‘Thần chết’ sau vô lăng
Tôi ủng hộ việc luật hóa giống như các nước khác, chỉ cần đo thấy hàm lượng cồn trong máu là thu hồi bằng lái xe vĩnh viễn…
“Tôi ủng hộ việc luật hóa giống như các nước khác, chỉ cần đo thấy hàm lượng cồn trong máu là thu hồi bằng lái xe vĩnh viễn. Chứ còn hôm nay kiểm tra nồng độ cồn vượt quy định phạt tiền rồi mai họ lại tiếp tục uống”. Đây là chia sẻ của TS Nguyễn Huy Quang (Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế) sau những vụ tai nạn thảm khốc có nguồn cơn từ rượu, bia và chất gây nghiện.
TS Nguyễn Huy Quang (Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế)
Trong năm qua, liên tiếp ghi nhận những vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Đó là vụ tai nạn vào cuối tháng 7 trên quốc lộ 1A qua địa phân xã Điện Minh (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam), khi ôtô chở 17 người đi rước dâu đấu đầu với xe container khiến 13 người chết. Hay mới đây nhất vụ tai nạn xảy ra vào chiều 2/1, xe container đã tông hàng loạt xe máy ở ngã tư gần cầu Bến Lức (Long An) khiến 4 người chết, gần 20 người bị thương… Với tư cách người đứng đầu Vụ pháp chế (Bộ Y tế) ông cảm nhận điều gì sau những vụ tai nạn thảm khốc trên?
Rùng mình. Tôi không thể tin nổi lại xảy ra một vụ tai nạn khủng khiếp đến mức độ như thế. Xe máy, người chết, người bị thương nằm la liệt thậm chí có cả những mảnh thịt văng vãi ra đường… Phải nói thật với bạn, tôi xem clip đúng bữa cơm tối và tôi đã không thể tiếp tục nổi. Đây quả là một vụ tai nạn thảm khốc và thương tâm khi bao người đang hối hả trở về với mái ấm của mình bỗng tai nạn từ trên trời rơi xuống. Tôi rất buồn, nhưng cái buồn không gọi được tên vì tình trạng này cứ lặp đi lặp lại.
Theo thông tin từ cơ quan cảnh sát điều tra, tài xế container trước đó đã uống rượu, kiểm tra dương tính với ma túy. Với những thông tin ban đầu có được, ông nhận định như thế nào về việc chúng ta kiểm soát chất kích thích cũng như nồng độ cồn trong máu của các lái xe nói chung và lái xe tải đường dài nói riêng?
Đây là bằng chứng nữa cho thấy chúng ta chưa kiểm soát được. Đặc biệt, nếu như do sử dụng rượu bia gây ra tai nạn thì cùng với vụ Hàng Xanh, cùng với vụ đạp chân ga gây tai nạn liên hoàn ở Võng Thị Hà Nội cộng với vụ Long An hôm 2/1 nữa là minh chứng sống động cho việc sử dụng rượu bia gây ra tác hại ngay – đó là tai nạn giao thông mà không cần phải nêu ra tác hại rượu bia là thủ phạm gây ra 200 loại bệnh tật… Đây là những bài học sống động, đòi hỏi chúng ta phải có ứng xử văn minh mà điều tiên quyết đó là đối với dự thảo phòng chống tác hại bia rượu, hay ở các điều luật mạnh hơn. Có như vậy chúng ta mới phòng ngừa được tai nạn trong tương lai có thể xảy ra.
Video đang HOT
Là đơn vị được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo Luật phòng chống tác hại rượu bia, ông từng nhiều lần lấy dẫn chứng về ảnh hưởng rượu bia gây tai nạn giao thông, gây thiệt hại vô cùng lớn cả về tinh thần lẫn kinh tế cho nhiều gia đình và xã hội. Ông có đồng tình với những ý kiến “đã uống rượu thì không lái xe” và cần luật hóa việc này. Trong trường hợp phát hiện người lái xe sử dụng chất kích thích, uống rượu bia cần tịch thu bằng ngay chứ không phải chờ đến khi gây tai nạn?
Như tôi đã nói nhiều lần không có ngưỡng an toàn đối với lạm dụng rượu bia. Cho nên đã sử dụng rượu bia ít nhiều có tác hại đối với sức khỏe. Chỉ cần quá chén đi đường anh có thể húc vào cột điện tự chết hay đâm chết người, có thể gây rối trật tự giao thông, đâm chém nhau, về nhà đánh vợ con, hiếp dâm vợ trên giường ngủ là bình thường… Những cái đấy không cần phải chờ đến lạm dụng mà chỉ cần quá chén là đã gây ra rồi.
Vụ tai nạn ở Long An gây rúng động xã hội
Do đó, cần phải có biện pháp kiên quyết, cứng rắn hơn về vấn đề xử lý người sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông… Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm đã sử dụng rượu bia thì không lái xe. Và tôi rất ủng hộ việc luật hóa giống như các nước khác, chỉ cần đo thấy hàm lượng cồn trong máu là xử lý rồi. Theo đó, họ xử lý bằng cách thu hồi bằng lái xe vĩnh viễn, thu đàng hoàng, thu công khai, thu minh bạch thì lập tức sẽ có thay đổi ngay. Chứ còn hôm nay kiểm tra nồng độ cồn vượt quy định phạt tiền rồi mai họ lại tiếp tục uống. Và nay mới chỉ loạng choạng còn mai thì đâm chết mấy người… hậu họa sẽ như thế nào chắc bạn đã nhìn thấy.
Xin cảm ơn ông!
Ngày 3/1, tại hội nghị Công an toàn quốc, lãnh đạo Bộ Công an cho biết trong năm 2018, tình hình tai nạn giao thông đã giảm cả ba tiêu chí số vụ, số người chết và bị thương; tuy nhiên thiệt hại vẫn rất lớn. Cụ thể, toàn quốc xảy ra hơn 18.700 vụ (giảm trên 1.300 vụ so với năm 2017) làm hơn 8.200 người chết (giảm 35 người) và khoảng 14.800 người bị thương (giảm hơn 2.200 người). Trung bình mỗi ngày cả nước xảy ra 52 vụ tai nạn giao thông và khiến 23 người tử vong. 80% số vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đường bộ, còn lại là đường sắt và đường thủy. Nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn giao thông là lỗi của tài xế, với các vi phạm về tốc độ, nồng độ cồn, đi sai làn…
NGÔ HUYỀN
Theo nongnghiep
Không có ngưỡng an toàn, vài chén rượu cũng có thể gây thiệt mạng
Sáng nay (8/11), tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo về cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến phòng chống tác hại của rượu bia và khuyến nghị của của các Tổ chức phi chính phủ đối với Dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu bia.
Lấy dẫn chứng cho việc bia rượu ảnh hưởng nhiều mặt đến đời sống, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang đã nêu ra hai vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng được dư luận quan tâm trong thời gian qua.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang phát biểu tại Hội thảo.
Theo đó, ông Quang cho hay, hai vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vừa qua là người phụ nữ điều khiển ô tô tông hàng loạt xe máy tại ngã tư Hàng Xanh (TP.Hồ Chí Minh) và vụ xe Innova lùi trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.
Cả hai vụ tai nạn này người điều khiển đều có nồng cồn vượt quá mức cho phép khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Thông tin thêm tại Hội thảo, ông Quang cho biết, mức độ tiêu thụ rượu, bia tại Việt Nam đang ở mức báo động. Đặc biệt là tỷ lệ uống rượu, bia ở mức nguy hại rất cao, cụ thể là 44,2% nam giới và 1.2% nữ giới.
Nói về quá trình soạn thảo Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, ông Quang cho rằng đã chịu rất nhiều sự tác động. Cụ thể, các doanh nghiệp gần như không muốn ban hành Luật này mà chỉ muốn đẩy mạnh truyền thông để thay đổi hành vi sử dụng của người dân.
Tuy nhiên, nếu không ban hành Luật thì ảnh hưởng của rượu bia tới sức khỏe và kể cả những vụ tai nạn, bạo lực gia đình mà nguyên nhân từ bia rượu sẽ không thuyên giảm.
Ngoài ra, ông Nguyễn Huy Quang cũng chia sẻ thêm, có nhiều ý kiến muốn thêm từ "lạm dụng" vào tên của Dự thảo Luật. Tuy nhiên, nếu thêm như vậy sẽ khiến nhiều người hiểu rằng chỉ khi lạm dụng rượu bia mới gây hại.
"Thực tế bia rượu không có ngưỡng gọi là an toàn đối với bia rượu mà chỉ cần vài chén, đi đường đã có thể gây tai nạn hoặc thiệt mạng" - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế nhấn mạnh.
Được biết, kể từ khi Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, đã có 10 thư kiến nghị, góp ý của 6 tổ chức trong nước và quốc tế (Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc...) gửi đến lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ Việt Nam.
Thế Công
Theo toquoc
Kê khai tài sản: Cần có phân tích về xung đột lợi ích Nhằm triển khai Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) 2018 mới được Quốc hội ban hành có hiệu quả, mới đây, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức tọa đàm về công tác phòng chống tham nhũng tại Việt Nam. Nhằm triển khai Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) 2018 mới được Quốc hội ban hành có hiệu quả, mới đây, Thanh tra...