“Thần dược phòng the”…mọc hoang khắp VN
Bất chấp sự ra đời của Viagra, cuộc kiếm tìm những loại “thần dược phòng the” thay thế từ thiên nhiên vẫn không ngừng được tiếp tục, bởi sự an toàn cho sức khỏe con người đã được khẳng định.
Trước đây, cũng trên chuyên mục này, báo GĐ&XH Cuối tuần từng đề cập tới yohimbine – cây thuốc được các nhà sản xuất sử dụng rất nhiều trong việc bào chế sản phẩm hỗ trợ tăng cường bản lĩnh đàn ông.
Nhưng hiện tại, không cần phải tới tận châu Phi để tìm kiếm yohimbine, Việt Nam cũng có một loài thảo dược với công dụng không kém gì Viagra lại rất dễ tìm kiếm. Đó là tribulus terrestris, thuộc gia đình thực vật zygophyllaceae và được gọi tại Việt Nam là cây tật lê cùng những tên khác như gai chống, gai ma vương, thích tật lê…
Video đang HOT
Tật lê mọc hoang rất nhiều ở vùng duyên hải miền Trung nước ta. Ảnh: T.G
Chứa nhiều chất có tác dụng cường dương
Tật lê mọc phổ biến tại Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam, vài vùng tại Âu châu và Nam Phi, trên những vùng đất hoang dại. Tại Việt Nam, loài cây này mọc hoang ở những vùng đất khô, đất cát dọc vùng ven biển từ miền Trung (Quảng Bình) xuống miền Nam. Cây thuộc loại thân thảo, bò sát mặt đất, phân nhiều nhánh, trên thân có lông nhung ngắn, trổ hoa vào cuối mùa xuân, đầu mùa hạ. Tật lê từ lâu đã được sử dụng tại các quốc gia châu Á để trị một số bệnh trong dược học dân gian. Người dân Trung Quốc dùng tật lê để trị cùi, ghẻ, đầy hơi, sưng gan, đau mắt, bệnh thận… Từ thời cổ đại, cách đây khoảng 4000-5000 năm trước, y học Ấn Độ đã dùng tật lê làm thuốc tráng dương, bổ thận, điều trị đau lưng, tinh dịch ít, gầy yếu… Tại Việt Nam, hầu như người dân chưa biết đến tác dụng tăng cường chức năng tình dục của loại thảo dược này mà chỉ dùng Tật lê để trị đau đầu, đỏ mắt, chảy nhiều nước mắt, phong ngứa, kinh nguyệt không đều, sữa không thông…
Tật lê từng được sử dụng như một chất kích thích sinh dục, làm tăng kích thước dương vật, tăng cường sinh lực trong y học cổ truyền Ấn Độ và Trung Quốc. Gần đây, các nghiên cứu của y học hiện đại càng góp phần khẳng định quan niệm của y thuật dân gian cho rằng loại thảo dược này có tác dụng mạnh mẽ đối với khả năng tình dục của nam giới. Các nhà khoa học Bungari là những người đầu tiên công bố về hoạt tính androgen (các hợp chất tự nhiên hay tổng hợp thường là hormon steroid có chức năng kích thích và kiểm soát sự phát triển, duy trì đặc tính nam ở động vật có xương sống – PV) có trong cây tật lê trên các cơ sở nghiên cứu hoá học, dược lý, lâm sàng hiện đại. Theo đó, toàn cây tật lê có chứa saponin steroid, chất này khi thuỷ phân sẽ cho diosgenin, hecogenin, tigogenin và pseudodiosgenin… Các saponin này có tác dụng làm tăng sinh tổng hợp testosteron trong cơ thể nam giới và do hàm lượng testosteron trong máu được nâng cao lên 30 – 40%, cơ thể trở nên sẽ tươi trẻ, cường tráng, tăng sinh lực.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn xác định được tật lê làm tăng oxit nitric – một chất hóa học giúp làm giãn nở các mạch máu trong cơ thể, do đó có thể làm cương cứng cơ quan sinh dục nam. Như vậy, với những người bị chứng bất lực, sử dụng cây tật lê trong thời gian dài sẽ cho hiệu quả rất tốt. Ngoài các saponin thì thành phần hóa học của tật lê còn gồm ancaloit 0,001%, chất béo 3,5%, ít tinh dầu, chất nhựa, rất nhiều natri, chất phylloerythrin, tannin, flavonozit… Đặc biệt, chất protodioscin trong quả của nó có tác dụng kích thích tình dục cũng như làm tăng áp lực của thể hang trong dương vật khiến cho tần suất giao hợp và xuất tinh đều tăng đã được chứng minh trên chuột đực thực nghiệm tại Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, lượng protodioscin trong cây tật lê biến đổi thường xuyên, khó định được hàm lượng chính xác.
Trở thành dược phẩm bán chạy
Một nghiên cứu về tác dụng của tật lê trên các tế bào xốp (corpus cavernosum) ở cơ quan sinh dục thỏ đã được thực hiện tại Đại học Y Khoa Singapore. Theo đó, thỏ được cho uống mỗi ngày một lần dịch trích từ loài thảo dược này, liên tục trong 8 tuần, theo những liều lượng khác nhau. Thỏ sau đó bị giết và mô tế bào bộ phận sinh dục được cô lập để lượng định sự đáp ứng với thuốc và với sự kích ứng bằng điện trường. Kết quả cho thấy, tật lê thực sự có tác dụng tới khả năng cường dương ở thỏ do sự gia tăng phóng thích nitric oxit từ tế bào endothelium và tế bào thần kinh nitrergic. Nghiên cứu kế tiếp, cũng tại Đại học Y Khoa Singapore (đăng trên Tạp chí Khoa học đời sống Singapore số 71, tháng 8/2002) đã thử nghiệm tật lê trên chuột, chia thành 2 nhóm: Nhóm bình thường và nhóm bị thiến, cho dùng chiết xuất từ thảo dược và đối chứng với testosterone; các thông số nghiên cứu dựa trên các hoạt động tình dục và áp lực trên các tế bào xốp nơi bộ phận sinh dục như số lượt muốn giao cấu, muốn nhẩy đực, thời gian xuất tinh… Kết quả cho thấy, nhóm dùng tật lê có những gia tăng hoạt động tình dục rõ rệt, riêng nhóm chuột bị thiến có sự gia tăng trọng lượng của tuyến nhiếp hộ và áp lực trên các tế bào xốp.
TS. Phan Quốc Kinh cho biết tật lê có tác dụng không hề thua kém Viagra. Ảnh: T.G
Cùng với cây yohimbine chỉ có ở châu Phi, tật lê được đánh giá là loại thảo dược có hoạt tính cao nhất và an toàn nhất để tăng cường sinh lực tình dục cho nam giới; giúp bổ sung hóc-môn nam, kéo dài thời gian hoạt động tình dục, giúp quá trình phục hồi sau khi quan hệ tình dục diễn ra nhanh chóng. Cách dùng tật lê thường là sắc uống hoặc nấu cao. Ở nước ta, người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận đã sử dụng loại cây này từ lâu để trị suy yếu hoạt động tình dục của nam giới và trị bệnh đau mắt, viêm họng. Năm 1989, TS. Phan Quốc Kinh, hiện là Viện trưởng Viện thực phẩm chức năng đã nghiên cứu cây tật lê mọc hoang với trữ lượng lớn ở Thuận Hải và xác định tật lê Việt nam cũng có chứa tỉ lệ cao saponin steroid mà genin chính là diosgenin giống như tật lê ở Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ. Sau đó, TS. Phan Quốc Kinh đã tiến hành chiết xuất cao cồn tật lê ở Bình Thuận, Ninh Thuận và bào chế thành các viên nang 300mg. Thuốc đã được thử lâm sàng tại Viện y học cổ truyền Việt nam do GS. Trần Thuý – Viện trưởng chủ trì. Qua thử nghiệm cho các bệnh nhân nam cho thấy, tật lê, thường được gọi là Gai chống, ở nước ta có tác dụng tăng cường sinh lực và nâng cao khả năng sinh dục như các chế phẩm tương tự của nước ngoài. Trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu, chế phẩm từ thiên nhiên này giúp làm tăng sức, tăng lực và tăng khả năng chịu đựng của chiến sĩ nơi thao trường, bộ đội đặc công.
“Cây tật lê mà dân ta thường gọi là cây Gai chống có tác dụng rất lớn đối với sức khỏe tình dục nam giới; nếu dùng đều đặn thì chỉ từ 1- 2 tuần là thấy được sự cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, do thích hợp với địa hình đất cát nên nó chỉ mọc được ở vùng ven biển thuộc các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên… Đồng bào Chăm đã sử dụng loài cây này từ lâu để tăng cường sinh lực, bổ thận, tráng dương, điều trị rối loạn cương dương… Chúng tôi đã phối hợp với hai trường Đại học hàng đầu Anh và Hà Lan để nghiên cứu về Tật lê và thấy rằng loài thảo dược này quả thật có tác dụng không kém gì Viagra. Hiện nay, tật lê đã được các công ty dược phẩm sử dụng để sản xuất các loại thuốc, thực phẩm chức năng tăng cường sinh lý và bán rất chạy. Tuy nhiên, người dân nên thận trọng khi sử dụng các mặt hàng rao bán trên mạng để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái; nếu có thể sử dụng trực tiếp tật lê dưới hình thức sắc nước hoặc nấu cao thì là tốt nhất”, TS. Kinh cho biết.
Được cả thế giới công nhận Từ y học dân gian, tật lê trở thành loại thảo dược được ngành y học nhiều nước trên thế giới nghiên cứu và thử nghiệm. Những nghiên cứu của Bệnh viện Homerton, ở London (Anh); Bệnh viện Đại học quốc gia, thuộc Viện Đại học quốc gia Singapore; Viện Khoa học sinh học Thượng Hải (Trung Quốc); Viện Đại học Hohenheim, Stuttgart (CHLB Đức)… đều cho thấy loại thảo dược này có tác dụng không hề thua kém viên thuốc Viagra trong việc điều trị chứng rối loại cương dương, tăng cường khả năng tình dục ở nam giới. Trước đây, Việt Nam thường nhập khẩu tật lê từ Trung Quốc với số lượng hàng tấn mỗi năm để sử dụng trong y học cổ truyền. Khi phát hiện loài cây này mọc hoang rất nhiều ở vùng Bình Thuận, các nhà khoa học đã thực hiện một cuộc khảo sát quy mô về trữ lượng và hàm lượng chất Tribulus có trong tật lê. Kết luận, nước ta có đủ điều kiện để trồng trọt, thu hoạch tật lê làm thuốc với hàm lượng chất Tribulus cao tương đương tật lê ngoại. Hiện nay, nhiều dược phẩm từ tật lê như Tribulus, Uphaton… đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành rộng rãi trên cả nước.
Theo VNE