Tháng 7 mưa ngâu vẫn nhiều show ca nhạc tại Hà Nội
Người phương Đông quan niệm tháng 7 Âm lịch là tháng cô hồn, nhiều thứ nên kiêng kị, các nhà tổ chức, ca sĩ cũng ngại tổ chức đêm nhạc trong tháng này. Nhưng năm nay thì khác.
Mọi năm, thị trường âm nhạc tại Hà Nội thường không sôi động vào những tháng cuối mùa hè và “mùa” của các live show ca nhạc là tháng 9, 10 khi Hà Nội vào chính thu chứ không phải 7, 8 Dương lịch. Thế nhưng năm nay thì khác, chỉ tính riêng trong tháng 7 vừa qua, tại Hà Nội đã có tới gần chục chương trình âm nhạc của các ca sĩ: Thanh Thảo, Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Đinh Mạnh Ninh, Giang Trang… Còn tháng 8 này, Hà Nội cũng có ít nhất là 5 show lớn, trong đó nhiều show có tới 2 đêm diễn dù tháng này, Âm lịch là tháng 7, vẫn được gọi là tháng “cô hồn”.
Nhiều show ca nhạc tại Hà Nội trong tháng “cô hồn”
Mở màn là đêm diễn Nhạc tình muôn thuở tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô vào tối 6/8 với sự trở lại của ca sĩ Mạnh Đình sau nhiều năm vắng bóng tại sân khấu thủ đô. Đêm nhạc còn có sự góp mặt của Quang Lê và Phi Nhung, bộ ba với sự chuẩn mực về cái “đẹp” trong giọng hát cũng như phong cách biểu diễn đã làm thổn thức nhiều thế hệ yêu nhạc quê hương, trữ tình Việt Nam – sẽ đưa khán giả thủ đô chìm vào dòng cảm xúc thiết tha, ngọt ngào của những tình khúc bất hủ.
Một tuần sau đêm nhạc bolero, cũng tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô sẽ diễn ra đêm nhạc Diva Việt Nam: Gặp gỡ mùa thu. Bốn giọng ca nhạc nhẹ hàng đầu là Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Trần Thu Hà sẽ không chỉ biểu diễn những ca khúc nổi tiếng được yêu thích trong sự nghiệp mà còn mang đến cho khán giả những bài hát từ rất “xưa”, có thể ngay chính những diva cũng không còn lưu giữ.
Bên cạnh âm nhạc, bốn giọng ca hàng đầu nhạc nhẹ cũng sẽ lần đầu tiên cùng tâm sự về một cuộc sống rất đỗi đời thường, những sẻ chia, những góc khuất và cả những điều sâu kín mà công chúng chưa từng được biết bao giờ.
Đêm nhạc DIVA Việt Nam diễn ra trong tháng 7 Âm lịch được nhiều người yêu nhạc chờ đợi. Ảnh: CTCC
Cùng thời gian với đêm nhạc của “bộ tứ” diva Việt, tại Nhà hát Lớn diễn ra live show đầu tiên trong sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Cường với tựa đề Tuổi thơ tôi Hà Nội. Trong chương trình, Nguyễn Cường sẽ kể câu chuyện của một chàng trai sinh ra và lớn lên ở Hà Nội.
Và dù có đi bất cứ nơi nào, thậm chí nhiều người nghĩ rằng chàng sinh ra từ núi rừng Tây Nguyên với chiếc mũ cao bồi và giai điệu bốc lửa thì cuối cùng chàng trai ấy vẫn luôn khẳng định một tình yêu Hà Nội sâu sắc và nồng nàn. Đêm nhạc diễn ra trong hai ngày 13, 14/8 với sự góp mặt của Siu Black, Thanh Lam và Tùng Dương.
Ngày 13/8, tại Hà Nội còn một sự kiện âm nhạc đáng chú ý khác đó là liên hoan âm nhạc Vietnam Connection Music Festival, diễn ra tại phòng Hòa nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Vietnam Connection Music Festival được tổ chức lần thứ 2 với mục đích chia sẻ kinh nghiệm và giao lưu văn hóa giữa các nghệ sĩ tên tuổi, uy tín của Việt Nam cùng với các nghệ sĩ, nhà hoạt động âm nhạc tài năng quốc tế đến từ nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Balan, Estonia, Đức, Brazil, Venezuala, Nam Phi, Nhật Bản… Chương trình có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ trong và ngoài nước như: Bùi Công Duy, Elliot Figg, John Moore, Lan Jiang, Bronwyn Banerdt, Zhan Shu, Chương Vũ…
Video đang HOT
Kết lại tháng Bảy “mưa ngâu” là show Gặp gỡ mùa thu diễn ra vào lúc 20h ngày 27 và 27/8 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô. Chương trình nhận được sự quan tâm của nhiều khán giả, đặc biệt là người mộ điệu các sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đêm nhạc có sự tham gia của Khánh Ly, Lệ Thu và Hồng Nhung. Đây cũng là lần đầu tiên 3 giọng ca nữ được cho là thể hiện nhạc Trịnh thành công nhất cùng đứng chung một sân khấu.
Đêm nhạc của Nguyễn Cường diễn ra trong hai ngày 13, 14/8 với sự góp mặt của Siu Black, Thanh Lam và Tùng Dương. Ảnh: CTCC
Tại sao tháng Bảy mưa ngâu vẫn nhiều show ca nhạc?
Trao đổi với Zing.vn, nhạc sĩ – nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long cho biết: “Những năm trước đây, tháng 7 âm lịch thường không nhiều các chương trình âm nhạc. Mọi người vẫn thường quan niệm đây là tháng cô hồn phải kiêng kị, các nhà tổ chức, ca sĩ cũng ngại tổ chức đêm nhạc của mình. Việc tháng 7 năm nay có nhiều chương trình, tôi nghĩ, hai nguyên nhân không thể không kể đến là thời tiết và điều kiện kinh tế”.
“Đúng ra tháng 7 Âm lịch thường mưa nhiều, mưa ngâu, mưa rả rích và khán giả sẽ ngại mua vé tham dự các đêm nhạc. Nhưng thời tiết hiện nay, mưa nắng thất thường, chu kỳ thời tiết có nhiều thay đổi, tháng 7 năm nay tương đối khó ráo, không mưa liên tục như trước. Ngoài ra, dễ thấy tình hình kinh tế năm nay tương đối ổn định, công chúng có điều kiện hơn, do vậy, không ngại bỏ tiền để thưởng thức các chương trình nghệ thuật. Và có lẽ không chỉ tháng 7 mà nhìn chung năm nay, Hà Nội cũng sẽ có nhiều show hơn mọi năm” – anh Nguyễn Quang Long khẳng định.
Còn anh Hồng Quang Minh – giám đốc truyền thông của nhiều chương trình âm nhạc lớn tại Hà Nội nêu quan điểm: “Việc năm nay có nhiều show ca nhạc vào tháng 7 âm, tôi nghĩ, trước hết đó là một sự ngẫu nhiên. Sau đó, phụ thuộc vào chu kỳ chương trình âm nhạc ở Hà Nội. Dễ thấy cứ 4-5 năm một lần, Hà Nội lại có những chương trình bán vé đắt, như một chu kỳ. Còn ở TP HCM, chương trình bán vé đắt thường không bán được”.
“Ngoài ra, 2 năm gần đây mức độ đầu tư cho các chương trình âm nhạc ở Hà Nội cũng mạnh mẽ hơn. Các nhà sản xuất nghĩ ra nhiều ý tưởng từ nội dung đến hình thức và không ngại bỏ tiền cho đêm diễn của mình. Những chương trình đầu tư ắt hẳn sẽ được khán giả yêu thích mà khán giả yêu thích thì các nhà tổ chức lại tiếp tục làm, đó cũng lại là một chu kỳ khác” – nam giám đốc truyền thống nói.
Bên cạnh đó, anh Hồng Quang Minh cũng chỉ ra một nguyên nhân khác khiến tháng “cô hồn” năm nay nhiều show ca nhạc: “Show ca nhạc phân ra làm 2 loại, chương trình âm nhạc hoặc event của nhãn hàng. Tháng 7 thường các nhãn hàng sẽ không tổ chức sự kiện, do vậy các ca sĩ thường trống lịch và các nhà tổ chức sẽ dễ dàng hơn để mời họ”.
“Ví như sắp tới có đêm của 4 diva, bình thường đâu dễ để tập hợp đủ cả 4 người vì các chị thường rất bận đi hát sự kiện. Một lý do vô tình nhưng lại khiến tháng 7 năm nay nhiều show ca nhạc” – anh Minh chia sẻ.
Theo Zing
Nguyễn Cường: 'Tầm cao Siu Black nhiều ca sĩ không với tới'
Tác giả "Ly cà phê Ban Mê" ví giọng hát của Siu Black như núi lửa tuôn trào với tầm cao mà nhiều ca sĩ không thể với tới. Ông bảo đó là một người không dễ gì kiếm được.
- Khi Siu Black vừa chơi guitar vừa hát trong một cuộc thi âm nhạc vào năm 17 tuổi, ông đã nói "Trong vòng 20 năm nữa, chắc chắn Tây Nguyên sẽ không có một giọng hát nào được như Siu Black". Hơn 30 năm đã trôi qua kể từ ngày đó, ông thấy nhận định của mình thế nào?
- Thực ra, tôi nói là 10 năm, một khoảng thời gian mà mình ước lượng và tiên đoán như vậy chứ không phải là 20 năm như nhiều tờ báo ghi chép lại. Nhưng điều đó không quan trọng, quan trọng là chúng ta đã đi quá xa so với 10 năm. Và như mọi người thấy, tính đến thời điểm hiện tại, Siu Black vẫn là giọng ca nữ nổi bật nhất của núi rừng Tây Nguyên.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường. Ảnh: Quang Đức
- Ông là người có công phát hiện và đưa những giọng ca xuất sắc của Tây Nguyên như Y Moan, Siu Black đến với công chúng. Ông nghĩ gì về cuộc gặp gỡ giữa mình và Siu Black?
- Tôi coi đó là định mệnh không thể thay đổi. Mọi người thường nói, nhờ có những sáng tác của tôi mà Y Moan hay Siu Black nổi tiếng nhưng tôi lại nghĩ khác. Tôi tâm niệm nếu không có tôi cũng sẽ có những người nhạc sĩ khác đến với Tây Nguyên và sáng tác những ca khúc về nơi này. Còn Y Moan và Siu Black thì vẫn ở đó. Không có tôi, vẫn có người phát hiện ra họ và họ vẫn có vị trí của mình. Thế nên tôi mới coi đó là cuộc gặp gỡ định mệnh như một cơ duyên đã được sắp đặt.
- Vậy Siu Black có vị trí như thế nào trong chặng đường âm nhạc của ông?
- Siu Black rất đặc biệt, cách hát đặc biệt, nói tóm lại cái gì cũng đặc biệt. Tây Nguyên có Y Moan và sau có Siu Black, đi tìm cũng không thể nào ra được. Giọng hát và nội lực của Y Moan và Siu như núi lửa tuôn ra với bản năng tinh tế nhất có thể. Đó là tinh hoa âm nhạc của Tây Nguyên.
Đất nước có rất nhiều dân tộc khác nhau, dân tộc nào cũng có những làn điệu dân ca rất hay và rất riêng. Và Tây Nguyên cũng có chất riêng núi rừng không thể lẫn lộn. Ở vùng đất đó, chúng ta đã khám phá ra hai giọng hát là Y Moan và Siu Black. Khó ai có thể hát về Tây Nguyên mà bì được hai người họ, mãnh liệt như thác đổ, phun trào như nham thạch vậy.
- Nhiều người cho rằng, Siu Black hiện phải lo chuyện trả nợ và do vậy giọng hát không còn được rực lửa như xưa. Ông nghĩ sao?
- Siu hát bài nào ở đâu đó để kiếm tiền thì tôi không biết, còn khi hát nhạc của tôi, Siu vẫn luôn là Siu, chưa hề thay đổi chút nào, luôn rực lửa và hát hết mình. Cách đây khoảng một năm tôi gặp Siu và cách đây mấy tháng tôi cũng gặp Siu. Siu vẫn vậy, không khác trong âm nhạc và giọng hát.
Siu vẫn như xưa, thậm chí chính sự kìm nén lâu ngày với nhiều tâm sự khiến Siu có nhu cầu muốn được phun ra, như núi lửa cần đến lúc tuôn trào. Năng lượng ở Siu vẫn đong đầy và không hề vơi cạn. Đó là lý do tôi trực tiếp gọi điện mời Siu tham gia đêm nhạc Tuổi thơ tôi Hà Nội vào ngày 13, 14/8 và Siu vui vẻ nhận lời ngay. Trong đêm nhạc, tôi không cần Siu vươn đến tầm cao mới nào cả vì chỉ cần tầm cao cũ của Siu thôi cũng đã không ai với tới rồi. Tầm cao vốn có của Siu đã quá cao so với nhiều ca sĩ khác.
Siu Black là giọng ca nữ gắn bó mật thiết với âm nhạc Nguyễn Cường.
- Nhiều người luyến tiếc cho một giọng hát "trời cho ai nấy hưởng" như Siu Black vì chị ấy chỉ gắn bó với âm nhạc của ông mà ngại khai phá những "vùng đất" khác để phát huy hết giọng hát của mình. Ông nghĩ gì?
- Tôi lại nghĩ không phải như vậy. Ở nước ngoài, khi hỏi một nhạc sĩ, người ta sẽ bảo bài của ông ca sĩ nào hát. Còn khi hỏi một ca sĩ, người ta sẽ bảo bài đó là sáng tác của ai, tác giả nào viết bài đó, chứ không có chuyện một ca sĩ, nhạc sĩ giời ơi, đất hỡi nào đó.
Âm nhạc cần phải tạo thành một hệ thống thì mới có thể gây ấn tượng. Và tôi nghĩ nhạc sĩ luôn cần phải có ca sĩ ruột của mình và ngược lại. Nhưng tất nhiên, như một quy luật được cái nọ thì mất cái kia. Giống như anh yêu một cô gái và anh yêu 10 cô gái. Nếu anh yêu một cô, bao sắc hương người đó sẽ dành cho anh, còn nếu anh yêu 10 cô thì có lẽ mỗi cô chỉ cho anh một chút hương vị mà thôi.
Siu Black mà hát một loạt các sáng tác khác thì có thể chúng ta sẽ không có một Siu như bây giờ. Còn chuyện luyến tiếc hay không, tôi nghĩ mỗi người luôn phải chấp nhận, không ai được tất cả và cũng không ai mất tất cả. Chúng ta luôn cần phải có sự lựa chọn cho riêng mình.
- Những ca khúc về Tây Nguyên của ông đã vượt ngoài phạm vi của một vùng địa lý và được khán giả của cả nước yêu mến. Nhiều người bảo không có ông thì sẽ không có Siu Black nhưng chắc hẳn chị ấy cũng đóng góp rất lớn trong việc phổ biến những ca khúc về núi rừng của ông. Quan điểm của ông thế nào?
- Nói chung, tôi không quan tâm chuyện ấy, đúng hơn tôi không quan tâm tác phẩm của tôi như thế nào sau khi sáng tác. Khi tôi sáng tác xong, được ca sĩ hát là tôi hoàn thành công việc, còn ca khúc đi đâu, số phận thế nào đó là việc của chính nó như chàng trai, cô gái 18 tuổi được tự quyết con đường của mình.
Ví như chuyện tôi viết một ca khúc cho sinh viên trường mỏ địa chất, tôi cũng không nghĩ rằng 40 năm sau, bài hát đó lại được hát ở tận Bắc Kạn, lại do một chủ tịch xã người Dao hát. Một ca khúc không được in ấn gì cả mà nó đã tự đi như thế. Thế nên, việc ca khúc đến với công chúng là tự nó và người nhạc sĩ muốn cũng không được.
Theo Zing
Siu Black trở lại Hà Nội tham dự đêm nhạc Nguyễn Cường Siu Black, người đàn bà với chất giọng rực lửa của nắng gió đại ngàn là một trong những ca sĩ góp mặt trong live show riêng đầu tiên trong sự nghiệp âm nhạc của Nguyễn Cường. Nhạc sĩ Nguyễn Cường tổ chức live show riêng đầu tiên với tựa đề Tuổi thơ tôi Hà Nội. Ông bảo: "Tôi thực sự rất háo...