Tháng 12, sao nhớ người cũ đến lạ lùng…
Nhiều lúc thấy trong lòng trống trải quá, chỉ muốn cầm điện thoại lên rồi gửi một tin nhắn đến người cũ.
Tháng 12 đến, mở mắt ra thấy nắng tràn qua từng khe cửa sổ, bỗng nhớ người yêu cũ lạ lùng, rồi muốn viết một điều gì đó dành cho người ta. Ai trong đời rồi cũng có một người, dù yêu người đó đến cạn lòng đi nữa nhưng vẫn không bao giờ ở bên cạnh được, rồi thi thoảng khi gió lùa về, khi mỗi mùa đông chớm cửa, đều thấy nhớ se sắt lòng.
Nhiều lúc thấy trong lòng trống trải quá, chỉ muốn cầm điện thoại lên rồi gửi một tin nhắn đến người cũ, chỉ để hỏi rằng người ấy có sống tốt, sống vui không. Nhưng rồi lại chần chừ đặt xuống, không phải không có can đảm, mà chỉ không muốn tự làm mình buồn. Ừ thì giả dụ tin nhắn có được gửi đi, hoặc là sẽ nhận về sự im lặng, hoặc là những tin nhắn kiểu như: “Anh/em vẫn ổn”, rồi biết nói sao nữa, chỉ biết chắc rằng mình sẽ hoang hoải hơn thôi.
Hoặc như người ta có rộng lượng, có gọi điện hỏi thăm tận tình, có nhắc về những ngày xưa cũ, thì càng không nên. Bởi một người nếu đa tình với người yêu cũ hoặc những người không liên quan, thì cũng thật đáng trách, bởi họ khiến hết người này đến người khác có quá nhiều ảo tưởng không thực tế. Trong đó có bản thân mình.
Người yêu cũ là người đã đi ngang đời ta, là một mảnh vỡ của một chiếc bình thủy tinh tình yêu đẹp nhưng đã không còn lành lặn. Đừng cố gắng kiên nhẫn nhặt những mảnh vỡ, gắn lại và thầm mong ước nó mọi thứ trở về như chưa từng có vết nứt nào cả. Cái gì đã vỡ là tan vỡ, và chuyện tình yêu xưa đã lùi vào một góc của trái tim, thà nhớ lại khi nó đẹp nhất, còn hơn là chắp vá để suốt đời cứ phải thấy những vết không lành lặn.
Ảnh minh họa
Video đang HOT
Khi người ta còn yêu nhau, thì quãng đường dài đưa đón bỗng nhiên ngắn lại. Còn khi không còn bên cạnh nhau nữa, thì dù có ở bên nhau, có nói bao nhiêu chuyện, có gợi bao nhiêu hồi ức, có khóc lóc thở than hay vứt bỏ hết lòng tự trọng để mong người ta quay về, thì cũng là không cần thiết.
Giữa mênh mông biển người, ừ thì đôi lúc thấy cần một bờ vai, một bàn tay, một vòng ôm, thế là ta nhớ về người đã từng dành cho ta những ngọt ngào ấy cùng đôi chút tiếc nuối. Đôi khi ta muốn trở về ngày đã qua, trở về bên người ấy bỏ mặc những xót xa và những tổn thương trong lòng, thì cũng hãy chỉ nên dừng lại ở trong những ý nghĩ.
Vốn dĩ trên đời này luôn luôn tồn tại một nửa của cuộc đời chúng ta, chỉ là đang lạc nhau ở một nơi nào đó mà thôi. Những người đến mà không ở lại, thì ắt hẳn là không dành cho ta rồi. Tháng 12 lành lạnh, có thể sẽ nhớ đến người yêu cũ nhiều hơn, nhưng cũng nên dành một lời cảm ơn cho họ, cảm ơn vì đã ở đâu đó trong cuộc hành trình dài cuộc đời ta, cảm ơn vì những nếp gấp, cảm ơn vì những giọt nước mắt rơi xuống, có thể là hạnh phúc, có thể là khổ đau…
Có đôi khi không cầm được lòng mình mà gửi một tin nhắn dài dằng dặc, thì hãy cứ nghĩ rằng mình vừa trải qua một cơn mơ, cho dù nhận về là bất cứ một điều gì không như mong đợi…
Theo VNE
... Mà sao không gọi đò
Có những con đường khác nhau để trở về làng. Nhưng bến đò quê cho tôi nhiều hơn cả sự trở về thông thường. Về mặt không gian, con đò đưa tôi qua sông về với làng mình. Nhưng về mặt thời gian, con đò đưa tôi vào bất tận những ký ức và những năm tháng trong sáng, thiêng liêng tôi lớn lên trong cái làng nghèo khó và xa xôi ấy.
Bây giờ thi thoảng về quê, tôi vẫn ra bến sông. Người đàn bà lái đò chẳng cần hỏi tôi câu gì. Chị tháo chiếc dây buộc đò và bảo: "Ông lên đò đi". Chị biết tôi không có việc gì bên kia sông mà chỉ là tôi muốn sang bờ bên ấy, đứng đó và nhìn về phía làng tôi tẫm bóng cây ở sau con đê. Tôi muốn đi ngược lại thời gian để được sống lại một lần nữa và một lần nữa được mang cảm giác của những người xa quê trở về trong một ngày cuối năm. Đó là những ngày nắng hanh chợt hừng lên và cả triền sông làng quê rực vàng hoa cải. Đứng ở bên này sông, cho dù không nhận rõ mặt những cô gái làng đang rửa lá dong xanh dưới bến để chuẩn bị gói bánh chưng thì tôi vẫn cảm thấy hơi ấm thân thương của những giọng nói và những gương mặt người làng từ phía ấy tràn vào tôi.
Ảnh: Trương Vững
Cứ vào những ngày giáp Tết, bến sông làng tôi lại vang tiếng cười của những cô gái ra sông gánh nước và rửa lá dong. Những ngày đó, người qua đò nhiều hơn. Chủ yếu là người làng đi làm ăn, sinh sống ở xa trở về quê ăn Tết. Và tôi là một trong những người đó. Khi con đò cập bến, tôi lại nghe giọng nói quen thuộc của người lái đò già: "Cậu về quê ăn Tết?". Người lái đò già đã mất nhiều năm trước, người con dâu của ông tiếp tục công việc đưa người qua sông. Nghe nói, người ta sẽ xây một cây cầu qua sông Đáy cách bến đò làng tôi chừng một cây số để nối liền với con đường liên tỉnh. Có cây cầu, việc đi lại sẽ thuận tiện hơn biết bao nhiêu. Nhưng cho dù sau này không còn bến đò nữa thì tôi cũng biết rằng: Có một bến đò quê vẫn mãi mãi vang tiếng gọi đò trong những buổi chiều cuối năm rực vàng hoa cải và tiếng mái chèo khỏa nước. Và con đò ấy luôn luôn chở tôi vào thế giới của những nhớ thương da diết.
Ngay đầu con đường đất từ bến đò lên mặt đê có một cây đa. Dưới gốc đa là một quán nhỏ bán nước chè xanh và một vài thứ quà quê như bánh khoai, bánh sắn, kẹo vừng hoặc khoai luộc, ngô nướng theo mùa vụ ở làng tôi. Bất cứ ai khi đi xa về qua đò đều vào quán nước trước khi về nhà. Bà bán nước mừng rỡ như đón một người thân trong gia đình mình về ăn Tết. Tôi thường ngồi đó uống một bát nước chè xanh trước khi về nhà. Thực sự, quán nước lợp lá mía đó như chính ngôi nhà của mình. Trong khi tôi uống nước và ngắm nhìn xuống bãi sông vàng hoa cải cuối năm, bà bán nước kể cho tôi nghe những câu chuyện của làng mà những ngày đi làm ăn xa ở thành phố tôi chưa được biết.
Có một câu chuyện mà tôi không bao giờ quên được. Đó là chuyện về bà Đoán làng tôi. Bà chỉ có một người con trai, anh xung phong nhập ngũ bằng được và đã hy sinh, có giấy báo tử trong thời gian chiến tranh. Nhưng bà Đoán vẫn nghĩ con mình sẽ trở về. Thi thoảng, bà Đoán ghé qua quán nước bên bến sông và dặn đi dặn lại bà bán nước rằng nếu anh Đoán về thì phải sai cháu chạy vào báo cho bà ngay lập tức. Chứng kiến cảnh đó, ai cũng ứa nước mắt. Không chỉ mình bà Đoán, làng tôi còn có nhiều gia đình mà những người con của họ đã đi vào mặt trận từ bến đò quê nhưng không trở về nữa. Trong trường ca Những người lính của làng (NXB Quân đội Nhân dân, 1996), tôi viết về những người lính ra đi từ làng tôi và đã hy sinh, trong đó có một đoạn viết về linh hồn một người lính trở về và nói với người yêu của anh:
Em ơi anh đã trở về
Chim ri gọi bạn chân đê cuối chiều
Mây trời chín một màu rêu
Cánh chim khỏa gió chia đều mênh mông
Anh về một phía bờ sông
Lòng đầy thương nhớ mà không gọi đò
Nhưng tôi tin có những con đò làm bằng mây trắng vẫn đưa linh hồn những người lính đã hy sinh trở về với mẹ mình. Và có lúc đứng bên bến đò quê trong hoàng hôn đang lan dần trên mặt sông ngày cuối năm, tôi như thấy có biết bao người đã khuất nơi xứ người đang trở về đứng bên kia sông và tiếng gọi đò của họ vang trong những ngọn gió đã chớm hơi Xuân ấm áp thổi về làng.
Bến đò quê bây giờ ít người qua nhưng trong lòng những người làng tôi và cá nhân tôi mãi mãi còn một bến đò. Nơi ấy là một vẻ đẹp thôn dã, là một nhớ thương da diết, là những ký ức nhiều khi đau thắt nhưng ấm áp. Thật lạ lùng, lúc nào đặt chân trên con đường dốc từ mặt đê xuống bến làng mình, tôi lại nghe thấy tiếng gọi. Đó không chỉ là tiếng gọi đò. Đó còn là một tiếng gọi khác như thức tỉnh chúng ta khi chúng ta đang đi xa những gì đẹp đẽ và thiêng liêng. Và đôi khi tôi chợt nghe thấy tiếng tôi gọi chính tôi từ phía bờ bên kia.
Theo VNE
Ngang qua ngày cũ Đi qua gian hàng quần áo nam để mua sắm cho con, chị đụng anh từ trong đi ra. Niềm vui và nỗi hào hứng trong chị khựng lại. Chị không ngờ gặp chồng cũ ở nơi này. Hồi đó, chở chị đi chợ, siêu thị là việc mà anh phải làm một cách miễn cưỡng và anh luôn đứng chờ ngoài cổng....