‘Tháng 5 để dành’: Giữa khung cảnh nên thơ, đẹp hút hồn, Minh Trang có gật đầu trước lời tỏ tình của Xuân Hùng?
Trích đoạn phim Tháng 5 để dành mang tên Buổi hẹn hò đầu tiên gợi nhớ đến những kỷ niệm đẹp về tình bạn, tình yêu, những tháng ngày hồn nhiên, rực rỡ tuổi học trò trong lòng khán giả bao thế hệ.
Mới đây, Tháng 5 để dành – dự án chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết đình đám Ranh giới vừa hé lộ một trích đoạn ngắn, có nội dung xoay quanh lần hẹn hò đầu tiên giữa đôi nhân vật chính Trung Hiếu ( Xuân Hùng) và Mai Ngọc ( Minh Trang). Mặc dù sở hữu thời lượng khá ngắn ngủi, thước phim khiến người xem không khỏi ngỡ ngàng trước bối cảnh lãng mạn, hoang sơ mà bình yên, tuyệt đẹp nơi trung du, miền núi phía Bắc.
Trích đoạn Tháng 5 để dành.
Trong trích đoạn ngắn, cặp đôi Trung Hiếu – Mai Ngọc vừa cùng nhau dắt xe tản bộ, vừa ôn lại những kỷ niệm tươi đẹp tuổi học trò. Màn kết hợp ăn ý, mộc mạc giữa 2 diễn viên chính khiến bộ phim được kỳ vọng sẽ chạm tới trái tim khán giả bằng những cung bậc cảm xúc chân thật, tinh tế nhất. Bên cạnh đó, người xem cũng bị ấn tượng bởi những góc máy chỉn chu, với bối cảnh chính trên một cây cầu tại hồ Đại Lải (Vĩnh Phúc). Mong muốn tái hiện lại mảnh đất Phúc Yên trong Ranh Giới thật trọn vẹn, đạo diễn Lê Hà Nguyên cùng ekip đã dành hàng tháng trời cho giai đoạn tiền kì, đánh xe rong ruổi khắp nơi bên ngoài Hà Nội nhằm tìm kiếm những địa điểm ưng ý nhất.
Được biết, danh sách bối cảnh trong phim bao gồm Phụng Châu – Chương Mỹ, hồ Đại Lải – Vĩnh Phúc, Sóc Sơn, Xuân Hòa, nhà ga Phúc Yên… Chia sẻ thêm về khoảng thời gian thực hiện bộ phim, đạo diễn Lê Hà Nguyên cho biết : “Chúng tôi quyết định ghi hình Tháng 5 Để Dành ngay đúng mùa lúa chín. Để có thể đưa người xem bước vào không gian sống của nhóm nhân vật một cách thuyết phục, các địa điểm này cần giữ được tinh thần, bầu không khí đặc trưng nơi đông bắc Bắc Bộ hồi cuối thập niên 90″.
Theo đạo diễn, việc thiết kế mỹ thuật cho phim cũng là một thách thức không nhỏ. May mắn thay, nhờ trào lưu văn hoá retro hiện đang phát triển rất mạnh trong cộng đồng giới trẻ nên ekip vẫn lùng mua được kha khá vật dụng mang màu sắc xưa cũ. Bên cạnh đó, không gian retro của phim chủ yếu được tạo nên bởi chính bối cảnh sẵn có. Vì vậy, khâu lựa chọn bối cảnh đóng vai trò cực kì quan trọng. Những căn nhà trong phim hầu như vẫn giữ nguyên thiết kế, đồ dùng từ năm 2000, chỉ cần thêm vào chút điểm nhấn bằng loạt vật dụng mà “ai ai cũng có thể nhớ tới” là có được một bối cảnh hoàn hảo.
Tuy nhiên, chính bối cảnh miền núi, cũ kỹ cũng gây nên không ít khó khăn, trải nghiệm thú vị cho đoàn phim. Nhà sản xuất Đức Ngụy chia sẻ: “ Hôm đó, chúng tôi phải quay đêm ở khu đảo nổi thuộc hồ Đại Lải dưới cái lạnh 5 độ C. Tuy nhiên, lúc mọi người sắp sửa ghi hình thì máy nổ (máy phát điện) bỗng gặp trục trặc nên không thể hoạt động ổn định. Dẫu đã cố gắng sửa chữa đến khuya, nhưng tổ hậu kỳ vẫn chưa thể khắc phục được tình hình. Tưởng chừng tất cả sẽ phải thu dọn thiết bị để trở về khách sạn thì kì lạ thay, tầm gần nửa đêm, cái máy ấy lại bất ngờ nổ ngon lành. Thế là cả ekip liền hăm hở bày đồ ra và quay một mạch tới khi trời hửng sáng”.
Tiếp theo là trường đoạn tại nhà ga Phúc Yên, mặc dù đã cố gắng hết mọi cách, nhưng cả đoàn chỉ xin được ban quản lý đúng… 5 phút đồng hồ để diễn cảnh chạy theo đoàn tàu. Vì thế, khi con tàu vừa từ từ lăn bánh là mọi người liền tập trung làm việc, tuyệt đối không được để xảy ra bất kì sai sót nào.
“Tháng 5 để dành là tác phẩm điện ảnh đầu tiên mà tôi đảm nhận vị trí đạo diễn. Chúng tôi đã khởi động dự án này hơn 3 năm trước, trải qua chặng đường đủ dài để hiểu được những khó khăn cũng như lợi thế của dòng phim học đường. Tuy có thể bị gắn mác “độc lập”, “nghệ thuật”, nhưng tôi tin rằng, cả Tháng 5 để dành và Nhắm mắt thấy mùa hè đều là các tác phẩm dễ xem, đồng thời sở hữu cách thức tiếp cận gần gũi với khán giả đại chúng.
Theo tôi, những dự án cá nhân như vậy hiện vô cùng cần thiết, bởi chúng sẽ truyền cảm hứng, giúp cho nhiều đạo diễn, nhà sản xuất trẻ dám mạo hiểm nhằm khẳng định bản thân mình. Vậy nên, tôi không hề cảm thấy áp lực, mà trái lại còn rất vui lẫn tự hào vì một thế hệ điện ảnh Việt Nam trẻ trung, dám nghĩ dám làm!“, Lê Hà Nguyên lên tiếng trước những nghi ngại xoay quanh đứa con tinh thần.
Tháng 5 Để Dành do đạo diễn Lê Hà Nguyên cầm trịch cùng dàn diễn viên trẻ Xuân Hùng, Minh Trang, Đức Ngụy… , dự kiến khởi chiếu trên toàn quốc từ ngày 24/05/2019.
Theo saostar
'Tháng 5 để dành': Khi văn hóa miền Bắc trong mắt thế hệ 8x được tái hiện trọn vẹn qua lăng kính điện ảnh
Không chỉ chuyển thể mối tình học đường "huyền thoại" của thế hệ 8x Việt Nam lên màn ảnh rộng, "Tháng 5 để dành" còn đưa người xem trở về vùng ngoại ô miền Bắc vào đầu thế kỉ 21, cũng như gợi nhắc vô vàn hoài niệm đáng nhớ ở mỗi cá nhân.
Tháng 5 để dành là dự án tâm huyết được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết Ranh giới, dự kiến sớm ra mắt khán giả vào mùa hè năm nay. Cách đây không lâu, tác phẩm tung trailer đầu tiên khiến khán giả nhung nhớ, hoài niệm bởi bầu không khí nhẹ nhàng, xưa cũ nhưng đầy thơ mộng phảng phất bên trong.
Tác phẩm có nội dung chính khắc họa mối tình đầu ngây ngô nhưng sâu nặng của anh chàng Trung Hiếu (Xuân Hùng) và nàng "sếp" Mai Ngọc (Minh Trang). Bên cạnh đó, Tháng 5 để dành cũng tựa như chuyến tàu vượt thời gian đong đầy cảm xúc, trao cho hành khách tấm vé khứ hồi để viếng thăm một địa điểm hết sức đặc biệt. Đó là "thị trấn yên bình nằm giữa vùng đồng bằng trung du Bắc Bộ" hồi năm 2000, nơi đã truyền cảm hứng dạt dào, giúp blogger Rain8x chấp bút nên đứa con tinh thần đình đám.
Trailer Tháng 5 để dành
Bối cảnh bình dị mà khó quên
Rời xa khu phố thị sầm uất, sôi động cả ngày lẫn đêm, câu chuyện trong Tháng 5 để dành diễn ra tại một miền đất hoang sơ. Xuyên suốt tác phẩm, bạn sẽ được chiêm ngưỡng biết bao khung cảnh tuyệt vời, vốn thuộc dạng hiếm thấy trong các phim điện ảnh: con đường nông thôn dẫn qua ruộng lúa chín vàng, bãi cỏ tươi mát rượi trải dài dưới chân đồi, hay hồ nước xanh biếc lọt thỏm giữa lòng núi...
Bức tranh nông thôn miền Bắc tuyệt đẹp nơi Tháng 5 để dành.
Mang đậm phong vị làng quê Bắc Bộ, những thước phim ấy hứa hẹn đem lại một trải nghiệm điện ảnh hoàn toàn thú vị, khác biệt rõ rệt so với mặt bằng chung phim học đường lẫn thương mại hiện nay. Hơn nữa chúng còn đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ cho chuỗi khoảnh khắc tình cảm của đôi nhân vật chính thêm phần đắt giá và thăng hoa.
Cảnh đẹp giúp tình cảm thăng hoa.
Chắc chắn rằng, tuổi hoa niên của hầu hết các cô cậu học trò 8x đều chẳng thể tách rời khỏi lũ "ngựa sắt". Là phương tiện di chuyển luôn đồng hành cùng giới trẻ ngày đó trong nhiều sự kiện lớn nhỏ, từ cắp sách đến trường, thơ thẩn rong chơi tới hẹn hò lãng mạn, những dòng xe đạp mang thương hiệu Thống Nhất, Phượng Hoàng, Peugeot... đã từng có thời kỳ "phủ sóng" rộng khắp ở mấy huyện ngoại thành và vùng ven Hà Nội.
Bên cạnh hình ảnh thân quen này, Tháng 5 để dành tiếp tục làm cho lứa khán giả 8-9x xúc động, bồi hồi trước hàng loạt chi tiết gần gũi khác: nào là những thứ quà bình dị dân dã như bánh rán (bánh cam), hũ sữa chua, bánh mì chả; chiếc ti vi màu Pana Color cổ lỗ sĩ, đầu đĩa VCD Samsung, cái ăng-ten truyền hình kinh điển luôn "mọc" chễm chệ trên nóc nhà của mỗi hộ gia đình... Tất cả chúng góp phần tạo nên một màu sắc hoài cổ vừa quen vừa lạ, khiến bất cứ ai vẫn có thể dễ dàng cảm nhận chứ không riêng gì thế hệ tiền bối.
Chiếc bánh rán giòn rụp, ngậy ngậy nhân đậu xanh.
Còn mấy ai sở hữu chiếc tivi Pana Color này trong nhà?
Chưa kể, yếu tố văn hóa địa phương ở bộ phim còn được thể hiện rõ nét thông qua khía cạnh đời sống gia đình. Thuở đấy, nếu đã từng đi chơi về trễ hay yêu đương nhăng nhít, đảm bảo bạn sẽ hoặc bị ăn đòn nhừ tử, hoặc bị thầy u xích tay xích chân, khóa trái cửa phòng để "tạm giam" tại nhà. Thoạt nghe thì có vẻ tàn bạo, tuy nhiên, đằng sau các hành động bảo thủ lẫn khắt khe, mọi bậc phụ mẫu đều chỉ mong muốn những gì tốt nhất dành cho con cái mình. Tiếc thay, việc áp đặt và cấm đoán kia không phải lúc nào cũng phát huy tác dụng đối với bọn trẻ tinh nghịch, mới lớn.
Không chỉ khai thác chủ đề tình yêu đôi lứa, bộ phim còn cho thấy khía cạnh tình cảm gia đình.
Hình phạt tiêu biểu mà các bậc cha mẹ thường dành cho con cái ngày trước.
Màu sắc hiếm thấy của làng điện ảnh Việt
Vốn được thực hiện bởi một ekip trẻ tuổi tới từ miền Bắc, Tháng 5 để dành là dự án hiếm hoi sở hữu dàn dàn diễn viên và có phần ngôn ngữ 100% là tiếng Bắc. Dẫu còn khá mới mẻ đối với khán giả trong Nam, nhưng nhờ đoạn teaser cùng loạt ảnh hậu trường hôm nọ, cả hai gương mặt Xuân Hùng và Minh Trang hiện đang thu hút rất nhiều sự chú ý của đông đảo người xem. Đặc biệt, trước màn tương tác quá sức ăn ý qua từng ánh mắt, nụ cười bên cạnh các cử chỉ thân mật, họ được cộng đồng fan kỳ vọng sẽ làm nên bất ngờ lớn cho phiên bản điện ảnh của Ranh giới.
Liệu Xuân Hùng - Minh Trang sẽ trở thành cặp đôi điện ảnh mới sau bộ phim này?
Thường bị vướng phải định kiến về cách phát âm khó nghe, lối diễn xuất giả lả hay nội dung thích tỏ vẻ thâm thúy, nên phim ảnh phía Bắc luôn gặp khó khăn với việc thâm nhập thị trường miền Nam. Tuy nhiên, đứa con tinh thần do đạo diễn Lê Hà Nguyên nhào nặn đã khắc phục một số nhược điểm cố hữu đó. Chú trọng vào cảm xúc ngây ngô nhẹ nhàng, Tháng 5 để dành sẽ tái hiện thật trọn vẹn suy nghĩ thầm kín của giới trẻ khi yêu, cũng như cuộc đấu tranh nội tâm gay gắt giữa những suy nghĩ trong sáng và thứ bản năng giới tính ngấm ngầm.
Vì vậy, mặc dù đây là một bộ phim thấm đẫm tinh thần độc lập lẫn màu sắc rất riêng, nhưng chủ đề, thông điệp mà nó muốn gửi gắm đến người xem lại cực kì gần gũi và dễ hiểu. Xoay quanh tình cảm gia đình, tình bạn, tình yêu và cả tình người, Tháng 5 để dành hứa hẹn sẽ tạo nên dấu ấn khó quên vào mùa hè năm nay.
Tháng 5 để dành do đạo diễn Lê Hà Nguyên thực hiện cùng dàn diễn viên trẻ Xuân Hùng, Minh Trang, Đức Ngụy... dự kiến khởi chiếu trên toàn quốc từ ngày 24/05/2019.
Theo saostar
Phim thanh xuân "Tháng 5 để dành" ăn điểm nhờ dàn diễn viên như bước ra từ truyện Làm phim chuyển thể từ truyện, điều khó nhất là tìm được dàn diễn viên hợp vai, khiến khán giả tin rằng họ chính là nhân vật bước ra từ những trang sách. Vậy mà phim thanh xuân "Tháng 5 để dành" đã làm được điều ấy. Là phim chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết đình đám từng gây bão ở cộng đồng...