Thân phận xó bếp
Phụ nữ bây giờ học hành, kinh doanh, việc chỉ huy trong nhà, không các bà thì ai. Có ông nào không sợ vợ đâu mà còn làm dữ.
Thưa chị Hạnh Dung,
Tuần trước, khi thấy vợ cứ dán mắt vào mạng, theo dõi vụ ly hôn của một doanh nhân, tôi đã bảo “đàn bà nên ở trong bếp thì hơn”. Thế mà cô ấy giận, tới giờ vẫn chưa chịu nhìn mặt tôi. Cô ấy bảo thời nào rồi mà còn khuyên phụ nữ ở nhà chồng nuôi, lui về phía sau để “sướng như bà hoàng”. Cô ấy bảo phụ nữ có quyền lao tới phía trước, không an phận.
Ảnh minh họa
Tôi khuyên vợ nhìn lại mình, có mất quyền gì đâu. Phụ nữ bây giờ học hành, kinh doanh, việc chỉ huy trong nhà, không các bà thì ai. Có ông nào không sợ vợ đâu mà còn làm dữ. Với lại, chuyện nhà người ta, tòa còn đau đầu, ta biết bao nhiêu mà phê phán, nói năng xúc phạm.
Thế nhưng dù tôi nói thế nào, cô ấy vẫn không hết giận. Tự nhiên chuyện nhà người ta, mình xào xáo.
Dương Đỗ (TP. HCM)
Thưa anh Dương Đỗ,
Tôi cũng đồng ý rằng, ta đừng phê phán xúc phạm khi chưa biết rõ. Mạng xã hội đúng là nơi thoải mái chia sẻ, nhưng không gian công cộng đó cũng ảnh hưởng đến người khác, nên mình cũng phải có văn hóa.
Video đang HOT
Hạnh Dung nghĩ, phát biểu có ý bảo bổn phận phụ nữ là “lui về phía sau” quả trái với tinh thần thời đại, không cần tranh cãi. Chỉ là người ta áp dụng nó ra sao thôi, trong những điều kiện đặc biệt nào. Sự thực là nhiều phụ nữ muốn lui về phía sau mà có được đâu.
Phụ nữ hiện đại nhiều người hy sinh, đứng phía sau, lo cho gia đình, ủng hộ chồng cũng không phải là hiếm, càng không phải các bà thua kém hay lạc hậu gì. Họ tùy vào tình thương yêu và hoàn cảnh cụ thể để có gia đình hạnh phúc mà không cần cãi lý chuyện công tôi công anh.
Bây giờ, phụ nữ có bị coi là “chỉ biết xó bếp” nữa đâu, dù có thể trong thực tế họ có… ở trong bếp nhiều hơn thật. Nhưng đó chỉ là phân công công việc của gia đình (mà thường phụ nữ có phần vất vả hơn). Họ tự giác và tự thu xếp hợp lý để chồng con được chăm sóc mà họ không phải đánh mất bản thân. Họ vẫn đẹp, vẫn đi làm, vẫn học hành thăng tiến và… bám sát thông tin xã hội có khi hơn cả ông chồng. Họ giỏi tâm lý và nhạy bén. Còn chuyện đàn ông đi chợ, đón con, nấu ăn… cũng bình thường thôi.
Cho nên Hạnh Dung chẳng khuyên anh điều gì, vì theo như anh nói, anh cũng tự biết sẽ chẳng phê phán gì vợ, chỉ nói lên một nhận xét thực tế đúng là bây giờ phụ nữ, tuy vẫn làm bếp, nhưng không còn nghĩa là vai trò của họ chỉ ở trong xó. Cũng có những phụ nữ nghe chuyện thì bảo, chồng nhận cho 10 tỷ một tháng nuôi con thì… sướng quá còn gì, tui chỉ cần 1 tỷ là hoan nghênh rào rào… Tất cả chỉ là những bình luận, quan niệm nhiều góc độ, dưới nhiều hoàn cảnh thôi, mình chẳng nên khăng khăng bắt lỗi, bởi mình đâu ở trong hoàn cảnh của họ. Hạnh Dung chắc khi anh tâm tình như thế, vợ anh có khi sẽ đồng ý với anh ngay.
Hạnh Dung
Theo phunuonline.com.vn
Có thứ còn đáng sợ hơn cả sự phản bội... là khi 1 nhà nhưng 2 người thuộc về 2 thế giới
Thực chất nó chỉ là vẻ bề ngoài, cái áo lóng lánh khoác lên để che đi sự ích kỉ cá nhân mà họ luôn hướng người bạn đời mình phải thay đổi.
Trong hôn nhân, có những sự thay đổi còn kinh khủng hơn gấp nhiều lần phản bội. Đó là khi bạn nhận ra cùng chung sống trong 1 ngôi nhà, cùng được gọi là vợ, là chồng nhưng 2 người lại thuộc về 2 thế giới, cứ tự nhiên xa cách, tự nhiên mà trở thành những người lạ đã từng quen.
Suốt quãng thời gian dài diễn ra vụ ly hôn của ông chủ cafe Trung Nguyên, đôi vợ chồng từng sát cánh bên nhau gây dựng 1 cơ đồ, đôi vợ chồng mà luôn nhìn thấy cả thế giới trong mắt nhau lại có ngày công kích nhau trên tòa án, làm đề tài gây xôn xao dư luận. Không biết sau mỗi cuộc tranh cãi, mỗi 1 quan điểm đưa ra trở thành "phát ngôn của năm", có lúc nào họ thật sự biết lắng nghe, chịu tìm hiểu rốt cuộc người chồng, người vợ năm ấy tại sao lại thay đổi như vậy? Nhưng đáng tiếc, phiên tòa càng kéo dài thì sự lắng nghe càng trở nên xa xỉ, từ những người trong cuộc, từ thẩm phán và thậm chí là những kẻ chẳng biết gì chỉ đóng góp ý kiến theo số đông.
Mỗi 1 buổi phân xử trôi qua, khi hôm nay người ta đứng về phía bà Diệp Thảo thì đến mai họ có thể chạy ngay sang phe ông Nguyên Vũ. Chắc sẽ chẳng có cặp vợ chồng nào đổ vỡ hôn nhân mà lại nhận được hàng triệu sự quan tâm từ người ngoài như vậy. Phải chăng vì ai cũng có cái lý của mình, cũng khiến người ta phải suy nghĩ, trăn trở, đắn đo?
Vợ chồng ông chủ cafe Trung Nguyên.
Có lẽ không chỉ riêng vợ chồng cafe Trung Nguyên mà bất cứ cặp vợ chồng nào cũng vậy, để duy trì 1 cuộc hôn nhân bền chặt thì cần nhiều yếu tố mà sự thành công còn phụ thuộc vào việc "hợp tác" của cả 2 bên. TS Phillip C.McGraw - nhà nghiên cứu tâm lý chuyên xây dựng chiến lược sống nổi tiếng ở Mỹ, cho rằng: "Có 12 loại cảm xúc cơ bản, trong đó, phụ nữ và đàn ông, mỗi người cần nhận 6 loại cảm xúc. Phụ nữ cần sự chăm sóc, thấu hiểu, tôn trọng, cống hiến, đồng tình và sự bảo đảm. Còn đàn ông cần nhận sự tin cậy, chấp nhận, đánh giá cao, khâm phục, ủng hộ và sự khuyến khích từ người bạn đời của họ". Thế nhưng, không chỉ có ông Vũ, bà Thảo mà rất nhiều cặp đôi khác không phải ai cũng "cảm" được hết những tâm tư, nguyện vọng của đối phương. Cuối cùng thì chẳng có kẻ thứ 3 nào chen ngang hết, tự những người trong cuộc hôn nhân ấy đẩy nhau ra xa.
Cái sai lầm lớn nhất mà các cặp vợ chồng thường mắc phải là luôn áp đặt suy nghĩ của mình vào người khác và cho rằng điều ấy là tốt với họ. Chồng thì cứ quần quật làm việc, kiếm thêm chiếc túi xách hàng hiệu cho vợ, hộp sữa ngoại cho con mà không cần biết vợ phải gồng gánh cảm xúc thế nào, cô đơn ra sao. Còn những bà vợ, đôi khi các chị lại coi thường việc chồng làm, nghĩ đó là điều mà bất kể đàn ông nào cũng có thể làm được. Hay một số khác cứ thích lao tâm khổ tứ, tự tin bản thân có đủ thông minh để gánh vác bớt cho chồng. Đấy, cả 2 cùng hi sinh đấy chứ, cùng lo cho 1 gia đình lớn đấy chứ, nhưng tiếc rằng sự cho đi của họ là công cốc, là toàn đổ sông đổ biển.
Và rồi những cuộc cãi vã triền miên cũng chẳng còn nữa, hôn nhân của họ dần rơi vào trạng thái im lặng, kiểu "chán chẳng buồn nói" nhưng không nói được ra thì lại càng u uất hơn, vợ chồng nhìn nhau càng hằm hè hơn.
Ảnh minh họa: Internet
Vợ chẳng hiểu chồng làm gì, thấy chồng thay đổi khác thường thì lo lắng. Người phụ nữ như bị dồn ép vởi bao áp lực cuộc sống, những nếp nhăn hằn lên ánh mắt, vết chân chim đậm dấu thời gian, vậy mà chồng mình chẳng mảy may hay biết. Và rồi, cô ấy quyết định vùng lên, tìm cách lấy lại người chồng của ngày xưa, bảo vệ tất cả mọi thứ đã cùng nhau gây dựng trong khi nó đang có nguy cơ lung lay từng ngày.
Còn người đàn ông ấy, cảm thấy chẳng có ai hiểu mình sau bao năm lăn lộn với đời, muốn tìm thứ gì đó để lòng được an yên mà vợ cũng chẳng chịu thấu. Chồng thì bỗng dưng nhận ra chân ái, trong mắt chẳng còn người con gái đẹp đẽ năm xưa hi sinh cả tuổi thanh xuân cho mình. Thay vào đó là 1 cô vợ tham lam, ích kỉ, chỉ muốn kiểm soát hết mọi thứ của chồng. Ai cũng nghĩ đối phương thay đổi, chẳng ai chịu chia sẻ và lắng nghe nhau 1 cách thiện chí nhất để kết quả là oán trách chồng chất, người nào cũng nghĩ mình chưa bao giờ sai.
Người ta luôn chủ quan tình yêu của mình đã đủ lớn để tha thứ tất cả, để bao dung mọi lỗi lầm dù vết thương có lớn đến thế nào, nhưng thực chất nó chỉ là vẻ bề ngoài, cái áo lóng lánh khoác lên để che đi sự ích kỉ cá nhân mà họ luôn hướng người bạn đời mình phải thay đổi. Không có tình yêu nào được minh chứng bằng những áp đặt "phải... phải". Khi 1 người chấp nhận thay đổi bản thân thì điều tốt nhất chính họ sẽ được hưởng đầu tiên chứ không phải 1 ai khác. Thế nên, mọi thứ sẽ chỉ tốt đẹp lên khi chúng ta cùng nhau cố gắng.
Ảnh minh họa: Internet
Tôi nhớ đến 1 bức tranh miêu tả rất chân thực trạng thái đau khổ nhất trong tình yêu. Người đàn ông nằm trên mỏm đá đang cố kéo cô gái sắp rơi xuống vực lên nhưng điều họ không thấy được chính là những khó khăn mà mỗi người đang phải chịu đựng. Giống như cách người phụ nữ ấy nghĩ mình cần thoát khỏi con rắn nhưng lại không cảm nhận được sự cố gắng của chàng trai đang cứu mình. Cũng giống như anh phải dùng tất cả sức lực để cứu người mình yêu nhưng cũng không hiểu sao cô ấy chẳng chịu nhúc nhích.
Cuộc sống vợ chồng cũng vậy, chúng ta chẳng bao giờ nhìn thấy hết những áp lực hay nỗi đau mà đối phương phải chịu và ngược lại. Mỗi chúng ta đều có một sự cố chấp nhất định, vì cái tôi quá lớn và vì tổn thương quá nhiều, sẵn sàng sống khác với bản thân dù có mang tiếng xấu chỉ để cứu vớt chút quá khứ đã ở lại rất xa.
Ảnh minh họa: Internet
Trong khi, có những cặp đôi, họ chiến đấu với tử thần từng giờ trong bệnh viện để được nắm tay nhau thêm chút nữa, để được nhìn nhau lâu thêm chút nữa thì ngoài dòng người tấp nập, người ta cũng hối hả buông tay, nhanh gọn và chóng vánh đến xót xa.
Dù bạn là đàn ông hay phụ nữ, là vợ hay chồng thì hãy cố gắng 1 lần xỏ chân vào "đôi giày" của đối phương để hiểu cảm xúc của nhau, thông cảm, sẻ chia và có thể cùng nhau ngồi lại giải quyết mọi khúc mắc. Học cách nghĩ khác đi, cho yêu thương và nhận lại yêu thương để thấy cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều!
-Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả-
Theo phunuvagiadinh.vn
Vợ nhúng vào là hư chuyện! Đâu phải ngẫu nhiên mà Tào Tháo có một câu nói kinh điển: 'Phàm những chuyện đại sự trong thiên hạ nên về nhà hỏi vợ. Vợ bảo sao cứ làm ngược lại, ắt sẽ thành công'. Báo Phụ Nữ TP.HCM là tiếng nói đại diện của phụ nữ, hẳn nhiên rồi, nên diễn đàn Lỗi tại đàn bà? ắt hẳn sẽ nhận...