‘Tháng 5 để dành’ – phim thanh xuân nhạt và đơn điệu
Câu chuyện tình yêu tuổi học trò trong bộ phim “ Tháng 5 để dành” được xây dựng tương đối đáng yêu, nhưng thực tế không quá gì nổi trội, hấp dẫn.
Trailer bộ phim ‘Tháng Năm để dành’ Bộ phim dựa trên loạt truyện online “Ranh giới” nổi tiếng với thế hệ 8X.
Thể loại: Lãng mạn, hài hước
Đạo diễn: Lê Hà Nguyên
Diễn viên chính: Xuân Hùng, Minh Trang, Đức Ngụy
Zing.vn đánh giá: 6/10
Tháng 5 để dành có phần nội dung chuyển thể từ tiểu thuyết trên mạng Ranh giới.
Được chuyển thể từ tiểu thuyết mạng Ranh giới, Tháng 5 để dành xoay quanh mối tình tuổi học trò giữa Hiếu (Xuân Hùng) và Mai Ngọc (Minh Trang) vào những năm đầu thế kỷ XXI.
Hiếu vốn là cậu học sinh lớp 11 yêu thích văn thơ, với những rung động và tò mò thuở đầu đời về tình yêu và giới tính.
Giống như bao bạn học khác, cậu phải lòng cô lớp phó học tập xinh xắn và tài năng Mai Ngọc.
Trong một lần làm chung báo tường, cô gái cũng bắt đầu “cảm nắng” cậu bạn cùng lớp ngây ngô. Song, mối tình tưởng chừng hồn nhiên của họ sớm gặp phải vô vàn sóng gió.
Bối cảnh mang đậm tính hoài niệm
Giống với Em gái mưa cách đây ít lâu, Tháng 5 để dành tiếp tục mang đến cho khán giả cả bầu trời kỷ niệm với bối cảnh những năm đầu thập niên 2000 ở vùng quê Bắc Bộ. Lúc này, tuổi học trò gắn liền với những buổi đá bóng sau giờ lên lớp hay trò chơi điện tử Rồng Đen.
Yahoo! chỉ mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam, nhưng lại khá “đắt đỏ” khi người dùng phải bỏ ra 2.000 đồng cho mỗi giờ lên mạng. Ê-kíp bộ phim tỏ ra khá tỉ mỉ khi tái hiện những chi tiết nhỏ nhất của thời kỳ bấy giờ với chiếc TV, đầu đĩa cũ kỹ, hay căn phòng của Hiếu với đầy ảnh của Đan Trường, Cẩm Ly…
Ê-kíp Tháng 5 để dành rất cố gắng để tạo ra bối cảnh những năm đầu thập niên 2000 tại một vùng quê Bắc Bộ.
Loạt ca khúc yêu thích mà các nhân vật dùng để tỏ tình cũng gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ khán giả 8X, 9X khi chương trình Làn sóng xanh đang phủ sóng khắp nơi. Riêng với các bạn nam như Hiếu hay Sơn (Đức Ngụy), họ còn chuyền tay nhau đĩa phim “cấp III” hay truyện “đen” in khổ nhỏ như những tò mò giới tính tuổi mới lớn.
Không những thế, đoàn phim còn đầu tư về mặt hình ảnh với bối cảnh làng quê miền Bắc yên bình cùng những rừng cây rất đẹp. Con đường kỷ niệm của bộ đôi Hiếu và Ngọc tại hồ Đại Lải (Vĩnh Phúc) mang đậm chất thơ và lãng mạn như những dòng ký ức ngọt ngào.
Tuy nhiên, nếu tinh ý, khán giả có thể phát hiện ra một vài chi tiết, đồ vật không hợp lý với bối cảnh thời gian trong phim, như bức ảnh Avril Lavigne sai thời kỳ, nhiều bạn học sinh mặc quần đồng phục bó…
Câu chuyện tình yêu ngây thơ nhưng thiếu đột phá
Bên cạnh phần hình ảnh, Tháng 5 để dành còn khiến người xem thổn thức nhớ về thời cắp sách đến trường bằng câu chuyện tình ngây ngô tuổi học trò. Giống như Cô gái đến từ hôm qua, mối tình giữa Hiếu và Ngọc được kể dưới góc nhìn đơn phương của chàng trai với đủ kiểu suy tư tuổi mới lớn.
Từ việc lén nhìn hay theo đuôi đối phương, tự tưởng tượng ra mọi hình ảnh trong đầu cho tới lên mục hỏi đáp của báo in để nhờ tư vấn, tất cả đều hiện lên rõ nét. Sự ngại ngùng của tuổi học trò cũng được xây dựng rất đỗi đáng yêu khi các nhân vật dồn hết can đảm để tỏ tình, rồi vội vàng quay đi vì “quê” và sợ đối phương giận hờn.
Câu chuyện tình cảm giữa hai nhân vật chính cứ diễn ra nhàn nhạt, có lúc lê thê không cần thiết, có lúc lại quá vội vàng.
Tái hiện được cái chất nhẹ nhàng của tình yêu tuổi mới lớn, nhưng Tháng 5 để dành thực tế không đem lại nhiều đột phá cho thể loại phim ngôn tình vốn được điện ảnh Việt triệt để khai thác trong vài năm trở lại đây.
Chuyện phim chỉ đơn giản là tình yêu của hai nhân vật chính với chút sóng gió quen thuộc như nhiều tác phẩm cùng loại. Phần đầu tác phẩm khi Hiếu đơn phương đem lòng yêu Mai Ngọc bị dài dòng và lan man. Mạch phim chậm chạp cùng nhiều phân cảnh bị kéo dài không cần thiết dễ mang đến cảm giác sốt ruột.
Tuy nhiên, phần tỏ tình rồi yêu nhau của hai nhân vật chính lại có lối xử lý quá gấp gáp. Cả hai chỉ mới từ thích thầm rồi chuyển sang yêu say đắm chỉ qua vài tình huống còn gượng ép.
Những khó khăn mà hai người gặp phải cũng chỉ đơn thuần nằm ở việc gia đình hai bên phản đối vì họ mới ở lứa tuổi học sinh. Song, cách Tháng 5 để dành tạo kịch tính cũng như giải quyết mâu thuẫn còn mang đậm tính kịch.
Cộng với sự thiếu cảm xúc cần thiết giữa hai nhân vật chính, cái kết gấp gáp vốn phải gây ra nhiều nước mắt khi tất cả đứng trước ngưỡng cửa đầu đời khó gây ra được cảm hứng cần thiết.
Thiếu vắng một nhân vật tạo điểm nhấn
Một lý do khác khiến cốt truyện phim bị thiếu đột phá còn nằm ở tính cách của hai nhân vật chính khi họ không có bất cứ điểm nhấn nào đáng kể. Tác phẩm của Lê Hà Nguyên chỉ có mỗi cậu bạn thân Sơn để tạo tiếng cười. Song, đất diễn của anh là quá ít.
Ở Cô gái đến từ hôm qua, khán giả có Hải (Jun Phạm), Hồng Hoa (Hoàng Yến Chibi), hay Ước hẹn mùa thu đem tới Bình (Hoàng Phi), Phong (Duy Khánh), để giúp câu chuyện gốc trở nên sinh động hơn. Thậm chí, bản thân nhân vật Việt An (Miu Lê) có cá tính mạnh để gây tiếng cười cho người xem.
Cả hai nhân vật chính đều không gây đủ ấn tượng cho người xem, còn các diễn viên phụ thì có quá ít đất diễn.
Với Tháng 5 để dành, Hiếu và Ngọc đều là mẫu nhân vật ngoan hiền, học giỏi điển hình đến mức nhàm chán. Cả hai gây cười chỉ bởi quá gượng gạo. Câu chuyện tình của họ cũng bởi vậy mà từ từ trôi đi, chẳng có sóng gió nào đáng kể trừ một lần để cảm xúc đi quá trớn của Hiếu.
Một điểm trừ nữa của tác phẩm là phần lời thoại gsượng gạo, kém tự nhiên. Đôi lúc, khán giả cảm giác như các diễn viên trên màn ảnh đang trả bài cho cô giáo, chứ không phải nói lời yêu.
Dù đã rất cố gắng, cả Minh Trang lẫn Xuân Hùng không để lại bất cứ dấu ấn diễn xuất nào, bất chấp cả hai đều sở hữu ngoại hình sáng. Trừ một vài phân cảnh ít ỏi đòi hỏi nội tâm, cả hai gần như chỉ có biểu cảm ngây thơ và ngại ngùng.
Nhìn chung, Tháng 5 để dành giống như dòng ký ức đẹp về thời cắp sách đến trường của mỗi người với những cảm xúc tinh khôi tuổi mới lớn. Tuy nhiên, bộ phim cũng mới chỉ thành công ở việc đem lại sự hoài niệm, chứ khó có thể đẩy cảm xúc người xem đi xa hơn.
Theo zing.vn
Tháng 5 Để Dành và hành trình đi từ tiểu thuyết mạng lên màn ảnh rộng
Tháng 5 Để Dành đã trải qua một quá trình đầy khó khăn trước khi xuất hiện trên màn ảnh rộng.
Là bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết mạng Ranh Giới nổi tiếng, Tháng 5 Để Dành đã khai thác chủ đề tình cảm chốn học đường với những biến đổi tâm lý khác nhau. Tuy nhiên, việc thực hiện bộ phim là điều không hề dễ dàng khi chính tác giả của tiểu thuyết Ranh Giới là Rain8x (Hoàng Trung Hiếu) ngăn cản, và khi được sự đồng ý, cả ê-kíp đã dành ra hơn 3 năm để hoàn tất bộ phim.
Quay trở lại cột mốc 2009, khi Ranh Giới bất ngờ nổi lên như một hiện tượng văn học trên nền tảng Blog360. Bằng chất giọng tự sự rất đời, đánh trúng tâm lý của biết bao thế hệ độc giả 8-9x, tập hồi ức nhanh chóng thu hút đông đảo khán giả, trong đó có cậu thanh niên tên Đức Ngụy. Do quá ấn tượng trước phần nội dung đặc sắc của Ranh Giới, lúc theo học tại trường Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, anh rủ rê hội bạn thân gồm đạo diễn Lê Hà Nguyên, biên kịch Trịnh Quang Minh, diễn viên Minh Trang, Xuân Hùng... lập nhóm làm phim. Đảm nhiệm chức danh giám đốc sản xuất kiêm diễn viên chính, chàng trai tài năng sinh năm 1993 quyết tâm biến câu chuyện này thành tác phẩm điện ảnh.
Đạo diễn Lê Hà Nguyên chia sẻ:
"Lúc xem qua cuốn tiểu thuyết kể trên, mình chợt nhận ra đây là một tác phẩm sở hữu rất nhiều chất liệu thú vị để chuyển thể lên màn ảnh lớn".
Biên kịch Trịnh Quang Minh tiếp lời:
"Theo mình, Ranh Giới cuốn hút ở chỗ, các tình tiết của nó vốn cực kì gần gũi với đại đa số bạn đọc. Bất cứ ai cũng có thể dễ dàng tìm thấy bản thân mình đâu đó trong quyển hồi ức".
Nhờ sự ủng hộ nồng nhiệt từ phía anh em ê-kíp, mặc dù vô cùng hồi hộp, nhưng Đức Ngụy vẫn mạnh dạn liên hệ blogger Rain8x nhằm xin phép quyền sử dụng lẫn khai thác cốt truyện. Nhớ lại lần đầu tiên tiếp xúc cùng nhóm làm phim Tháng 5 Để Dành, tác giả Hoàng Trung Hiếu trải lòng:
"Lúc nhận được cuộc gọi từ họ, mình đã rất ngạc nhiên khi hay tin, có một đội ngũ trẻ tuổi mong muốn chuyển thể câu chuyện này thành kịch bản điện ảnh. Đặc biệt, họ cũng chính là những độc giả hiếm hoi mà mình gặp gỡ suốt gần 7 năm miệt mài viết truyện. Thật ra, mình dự định đến buổi hẹn để... khuyên các bạn ấy bỏ cuộc, đừng tiếp tục đeo đuổi dự án nữa. Vì đối với mình, Ranh Giới tựa như bức tranh muôn màu và không có ai hoàn toàn đóng vai trò chủ chốt. Nếu không biết cách khai thác, ekip sẽ khiến đứa con tinh thần của mình đi chệch hướng, thậm chí gây phản cảm về vấn đề quan hệ học đường".
Tuy nhiên, sau lần trò chuyện trước đạo diễn Lê Hà Nguyên bên cạnh bộ ba Đức Ngụy, Xuân Hùng và Minh Trang, blogger Rain8x thừa nhận, bản thân anh đã có những suy nghĩ khác về nhóm ê-kíp. Xuân Hùng bật mí:
"Anh ấy bảo rằng, ngoài nhiệt huyết tuổi trẻ, anh còn nhìn thấy một Trung Hiếu thời cấp 3 ở mình, nhất là hình bóng của cô nàng Mai Ngọc thấp thoáng đâu đó nơi Minh Trang. Vì thế, anh Hiếu quyết định cho phép mọi người được quyền sử dụng nội dung Ranh Giới, đồng thời đảm nhận cương vị cố vấn nhằm hỗ trợ bọn mình thực hiện bộ phim".
Trịnh Quang Minh tiết lộ:
"Với hầu hết thành viên thuộc ê-kíp, thì vào năm 2016, Tháng 5 Để Dành là dự án điện ảnh đầu tiên mà họ tham gia, từ đạo diễn, nhà sản xuất, quay phim đến các diễn viên và kể cả mình dưới chức danh biên kịch".
Nhà sản xuất Việt Đức cùng đạo diễn hình ảnh (DOP) Hoàng Hà chia sẻ thêm:
"Chẳng những "trẻ" về tuổi nghề, mấy anh em trong đoàn còn trẻ về cả tuổi đời (cuối 8x, đầu 9x). Bởi vậy, mọi người đều không thể tránh khỏi cái cảm giác bỡ ngỡ, lúng túng lúc bắt tay ghi hình dự án. Chưa kể, việc thiếu thốn đạo cụ lẫn trang thiết bị hiện đại cũng ảnh hưởng ít nhiều tới tiến độ bấm máy."
Tuy nhiên, ê-kíp vẫn không bị chùn bước và họ sẵn sàng dành ra 1000 ngày để thực hiện một bộ phim tâm huyết:
Nữ diễn viên Minh Trang tiếp nối câu chuyện:
"Nhằm đảm bảo mỗi thước phim đều đạt chất lượng tốt nhất, bọn mình từng phải quay đi quay lại đến tận ba đợt khác nhau".
Theo đạo diễn Lê Hà Nguyên, chính khoảng thời gian 3 năm đấy đã giúp anh, Đức Ngụy và toàn thể ekip trưởng thành hơn rất nhiều. Trải qua vô số khó khăn lẫn sai lầm, anh khẳng định rằng, thành quả cuối cùng mà họ gặt hái được thực sự rất đáng để tự hào:
"Mình hy vọng, Tháng 5 Để Dành sẽ tiếp thêm cho các nhà làm phim trẻ nói chung, cũng như cộng đồng làm phim độc lập tại Việt Nam nói riêng nguồn động lực mạnh mẽ".
Vốn nổi tiếng bởi ngòi bút thẳng thắn và sắc sảo, Trịnh Quang Minh từng được giới báo chí "dành tặng" danh hiệu Kẻ Thù Của Phim Việt hay Kẻ Hủy Diệt Phim Việt. Lần đầu thử sức dưới vai trò biên kịch, chàng trai sinh năm 1989 thừa nhận:
"Mặc dù chịu khá nhiều áp lực, nhưng mình dám chắc, Tháng 5 Để Dành sẽ đem lại cho các bạn một bầu trời kí ức thật đẹp".
Tháng 5 Để Dành dự kiến khởi chiếu trên toàn quốc từ ngày 24.05.2019.
Theo moveek.com
'Tháng 5 để dành': Giữa khung cảnh nên thơ, đẹp hút hồn, Minh Trang có gật đầu trước lời tỏ tình của Xuân Hùng? Trích đoạn phim Tháng 5 để dành mang tên Buổi hẹn hò đầu tiên gợi nhớ đến những kỷ niệm đẹp về tình bạn, tình yêu, những tháng ngày hồn nhiên, rực rỡ tuổi học trò trong lòng khán giả bao thế hệ. Mới đây, Tháng 5 để dành - dự án chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết đình đám Ranh giới vừa...