‘Thần đồng piano’ Lang Lang khiến khán giả Hà Nội mê đắm
Tối 31/8, đêm diễn của nghệ sĩ piano Lang Lang diễn ra ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Đây là lần thứ hai Lang Lang gặp gỡ khán giả Việt Nam, sau 14 năm. Hơn 500 chỗ ngồi ở Nhà hát Lớn gần như kín. Chương trình chủ yếu phát vé mời. Sát giờ diễn, nhiều người hâm mộ tiếc nuối vì không mua được vé.
Lang Lang “phiêu” theo tiếng nhạc.
Xuất hiện trên sân khấu, Lang Lang giữ phong thái thoải mái, tự nhiên với ánh mắt lơ đãng, dáng ngồi khoan thai. Do tay trái bị chấn thương hai năm trước, anh chủ yếu thể hiện kỹ thuật khó bằng tay phải. Sau mỗi tiết mục, khán giả vỗ tay không ngớt. Tuy nhiên, kỹ thuật không phải là điểm nhấn trong màn trình diễn của Lang Lang.
Nghệ sĩ chia sẻ, trước kia anh luôn muốn chinh phục những bản nhạc khó. Giờ đây, điều anh muốn nhất là khơi gợi cảm xúc của khán giả. “Lang Lang của năm 2018 từng trải, trưởng thành, chín chắn hơn 14 năm trước”, pianist nói.
Trong đêm diễn, nghệ sĩ mang đến nhiều cung bậc cảm xúc, từ tình tứ, lãng mạn đến bi tráng qua các nhạc phẩm cổ điển phương Tây như Nocturne No. 20,Grand Valse Brillante (Chopin), The Lark (Balakirev), Military March (Schubert)… Ngoài ra, anh đan xen một số bản nhạc Trung Quốc như Coloured Clouds Chasing The Moon (Ren Guang) và Autumn Moon Over The Calm Lake (Lu Wecheng).
Với Nocturne No. 20 - dạ khúc nổi tiếng nhất của Chopin, anh giữ, nhả các phím đàn một cách chuẩn xác, xen chút ngẫu hứng. Tiếng đàn của anh gợi ra không gian mênh mông của đêm tối. Cả khán phòng nín lặng. Một số người yêu piano khẽ đặt tay lên ngực. Khi Lang Lang kết thúc màn biểu diễn, vài giây sau, khán giả mới bừng tỉnh và vỗ tay không ngớt.
Video đang HOT
Là người yêu thích âm nhạc của Chopin, ngồi trên khán đài, nhạc sĩ Dương Thụ xúc động bày tỏ: “Đó là tiếng đàn của người từng trải, rất tình cảm và sâu sắc, có đôi chút thâm trầm. Ngày trước, tôi chỉ công nhận ở Lang Lang sự tài hoa nhưng không nhận thấy độ sâu. Nhạc sĩ Chopin là người lưu vong, cuộc sống có vô số biến động và ẩn chứa nhiều nỗi buồn. Tôi nghĩ Lang Lang tìm được sự đồng cảm ở Chopin. Anh sinh ra ở Trung Quốc và sớm sang Mỹ lập nghiệp. Vì thế, Lang Lang thể hiện trọn vẹn chiều sâu của tác phẩm”.
Màn trình diễn hai nhạc phẩm Trung Quốc – Coloured Clouds Chasing The Moon (Ren Guang) và Autumn Moon Over The Calm Lake (Lu Wecheng) không có cao trào dữ dội mà mềm mại, uyển chuyển theo lối Á Đông. Trăng vốn là nguồn cảm hứng bất tận trong âm nhạc cổ điển. Lối chơi mềm mại của Lang Lang khiến người nghe mường tượng hình ảnh ánh trăng hiền hòa. Dù sang Mỹ sống nhiều năm, Lang Lang vẫn nặng lòng với quê hương. Trong buổi giao lưu với báo giới Hà Nội trước đó, anh trả lời bằng cả tiếng Anh và tiếng Trung.
Lang Lang và học trò Peter.
Trong concert, học trò của Lang Lang – Peter Chun Shing Leung – trình diễn solo bốn bản hòa tấu, đồng thời biểu diễn piano bốn tay cùng thầy trong tiết mục Military March của Schubert. Hai thầy trò tạo nên âm hưởng hùng tráng của một khúc quân hành. Họ thấu hiểu từng cử chỉ, ánh mắt của nhau, tạo nên sự kết hợp ăn ý. Peter là một trong những tài năng trẻ được quỹ âm nhạc toàn cầu Lang Lang đỡ đầu. Ở tuổi 12, âm nhạc của Peter mang đến cảm xúc hồn nhiên, mới mẻ. Nhạc sĩ Dương Thụ nhận xét Peter phô diễn được nhiều kỹ thuật, tuy nhiên, cậu bé cần thêm thời gian để rèn giũa và đạt độ chín về cảm xúc.
Đêm nhạc kết thúc lúc 21h với những giai điệu của bản Traumerei của Schumann. Khán giả trong khán phòng đứng dậy, vỗ tay cảm ơn và chào tạm biệt Lang Lang. Nhạc sĩ Huy Tuấn – từng thưởng thức buổi biểu diễn đầu tiên của Lang Lang tại Việt Nam 14 năm trước – bày tỏ hạnh phúc khi tái ngộ “ thần đồng piano” Trung Quốc. Anh nhận xét phong độ, kỹ thuật của Lang Lang vẫn ở đỉnh cao. Tuy nhiên, trong buổi biểu diễn này, Lang Lang chọn các tác phẩm quen thuộc, gần gũi hơn với khán giả, khiến công chúng dễ tiếp thu. Huy Tuấn đánh giá hai bản nhạc Trung Quốc của Lang Lang “dễ thương”.
Lang Lang cho biết lần trở lại này khiến anh cảm thấy rất vui vì nhận được sự chào đón nhiệt tình của khán giả.
Ngoài giới chuyên môn, khán giả xem buổi biểu diễn của Lang Lang là nhiều thiếu niên có niềm đam mê với piano và âm nhạc cổ điển. Sau buổi biểu diễn, họ tụ tập ngay trước cửa phòng hòa nhạc, trao đổi về những điều tâm đắc trong đêm nhạc. Ngân Hà – học sinh lớp chín trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội) – được làm quen với piano từ năm lớp ba. Cô biết đến Lang Lang qua những video trên Youtube. Ngân Hà thần tượng pianist người Trung Quốc bởi cách anh mang hơi thở hiện đại vào trong mỗi tiết mục piano cổ điển.
Mai Nhi – sinh viên năm hai Nhạc viện Hà Nội – hạnh phúc vì lần đầu được thưởng thức thần tượng biểu diễn trực tiếp. Cô bày tỏ: “Kỹ thuật của Lang Lang ngày càng thuần thục. Tôi thích Lang Lang vì dù chơi nhạc cổ điển, anh vẫn thổi vào trong màn biểu diễn dấu ấn cá nhân. Tôi hơi tiếc vì đêm nhạc chỉ gói gọn trong hơn một tiếng”, Mai Nhi chia sẻ.
Theo Tin247
"Thần đồng" piano Lang Lang: Những điều chưa biết
Lang Lang vốn là cái tên quen thuộc với người nghe nhạc cổ điển. Mới đây, nhà sản xuất của sự kiện Lang Lang biểu diễn tại Hà Nội cho biết, phải mất gần 1 năm thương lượng và chờ đợi mới mời được nghệ sĩ này
Hiệu ứng Lang Lang
Lang Lang là nghệ sĩ piano tới từ Trung Quốc - một quốc gia châu Á không phải là quê hương của đàn piano hay những nhà soạn nhạc lừng danh. Anh ra mắt thế giới nhạc cổ điển quốc tế và gây "cháy vé" các khán phòng uy tín khi chỉ mới 17 tuổi.
Lang Lang là nghệ sĩ piano có nhiều sáng tạo khi kết hợp với những dòng nhạc đương đại.
Cách chơi nhạc của Lang Lang không giống với những nghệ sĩ piano khác ở chỗ anh quyết liệt như một ngôi sao nhạc Rock. Anh không ngại kết hợp những thử nghiệm mới, từ nhạc phim cho tới nhạc trò chơi điện tử, từ sân khấu hàn lâm cho tới sân vận động Olympic hay World Cup, từ các lần biểu diễn chung với các nghệ sĩ piano tài năng khác cho tới những DJ đương đại.
Lang Lang đi theo cảm xúc chứ không bị gò bó bởi các quan niệm cũ. Anh đã làm được việc mà chưa có nghệ sĩ piano đương đại nào làm được, đó là hợp tác với Google và Youtube để tổ chức Dàn nhạc giao hưởng Youtube 2008; hợp tác với những vũ công dubstep Marquese "Nonstop" Scott để truyền cảm hứng tới cộng đồng nhạc số; vượt qua những giới hạn kết hợp với nhiều dòng nhạc mới khi biểu diễn cùng ban nhạc huyền thoại Mettalica tại Grammy 2014...
Chấn thương gây chấn động làng nhạc cổ điển
Tháng 4-2017, Lang Lang đưa thông tin trên Facebook cá nhân về việc bị chấn thương tay trái dẫn đến một loạt các buổi biểu diễn bị hoãn lại. Anh nói mình đã bị thương khi vội vàng thử nghiệm một cách tập luyện mới chỉ bằng tay trái cho bản concerto mà nhà soạn nhạc người Pháp Maurice Ravel viết cho Paul Wittgenstein - một nghệ sĩ piano mất đi cánh tay trái vào chiến tranh Thế giới thứ nhất.
Năm 2017, Lang Lang chấn thương tay và phải hạn chế biểu diễn.
Cả làng nhạc cổ điển thế giới đổ dồn sự chú ý vào các tin tức về chấn thương của Lang Lang, bởi trong xã hội ngày nay, thật không dễ để có một Lang Lang khác. Kỉ nguyên nhạc số bủa vây khán giả, họ có hàng trăm nghệ sĩ đình đám để lựa chọn chỉ bằng một cú lướt tay trên điện thoại thông minh và cũng chỉ một click chuột có thể loại ra những nghệ sĩ không có màu sắc riêng. Ngày nay những nghệ sĩ piano có thể bảo đảm các buổi diễn "cháy vé" trên thế giới chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, và Lang Lang luôn là cái tên không thể bỏ qua trong số đó.
Vài tháng sau tin bị chấn thương, Lang Lang tái xuất tại Carnegie Hall nhưng bác sĩ vẫn chỉ cho phép anh được dùng tay phải. Một trong những học sinh do anh đỡ đầu - Maxim Lando (14 tuổi) đã biểu diễn sát cánh cùng thầy thay cho cánh tay trái, trình bày bản Rhapsody in Blue của Gershwin một cách khác lạ nhất từ trước tới giờ.
Khán giả vỡ oà, giới chuyên môn cũng vậy, và điều đó chứng tỏ khao khát sớm được trở lại sân khấu của Lang Lang lớn hơn bao giờ hết. Thầy giáo của Lang Lang - Gary Graffman đặc biệt quan ngại về sự mê đắm sân khấu của anh và nhắc đi nhắc lại "khi bác sĩ bảo không được chơi quá 20 phút, thì đừng có cố thêm 5 hay 10 phút làm gì". Rút kinh nghiệm từ chính mình, có lẽ ông quá hiểu thực chất để biểu diễn 20 phút trước khán giả, mỗi khớp ngón tay của nghệ sĩ piano phải lặp đi lặp lại một hành động cả trăm lần.
Một năm để thuyết phục Lang Lang trở lại Việt Nam
Chấn thương đã khiến Lang Lang phải hoãn nhiều buổi biểu diễn quan trọng, lịch đi tour và cả lịch ghi album mới cũng phải sang "chế độ" chờ, chưa có ngày trở lại chính thức. Để có được buổi biểu diễn trong khuôn khổ hoà nhạc Hublot loves Art với Lang Lang tại Nhà hát Lớn Hà Nội cuối tháng 8 này, Hublot Việt Nam đã phải làm việc sát sao với nghệ sĩ hơn một năm nay.
Việc Lang Lang trở lại biểu diễn tại Việt Nam lần này khiến nhiều người yêu nhạc cổ điển chờ đợi.
Bà Hoài Anh, Ban tổ chức chương trình cho biết: "Ngay đầu năm 2017, chúng tôi đã họp và cùng quyết định sẽ mời Lang Lang tới Việt Nam biểu diễn. Câu chuyện thành công của Lang Lang rất truyền cảm hứng và là niềm tự hào chung của khán giả châu Á. Tuy nhiên, chúng tôi cũng như bao nhiêu nhà hát khác trên thế giới đều phải kiên nhẫn chờ đợi và mong chấn thương của Lang Lang sớm lành. Hoà nhạc đã được lùi lại nhiều lần, từ dịp Giáng sinh 2017 rồi tới sau Tết Nguyên đán và cho đến bây giờ. Lang Lang giữ lời hứa quay trở lại Hà Nội ngay khi bác sĩ cho phép dù số lượng show diễn anh có thể tham gia chỉ còn 1/3 so với thường lệ".
Lang Lang sẽ biểu diễn tại Hà Nội vào ngày 31-8. Đó hẳn là một đêm nhạc đáng để chờ đợi không chỉ riêng khán giả yêu mến dòng nhạc cổ điển mà còn là chính nghệ sĩ Lang Lang, khi anh được trở lại sân khấu biểu diễn.
Theo Tri Thuc Tre
Thiên tài piano Lang Lang: Sau 15 năm, Hà Nội đã đổi khác rất nhiều Đây là lần thứ 2, thiên tài piano Lang Lang đến thủ đô Hà Nội và có rất nhiều cảm xúc khác biệt so với 15 năm trước. Sáng 31/8, Lang Lang có mặt tại Hà Nội để giới thiệu đêm nhạc thuộc chuỗi chương trình Hublot loves Art. Nghệ sĩ Trung Quốc đã rất cởi mở nói về những ấn tượng của...