Tháng 3 về An Giang ngắm hoa ô môi khoe sắc
Ô môi của miền Tây Nam bộ tuy không sang chảnh như hoa hồng nhưng lại đẹp dịu dàng và rực rỡ không thua mai anh đào của Đà Lạt.
Có nhiều lý giải về cái tên ô môi, người thì bảo là vì khi ăn quả hái từ trên cây, môi sẽ chuyển từ màu đỏ sang màu đen thẫm (đen trong tiếng Hán là ô). Có người thì cho rằng do bên trong trái chứa nhiều ô mà mỗi ô là một phần thịt của trái, nên gọi là ô môi. Cây ô môi có nguồn gốc từ Nam Mỹ, thuộc họ Vang, thân cao lớn từ 10 đến 20 m, cành lá xum xuê và cụm hoa chỉ nở rộ khi lá đã rụng. Hoa ô môi mọc thành từng chùm, xếp thưa và có màu hồng phơn phớt, buông thõng một cách hững hờ trên những kẽ lá đã rụng.
Miệt Vĩnh Trạch (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) là nơi lý tưởng nhất để du khách dừng chân ngắm sắc hoa ô môi. Ảnh: Hiếu Nguyễn Vja.
Bông ô môi đã đi sâu vào đời sống tinh thần của người dân miền Tây từ lâu với bài hát Bông ô môi nổi tiếng, hay đi vào những lời thơ giản dị, gần gũi như chính những con người miệt sông nước:
Mùa hoa ô môi đẹp nhất, tươi thắm nhất là vào cuối tháng ba, đầu tháng tư, khi những cơn mưa đầu mùa vừa vội vàng đến lại tất tả đi. Trong cái nắng chói chang của trời tháng ba, sắc hoa ô môi rực lên một màu hồng vừa thanh tao, vừa nhã nhặn, làm vơi bớt đi cái nắng oi ả miệt đồng bằng. Những con đường trồng nhiều ô môi ngợp sắc hồng, rực rỡ đến nổi tưởng chừng chỉ có hoa mà không có lá. Mùa hoa ô môi kéo dài nhiều tháng, sắc hồng bao phủ cả vùng trời của những miền quê êm ả.
Khi đến đoạn gần ủy ban nhân dân xã Vĩnh Trạch, bạn sẽ tận mục sở thị vẻ đẹp “lãng mạn như phim Hàn”. Ảnh: Hiếu Nguyễn Vja.
Ô môi của miền Tây Nam bộ, tuy không sang chảnh như hoa hồng, hoa huệ, nhưng lại đẹp dịu dàng không thua hoa anh đào của xứ Đà Lạt. Ngày nay, người ta thường trồng cây ô môi để làm cảnh, phần vì cây cho hoa đẹp, phần vì cây dễ trồng, dễ sống. Về miền Tây, hầu như nơi nào cũng có ô môi bởi loài cây này vốn mọc hoang, dễ thích nghi với nhiều môi trường sống. Thế nhưng để tận hưởng hết cái vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm của ô môi thì chỉ có miệt Vĩnh Trạch (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) là nơi lý tưởng nhất để du khách dừng chân.
Du khách đến địa bàn thành phố Long Xuyên, sau đó chạy thẳng theo tỉnh lộ 943, đường vào Núi Sập, đến đoạn gần ủy ban nhân dân xã Vĩnh Trạch, sẽ tận mục sở thị vẻ đẹp lãng mạn như phim Hàn với hai hàng cây ô môi nở rộ hai bên đường. Nhiều du khách từng ngang qua đây xuýt xoa nói rằng, ô môi là một loài cây trổ bông một cách hết mình. Bông ô môi nhỏ nhưng dày đặc, oằn trĩu cả thân cành, thậm chí nhiều đến nổi không nhìn thấy tán cây đâu nữa.
Nhìn từ xa, vòm cây như một ngọn đuốc hồng cao lớn, hiên ngang. Trước đây ở Long Xuyên còn có địa danh phà Ô Môi, xưa kia là khu vực có rất nhiều cây ô môi. Thế nhưng ngày nay nơi đó đã không còn loài cây này nữa. Vì ô môi là cây mọc hoang, chưa được trồng nhiều để kinh doanh du lịch. Thế nên ngoài khu vực xã Vĩnh Trạch, du khách về An Giang cần có sự chỉ dẫn của “thổ địa” dân địa phương để tìm ngắm những cây ô môi trổ hoa rực rỡ.
Video đang HOT
Bông ô môi nhỏ nhưng dày đặc, oằn trĩu cả thân cành. Ảnh: Hiếu Nguyễn Vja.
Ô môi không chỉ đẹp khi nở hoa, chỉ để khoe sắc cho đời mà trái ô môi khi khô là một món ăn hấp dẫn, nhất là với bọn trẻ. Sau khi nở hoa gần một năm, trái ô môi mới bắt đầu khô. Trái ô môi dài, thô trông như những chiếc gậy đen lớn cỡ cổ tay trẻ con, dài khoảng năm, sáu tấc. Mỗi cơn gió qua, trái ô môi lại khua vào nhau thành tiếng lộp cộp như một bản nhạc hòa tấu của đồng quê. Ô môi khô khi ăn có vị ngòn ngọt, cay nồng, hương vị thơm quyện đặc trưng khó lẫn vào đâu được.
Đến An Giang mùa tháng 3, ngoài ngắm bông ô môi nở rộ, du khách còn có thể tham quan, du lịch nhiều địa danh khác như núi Cấm, rừng tràm Trà Sư hay thăm vương quốc mắm ở chợ Châu Đốc.
Theo ngôi sao
Hai ngày khám phá An Giang mùa nước nổi
Tháng 9, 10 là thời điểm thích hợp để du khách về An Giang đón mùa nước nổi ở rừng tràm Trà Sư, Búng Bình Thiên, hay tham quan núi Cấm, núi Sam và thưởng thức ẩm thực xứ mắm Châu Đốc.
An Giang là tỉnh miền Tây Nam Bộ giáp biên giới Campuchia, có rất nhiều cảnh quan và ẩm thực độc đáo.
Thời điểm tham quan
Nếu muốn đến An Giang mùa nước nổi để ngắm thảm bèo cũng như thế giới tự nhiên xanh mát ở rừng tràm Trà Sư bạn nên đi vào tháng 10, 11. Vào tháng 4 hay tháng 8 âm lịch là thời gian diễn ra hai lễ hội lớn gồm hội bà Chúa Xứ núi Sam (23 - 27/4 âm lịch) và lễ hội đua bò cuối tháng 8. Các tháng 7 - 8 có mưa khá nhiều nên cần mang theo ô và trang phục phù hợp.
Mảng màu xanh mướt mắt của rừng tràm Trà Sư. Ảnh: Bùi Ngọc Hà.
Phương tiện đi lại
Xe ô tô: Từ TP HCM bạn có thể mua vé ở bến xe miền Tây hoặc các hãng xe tư nhân trên đường Lê Hồng Phong, giá khoảng 170.000 - 200.000 đồng.
Xe máy: Châu Đốc - An Giang cách TP HCM khoảng 250 km, du khách có thể chạy xe máy để tiện tham quan. Bạn di chuyển theo quốc lộ 1 đến ngã 3 An Thái Trung (chợ An Hữu), rẽ phải rồi qua phà Cao Lãnh đi theo bờ sông Tiền đến Chợ Mới. Sau đó, bạn qua phà Thuận Giang cập bờ sông Hậu tới phà Năng Gù, chạy tiếp quốc lộ 91 khoảng 30 km là tới núi Sam.
Lưu trú
Khách sạn, nhà nghỉ ở An Giang chủ yếu tập trung ở núi Sam, khu vực chợ Châu Đốc và Long Xuyên. Khu vực núi Sam khách sạn, nhà nghỉ có giá khá cao, thường chỉ có khách hành hương lưu lại. Nếu đi du lịch, bạn nên ở khu vực chợ Châu Đốc, để tiện tới các điểm tham quan vào ban ngày cũng như vui chơi và ăn uống buổi tối.
Các điểm tham quan
Rừng tràm Trà Sư: nên đi vào sáng sớm để ngắm được bèo. Nếu đi trễ quá các nhóm đi trước sẽ làm bèo dạt sang hai bên, không còn đẹp nữa. Bạn nên xuất phát khoảng 6h - 7h, để thấy từng đàn chim bay đi. Trên đường, bạn được ngắm thêm khá nhiều cảnh đẹp, các ruộng lúa chín vàng, hồ nước trong veo.
Vé tham quan là 60.000 đồngmột người với thuyền chở 4. Bạn đi xuồng máy trước, sau đó được chuyển sang thuyền chèo tay. Du khách sẽ không khỏi trầm trồ vì vẻ đẹp của thảm bèo Trà Sư. Khoảng cách từ chợ Châu Đốc tới rừng tràm Trà Sư là 30 km. Bạn nhớ leo lên đài quan sát để được phóng tầm mắt chiêm ngưỡng hết khu rừng.
Hồ Tà Pạ nằm ở xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Ảnh: Bùi Ngọc Hà.
Núi Sam: Trên đường đến Trà Sư bạn sẽ đi ngang qua cụm núi Sam. Đây là khu chùa khá trang nghiêm, nơi tổ chức lễ hội bà Chúa Xứ vào ngày 23 - 27/4 âm lịch hàng năm.
Hồ Tà Pạ: Là hồ nước hình thành do việc khai thác đá, nước trong, bên dưới là lớp rêu nên nhìn hồ khi nào cũng có màu xanh ngắt. Đến hồ Tà Pạ bạn cũng sẽ được ngắm cánh đồng lúa ở dưới chân núi, từng thửa ruộng như những tấm thảm lớn.
Núi Cấm: Vé vào cổng là 20.000 đồng một người, đi vào một đoạn bạn sẽ phải gửi xe và thuê xe ôm chở đi tham quan các điểm của núi. Giá đi lên và xuống là 80.000 đồng một người. Ở núi Cấm có nhiều thác, hồ, cây cổ thụ lớn đáng để du khách bỏ tiền và thời gian tham quan.
Búng Bình Thiên: cách Châu Đốc khoảng 30 km. Đây là một hồ nước ngọt, ở sát biên giới Campuchia. Nếu đi vào tháng 10, bạn có thể thấy đầm sen đẹp và làn nước 2 màu rõ rệt. Ở đây có một gia đình cung cấp dịch vụ thuê thuyền đi tham quan hồ và dắt đến đầm sen. Giá là 50.000 đồng một người kèm áo phao. Chỗ thuê thuyền nằm gần một ngôi chùa, bạn có thể hỏi người dân địa phương, họ sẽ chỉ đường kỹ càng.
Buổi tối ở Châu Đốc bạn hãy thử trải nghiệm ngồi xe lôi, tham quan một vòng. Du khách cần nhớ thỏa thuận giá cả trước khi đi.
Ăn uống
An Giang nổi tiếng với món bún mắm, bạn nên thử để không bỏ lỡ đặc sản vùng này. Du khách tìm ăn ở trong chợ Châu Đốc hoặc xung quanh Bồ Đề Đạo Tràng. Với bún cá, bạn có thể thưởng thức tại khu rạp hát cũ.
Ở chợ Châu Đốc bán rất nhiều món ăn vặt mà bạn nên thử như các loại bánh, chè, súp bò viên, bò leo núi, thốt nốt... Giá cả ở đây từ 20.000 đến 35.000 đồng mỗi món. Các loại bánh thường có giá rẻ hơn.
Canh cá linh, cá lóc, bông điên điển cũng là món ăn ngon ở Búng Bình Thiên mùa nước nổi. Ảnh: Nam Chấy.
Lịch trình tham khảo
An Giang chi cần đi 2 ngày là đủ tham quan hết các điểm.
Ngày 1: Tối hôm trước lên xe đi Châu Đốc, An Giang, tới nơi khoảng 5h. Ăn sáng tại chợ Châu Đốc, hỏi thuê xe máy ở khách sạn (giá thuê một xe khoảng 100.000 đồng một ngày). Xuất phát đi rừng Trà Sư, hồ Tả Pạ. Lúc quay về Châu Đốc ghé núi Cấm tham quan, tối lưu lại thị xã Châu Đốc, du ngoạn đêm bằng xe lôi.
Ngày 2: Đi núi Sam lúc sáng sớm, sau đó tới Búng Bình Thiên. Trưa về khách sạn trả phòng, ăn trưa. Chờ xe trung chuyển đón ra bến để trở về TP HCM.
Theo VNExpress
Rừng tràm Trà Sư thời khắc giao mùa Đầu tháng 10 hàng năm, nước sông Mekong bắt đầu đổ về, mang đến cho rừng tràm Trà Sư một sức sống mới. Rừng tràm Trà Sư thuộc địa phận huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Từ Châu Đốc, bạn chạy về phía bắc, tới thị trấn Nhà Bàng thì rẽ hướng đi Tri Tôn. Từ tỉnh lộ 948 sẽ có biển dẫn...