Thân Thúy Hà: Tôi mà lên sàn diễn, ai xem!
Mới đây có một thương hiệu cũng nổi tiếng mời tôi tham gia nhưng tôi từ chối. Mời các em trẻ, chân dài còn có người xem chứ như tôi thì lấy ai xem! Thật sự bây giờ tôi mất tự tin với nghề người mẫu”, Thân Thúy Hà – Á khôi cuộc thi người đẹp sông Tiền năm 16 tuổi và cũng từng là một người mẫu sáng giá chia sẻ.
Mình phải tự đào thải mình
- Thành công của chị ngày hôm nay, không thể không kể tới đóng góp của nghề người mẫu. Chị yêu nghề như vậy, vào năm 2005 hẳn phải có lý do gì đặc biệt giúp chị dứt khoát đưa ra quyết định bỏ nghề?
- Lúc đó, tôi làm nghề cũng được 10 năm rồi, trải qua 3 thời kỳ luôn. 16 tuổi, tôi bắt đầu đi diễn, những người lớn họ đã có chồng sinh con, lứa tiếp theo cũng lấy chồng sinh con; chỉ còn tôi trơ trọi, thấy mình già đi. Bởi vậy, trước khi bị khán giả đào thải, mình phải tự đào thải mình. Tuy nhiên, mỗi lần tôi định nghỉ lại có nhiều show mời khiến tôi nhớ nghề nên nghỉ không được. Tôi đưa ra dự định nhưng phải 3, 4 năm sau mới nghỉ được.
- Chị vẫn giữ được vóc dáng mà không ít người mơ ước. Bây giờ người mẫu đang là một trong những nghề hái ra tiền hiện nay, có bao giờ chị nghĩ sẽ quay lại với nghề?
- Không bao giờ. Lúc nghỉ tôi đã thấy được chiều cao của mình chỉ thuộc hạng trung trong giới thôi. Bây giờ thế hệ sau rất cao, đi với các em, tôi mắc cỡ nhiều. Bởi vậy, tôi đành phải chuyển nghề, chứ để mà lên sàn diễn thì tôi không dám. Mới đây có một thương hiệu cũng nổi tiếng mời tôi tham gia nhưng tôi từ chối. Mời các em trẻ, chân dài còn có người xem chứ như tôi thì lấy ai xem! Thật sự bây giờ tôi mất tự tin với nghề người mẫu.
- Dứt hẳn nghề người mẫu để chuyển sang một công việc vô cùng mới mẻ. Phim ảnh có gì mê hoặc chị đến vậy?
- Trước khi đến với nghề, phim ảnh là đam mê nhưng khi tôi quyết định gắn bó lâu dài với nghề thì bắt buộc mình phải nghĩ đến chuyện kiếm sống. Giống như kinh doanh mà có lãi mới kinh doanh, bây giờ nói yêu nghệ thuật chỉ đi đóng phim cho vui thì tiền đâu để sống. Phim ảnh bây giờ có giá hết, phim Việt Nam cũng đang được sản xuất rầm rộ nên có nhiều người dễ dàng làm diễn viên, ai cũng có thể đi đóng phim. Nhiều người đến với phim ảnh để tìm sự nổi tiếng nhưng đó không phải là mục đích của tôi. Bản thân tôi đã hi sinh một khoảng thời gian dài, lúc đầu yêu nghệ thuật còn bây giờ là phải kiếm sống.
- Làm cách nào để chị dung hòa giữa kiếm sống và đam mê nghệ thuật?
- Tôi không giàu có để chọn phim ảnh làm người nổi tiếng, được nhắc tới trên báo. Tôi muốn công sức của mình bỏ ra sẽ nhận được khoản cát-sê xứng đáng. Công sức tôi bỏ ra được công chúng chấp nhận và khi xem phim họ cảm thấy được thư giãn, được giải trí. Ngược lại, đòi hỏi tiền cát-sê như vậy thì tôi cũng phải diễn xuất như thế nào để họ chấp nhận trả cho mình. Tôi không hét giá mà giá đó đúng với công sức, khả năng của tôi bỏ ra.
Đối với tôi, vai nào có nhiều đất diễn, có sự chuyển biến tâm lý, và có nhiều tình tiết hay thì mình nhận. Và tôi sẽ cố gắng làm sao để nhân vật của mình trở nên sôi động hơn. Bây giờ kịch bản nhiều nhưng có những kịch bản tôi thích, có những kịch bản tôi không thích thì đó là sự dung hòa.
- Chị có mong đợi một giải thưởng nào đó về nghề sẽ đến với mình trong nay mai không?
- Có những người mong đợi hay thích có giải nhưng bản thân tôi thì không. Thứ nhất tôi là diễn viên tay ngang, không qua trường lớp mà được công chúng đón nhận, ghi nhận thì đó cũng là một giải thưởng rồi, không nên đòi hỏi những gì quá sức. Hơn nữa, theo tôi, những người không có giải thưởng không có nghĩa là họ diễn dở mà đôi khi còn phải may mắn, có duyên trong đó.
Hạnh phúc khi được lo lắng và chăm sóc cho con
Đám cưới của mình, Thân Thúy Hà không công bố nhưng mọi người đều biết. Ngày cưới, báo chí còn gọi điện xin đứng trước cửa để chụp hình diễn viên, ngôi sao đến dự tiệc cưới. Lúc ly hôn, chị muốn mình là người trực tiếp thông báo cho mọi người khi đã giải quyết xong xuôi mọi việc. Thân Thúy Hà cho rằng, đó là cách mà chị tôn trong khán giả của mình, bởi mình là người của công chúng, những việc như vậy khán giả cần được biết. Tuy nhiên, khi chị chưa kịp lên tiếng thì mọi sự đã vỡ lở trên báo chí.
Video đang HOT
- Chị chưa muốn công bố việc mình ly hôn nhưng rồi thông tin vẫn tràn lan trên báo. Điều này có ảnh hưởng đến cuộc sống của chị?
- Nó cũng có ảnh hưởng. Ngày đầu tiên khi ly hôn, bản thân tôi quyết định sẽ tự mình lên tiếng. Nhưng chỉ sau một ngày ra đường, rồi cho tới giờ phút này vào quán cà phê, mọi người lại chỉ trỏ, xì xầm. Cũng có những người nhân cơ hội này để nói nhiều thứ không hay về mình. Tuy nhiên, là người của công chúng nên tôi chấp nhận những điều đó.
- Ở vào vị thế của chị, có thể không cần một người chồng nhưng sự phát triển của một đứa trẻ luôn cần sự hiện diện của người cha bên cạnh. Chị đã nghĩ tới điều này?
- Cho đến lúc này, tôi chưa có bất kỳ suy nghĩ nào về vấn đề này. Bản thân tôi là người mạnh mẽ nhưng tôi cũng là người phụ nữ bình thường. Nhưng tôi cần có thời gian để ổn định lại. Mặc dù cuộc sống của mẹ con tôi đã ổn định nhưng để đi bước nữa thì chưa phải thời điểm này.
Tôi cho rằng, bản thân mình phải tự cho mình cơ hội. Đó là điều hiển nhiên vì hiện tại tôi vẫn còn trẻ, bản thân tôi cũng không phải là người đã tổn thương rồi sẽ không bao giờ dám đi vào con đường đó nữa. Tính tôi hay mạo hiểm nhưng phải tùy thời điểm.
- Từ cuộc hôn nhân đầu tiên chị rút ra được bài học gì cho mình?
- Nói chung cũng có nhiều cái để mình phải rút kinh nghiệm. Nó có nhiều thứ, chẳng hạn không phải mình nghĩ mình đủ tuổi kết hôn, đủ chín chắn thì mình sẽ sống được với nhau lâu dài và hạnh phúc. Thứ hai, không phải mình là người mạnh mẽ, giải quyết được mọi việc đã là thành công.
- Cuộc sống của 2 mẹ con chị hiện nay như thế nào?
- Nói chung là bình yên, mọi việc nó cũng đã ổn định rồi. Tôi và con đã thích nghi được với cuộc sống mới. Buổi sáng trước khi đi làm, tôi thường nói chuyện với con, và buổi tối trước khi đi ngủ cũng gặp con nói chuyện, dỗ dành cho con ngủ. Những ngày không phải đi làm tôi lại dắt bé ra đường, đi ăn, đi đây đi đó để cho bé được gần gũi mẹ hơn.
Tôi vui và cảm thấy hạnh phúc khi được lo lắng và chăm sóc cho con. Tôi còn muốn đích thân mình đưa con đi học và đón con về. Tôi rất thích khi được chăm sóc, tắm cho con, cho con ăn. Trong nhà cũng có người nhưng tôi vẫn giành làm những công việc đó. Và khi làm những công việc đó, tôi cảm thấy hạnh phúc lắm.
- Không có bố bên cạnh để cùng chơi trò cưỡi ngựa, bắn bi, hoặc để giải đáp những thắc mắc mà những đứa trẻ nào cũng có quyền hỏi. Chị có cảm thấy thiệt thòi cho con mình?
- Lúc đầu tôi cũng suy nghĩ nhiều nhưng tôi thấy vấn đề ba mẹ không ở chung, không phải là thiệt thòi. Vấn đề là bé có được hạnh phúc, được ba mẹ yêu thương, vui vẻ với nó hay không. Chứ chắc gì trong một gia đình có đầy đủ ba mẹ đã là lý tưởng. Khi không hạnh phúc, vợ chồng gây gổ với nhau; hoặc cả hai người đều có bồ thì đứa con phải sẽ chứng kiến chuyện đó. Tôi chỉ thấy cuộc sống của con mình khác với con người ta là ba mẹ không sống chung, nhưng ba mẹ nó vẫn yêu thương nó. Bây giờ nó còn nhỏ chưa biết nhưng sau này lớn lên, nếu nó muốn gặp ba, muốn đi chơi hay ngủ ở nhà ba thì nó có thể làm những việc đó. Tới giờ phút này, con tôi không có mất mát hay thiệt thòi gì hết.
- Tính cách chị rất mạnh mẽ, chị có dám tin là sau này con của mình cũng sẽ mạnh mẽ và có thể đương đầu với những thử thách?
- Cha mẹ sinh con trời sinh tính. Cuộc sống, hoàn cảnh của tôi ngày xưa là những điều giúp tôi không sa ngã. Nên tôi muốn dùng những gì mà tôi có được để dạy dỗ cho con. Tôi chỉ định hướng cho con sống như thế nào để trở thành người có ích, biết quan tâm tới mọi người xung quanh, sống có tâm và có đức. Còn chuyện tương lai cuộc đời thì lớn lên nó sẽ phải quyết định.
- Chân thành cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Phận người cơ cực sau những bức vẽ 'nude'
Không một họa sĩ nào thành nghề mà trong đời chưa từng một lần vẽ người mẫu "sống" - người khỏa thân ngồi làm mẫu cho người học nghề vẽ.
Gắn với công việc của các họa sĩ hàng trăm năm nay, nhưng những người mẫu khoả thân là những người ít được ai biết tới và phải chịu vô vàn những "búa rìu dư luận".
Có lẽ chính vì yếu tố này mà tất cả những người làm nghề người mẫu khoả thân ở Trường Đại học nghệ thuật Huế đều e dè khi nói về chuyện đời, chuyện nghề của mình.
Phải mất cả tuần lễ thông qua sự giới thiệu của các giảng viên, các sinh viên quen biết, họ mới đồng ý gặp mặt chúng tôi với 2 yêu cầu: Thứ nhất, phải giấu tên thật, địa chỉ của họ; Thứ hai, không được chụp hình.
Người mẫu "sống" - yếu tố không thể thiếu
Người mẫu trong 1 lớp vẽ ở nước ngoài
Họa sĩ Nguyễn Duy Hiền, một họa sĩ sinh sống tại Huế lý giải về yếu tố quan trọng của những người mẫu sống như sau: "Hàng trăm năm qua, dù đã có những mẫu tượng, đã có hình chụp để hoạ sỹ nhìn theo đó mà vẽ theo, nhưng người mẫu sống vẫn là hình mẫu lý tưởng nhất để người ta vẽ tranh. Bản thân dáng hình cơ thể con người đã là một kiệt tác mà thiên nhiên tạo ra. Hơn thế, người mẫu sống có nước da, màu tóc thật nên khi vẽ, người họa sĩ có thể phối màu một cách sinh động hơn so với tượng gỗ, tượng vôi được phủ sơn vốn chỉ có tác dụng tạo khối mảng, hình dáng".
Một lí do khác khiến người mẫu không thể thiếu trong quá trình sáng tác hội họa, chính là khả năng "linh động" của mẫu người theo như lý giải của Lê Thị Diệu Ái, sinh viên năm 3 trường Đại học nghệ thuật Huế: "Thực hành bằng mẫu người giúp người vẽ có thể điều chỉnh vóc dáng, khối mảng theo sở thích, yêu cầu bài giảng. Nếu là mẫu tượng, người vẽ phải tự cân chỉnh hình dáng và không phải mọi thế vẽ đều thực hiện được trên mẫu tượng".
Nhiều họa sĩ cũng thừa nhận rằng mặc dù các mẫu tượng ngày càng phong phú về hình dáng, màu sắc nhưng không thể thay thế được hoàn toàn mẫu người mà chỉ đáp ứng một phần nào đó. "Suy cho cùng tượng người chỉ là vật thể vô tri vô giác, không thể tạo được ấn tượng cũng như cảm xúc thật như mẫu người. Nhiều thay đổi ngẫu hứng của người đứng mẫu có thể tạo nên một bức tranh thuộc loại "độc"", họa sĩ trẻ Nguyễn Đăng Huy giải thích thêm.
Nghề "giấu giếm"
Bác H.L, 66 tuổi, một người mẫu có thâm niên gần 10 năm làm người mẫu "sống" cho biết: dù ở Huế có nhiều trung tâm đào tạo nghệ thuật, trung tâm luyện thi mỹ thuật và phòng vẽ, nhưng số người mẫu sống chỉ vỏn vẹn khoảng 20 người. "Các họa sĩ không cần yếu tố thân hình đẹp, số đo 3 vòng chuẩn với các người mẫu. Chỉ cần cơ thể lành lặn, không đui què sứt mẻ và quan trọng nhất là dám cởi quần áo trước mặt người khác. Thế nhưng không phải ai cũng đủ can đảm để theo đuổi nghề này", bác H.L cho biết.
Anh N.V.L, ngụ huyện Hương Trà là một trong những người mẫu "sống" có thâm niên thuộc dạng "lão làng" nhất ở Thừa Thiên - Huế. Năm nay 40 tuổi nhưng anh đã có 20 năm làm người mẫu khoả thân. Anh nhớ lại: "Tình cờ trong một lần đến xem sinh viên trường nghệ thuật vẽ, giờ giải lao cô giáo dạy vẽ hỏi tôi có muốn làm người mẫu không, lúc đầu tôi cũng nhận lời và nghĩ chỉ làm cho vui vì ngày ấy không có việc làm ổn định gì. Không ngờ cái nghề này đeo đẳng suốt 20 năm đến bây giờ vẫn chưa bỏ được".
Người mẫu sống trong lớp vẽ sinh viên hội họa
Anh tâm sự, lúc mới vào nghề không tránh khỏi cảm giác e dè ngượng nghịu bởi "lộ thiên" giữa hàng trăm con mắt, nhưng "lâu dần thành quen, và người vẽ khá tôn trọng người mẫu sống". Khổ nhất là khi đến nhà bạn gái, mọi người hỏi làm nghề gì thì chỉ dám nói rằng phụ việc ở trường nghệ thuật.
Bác H.L thì tình cờ đến với nghề từ năm 2002. Năm ấy trước kỳ thi tuyển sinh đại học, nhà trường bị "cháy" người mẫu do không có ai chịu làm mẫu vẽ cho các thí sinh vẽ dự thi.
Tình cờ bác gặp một cán bộ phòng đào tạo và người này năn nỉ bác giúp đỡ. "Ban đầu cảm thấy tò mò nên cứ nghĩ làm thử xem thế nào, lại có đồng ra đồng vào nhưng làm mãi thành quen nên làm cho tới nay luôn". Ở nhà không ai biết bác làm nghề đặc biệt này.
"Có lần có người quen thấy tôi đang ngồi mẫu cho lớp vẽ liền kể với gia đình nhưng tôi phải nói dối ngay: việc chính của tôi là chăm sóc cây cảnh trong trường, hôm ấy thiếu người mẫu nên tôi phải "đóng thế" một bữa thôi", bác H.L tâm sự.
Người mẫu nam đã phải giấu giếm, người mẫu nữ còn phải giấu chuyện nghề kỹ lưỡng hơn nữa với mọi người. Chị H, quê ở Phú Thượng, huyện Phú Vang ngoài công việc đồng áng, những lúc rảnh rỗi cũng đến Trường Đại học nghệ thuật Huế làm người mẫu "sống", không khi nào nói rõ cho chồng con là mình làm ở đâu mà chỉ nói chung chung là "em đi phụ việc cho người ta. Ông bà chủ khó tính nên họ yêu cầu người nhà của nhân viên không được tìm đến nơi làm việc".
Chị phải giấu kín đến mức có lần một đồng nghiệp mang mấy bức toan loại (những tranh vẽ không đạt yêu cầu bị hủy) về nhà định che chuồng gà, chị cũng phải năn nỉ anh này: "Người mẫu trong tranh chính là em. Anh mang về lỡ ai phát hiện ra đấy là em thì chồng em đánh chết".
Tiền công bèo bọt
Làm người mẫu sống, công việc không nặng nhọc như bốc vác, phụ hồ... yêu cầu cần có sức khoẻ tốt: "Có những lúc phải bất động hàng chục phút. Khốn khổ nhất là trời mùa đông lạnh cắt da nhưng vẫn phải cởi quần áo làm mẫu vẽ, nếu có lò than thì cũng chỉ đủ ấm nửa người, phần cơ thể còn lại da thịt tím ngắt", anh N.V.L nói.
Tranh khỏa thân của các họa sĩ tương lai có thể bán giá tiền triệu, nhưng tiền công của những người mẫu sống chỉ có vài ngàn đồng một tiết. Cụ thể: làm mẫu chân dung (chỉ cởi áo) thì người mẫu được trả 7 - 8 ngàn đồng/ tiết học kéo dài 40 phút; "nuy" 90% có giá 15 ngàn đồng/ tiết học; cao nhất hiện nay là những mẫu "nuy 100%" được trả 20 ngàn đồng/ tiết học.
"Tiết học phụ thuộc vào từng bài giảng, bài nào nhiều tiết thì người mẫu chúng tôi được lên lớp đều. Còn có tuần chỉ làm mẫu được 2 - 3 tiết thì lại xoay qua các nghề khác kiếm thu nhập như đạp xích lô, bán hàng rong", anh N.V.L cho biết.
Có một nghịch lí rằng dù có thâm niên cống hiến hàng chục năm, là thành viên của tổ người mẫu của trường ĐH nhưng các người mẫu "sống" không hề nhận được bất kì khoản trợ cấp hay chế độ đãi ngộ nào: "Bảo hiểm y tế không có, hợp đồng làm việc cũng không, thậm chí những lúc đau ốm vì cởi truồng chịu lạnh làm mẫu, cũng phải tự bỏ tiền túi mua thuốc men", một người mẫu cho biết. Vài năm trước đây, đã từng có một nữ người mẫu chết sau khi cố đứng mẫu: "Chiều đó chị P xin về sớm lúc 4h chiều. Hai giờ sau mọi người được tin chị P về đến nhà thì ngã vật ra chết vì cảm lạnh", một đồng nghiệp của người xấu số kể lại.
Hoạ sĩ Nguyễn Duy Hiền, một người có tâm huyết với ngành mỹ thuật, từng tham gia hướng dẫn nhiều sinh viên nghệ thuật bày tỏ ý kiến: "Lượng người mẫu nghệ thuật ở Huế hiện không nhiều, phần lớn đã ở tuổi trung niên, già, trong khi đó nhu cầu mẫu để giảng dạy cho sinh viên ngày càng tăng. Nếu không có chế độ tương xứng cho những người làm mẫu sẽ dẫn đến tình trạng khan hiếm người mẫu trong tương lai gần"
Nói về thực trạng của người đứng mẫu hiện nay, Họa sĩ, giáo viên mỹ thuật Trường THCS Chu Văn An, ông Nguyễn Hùng cho rằng ngoài yếu tố tiền công bèo bọt, còn có việc người mẫu phải chịu những lời dị nghị, khinh rẻ khiến nhiều người mẫu không muốn tiếp tục gắn bó với nghề. "Chúng tôi luôn dặn dò sinh viên phải tôn trọng các người mẫu bởi họ là yếu tố không thể thiếu trong nghệ thuật hội họa. Hơn nữa nghề đứng mẫu không hề vi phạm pháp luật hay trái với mỹ tục người Việt nên dị nghị họ là điều phi lý", ông Hùng nói.
Thế nào là một "người mẫu sống" giỏi? Một người mẫu nghệ thuật giỏi phải nắm bắt được các "thế" ngồi, đứng... sao cho "mềm" (thả lỏng cơ thể, hoàn toàn không gồng) theo yêu cầu người vẽ. Trong nhiều trường hợp, người mẫu là tác nhân chủ đạo trong sáng tạo nghệ thuật chứ không phải người vẽ. Một tiêu chí khác để đánh giá "đẳng cấp" của người mẫu nghệ thuật là khả năng phối cảnh với môi trường xung quanh. Phần lớn người mẫu nghệ thuật ở Huế hiện nay thuộc hạng nghiệp dư, "làm lâu quen nghề" chứ không hề trải qua một trường lớp đào tạo nào.
Theo ĐSPL