo đỏ.
Kết thúc vòng bảng, chúng ta tiến vào bán kết với vị trí nhất bảng A. Như vậy, chúng ta sẽ có được lợi thế được nghỉ nhiều hơn đối thủ ở bán kết 1 ngày và được chơi trận lượt về trên sân nhà.
MP
Hủy diệt Campuchia trên Hàng Đẫy, Việt Nam hiên ngang tiến vào bán kết AFF Cup 2018 với ngôi đầu bảng Bước vào trận đấu cuối cùng của vòng bảng AFF Suzuki Cup 2018, ĐT Việt Nam được chơi trên sân nhà và chỉ phải tiếp đón đối thủ yếu hơn là Campuchia. Trên lý thuyết, thầy trò HLV Park Hang Seo chỉ cần một trận hòa là chắc chắn có tấm vé vào bán kết. Thế nhưng các học trò của ông muốn...