Tham vọng sâu xa của Trung Quốc khi tìm cách khống chế Biển Đông
Tranh chấp trên Biển Đông mang lại cho Trung Quốc nhiều mối lợi và cũng là cơ hội để nước này phô trương sức mạnh quân sự với Mỹ.
Báo cáo hàng năm của Quốc hội Mỹ về sức mạnh của Trung Quốc nhận định Trung Quốc đã có sự “nhảy vọt” trong những tham vọng của Bắc Kinh ở Biển Đông thời gian qua nhằm khống chế tuyến đường biển quan trọng có khối lượng hàng hóa trị giá 5.000 tỷ USD đi qua mỗi năm.
Tuy nhiên, theo Washington Post mục đích của việc ráo riết xây đảo, xua đuổi máy bay tàu thuyền ở quần đảo Trường Sa không đơn giản chỉ vì mối lợi tài nguyên, lòng tự tôn dân tộc hay chạy đua vũ trang khu vực mà sâu xa vẫn là muốn đọ sức với Mỹ để đòi hòi quyền lợi cân bằng.
Phô bày năng lực hải quân
Wall Street Journal công bố Báo cáo tháng 4 của Văn phòng Tình báo Hải Quân Mỹ khảo sát năng lực của hải quân Trung Quốc, cho thấy quy mô hải lực Bắc Kinh được đánh giá ở mức “khổng lồ” so với các nước láng giềng trong khu vực.
Trong nhiều thập kỷ tăng trưởng hai con số về chi tiêu quân sự, Hải quân Trung Quốc chủ yếu tập trung vào mục tiêu thống trị khu vực và ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ vào bất kỳ cuộc xung đột tiềm tàng nào liên quan đến Đài Loan, Biển Đông và biển Hoa Đông – nơi Bắc Kinh đang tranh chấp biển đảo và các nguồn tài nguyên biển với một số nước Đông Nam Á và Nhật Bản.
Lực lượng bảo vệ bờ biển và thực thi pháp luật trên biển của Trung Quốc hiện có quy mô lớn hơn cả Nhật Bản, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Philippines cộng lại. Trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến 2015, lực lượng bảo vệ bờ biển nước này biên chế thêm 50 tàu mới, nâng số lượng tàu trong hạm đội lên 25%.
Giai đoạn 2013 – 2014, Trung Quốc triển khai nhiều tàu chiến hơn bất kỳ quốc gia nào. Xu hướng này dự kiến tiếp diễn trong giai đoạn 2015 – 2016.
Ảnh vệ tinh chụp đảo trái phép mà Trung Quốc tự tạo ở khu vực quần đảo Trường Sa
Phạm vi hoạt động của tên lửa đất đối không và tên lửa hành trình chống hạm của Trung Quốc ngày càng được nâng cao.
Nhà máy đóng tàu ở Thượng Hải mỗi năm sản xuất 2 chiếc tàu khu trục Type 052C Luyang II. Thêm vào đó, Luyang III lớp tàu khu trục mới nhất của Bắc Kinh, còn được trang bị cả tên lửa hành trình siêu thanh YJ-18. Theo chuyên gia Andrew Erickson, Đại học Hải quân Mỹ “tên lửa Trung Quốc có khả năng đặt ra thách thức an ninh chưa từng có đối với hệ thống phòng không của Mỹ”.
Trung Quốc hiện sở hữu 5 tàu ngầm hạt nhân tấn công, 4 tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo và 57 tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel. Đến năm 2020, số lượng tàu ngầm dự kiến tăng lên hơn 70 chiếc.
Video đang HOT
Hải quân sẽ sớm đảm nhận vai trò trung tâm trong thế răn đe hạt nhân của Bắc Kinh khi lực lượng này có thể triển khai hệ thống tên lửa liên lục địa cùng tàu ngầm tuần tra tên lửa đạn đạo.
Tàu ngầm hạt nhân Type 091 và 092 của Trung Quốc (ảnh: SMP)
Cuộc đua tàu ngầm hạt nhân
Bản phúc trình của Bộ Ngoại giao Mỹ về sức mạnh quân sự của Trung Quốc mới đây đã xác nhận rằng Trung Quốc đã xây dựng một căn cứ hải quân mới ở đảo Hải Nam, có thể nhằm phục vụ cho đội tàu ngầm được trang bị hỏa tiễn đạn đạo, mở đường cho Hải quân Trung Quốc án ngữ và khống chế các tuyến hàng hải quốc tế chủ chốt tại khu vực biển này.
Nhờ cải thiện khả năng kiểm soát và tiếp nhiên liệu trên không cho không lực, hải quân Trung Quốc hiện nay có thể mở rộng các hoạt động trên không ở vùng Biển Đông.
Washington Post nhấn mạnh điểm đáng chú ý là Trung Quốc hiện có nhiều căn cứ tàu ngầm hạt nhân trên đảo Hải Nam, trong đó 4 chiếc được trang bị tên lửa đạn đạo.
Vấn đề của Trung Quốc là nước này có đường bờ biển hẹp. Về địa lý, Trung Quốc giáp vùng biển Hoàng Hải, Hoa Đông và Biển Đông. Có nghĩa là lối ra Thái Bình Dương của Trung Quốc phải thông qua eo biển tương đối hẹp được bao quanh bởi Nhật Bản, Philippines, Singapore, Malaysia hay Indonesia. Nhiều nước trong số này có mối quan hệ thân thiết với Mỹ cũng như thường tổ chức tập trận chung tại những khu vực biển này. Điều này khiến Trung Quốc “khó chịu”.
Chuyên gia Brad Glosserman, văn phòng Honolulu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận định rằng một trong những lý do Trung Quốc đang thúc đẩy tuyên bố chủ quyền với hầu hết các bãi đá, hòn đảo trên Biển Đông, bất chấp sự phản đối gay gắt của các nước láng giềng như Việt Nam và Philippines – là mong muốn đẩy Hải quân Mỹ ra khỏi khu vực.
Trung Quốc “quan ngại nhất” về việc tình báo Mỹ thu thập thông tin tại Biển Đông. Nếu Bắc Kinh có thể đẩy các tàu, máy bay do thám đó ra xa bằng cách tạo lập chủ quyền với hầu hết Biển Đông, bất chấp phản ứng từ các nước láng giềng, theo ông Glosserman, thì điều này sẽ giúp các tàu ngầm Trung Quốc dễ dàng tiến ra Thái Bình Dương, mà không cần phải đề cập nhiều tới việc này.
Thực tế, ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc đang có chiến lược phát triển tàu ngầm hạt nhân và xem đó như một công cụ răn đe một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Các tàu ngầm Trung Quốc về thực tế không có giá trị gì nếu xảy ra tranh chấp với các nước láng giềng như Việt Nam hay Philippines, nhưng lại có ý nghĩa trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công từ Mỹ.
Nhà phân tích Tong Zhao, Trung tâm chính sách toàn cầu Carnegie-Tsinghua tại Bắc Kinh, cho rằng Trung Quốc muốn xây dựng Biển Đông thành một pháo đài để phát triển tàu ngầm hạt nhân và mọi thứ dường như đang diễn biến theo chiều hướng như vậy./.
Theo VOV Online
Mỹ sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự để bảo vệ đồng minh Vùng Vịnh
Mỹ sẽ hỗ trợ phát triển hệ thống phòng vệ tên lửa tập thể, tăng cường bán vũ khí và tập trận chung trong khu vực.
Hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), bao gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) vừa kết thúc sáng 15/5 (theo giờ địa phương) với một tuyên bố chung, theo đó Mỹ cam kết sẽ sử dụng sức mạnh quân sự để bảo vệ các đồng minh Arab trong trường hợp cần thiết.
Từ biên giới với Yemen, quân đội Saudi Arabia nã pháo vào các vị trí của phiến quân Houthi (ảnh: Reuters)
Tuyên bố nêu rõ Mỹ sẽ tiếp tục răn đe và đối phó với những hành động gây hấn từ bên ngoài đối với các đồng minh và đối tác trong khu vực.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị, Tổng thống Mỹ Barak Obama cho biết Mỹ sẽ hỗ trợ phát triển hệ thống phòng vệ tên lửa tập thể, tăng cường bán vũ khí và tập trận chung trong khu vực.
Dù hai bên không thể đi đến một hiệp ước phòng thủ chung nhưng cam kết của Washington cũng đã phần nào đáp ứng được kỳ vọng của các nước Vùng Vịnh tại Hội nghị được Mỹ tổ chức tại trại David thuộc tiểu bang Maryland nhằm trấn an các đồng minh về tác động của thỏa thuận mà Mỹ và một số cường quốc khác đang xúc tiến với Iran, theo đó một số biện pháp trừng phạt Iran sẽ được dỡ bỏ để đổi lấy việc Tehran hạn chế chương trình hạt nhân của mình. Các nước Vùng Vịnh e ngại rằng thỏa thuận này sẽ tạo điều kiện để Iran hỗ trợ tài chính cho các lực lượng bạo lực, gây mất ổn định khu vực.
Ông Obama không bớt cảnh giác trước Iran
Để làm an lòng các đồng minh, Tổng thống Obama, khi trả lời phỏng vấn của nhật báo Asharq Al-Awsat ngay trước thềm hội nghị, đã tuyên bố rằng Iran là nước bảo trợ khủng bố và các quốc gia trong khu vực hoàn toàn có cơ sở khi bày tỏ quan ngại sâu sắc về các hoạt động của Iran, đặc biệt là việc Tehran hậu thuẫn các nhóm bạo lực hoạt động bên trong lãnh thổ các nước khác.
Ông Obama cũng khẳng định cuộc đàm phán hạt nhân mà Mỹ và các nước thành viên nhóm P5 1 đang tiến hành với Tehran không đồng nghĩa với việc ông giảm bớt sự cảnh giác trước Iran, đồng thời thừa nhận Iran đã có những hoạt động quân sự tại Syria, Lebanon, trên dải Gaza và ở Yemen. Đây là những ngôn từ rất hiếm khi ông Obama sử dụng khi đề cập tới Iran trong các cuộc phỏng vấn với báo chí nước ngoài.
Phát biểu sau Hội nghị, Ngoại trưởng Arab Adel al Jubeir đã gọi đây là một sự kiện vô tiền khoáng hậu, đưa quan hệ Mỹ và Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) lên một cấp độ hoàn toàn khác trong nhiều thập kỷ tới, trong khi Tổng thống Obama khẳng định mối quan hệ tổng thể giữa Mỹ và các nước Vùng Vịnh đang bước vào một kỷ nguyên mới dựa trên quan hệ quốc phòng vững mạnh.
Hội nghị giữa Mỹ và Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) diễn ra trong bối cảnh hai bên đang có nhiều bất đồng xung quanh thỏa thuận hạt nhân với Iran và sự lạnh nhạt của các đồng minh Vùng Vịnh được thể hiện rõ qua việc chỉ có hai nước (Kuwait và Oman) trong số người đứng đầu các nước Vùng Vịnh tham dự. Quốc vương Salman của Saudi Arabia hủy lịch trình sang Mỹ vào phút chót trong khi Quốc vương Oman, Qaboos bin Said al Said lại đến Anh tham dự một cuộc trình diễn ngựa thay vì có mặt tại trại David.
Sợ Iran hỗ trợ các nhóm nổi dậy
Trong khi Mỹ cố gắng thuyết phục rằng một thỏa thuận với Iran sẽ làm giảm nguy cơ sở hữu vũ khí hạt nhân của Tehran, đồng thời tăng cường sức mạnh cho phe ôn hòa tại Iran thì các nước Vùng Vịnh lại cho rằng nguy cơ lớn nhất ở đây không phải là vấn đề hạt nhân mà là việc nếu lệnh trừng phạt được dỡ bỏ thì Iran sẽ có cơ hội đổ thêm tiền vào các cuộc chiến sắc tộc, chẳng hạn như hỗ trợ cho lực lượng nổi dậy Houthi tại Yemen.
Nói một cách khác thì các nước Vùng Vịnh muốn duy trì các biện pháp trừng phạt vì sợ Iran sẽ có điều kiện gây thêm bất ổn thông qua việc hỗ trợ các lực lượng bạo lực trong khu vực, hơn là sợ bị Iran tấn công hạt nhân.
Trong khi đó, Mỹ lại muốn đạt được thỏa thuận với Iran vào cuối tháng 6 này với nhiều lý do. Thứ nhất, Mỹ lo ngại khả năng Iran chế tạo bom hạt nhân và nguy cơ về một cuộc chạy đua hạt nhân giữa các nước Arab với Iran, thứ hai là Tổng thống Obama muốn tạo ra một dấu ấn lớn trong những năm cuối nhiệm kỳ và thứ ba là Mỹ hy vọng sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi để thảo luận với Iran về vấn đề khủng bố.
Không chỉ bất đồng về chương trình hạt nhân của Iran, Mỹ và các nước Vùng Vịnh cũng còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Một số nước Arab đã đề nghị Mỹ ký hiệp ước an ninh để tìm kiếm sự bảo vệ của Washington trong trường hợp các nước này bị tấn công. Tuy nhiên, một thỏa thuận như vậy sẽ cần phải được Quốc hội Mỹ phê chuẩn, điều gần như là không thể, ít nhất là trước sự phản đối của Israel.
Một bài toán cần giải nữa là tình hình tại Syria.
Cho đến nay thì Saudi Arabia vẫn thúc ép Mỹ đóng một vai trò tích cực hơn để chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu tại Syria, chẳng hạn như yểm trợ và chi viện cho các lực lượng chống Tổng thống Bashar al Assad, người được cho đang nhận sự bảo trợ của Iran. Trong khi đó Tổng thống Obama lại không muốn can dự sâu vào Syria ngoài hỗ trợ nhân đạo và huấn luyện một lực lượng nhỏ các chiến binh Syria ôn hòa.
Vùng Vịnh nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung đã, đang và sẽ tiếp tục là điểm nóng về an ninh, đe dọa đến các lợi ích quốc gia của Mỹ. Tại đây, Washington đang phải căng sức trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), và đối phó với cuộc xung đột chưa có hồi kết tại Syria, cuộc nội chiến ngày càng tồi tệ ở Yemen, cũng như tình hình ngày càng xấu đi tại Libya. Bên cạnh đó là mối quan hệ đồng minh Mỹ-Israel hiện đã xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Cả 6 nước thành viên Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) tuy có diện tích lãnh thổ nhỏ bé song lại có vị thế địa chính trị rất quan trọng đối với chính sách an ninh của Mỹ ở Trung Đông. Đây cũng là nơi đặt các căn cứ không quân và hải quân thuộc Bộ Tư lệnh Trung tâm của Mỹ, trong đó có Hạm đội 5 đóng ở Bahrain.
Mối quan hệ giữa Mỹ và các nước Vùng Vịnh hiện nay được xem là "hai bên cùng có lợi". Việc tăng cường quan hệ an ninh giữa hai bên sẽ cho phép Mỹ củng cố thế chiến lược, đồng thời ngăn chặn các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và lợi ích của Washington. Trong khi đó, các nước trong khu vực cũng coi Mỹ, với một lực lượng quân sự hùng hậu với 35.000 binh sỹ, 10 khẩu đội tên lửa Patriot cùng một loạt các cơ sở hải quân tại đây, là đối tác an ninh không thể thay thế vào thời điểm hiện tại./.
Nhật Quỳnh, Huy Hoàng
Theo_VOV
Rào cản của quan hệ Nga - Trung Quốc Quan hệ Nga - Trung Quốc thời gian gần đây rất 'thuận buồm xuôi gió' nhưng có thể sẽ vấp phải một rào cản trong tương lai gần, chuyên san The Diplomat nhận định. Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Nga nhân kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng Phát xít Đức vừa qua giúp Bắc Kinh và...