Thẳm xanh “đôi mắt Pleiku”
Biển Hồ Tơ Nưng còn có tên gọi là hồ EaNueng, thuộc xã Biển Hồ, thành phố Pleiku – Gia Lai, nằm trên độ cao hơn 800m, giữa một vùng bát ngát thông xanh, với bạt ngàn hoa ban màu sữa tháng 3 tạo nên những nét chấm phá lung linh giữa không gian xanh biếc. Nếu du khách đến Biển Hồ vào những ngày giữa mùa thu, hai bên con đường nối từ thành phố sẽ ngập tràn một sắc vàng óng ả, đậm đà của những triền hoa dã quỳ bất tận như một con đường hoa nối liền thành phố với màu thẳm xanh mát mẻ của “Đôi mắt Pleiku”.
Biển Hồ đẹp đến diệu kỳ, bởi vậy nhiều nhạc sỹ, thi sỹ đã trót đem lòng yêu, từ đó cho ra đời những tác phẩm bất hủ ca ngợi vẻ đẹp của Biển Hồ Tơ Nưng. Nhạc sĩ Phạm Duy, nhà thơ Vũ Hữu Định đã gọi “Em Pleiku má đỏ môi hồng, ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông…” hay “Phố núi cao phố núi đầy sương. Phố núi không xa nên phố thật buồn. Anh khách lạ đi lên đi xuống, may mà có em đời còn dễ thương…”, còn nhạc sĩ Nguyễn Cường – nhạc sĩ của đất Tây Nguyên ngẫu hứng mà rằng: “Đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy…”.
Chỉ cách trung tâm thành phố Pleiku gần 10km. Nếu đứng trên những ngọn đồi thông xanh mát bao quanh ngắm, du khách sẽ thấy một góc riêng ẩn chứa tâm hồn “đôi mắt Pleiku” đượm một nét buồn mơ màng thơ mộng đến hoang sơ. Nếu đứng trên lầu vọng cảnh nơi trung tâm của đôi mắt ấy, du khách sẽ lại thấy một Biển Hồ khác mênh mang rộng mở, bao la bát ngát giữa một vùng đồi núi hùng vĩ. Mặt hồ như tấm gương lớn thẳm xanh soi bóng mây trời.
Đến Biển Hồ, du khách có thể dùng thuyền dạo chơi trên mặt hồ mênh mang, những đêm trăng sáng mặt hồ càng lung linh huyền ảo. Nếu đến vào dịp lễ hội, du khách còn được bà con buôn làng mời tham dự những cuộc múa hát vui say bất tận với những đặc trưng văn hóa các dân tộc Bahnar, Jarai. Đó là những phong tục tập quán đặc sắc, những kiến trúc nhà rồng, nhà mồ, tượng nhà mồ và nhiều lễ hội hấp dẫn với các nhạc cụ truyền thống trong không gian di sản văn hóa cồng chiêng…
Video đang HOT
Theo ANTD
Đến Pleiku vào mùa dã quỳ
Biển Hồ đẹp, càng làm Pleiku (Gia Lai) thêm tuyệt vời trong mùa hoa dã quỳ nở rộ này.
Đến với Biển Hồ mênh mông mà dịu êm giữa chập chùng núi rừng mới hiểu vì sao trái tim nhạc sĩ Nguyễn Cường muốn vỡ tan vì nét duyên dáng của "viên ngọc bích" núi rừng Tây nguyên.
Biển Hồ nhìn từ trên cao như một tấm gương phẳng lặng
Con đường với hai hàng thông ba lá cổ thụ dẫn vào Biển Hồ (còn gọi là hồ Tơ Nưng) như thơ mộng hơn vào tiết cuối thu. Trời se lạnh, mặt hồ xanh trong màu ngọc bích, phẳng như một tấm gương không tì vết. Điểm xuyết trong màu xanh bạt ngàn của rừng thông ven hồ là những thảm hoa dã quỳ khoe sắc vàng rực rỡ, in bóng lung linh xuống mặt nước.
Trong khung cảnh lung linh ấy còn gì tuyệt hơn trên chiếc thuyền độc mộc đi một vòng quanh hồ, đưa máy lên chộp ngay những khoảnh khắc thiên nhiên không dễ bắt gặp lần thứ hai giữa biển nước bao quanh là trùng trùng núi cao.
Đêm xuống bên ánh lửa bập bùng, vừa nếm ngụm rượu cần ở làng Brel, nghe già làng kể những truyền thuyết huyền bí về Biển Hồ, đối với người trai đất Bắc như tôi điều gì còn có thể tuyệt hơn. Có nhiều phiên bản được truyền miệng về Biển Hồ, nhưng câu chuyện của già làng Brel nghe buồn man mác.
Đó là câu chuyện Biển Hồ từng là buôn làng sầm uất với những dòng suối trong veo. Ngày ngày tiếng chiêng, tiếng trống rộn rã khắp núi rừng. Rồi một năm nọ, trâu bò cả làng đều chết. Dân làng cho là Giàng (Trời) ghét bỏ nên cùng tộc trưởng vào rừng săn bắt nai đem về làm lễ cúng.
Lễ xong, mọi người đang vui say bỗng mặt đất rung chuyển mạnh làm sụp đổ cả làng xuống vực sâu, nước tràn mênh mông, không một ai sống sót. Riêng có vợ chồng Mạc Mây đi thăm bà con ở xa nên tránh được tai nạn thảm khốc. Họ xem hồ Tơ Nưng là chứng tích của một sự kiện bi thảm khó quên được.
Một góc Biển Hồ nên thơ vào buổi sớm
Bỏ qua câu chuyện bi thảm kia để đến với những đồi chè trải dài tít tắp không kém gì cao nguyên Mộc Châu hay những vườn cà phê trĩu quả mới cảm nhận được sự trù phú của vùng đất đỏ bazan này. Ở đây có "hàng thông xanh trong mắt em" mà nhạc sĩ Nguyễn Cường đã mô tả trong bài hát nổi tiếng Đôi mắt Pleiku. Con đường thông sâu hun hút với những thân cây xù xì dẫn lối vào đồi chè xanh mướt thật sự là không gian lý tưởng cho những chuyến du ngoạn ngắn ngày.
Về đây mới biết, không chỉ Buôn Ma Thuột mới có cà phê ngon. Cà phê Pleiku cũng là đặc sản. Mùa này về Gia Lai đang là những ngày cuối thu hoạch cà phê, du khách có thể xin phép chủ vườn tham quan, trải nghiệm một ngày lao động với những người hái thuê cà phê tứ xứ. Sau đó chắc chắn bạn sẽ được nhâm nhi ly cà phê đậm đặc nguyên chất, có vị đắng xen lẫn vị chua thanh quyến rũ ở cuống họng...
Rời Biển Hồ, rời Pleiku mà câu hát của Nguyễn Cường vẫn bên tai: "Em đẹp thế Pleiku ơi...", và một câu hỏi nữa cũng cứ lởn vởn: "Sao có quá ít du khách về đây thế?".
Thảm hoa dã quỳ mọc ven Biển Hồ.
Một góc Biển Hồ.
Con đường thông ba lá dẫn vào danh thắng Biển Hồ.
Trải nghiệm hái cà phê chín ở Biển Hồ.
Biển Hồ, hay hồ Tơ Nưng (còn gọi là hồ Ia Nueng) là hồ nước ngọt vốn là miệng núi lửa đã ngưng hoạt động. Từ Pleiku theo quốc lộ 14 đi về Kon Tum, khi đến km7 thì rẽ về tay phải. Hồ sâu 30m, rộng khoảng 230ha có rừng thông bao quanh. Khi du ngoạn tới Biển Hồ, bạn cần mang áo ấm mặc vào buổi sáng và buổi chiều muộn để tránh rét.
Biển Hồ không chỉ là nơi cung cấp nước ngọt cho thành phố Pleiku mà còn là vựa cá lớn với đủ loại cá nước ngọt như cá chép, trắm, đá, trôi... Du khách cũng nên nếm thử một loại tép nhỏ xíu nhưng thịt rất thơm và ngọt đặc biệt ở đây.
Theo 24h
Nơi có thể ngắm hoàng hôn suốt đêm Khoảng tháng 6 tới đầu tháng 7 hàng năm, cố đô St. Petersburg lại lung linh trong ánh hoàng hôn kéo dài suốt đêm nên gọi là đêm trắng. Vào thời gian này, ở đây diễn ra nhiều lễ hội và cũng là lúc khách du lịch dạo chơi, ngắm thành phố trong đêm sáng rực, ảnh trên trang Telegraph. Bảo tàng Hermitage...