Tháng 11 chất vấn việc thực hiện lời hứa của 9 bộ trưởng
Theo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ dành thời gian để các bộ trưởng đã đăng đàn tại hai kỳ họp trước trả lời về việc thực hiện lời hứa trước người dân.
Ngày 19/9, cho ý kiến về kỳ họp Quốc hội thứ 4 (dự kiến 22/10 – 23/11), đa số ủy viên Thường vụ Quốc hội cho rằng, 25 ngày (chưa kể thứ 7, chủ nhật) khó có thể đủ để hoàn thành yêu cầu của kỳ họp với nhiều nội dung quan trọng. Ngoài hai ngày chất vấn như thông lệ, Quốc hội dự kiến dành một buổi để các bộ trưởng đã đăng đàn tại kỳ họp thứ 2, thứ 3, trả lời về việc thực hiện lời hứa trước Quốc hội. Dự kiến, thời gian này được tiến hành vào giữa tháng 11.
Qua hai kỳ họp, đã có 9 Bộ trưởng, một Phó thủ tướng và Thủ tướng đăng đàn trực tiếp trả lời chất vấn. Tại kỳ họp thứ 2 (tháng 11/2011), Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ và Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình trả lời chất vấn. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng trực tiếp trả lời các vấn đề thuộc trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng.
Kỳ họp thứ 3 (tháng 6/2012), Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được chọn đăng đàn.
Ông Nguyễn Kim Khoa đề nghị truyền hình trực tiếp phiên thảo luận về sửa Hiến pháp. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, cơ quan này sẽ có công văn đề nghị các Bộ trưởng, trưởng ngành sớm chuẩn bị những nội dung đã hứa tại 2 kỳ họp trước để báo cáo Quốc hội. Văn phòng cũng đề nghị Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội sớm xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch giải trình tại phiên họp Hội đồng, Ủy ban để giảm bớt những vấn đề cần đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 4 này.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng có văn bản yêu cầu các Bộ trưởng trả lời chất vấn tại 2 kỳ họp vừa qua báo cáo kết quả thực hiện lời hứa trước Quốc hội, gửi đến đến Văn phòng Quốc hội trước ngày 20/9.
Video đang HOT
Chương trình của kỳ họp cuối năm được đánh giá là “nặng nề” vì ngoài báo cáo về tình hình kinh tế xã hội và một số báo cáo khác, Quốc hội sẽ bàn về 10 dự án luật. Trong đó, Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) dự kiến cho ý kiến lần đầu và thông qua ngay trong kỳ họp này. Quốc hội cũng dự kiến thông qua Luật Thủ đô, Luật Thuế thu nhập cá nhân. Dự án luật nhận nhiều quan tâm của người dân được Quốc hội đưa ra thảo luận lần này là Luật Đất đai sửa đổi.
Các phiên bàn về dự thảo nghị quyết ban hành Quy chế về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn dự Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) cũng sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa còn đề nghị truyền hình trực tiếp cả nội dung bàn về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp để cử tri theo dõi.
Hầu hết các ý kiến đều đề nghị nếu cần thì tăng thời gian kỳ họp thêm vài ngày để có thể xem xét thấu đáo các vấn đề được đặt ra. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị dành ít nhất một ngày để thảo luận tổ và 1,5 – 2 ngày tại hội trường để thảo luận về dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.
Còn theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, cần dành thời gian thỏa đáng để thảo luận dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, quy chế về việc lấy phiếu tín nhiệm. Nếu cần, Quốc hội có thể làm việc vào cả thứ bảy.
Theo VNE
Khiếu nại tố cáo về đất đai rất nghiêm trọng !
Nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng khiếu nại, tố cáo (KN-TC) phổ biến về quyết định hành chính liên quan đến đất đai của các cấp chính quyền đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) phân tích tại phiên họp sáng qua, 18.9.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện phát biểu tại phiên thảo luận sáng qua - Ảnh: TTXVN
Khai cuộc phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện bày tỏ lo ngại trước số vụ KN-TC về đất đai lên tới gần 70% trong tổng số các vụ việc KN-TC thời gian qua và ông gọi đó là điều "rất bất bình thường".
Theo phân tích của ông Hiện thì với tỷ lệ các vụ KN-TC đúng, có đúng có sai cộng với gần 20% vụ dân khởi kiện đúng về quyết định hành chính của các cấp chính quyền ra tòa án cho thấy tỷ lệ các vụ KN-TC đúng đã lên tới gần 70%. Nhưng điều khiến ông băn khoăn hơn là không thấy ông chủ tịch huyện, chủ tịch tỉnh nào ra tòa vì quyết định hành chính khi bị dân khởi kiện. "Từ ngày thành lập tòa hành chính đến giờ hầu như không có ông chủ tịch tỉnh, huyện nào ra tòa mà chỉ ủy quyền cho một cán bộ dưới quyền nào đó. Cách tổ chức như thế làm sao thi hành nghiêm chỉnh quy định pháp luật được", ông Hiện đặt vấn đề.
Một ngày "có mấy quyết định khác nhau" về một vụ việc
Tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân về đất đai đến nay là rất nghiêm trọng khi có tới 70% tổng số các vụ việc khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực này. Nghiêm trọng hơn nữa là khi các quyết định hành chính của nhà nước sai mất một nửa. Với những quyết định đúng mà dân vẫn kiện, chứng tỏ lỗi một phần do chính sách pháp luật chưa hợp lý
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng
Phân tích nguyên nhân dẫn tới việc dân khiếu kiện về đất đai chiếm tỷ lệ lớn, ông Hiện cho rằng, ngoài nguyên nhân đoàn giám sát chỉ ra trong báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết KN-TC của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai, còn phải xem xét nguyên nhân do cơ chế thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng cho người bị thu hồi đất với giá rẻ mạt, có nơi "vài chục mét vuông đất, tiền đền bù chưa được một bát phở", cũng như cần làm rõ nguyên nhân tham nhũng làm phát sinh khiếu kiện. "Báo cáo giám sát không nói đến nguyên nhân này nhưng tôi chắc là có. Đất đai gần như là mảnh đất, môi trường màu mỡ nhất cho tham nhũng xảy ra, chính vì nguyên nhân đó nên dân mới không đồng tình, mới KN-TC nhiều", ông Hiện nói.
Đồng tình với nhận định này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa dẫn chứng một vụ việc KN-TC kéo dài ở Phú Thọ, "qua 2 đời Tổng thanh tra Chính phủ vẫn không giải quyết được và đến giờ này vẫn đang diễn biến phức tạp do chính quyền ban hành quyết định sai, cứ đùn đẩy giải quyết", và nhấn mạnh: "Nhiều quyết định giao đất của chúng ta tiêu cực dẫn tới cán bộ không muốn xử lý, khi xử lý thì nể nang, bao che, kéo dài".
Nguyên nhân khác dẫn tới phát sinh nhiều khiếu kiện mà ông Khoa chỉ ra là sự tùy tiện trong ban hành quyết định hành chính của chính quyền địa phương liên quan đến thu hồi đất, mỗi ngày ông chủ tịch tỉnh có thể ban hành 2 quyết định khác nhau trong cùng một vụ việc. Và ông dẫn chứng trường hợp thu hồi đất, cưỡng chế giải phóng mặt bằng để làm đường cao tốc Lào Cai - Nội Bài vừa qua: "Khi tôi đi tiếp xúc cử tri, họ kéo cả làng mấy chục người đến, đưa ra các quyết định hành chính của chính quyền cho thấy, chưa đầy một ngày đã có mấy quyết định hành chính khác nhau về một vụ việc".
Phải làm rõ địa chỉ chịu trách nhiệm
Qua thảo luận, nhiều ủy viên TVQH cho rằng, thực tế cho thấy có tới gần 50% vụ việc dân khiếu kiện đúng về quyết định hành chính của chính quyền, nhưng báo cáo giám sát lại không chỉ rõ được ai, cấp nào, tổ chức nào ban hành quyết định sai, cần phải chịu trách nhiệm.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng nhấn mạnh: "Tình hình KN-TC của công dân về đất đai đến nay là rất nghiêm trọng khi có tới 70% tổng số các vụ việc KN-TC về lĩnh vực này. Nghiêm trọng hơn nữa là khi các quyết định hành chính của nhà nước sai mất một nửa. Với những quyết định đúng mà dân vẫn kiện, chứng tỏ lỗi một phần do chính sách pháp luật chưa hợp lý".
Chủ tịch QH đề nghị các cơ quan Chính phủ, Tổng thanh tra Chính phủ, Bộ TN-MT nên tiến hành rà soát lại các quyết định hành chính, có địa chỉ rõ ràng để xử lý và kết quả xử lý báo cáo QH. "Quyết định sai ảnh hưởng đến dân thì phải đền bù cho dân. Sai ở đâu sửa ở đó. Dự thảo Nghị quyết giám sát trình QH kỳ họp tới phải làm rõ tính chất mức độ KN-TC của dân hiện nay, đồng thời, phải chỉ ra được những cái sai hiện hành để sửa, những cá nhân tổ chức làm sai để làm rõ địa chỉ chịu trách nhiệm", ông nhấn mạnh.
4 nhóm nguyên nhân chính phát sinh khiếu kiện
Trong báo cáo giám sát, Đoàn giám sát của Ủy ban TVQH (do Ủy ban Kinh tế chủ trì) chỉ ra 4 nhóm nguyên nhân chính dẫn tới phát sinh khiếu kiện về đất đai: Một là sự bất cập của hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai (quy định thiếu tính ổn định, chưa đồng bộ giá đền bù nhiều nơi chưa sát thị trường...). Hai là những tồn tại, hạn chế trong việc ban hành các quyết định hành chính (một số quyết định hành chính thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chuyển mục đích sử dụng đất, quyết định giải quyết tranh chấp đất đai... còn có sai sót, một số quyết định giao đất, cho thuê đất chưa đảm bảo những điều kiện cần thiết theo quy định...). Ba là những yếu kém trong công tác tổ chức thi hành pháp luật về đất đai, sự thiếu gương mẫu, sa sút về phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức. Bốn là sự thiếu hiểu biết và thiếu ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân.
Đoàn giám sát cũng đề xuất 15 kiến nghị nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả giải quyết KN-TC của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai, trong đó có việc sửa luật Đất đai hiện hành hoàn thiện quy định pháp luật về giám sát công tác giải quyết KN-TC, tăng cường và phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm QH, HĐND, ĐBQH, ĐB HĐND... trong việc giám sát.
Theo TNO
Chất vấn việc thực hiện lời hứa của 9 Bộ trưởng Chương trình dự kiến kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII (tháng 10 tới), ngoài 2 ngày chất vấn như thông lệ, Quốc hội dành một buổi sáng để các Bộ trưởng đã đăng đàn tại kỳ họp thứ 2, thứ 3, trả lời về việc thực hiện lời hứa với người dân. Qua gần 2 năm nhậm chức trong nhiệm kỳ...