Thân nhân liệt sĩ bật khóc tại khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma
Thăm Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma trước giờ khánh thành, không ít thân nhân liệt sĩ đã bật khóc vì xúc động. “Mặc dù mất con đi rồi nhưng chừ thấy như ri cũng thỏa mãn, hãnh diện khi con hi sinh vì Tổ quốc, để bảo vệ Tổ quốc”, mẹ Nguyễn Thị Hằng nói.
Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, bắc bán đảo Cam Ranh, Khánh Hòa
Đi tham quan một vòng ở Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, bà Đỗ Thị Hà (TP Cam Ranh, Khánh Hòa) – vợ liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh, cho biết, liệt sĩ Doanh quê ở Hoa Lư (Ninh Bình).
Sau khi anh đi bộ đội và làm nhiệm vụ ở Cam Ranh, một số đồng đội anh có quen biết gia đình chị và “mai mối” cho 2 người đến với nhau.
“Quen nhau được chừng một năm thì chúng tôi cưới nhau. Chúng tôi làm lễ cưới nhỏ, đại diện bên anh là các đồng đội của anh. Lúc anh ra đảo làm nhiệm vụ thì chúng tôi mới có một cháu gái 13 tháng tuổi”, bà Hà hồi tưởng.
Vợ liệt sĩ cho biết, sau khi anh lên tàu đi Trường Sa được vài hôm thì gia đình biết tin anh hi sinh qua đài phát thanh.
“Một đứa cháu nghe đài rồi báo cho gia đình nhưng chẳng ai tin. Vài tháng sau, một đồng đội trên tàu sau khi điều trị vết thương cháy tay thì về báo rằng: anh đã bị kẹt trong tàu”, bà Hà rưng rưng.
Trong khi đó, mẹ Nguyễn Thị Hằng (72 tuổi), mẹ liệt lĩ Hoàng Ánh Đông (Quảng Trị), cho biết, ô tô chở đoàn gia đình thân nhân liệt sĩ Gạc Ma đón mẹ từ TP Đông Hà vào chiều tối 13/7 và đến Nha Trang vào sáng hôm sau.
PV Dân trí trò chuyện cùng mẹ Nguyễn Thị Hằng (72 tuổi), mẹ liệt lĩ Hoàng Ánh Đông (Quảng Trị)
Chia sẻ cảm xúc trong lần trở lại nơi xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma sau hơn 2 năm ngày đặt viên đá đầu tiên, mẹ Hằng nói: “Mặc dù tôi đau lòng, đứt ruột nhưng chừ thấy như ri cũng sướng. Mặc dù mất con đi rồi nhưng chừ thấy như ri cũng thỏa mãn, hãnh diện khi con hi sinh vì Tổ quốc, để bảo vệ Tổ quốc!”.
Video đang HOT
Mẹ liệt sĩ Hoàng Ánh Đông cho biết, con mình nhập ngũ năm 21 tuổi thì năm sau gia đình nhận tin hi sinh. “Tôi có 8 người con và Đông là con thứ 2. Lúc nhận tin chỉ biết là mất giữa biển nhưng tôi nghĩ chắc là thất lạc ở đâu đó…”, mẹ Hằng bật khóc.
Trong chiều 14/7, chúng tôi nhận thấy nhiều thân nhân liệt sĩ đến Khu tưởng niệm tham quan, thắp hương cho các liệt sĩ Gạc Ma. Các mẹ dù tuổi cao, sức yếu, lưng còng nhưng vẫn vượt hàng trăm km để đến Cam Ranh. Trong đó có mẹ Huỳnh Thị Kế (Đà Nẵng), mẹ liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn, nay đã bước sang tuổi 84. Đăm chiêu nhìn Khu tưởng niệm, mẹ Kế cho biết, mẹ có 2 người con, một trai và một gái. Liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn là con trai đầu của mẹ.
Theo ông Nguyễn Hòa, Thành viên Ban quản lý Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma, trong lễ khánh thành sáng 15/7 ngoài 300 đại biểu TƯ và địa phương, còn có sự hiện diện của thân nhân 64 gia đình liệt sĩ Gạc Ma và 30 cựu chiến binh từng chiến đấu ở Gạc Ma, ở Trường Sa.
Bà Đỗ Thị Hà (TP Cam Ranh, Khánh Hòa) – vợ liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh bên cụm tượng đài Gạc Ma
Ngày 14/3/1988, quân đội Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm đảo Gạc Ma thuộc chủ quyền của Việt Nam. Lực lượng Hải quân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu bảo vệ lãnh thổ và chịu nhiều tổn thất, hy sinh.
Trong trận hải chiến không cân sức đó, thiệt hại của Việt Nam bao gồm 3 tàu bị bắn cháy và chìm, 64 chiến sĩ đã hy sinh, 11 chiến sĩ bị thương…
Đến nay, đã 29 năm kể từ ngày trận hải chiến nổ ra, nhân dân Việt Nam vẫn khắc khoải tưởng nhớ, hướng về các anh hùng liệt sĩ hy sinh đã hòa máu xương vào biển cả, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được xây dựng trên vùng đất rộng 2,5 ha, thuộc bắc bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà. Trước đó, vào ngày 13/3/2015, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp cùng UBND tỉnh Khánh Hòa làm lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Khu tưởng niệm.
Viết Hảo
Theo Dantri
Tái hiện cuộc hải chiến Gạc Ma trên 2,5 hecta
Hơn chục nghệ nhân dựng lều trú tạm bên công trường, làm việc từ sáng sớm đến tối mịt, xẻ những phiến đá nguyên khối để tạc tượng người lính hải quân trong dự án xây Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở Khánh Hòa.
Một năm sau ngày đặt viên đá đầu tiên khởi công, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) đang được khẩn trương thi công để kịp hoàn thành đúng tiến độ vào tháng 7 tới.
Giữa công trường tiếng máy cắt, máy khoan, búa vang lên liên hồi. Những phiến đá nặng hàng chục tấn được đơn vị thi công chuyển về công trình được cắt theo kích thước từng tác phẩm. Dù nắng gắt, những người nghệ nhân dựng láng trại túc trực, miệt mài tạc tượng.
Các nghệ nhân dựa vào hình mẫu là tượng thạch cao đo vẽ chi tiết để phân chia tỷ lệ ở các phiến đá rồi tùy vào bản thảo mà có thể dùng búa, khoan hay máy cắt để tạc tượng.
Tượng đài chính của khu tưởng niệm "Những người nằm lại phía chân trời" với biểu tượng "Vòng tròn bất tử". Biểu tượng này được tạo thành từ hình ảnh 64 chiến sĩ nắm tay nhau quyết tâm bảo vệ lá cờ Tổ quốc, khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại đảo Gạc Ma trong trận chiến với hải quân Trung Quốc vào ngày 14/3/1988.
Tượng của mỗi chiến sĩ đều khác nhau, buộc người thợ phải dành nhiều thời gian nghiên cứu phiến đá mới chế tác đúng kích cỡ và hình dạng. "Có khi một tượng nhưng phải mất mấy tháng ròng rã, vì chỉ thực hiện bằng đục, búa do có nhiều chi tiết nhỏ trên bức tượng", một nghệ nhân cho biết.
"Làm việc ở công trình, dù vất vả nhưng nghĩ tới hy sinh của người lính, mong mỏi của gia đình về khu tưởng niệm cùng những bức tượng chiến sĩ Gạc Ma, mọi người trong nhóm đều tích cực, tập trung công việc và luôn tỉ mỉ", nghệ nhân Tạ Chắc (45 tuổi, quê Ninh Bình) nói.
Theo lời ông Chắc, nhiều nghệ nhân có chuyên môn, giàu kinh nghiệm trong tạc tượng ở mọi miền đất nước, từ nhiều tháng nay đổ về công trình. "Nhóm chúng tôi cơ bản đã hoàn thành 8 trong số 9 tượng đài Chiến sĩ Gạc Ma", ông Chắc cho biết.
Hơn 20 năm trong nghề, nhóm trưởng nghệ nhân tại công trình - ông Đỗ Đình Hanh - cho biết đã ở công trình từ ngày đặt viên đá khởi công. Gần đây, nhóm thợ của ông phải tăng cường thời gian, làm từ sáng sớm đến tối mịt để sớm kịp tiến độ.
"Mỗi bức tượng chiến sĩ Gac Ma luôn khắc rõ kiên cường, bất khuất trên khuôn mặt, thể hiện ý chí quên mình ngã xuống của người lính hải quân", ông Hanh khẳng định.
Ông Nguyễn Hòa, Chủ tịch liên đoàn Lao động Khánh Hòa - Thành viên Ban quản lý Khu tưởng niệm cho biết, các hạng mục chính Khu tưởng niệm đang triển khai đạt tiến độ và dự kiến, tháng 7 này sẽ xong giai đoạn 1. Trong đó, phần tượng đục thô cơ bản hoàn thành, bệ đài đang đổ bêtông.
Dù đã 28 năm trôi qua nhưng rất nhiều chiến sĩ tham gia trận hải chiến Gạc Ma năm nào vẫn còn nằm lại ở biển khơi. Khu tưởng niệm sẽ là nơi an ủi vong linh, thờ tự của gia đình những chiến sĩ đã ngã xuống. "Các anh đã đi vào những trang sử vẻ vang của dân tộc, nhưng thể xác mãi nằm lại với lòng biển lạnh", cựu binh Lê Hữu Thảo - người có mặt trong trận chiến Gạc Ma năm 1988 - cho hay.
Mới đây, khi kiểm tra tiến độ thi công công trình Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng đôn đốc các nghệ nhân làm đúng tiến độ nhưng phải đảm bảo chất lượng.
"Khu tưởng niệm cũng sẽ tạo không gian cộng đồng cho cựu binh và thân nhân liệt sĩ Trường Sa, người dân trong nước, kiều bào ở nước ngoài tới tưởng niệm; tìm hiểu về lịch sử đấu tranh giữ nước, góp phần giáo dục bồi đắp lòng yêu nước; ý chí bất khuất của dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền thiêng liêng, tạo thêm một điểm tham quan du lịch đầy ý nghĩa", Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam nói.
Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma được xây dựng trên vùng đất rộng 2,5 hecta, khởi công hồi tháng 3/2015. Kinh phí xây dựng tượng đài được đầu tư từ nguồn đóng góp của tổ chức Công đoàn và tất cả công nhân lao động trên cả nước, sau nữa huy động từ các cơ quan, đơn vị và các tấm lòng hảo tâm của đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước.
Giai đoạn 2 (rộng 2,5 ha) sẽ được xây dựng tại khu đảo Cô Lin, Len Đao, có cả nơi để thân nhân các liệt sĩ có thể ở lại, tham quan, nghỉ dưỡng...
Điểm nhấn thiết kế toàn cảnh mang chủ đề "Những người nằm lại phía chân trời" với biểu tượng "Vòng tròn bất tử". Các tác giả chia sẻ về ý nghĩa của tác phẩm thiết kế với nội dung trọng tâm là "Vòng tròn bất tử" của các chiến sĩ Gạc Ma cùng tinh thần bất khuất, dũng cảm của các chiến sĩ Hải quân đã ngã xuống vì biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Xuân Ngọc
Theo VNE
Hình ảnh Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma trước giờ khánh thành Sáng 15/7, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tại bắc bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa sẽ khánh thành giai đoạn 1. Đến nay, các hạng mục đã hoàn tất gồm: cụm tượng đài những người nằm lại phía chân trời, khu trưng bày kỷ vật của các liệt sĩ Gạc Ma, quảng trường Hòa Bình, khuôn viên cây cảnh... Chiều...