Tháng 8 – Mùa thu cho em
Mùa thu đẹp lắm và em cũng vậy… (Ảnh minh họa)
Mùa thu đẹp lắm và em cũng vậy. Trong ánh chiều hoàng hôn của một ngày sắp tắt, ánh mắt tôi dõi theo từng chiếc lá mỏng manh rơi trên con phố vắng cho mắt ai nhìn xa xăm để tự hỏi đã bao lần đặt chân đến nơi này với người yêu dấu.
“Thu đã chớm qua ta vào sắc lá
Áo hàng cây vuơng cả buồn vui
Ai lặng đứng như dòng sông yên ả
Cuốn trôi tôi – một mảnh mênh trời”.
Hôm nay trời vào thu, có phải chăng là thế? Mỗi mùa trong năm đều mang những âm thanh riêng, màu sắc riêng, nhưng có lẽ tôi đã ưu ái cho mùa thu hơn cả. “ Mùa thu Hà Nội” – nó mang trong mình một vẻ đẹp đằm thắm, dịu dàng mà kiêu sa. Với tôi, mùa thu Hà Nội thật tuyệt: đó là khi lang thang ngắm hoa sữa nơi công viên Thủ Lệ một chiều lộng gió, là khi dạo bước dưới những hàng cây lát già cỗi dọc hai bên con đường Đê La Thành cũ kĩ, còn là cảm giác ấm áp khi nhâm nhi một tách cà phê bên Hồ Tây vào mỗi sáng chủ nhật… Tất cả dư vị đó làm tôi thêm sung sướng khi lại sắp được tận hưởng nó, bởi vì có lẽ trời đã vào thu.
Hôm nay trời vào thu – thật vậy. Hình như cái nắng đã không còn gay gắt nữa, sân trường giờ đây đã không còn những màu đỏ hừng hực của hoa phượng, không còn sự rực rỡ trong màu tím ngẩn ngơ của những hàng bằng lăng, không còn tiếng ve râm ran trên từng con phố… mà chỉ có chút gió, gió nhẹ và sự bâng khuâng.
Mùa thu khiến cho con người say mê vì vẻ đẹp đến lạ lùng của nó, chẳng thế mà các thi sĩ, tác gia thường tìm cho mình những tín hiệu riêng để nhận biết mùa thu. Chẳng hạn như Đoàn Chuẩn đã cảm nhận thấy tiết thu trong mùi thơm của cốm ủ lá sen, còn Nguyễn Đình Thi nhận ra thu trong làn hương cốm mới, Trần Đăng Khoa biết thu về khi hoa cau rụng vào những thoáng heo may… còn tôi, tôi nhận ra mùa thu này qua ánh mắt của em nhìn tôi trong chiều Hà Nội, ánh mắt ấy vẫn làm tim tôi phải thổn thức thật nhiều, rất quen thuộc nhưng cũng rất đỗi gần gũi; tôi yêu cái khoảng nắng mùa thu trong đôi mắt em bởi khi nhìn vào đó, tôi cảm thấy mình có một sự bình yên đến lạ kì…
Mùa thu cũng đã đến thật rồi – thật đẹp và lạ lùng, như chính tình yêu của tôi dành cho em vậy (Ảnh minh họa)
Vậy là lại thêm một lần trời đất Bắc nhịp nối vào thu. Nhưng tôi vẫn thắc mắc “Tháng tám mùa thu, lá rơi vàng chưa nhỉ?…”. Khi mà từng bước chân còn nhẹ nhàng, chậm rãi như nhuốm màu cho cái không gian còn đang xoay tròn trong những ngọn gió giao mùa; khi mà còn thoáng chút ngỡ ngàng và bối rối khi chợt nghe thấy tiếng chuông nhà thơ vang lên từ con phố Nhà Chung; khi mà tiếng cười của em bỗng trong vắt tan lịm vào vị đắng huyền ảo của giọt ca phê rồi hoà cùng dòng người xuôi theo từng con phố… tôi chợt thinh lặng, bồi hồi ngắm những chiếc lá lấp lánh đang vẫy đùa trong gió khi dạo bước trên đường Thuỵ Khuê rẽ về Lạc Long Quân…
Tháng 8 – nó mang độ chín rộ của một ngày mùa Hạ. Có lẽ cái thời khắc giao mùa dìu dịu này là không đủ để cho mùa thu chín vàng trên màu của lá, không đủ để đậm đà thêm hương của mùi hoa sữa, không đủ để thêm phần ngọt ngào nơi gánh cốm xanh dọc hai bên đường Phố Cổ và càng không đủ làm sáng bừng như một ngày nắng Hạ, nó chỉ đủ thêm hương sen đượm nồng để có thể làm ngan ngát một chiều hồ Tây…
Có ai biết rằng những bông sen cuối Hạ đang cố gắng toả hương như đón mừng hoa cúc mùa thu đang còn ngập ngừng chưa muốn nở. Để sáng nay ta bỗng thật sự băn khoăn không biết chọn cho mình một bó cúc tinh khôi hay những búp sen đầy sức sống? Tôi đã chọn sen cho một chút gì đấy còn vương vấn mùa hạ cháy bỏng một niềm yêu; Tôi cũng đã chọn sen cho em – em thích chứ, thơm ngào ngạt mà trong vắt giọt yêu thương?
Mùa thu đẹp lắm và em cũng vậy. Trong ánh chiều hoàng hôn của một ngày sắp tắt, ánh mắt tôi dõi theo từng chiếc lá mỏng manh rơi trên con phố vắng cho mắt ai nhìn xa xăm để tự hỏi đã bao lần đặt chân đến nơi này với người yêu dấu. Và ở ngoài kia mùa thu cũng đã đến thật rồi – thật đẹp và lạ lùng, như chính tình yêu của tôi dành cho em vậy…
trang_vk492919@yahoo.com.vn (Theo Bưu Điện Việt Nam)
Video đang HOT
Những câu chuyện đầu thai kỳ lạ
Cậu bé Nguyễn Phú Quyết Tiến là một trường hợp "hồi sinh" kỳ lạ nhưng cũng có nhiều câu chuyện tương tự được phát hiện
Trong những ngày ở xóm Cọi để tìm hiểu về trường hợp của cháu Bình - Tiến, chúng tôi còn biết thêm tại xóm này còn có thêm hai trường hợp "con lộn". Cả hai trường hợp này cũng ly kỳ và lạ lùng rất khó giải thích.
Khi con trai "lộn" vào con gái
Không đến mức đòi về ở hẳn như Bình về với gia đình anh Tân - chị Thuận, nhưng câu chuyện "con lộn" của Bùi Thị Hồng Thắm, ở xóm Cọi cũng được người dân ở Lạc Sơn bàn tán xôn xao. Thắm là con gái nhưng người "lộn" vào cháu lại là con trai.
Tôi tìm đến nhà Thắm khi bóng chiều đã khuất dần sau núi. Nhà cháu nghèo lắm, căn nhà gỗ bé xíu nằm chênh vênh bên sườn núi. Thắm sinh năm 1991, trước Thắm còn có một chị gái. Cũng vì nhà nghèo nên hai chị em đang phải làm phụ hồ ở Hà Nội, bố cháu anh Bùi Thanh Minh cũng đi làm ăn nơi xa thỉnh thoảng mới về một lần.
Hôm tôi đến, một mình chị Bùi Thị Toàn, mẹ Thắm ở nhà. Đã mấy năm nay, chỉ có những ngày lễ tết gia đình chị Toàn mới được tề tựu đông đủ. Ngày thường, chỉ có mỗi chị Toàn vò võ mong ngóng chồng con, ba bố con đi làm ăn xa thế nhưng nhà nghèo thì vẫn hoàn nghèo.
Khi tôi hỏi đến chuyện "con lộn", chị Toàn nhớ lại rồi cười ngặt ngẽo. Chị bảo ngày mới phát hiện Thắm bị "lộn", cháu có những biểu hiện lạ lùng, nhưng cũng buồn cười lắm.
Chị Bùi Thị Toàn, mẹ cháu Thắm
Chị Toàn kể: Khi Thắm bi bô biết nói, một lần hai mẹ con đang chơi đùa bỗng cháu "xị" mặt rồi nằng nặc đòi: "mẹ đưa con về nhà", dù lúc đó đang ở trong nhà mình. Nghĩ trẻ con chưa hình dung được đâu là nhà mình nên chị Toàn đã cố diễn giải đây chính là nhà. Thế nhưng Thắm vẫn không chịu, chị Toàn nghĩ chắc cháu đòi sang nhà bà nội ngay sát vách. Chị bế cháu sang nhà bà nhưng vẫn không phải. "Nhà ở ngoài kia cơ", Thắm bảo.
"Thì ra con bé này đòi đưa đi chơi nên nói thế", chị Toàn nghĩ vậy và quát Thắm. Sợ mẹ, cháu không dám đòi nữa.
Một hôm, ở ngoài nhà kho của thôn chơi, hôm đó là ngày hội làng nên người trong làng tụ tập tại đây rất đông. Đang chơi đùa ở sân bỗng nhiên Thắm nói với bà nội: "Mẹ cháu kia kìa".
Đó là bà Nguyễn Thị Nghe, người ở đầu làng. Do xóm Cọi rộng, nên nhà chị Toàn và nhà bà Nghe dù cùng xóm nhưng cũng chỉ biết nhau qua loa. Mới 3 tuổi, Thắm có thể nhận nhầm mẹ nên bà nội nói với cháu: đó không phải mẹ cháu, mẹ hôm nay lên nương.
Kiếp trước của Thắm là "con trai"?
Lúc Thắm được 5 tuổi, hôm đó cháu được bố mẹ cho ra đồng. Khi trở về, đi qua nhà bà Nghe, cháu chỉ tay rồi bảo với bố mẹ "nhà con đây này". Nghĩ buồn cười quá, chị Toàn bảo lại con "con thích thì mẹ đưa vào nhà con", thế nhưng khi vừa bước vào cổng Thắm đột nhiên dừng lại: "Con không vào nữa đâu, chị Hằng đang ở trong đó, con ghét chị ấy vì chị đã xui con trèo cây làm con ngã chết".
Nghe con nói vậy, chị Toàn bèn hỏi lại nửa đùa nửa thật: "Thế con là ma Ly à". Người Mường thường gọi người chết là "ma", vì biết Ly, con trai bà Nghe đã chết nên chị Toàn mới hỏi vậy. Tưởng trêu vậy thôi, ai ngờ con bé gật đầu. Từ hôm đó, chị Toàn mới "xâu chuỗi" lại toàn bộ những biểu hiện lạ thường từ ngày con bé cứ đòi chị "đưa về nhà con".
Chị bắt đầu nghĩ đến chuyện thằng ma Ly nó đã "lộn" về con Thắm nhà mình. Người Mường vốn xem đây là chuyện bình thường nên vợ chồng chị Toàn chẳng sợ sệt một chút nào, thậm chí ngày ngày vẫn hỏi chuyện và trêu đùa con bé.
Nói thêm về ma Ly, bà Nghe sinh được bốn người con, trong đó Ly và Hương (con gái) là cặp song sinh. Một hôm Ly và Hương (lúc đó 7 tuổi), được chị gái tên Hằng dẫn đi hái ổi ở bên triền núi. Là con trai nên Ly được phân công trèo lên hái quả. Quả ổi nằm tít ngoài xa, Ly rất vất vả nhưng vẫn không tài nào hái được.
Hằng ở dưới cứ động viên em cố lên và trong một phút sẩy chân, Ly ngã rơi xuống đất. Cháu bị chấn thương sọ não và mất ngay sau đó.
Trưởng bản Cọi, anh Bùi Văn Tỉnh
Có nhiều trường hợp khác
Có một câu chuyện mà mãi đến khi Thắm nói rằng cháu chính là ma Ly thì chị Toàn mới nhớ lại. Đó là ngày còn mang thai Thắm, chị vốn là người yếu nên khi mang thai ốm đau liên miên. Một hôm đi chợ ngoài thị trấn về chị bị cảm, trong cơn mê man chị mơ một giấc mơ rất sợ.
Một đứa bé rách rưới cứ đuổi theo làm chị chạy trốn mãi, thế nhưng vì mệt quá nên đến lúc thằng bé cũng đuổi kịp và bắt lấy chị. Giật mình tỉnh dậy, đem câu chuyện vừa mơ kể lại với chồng nhưng anh bảo mệt trong người mơ thấy những điều sợ hãi là chuyện bình thường.
Chị Toàn sau đó cũng chỉ nghĩ vậy và cho đến ngày Thắm nhận mình là ma Ly chị mới nghĩ lại và cho rằng đó không chỉ là giấc mơ. Có thể thằng bé trong giấc mơ đó chính là ma Ly và nó đã theo chị về nhà từ đó.
Chị Toàn đã có lần hỏi Thắm, sao con không theo về những nhà giàu cho sướng lại theo mẹ nghèo mà khổ. Thắm bảo, hôm đó mẹ đi chợ về, con nhìn thấy mẹ xinh nên đi theo mẹ. Như vậy, giấc mơ của chị Toàn ngày đó là đúng sự thật.
Chuyện ma Ly "lộn" vào Thắm cũng nhanh chóng lan toản ra khắp nơi. Mọi người lạ ở chỗ, đây là trường hợp đầu tiên một người con trai lại "lộn" vào người con gái. Trước đây, Thắm học cùng với cậu út nhà bà Nghe và chơi rất thân với cháu này. Ban đầu mọi người không biết chuyện nên cứ trêu "chắc con bé này nó thích con bà Nghe".
Sau khi mọi người đã biết không còn ai trêu đùa nữa. Thắm giờ đã đi lại với gia đình bà Nghe và nhận bà làm mẹ. Thắm được gia đình bà Nghe xem như người con ruột rà trong nhà. Dù không về ở cùng nhưng tình cảm giữa Thắm và gia đình bà Nghe là rất sâu đậm.
Ông Bùi Văn Tỉnh, xóm trưởng xóm Cọi cho biết: "Ở xóm Cọi đã ghi nhận ba trường hợp con lộn. Người Mường quan niệm, những đứa trẻ dưới 12 tuổi bị chết bất đắc kỳ tử có khả năng "lộn" về và vào một người nào đó. Người bị lộn sẽ có khả năng nhớ và kể lại những gì diễn ra trước khi chết một tháng. Thế nhưng, sau 12 tuổi người được "lộn" lại trở về trạng thái bình thường".
Trái với những gì ông Tỉnh nói, theo như lời chị Toàn kể thì Thắm nhớ được rất nhiều chuyện. Có lần Thắm tự dưng nói với chị hàng xóm cạnh nhà bà Nghe rằng "ngày xưa em trèo ổi nhà chị bị chị đánh mấy lần". Chị này khẳng định đúng là ngày xưa Ly hay trèo ổi nhà chị và bị chị đuổi thật.
Cô giáo Quách Thị Đức và đứa "con lộn" Bùi Thị Thu
Một hôm Thắm gặp người trong làng, người đó bằng tuổi Ly và hơn cháu rất nhiều tuổi và bảo: "Mày nhớ tao không, ngày trước tao với mày toàn đi đá bóng với nhau nhỉ". Người này nghe Thắm xưng mày tao, ban đầu nghĩ cháu hỗn, nhưng sau biết đó là Ly lộn về nên cười xoà bởi cháu nói hoàn toàn chính xác.
Thắm hiện nay vẫn được mọi người trong gia đình, bạn bè và cả xóm bản gọi bằng cái tên thân thương -Ma Ly. Chị Toàn bảo cháu rất vui với cái tên đó. Chị cũng thoải mái cho cháu đi lại vì nhà bà Nghe cũng rất nghèo. Thắm đi lại vì cái tình của... người con lộn, chứ không vì mục đích gì khác.
Ngoài Bình, Thắm, tại bản Cọi còn có cháu Thu con cô giáo tiểu học Quách Thị Đức. Thu cũng được một người chết trong bản lộn về từ bé. Ngày bé, Thu cũng nằng nắc đòi "về nhà con". Tuy nhiên, vì nhà có người chết đó rất giàu có nên chị Đức đã không cho cháu về ở cùng gia đình đó, chị sợ mang tiếng hám tiền nên bịa ra chuyện này.
Thu hiện nay cũng được gia đình nhà đó nhận làm con và đi lại rất gần gũi. Chị Đức bảo: "Nếu tôi không ngăn cấm quyết liệt từ bé thì nó về ở hẳn bên đó thật". Hiện Thu đã lớn và đang học lớp 9 trường huyện.
Khi đi tìm hiểu thực hư câu chuyện "con lộn" tại Vụ Bản, chúng tôi cũng thật sự bối rối và không biết khẳng định thế nào. Tiếp xúc với những người trong cuộc như bố mẹ những người chết, bố mẹ những cháu được coi là có "con lộn" họ đều khẳng định đó là câu chuyện có thật.
Kể cả cô giáo Đông, cô Đức cũng khẳng định điều đó. Cả ba trường hợp vẫn đang là "người thật việc thật" ở Lạc Sơn chứ không chỉ là câu chuyện kể hay truyền thuyết gì.
Theo Vietnamnet
Teen và thói quen thích "show off" tình yêu Chẳng lạ lùng khi thấy hình ảnh những cặp đôi quấn quýt, nồng thắm bên nhau trên mạng xã hội. Cũng không thiếu những câu chuyện khoe người yêu của teen, nhưng việc "show off" tình yêu vẫn còn nhiều vấn đề đáng nói. Ngại gì không khoe? Với suy nghĩ "Tốt khoe xấu che" nhiều bạn chẳng ngại việc công khai yêu...