Thần đồng bị buộc thôi học vì ăn phải có người đút
17 tuổi không tự tắm giặt, ăn phải có người đút, thần đồng Vĩnh Khang đã bị Viện Khoa học Trung Quốc cho thôi học.
Ngụy Vĩnh Khang (sinh năm 1983, tại tỉnh Hồ Nam) được coi là thần đồng từ năm 2 tuổi khi học thuộc 1.000 kí tự tiếng Trung. 4 tuổi học xong tiểu học, 8 tuổi thi đỗ vào trường trung học trọng điểm của tỉnh. 13 tuổi Ngụy Vĩnh Khang thi đỗ Đại học Tương Đàm với thành tích xuất sắc. Bốn năm sau lại thi đỗ cao học tại Trung tâm nghiên cứu Vật lí cao cấp của Viện Khoa học Trung Quốc với thành tích xếp thứ hai.
Đầu những năm 90, Ngụy Vĩnh Khang được coi là “huyền thoại” trong nền giáo dục Trung Quốc. Thành tích của cậu được rất nhiều phụ huynh tại đất nước tỷ dân coi như là hình mẫu lý tưởng để nuôi dạy con cái.
Từ khi con được gọi là “thần đồng”, bà Tăng Học Mai, mẹ của Vĩnh Khang, vốn là một công nhân bình thường đã nghỉ việc chỉ để chăm con, kinh tế phụ thuộc vào người chồng. Năm 1991, khi Vĩnh Khang 8 tuổi và lên học trường trung học trọng điểm của thành phố, bà Tăng đã thuê một căn nhà nhỏ gần trường để ở cùng con. “Con chỉ cần học, mọi thứ đã có mẹ lo”, bà nói với con trai.
Ngụy Vĩnh Khang. Ảnh: Sohu.
Thời điểm này, mặc dù Vĩnh Khang đã lớn nhưng ăn vẫn có mẹ đút, tắm đã có mẹ lo. Sáng ngủ dậy, bà Tăng đã cho sẵn kem đánh răng vào bàn chải, khăn mặt đã nhúng sẵn nước.
“Khi con trai đói, tôi mang cơm vào tận phòng cho con. Khi con khát tôi mang nước dâng tận miệng. Thậm chí có hôm con mắc tiểu, tôi còn mang bô tới tận nơi. Với tôi khi đó, chỉ cần Vĩnh Khang học giỏi là đủ, tất cả việc khác đã có mẹ phục vụ”.
Ở với mẹ, Vĩnh Khang không được đi chơi mà luôn phải ở nhà học bài. Khi bạn bè cậu đến nhà, bà Tăng đều lấy cớ con trai bận học, không thể tiếp. Vì thế Vĩnh Khang không có thói quen nói chuyện với người khác, bạn bè dần xa lánh. Nhiều lúc cậu cũng muốn ra ngoài cho đầu óc thoải mái, bà Tăng lại bảo: “Học nhiều mới có tương lai”. Nghe mẹ nói vậy, Vĩnh Khang lại vào bàn học.
Ngay cả khi con vào đại học, bà Tăng cũng đi theo để phục vụ con trai. Tuy nhiên vào năm 2000, khi Vĩnh Khang đỗ vào Viện Khoa học Trung Quốc để làm nghiên cứu sinh, nhà trường yêu cầu cậu phải sống và học tập một mình.
Video đang HOT
Bao năm có mẹ phục vụ, giờ phải tự làm mọi việc, Vĩnh Khang không thể thích nghi. Cậu không biết cởi quần áo khi nóng, mặc thêm quần áo khi lạnh. Quần áo bẩn không biết giặt, vứt mỗi thứ một nơi. Phòng ốc lúc nào cũng cực kỳ bừa bộn và bẩn thỉu bởi chủ nhân không biết dọn dẹp. Thậm chí đến ngày thi tốt nghiệp, Vĩnh Khang cũng quên mất thời gian nên nhận điểm 0, làm mất cơ hội học lên tiến sĩ.
Tháng 8 năm 2003, Ngụy Vĩnh Khang bị Viện Khoa học Trung Quốc cho nghỉ học với lí do không thể thích nghi được với việc học nghiên cứu sinh. Sự thực là do cậu không thể thích nghi được với cuộc sống.
Bà Tăng đã khiến con mình không thể tự lập. Ảnh: Sohu.
Nhận được tin từ nhà trường, bà Tăng lập tức đến tìm Vĩnh Khang. Bà dẫn con ra ngoài hành lang tòa nhà rồi hét lên “Nhảy lầu hay đâm vào xe mà chết đi. Con làm mẹ tức chết”, nói rồi bà òa khóc nức nở. Sau buổi hôm đó, bà Tăng bỏ về quê ở Hồ Nam, không liên lạc với con trai.
Sau khi bị trường cho thôi học, Vĩnh Khang không dám về nhà mà đi lang thang khắp 16 tỉnh thành, khi chỉ còn 500 tệ. Đến khi trong túi không còn một đồng, cậu đã nhờ cậy tới cảnh sát để được về nhà. “Chuyên đi của tôi kéo dài 39 ngày. Thời gian này tôi đã phải tự lo cho mình, đó là kinh nghiệm tốt”, Vĩnh Khang nói.
Thời gian sau đó, Vĩnh Khang cũng thử tìm việc nhưng đều thất bại. Năm 2005, một viện nghiên cứu hàng không vũ trụ biết tới tình cảnh của cựu “thần đồng” đã mời về làm việc, nhưng chỉ thời gian ngắn anh cũng nghỉ việc với lý do “không hợp nhau”. Từ đó anh đi khắp các thành phố lớn để tìm việc, song song với việc theo học thạc sĩ vật lý tại Đại học Công nghệ Bắc Kinh.
Hiện nay Vĩnh Khang đang làm việc tại một công ty phát triển phần mềm. Anh chỉ là một nhân viên bình thường, công việc cũng đã kéo dài được 4 năm.
Giờ nói về con trai, bà Tăng cho hay bản thân đã thấy mình sai. “Tôi đã dạy con không đúng. Thời đó tôi chỉ chú tâm đến giáo dục trí thức và thi cử mà quên giáo dục tinh thần tự lập và các kỹ năng sống cho Vĩnh Khang”, bà nói.
Người phụ nữ này cho biết thêm, sau khi bị Viện Khoa học Trung Quốc cho nghỉ học, về nhà anh đã được mẹ hướng dẫn lại mọi việc đơn giản nhất, bắt đầu từ tự ăn và tự tắm giặt.
“Từ đó đến giờ, tôi rất ngại xuất hiện chỗ đông người. Bởi họ sẽ hỏi Vĩnh Khang dạo này thế nào rồi, tôi chẳng biết trả lời ra sao”, người mẹ chia sẻ.
Sau khi Vĩnh Khang rời Hồ Nam lên thành phố lớn làm việc, bà Tăng đã nhiều lần từ chối sống với con trai với lý do “Để con tự do”.
Năm 2010, khi Vĩnh Khang lập gia đình và sinh con, ngày vào thăm cháu trong viện, người mẹ nắm tay con dâu giãi bày: “Hãy để cho cháu mẹ có một tuổi thơ hạnh phúc. Đừng giống như bố nó”.
Hải Hiền (Theo Sohu)
Theo baodatviet
Australia: Thêm một bang cấm điện thoại di động trong trường học
Tây Australia là bang thứ ba sau hai bang đông dân nhất ở Australia là New South Wales và Victoria cũng đã quyết định cấm điện thoại trong các trường phổ thông, bắt đầu từ năm tới.
Lệnh cấm trên sẽ được áp dụng từ đầu năm 2020 tại tất cả các trường tiểu học và trung học công lập trên toàn bang Tây Australia. (Nguồn: Getty Images)
Theo phóng viên TTXVN tại Australia, chính quyền bang Tây Australia vừa ra quyết định nghiêm cấm sử dụng điện thoại di động trong giờ học tại tất cả các trường công lập nhằm mục đích giảm nạn bắt nạt trên mạng và khuyến khích chuyện trò trực tiếp giữa các học sinh.
Lệnh cấm trên sẽ được áp dụng từ đầu năm 2020 tại tất cả các trường tiểu học và trung học công lập trên toàn tiểu bang.
Tây Australia là bang thứ ba sau hai bang đông dân nhất ở Australia là New South Wales và Victoria cũng đã quyết định cấm điện thoại trong các trường phổ thông, bắt đầu từ năm tới.
Thủ hiến bang Tây Australia Mark McGowan cho biết chính sách cấm điện thoại của bang sẽ được áp dụng từ khi học sinh bước chân qua cổng trường cho đến khi hết ngày học, bao gồm cả thời gian nghỉ.
Lệnh cấm yêu cầu học sinh trung học tắt điện thoại trong giờ học và để ngoài tầm nhìn, trong khi học sinh mẫu giáo và tiểu học không được phép mang điện thoại đến trường.
Lệnh cấm cũng hạn chế sử dụng đồng hồ thông minh, máy tính bảng và tai nghe, trừ khi có sự cho phép và theo hướng dẫn của giáo viên.
Tại bang Tây Australia, Ocean Reef là trường trung học phổ thông đầu tiên đưa ra khẩu hiệu "Tránh xa điện thoại cả ngày," cấm học sinh trong trường sử dụng điện thoại di động từ tháng 2/2018, sau một năm thử nghiệm.
Hiệu trưởng nhà trường, bà Karon Brookes, cho biết nhà trường ra lệnh cấm điện thoại di động là nhằm ngăn chặn các xu hướng đáng báo động trong học sinh. Các em thường ngồi tách riêng, cắm cúi vào chiếc điện thoại trong giờ nghỉ ngoài sân trường.
Theo bà Brookes, điện thoại đã làm mất đi tính độc lập và ảnh hưởng đến khả năng giải quyết vấn đề của các em học sinh; mỗi khi gặp vấn đề gì các em đều chỉ biết gọi điện cho mẹ.
Bà Brookes cho biết sau khi loại bỏ điện thoại, các em học sinh bắt đầu nói chuyện với nhau nhiều hơn và nhà trường cũng tổ chức nhiều hoạt động câu lạc bộ có tính tương tác vào giờ giải lao để bù đắp cho việc thiếu điện thoại.
Bộ trưởng giáo dục bang Tây Australia Sue Ellery cho biết các trường hợp ngoại lệ duy nhất là khi học sinh cần theo dõi tình trạng sức khỏe và khi được hướng dẫn sử dụng điện thoại cho mục đích giáo dục.
Thủ hiến McGowan khẳng định lệnh cấm sử dụng điện thoại di động sẽ giúp làm giảm bớt sự lo lắng của phụ huynh và giáo viên về những áp lực đối với các em học sinh, nhất là về nạn bắt nạt trên mạng và các vấn đề bên ngoài xã hội xâm nhập vào trong trường thông qua công nghệ./.
Nguyễn Minh
Theo TTXVN/Vietnamplus
Số học sinh bị bắt nạt học đường cao kỷ lục ở Nhật Bản Hơn 540.000 trương hơp bị băt nat hoc đương trong năm 2018 là con số kỷ lục tại Nhật Bản. Japan News ngày 19/10 dẫn kết quả cuộc khảo sát của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản công bố mới đây khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Theo thống kê năm 2018, Nhật Bản có...