Tham vọng mở rộng quân sự của Trung Quốc – Kỳ 2: Chiến tranh chính trị
Các chuyên gia nhận định Trung Quốc đang âm thầm tiến hành chiến tranh chính trị chống Mỹ và các đồng minh của Mỹ để buộc Washington phải công nhận Trung Quốc là cường quốc toàn cầu ngang với Mỹ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama trong một buổi hội đàm – Ảnh: AFP
Ông Mark Stokes, giám đốc Viện nghiên cứu Project 2049 (Mỹ), cho biết chiến tranh chính trị ăn sâu trong lịch sử Trung Quốc, có nguồn gốc xuất phát từ thời Tôn Tử. Và đến thời hiện nay, Trung Quốc vẫn tiếp tục chiến tranh chính trị chống lại Mỹ và các đồng minh, ông Stokes cho hay, theo chuyên san The Diplomat (trụ sở ở Nhật Bản).
Quân đội cùng một số bộ ngành như ban tuyên giáo của chính quyền Trung Quốc phối hợp tiến hành chiến tranh chính trị, theo ông Stokes. Những mục tiêu hàng đầu trong chiến tranh chính trị của Trung Quốc là Mỹ, Nhật Bản và Đài Loan.
Giáo sư Aaron Friedberg thuộc Đại học Princeton (Mỹ) nhận định: “Bắc Kinh dùng chiến tranh chính trị để buộc Washington phải công nhận Trung Quốc là một cường quốc toàn cầu ngang bằng với Mỹ”.
Trong những năm gần đầy, Trung Quốc ngày càng mở rộng chiến tranh chính trị ở Mỹ, nhắm vào nhiều nhóm đối tượng từ doanh nhân, nhà ngoại giao cho đến các quan chức quân đội thông qua những buổi đối thoại, hợp tác kinh doanh,…
“Chiến tranh chính trị ngày càng trở trên phức tạp, tập trung vào giới lãnh đạo Mỹ”, ông Friedberg cảnh báo.
Một số công cụ chiến tranh chính trị của Trung Quốc được ngụy trang khéo léo, ông Friedberg cho hay. Chẳng hạn, Tổ chức Trao đổi Mỹ-Trung là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập vào năm 2008 với sứ mạng xây dựng lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau. Nhưng thực chất, các tập đoàn nhà nước, các tay tài phiệt Trung Quốc đổ tiền vào tổ chức này.
Video đang HOT
Ông Friedberg, từng là cố vấn cho Phó Tổng thống Mỹ trong giai đoạn 2003-2005, cho hay ông thấy rõ những công cụ chiến tranh chính trị mà Trung Quốc dùng để thay đổi tư tưởng, quan điểm của các quan chức Mỹ về nước này. Chẳng hạn, quốc hội Mỹ từng tranh cãi việc các quan chức Trung Quốc trong các tuyên bố hồi năm 2010 ám chỉ Biển Đông là “lợi ích cốt lõi”. Bắc Kinh sau đó đã lên tiếng bác bỏ tuyên bố Biển Đông là “lợi ích cốt lõi”, nhưng thật ra là nhằm để đánh giá phản ứng của Mỹ, theo ông Friedberg.
Khách tham quan Trung Quốc trước bức ảnh về vụ “thảm sát Nam Kinh”, trong đó lính Nhật sắp chặt đầu một người Trung Quốc, tại Bảo tàng Tưởng nhớ Thảm sát Nam Kinh ở thành phố Nam Kinh – Ảnh: AFP
Đối với Nhật Bản, ông Randy Schriver, chủ tịch Viện Project 2049 cho hay Trung Quốc dùng lịch sử làm công cụ chiến tranh chính trị. Cụ thể, Bắc Kinh liên tục cáo buộc Nhật Bản phạm tội ác diệt chủng (điển hình là vụ thảm sát Nam Kinh) để làm xấu hình ảnh Nhật Bản trên thế giới. “Mục tiêu chính của Trung Quốc là muốn liên minh Mỹ-Nhật suy yếu”, ông Shriver nói.
“Trung Quốc có thể là quốc gia lạm dụng lịch sử nhiều nhất trên thế giới”, theo ông Schriver, cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương dưới thời chính quyền Tổng thống George W. Bush.
Mới đây, Trung Quốc đã giành thắng lợi trong chiến tranh chính trị khi yêu cầu UNESCO công nhận những tài liệu liên quan đến vụ thảm sát Nam Kinh là Di sản tư liệu thế giới (còn gọi là Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO). Vào ngày 9.10, UNESCO đã nhất trí phong tặng Di sản tư liệu thế giới cho những tài liệu ghi chép lại những vụ thảm sát và hiếp dâm hàng loạt của lính Nhật sau khi thành phố Nam Kinh của Trung Quốc thất thủ vào năm 1937, theo AFP.
Nhật Bản ngày 10.10 kêu gọi UNESCO rút lại quyết định trên, đồng thời cáo buộc UNESCO bị chính trị hóa. “Thật đáng tiếc khi một tổ chức quốc tế lẽ ra phải trung lập và công bằng khi cân nhắc Di sản tư liệu thế giới”, theo thông cáo Bộ Ngoại giao Nhật Bản hôm 10.10.
Nhật Bản xâm lược Trung Quốc trong thập niên 1930 và hai quốc gia này trong tình trạng chiến tranh toàn diện kể từ năm 1937 cho đến khi Nhật bại trận trong chiến tranh thế giới lần 2. Trung Quốc cho biết 300.000 người thiệt mạng trong vụ quân Nhật thảm sát, hiếp dâm kéo dài 6 tuần sau khi tiến vào thành phố Nam Kinh vào năm 1937.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Tham vọng mở rộng quân sự của Trung Quốc - Kỳ 1: Chiến lược 'Chuỗi Ngọc Trai'
Các chuyên gia nhận định Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng hiện diện quân sự ở khắp vùng Ấn Độ Dương trong khuôn khổ một chiến lược được gọi là "Chuỗi Ngọc Trai".
Một tàu ngầm của Trung Quốc - Ảnh: Reuters
Các chuyên gia vẫn còn tranh cãi liệu Trung Quốc đã âm thầm bắt tay thực hiện chiến lược "Chuỗi Ngọc Trai" hay kế hoạch này vẫn còn trên giấy, theo chuyên san The Diplomat (trụ sở ở Nhật Bản).
Chiến lược Chuỗi Ngọc Trai là các tuyến giao thông hàng hải của Trung Quốc kéo dài đến Sudan, đi qua eo biển chiến lược Mandab, eo biển Malacca, eo biển Hormuz và eo biển Lombok. Trung Quốc muốn đặt nhiều căn cứ quân sự, cụ thể là căn cứ hải quân, tại nhiều nước khác nhau được xem là "Ngọc Trai" nằm trong "Chuỗi" trải dài từ phía nam Trung Quốc sang Ấn Độ Dương.
Năm 2015 được đánh giá là năm Bắc Kinh đẩy mạnh tăng cường hiện diện ở Ấn Độ Dương. Ngoài ra, việc Bắc Kinh tăng cường hoạt động xây những đảo nhân tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông cũng là một phần trong chiến lược "Chuỗi Ngọc Trai", theo một báo cáo của tổ chức tư vấn quốc phòng, tình báo Booz Allen Hamilton (Mỹ).
Tàu ngầm Trung Quốc đã xuất hiện nhiều lần ở Ấn Độ Dương kể từ cuối năm 2014. Tàu ngầm điện-diesel lớp Tống từng ghé cảng Colombo (thủ đô Colombo, Sri Lanka) để tiếp nhiên liệu, sau đó tham gia cuộc tập trận chống hải tặc ở vịnh Aden vào cuối năm 2014. Vài tuần sau đó, tàu ngầm hạt nhân lớp Hán tiếp tục xuất hiện ở Colombo, và lúc bấy giờ Hải quân Trung Quốc tuyên bố sẽ điều tàu ngầm tuần tra thường xuyên ở Ấn Độ Dương.
Tàu chiến Trung Quốc trong một cuộc tập trận - Ảnh: Reuters
Trung Quốc cũng tăng cường đầu tư và xây dựng ở cảng Hambantota của Sri Lanka. Tuy nhiên, ở vịnh Bengal, "Chuỗi" bị gián đoạn vì Trung Quốc phải đối đầu với Ấn Độ. Ngoài ra, Bắc Kinh vẫn chưa thể lôi kéo Myanmar vào "Chuỗi Ngọc Trai" sau vụ quân đội Myanmar ném bom nhầm vào lãnh thổ Trung Quốc hồi tháng 4.2015, khiến 4 người Trung Quốc thiệt mạng.
Dù vậy, quan hệ Trung Quốc-Pakistan đang ngày càng thắt chặt. Bắc Kinh dự kiến sẽ bán 8 tàu ngầm diesel lớp Nguyên cho Pakistan. Có lẽ không phải tình cờ mà một tàu ngầm lớp Nguyên của Trung Quốc gần đây đã đến thăm thành phố Karachi, Pakistan. Và đây là lần đầu tiên một tàu ngầm Trung Quốc đến Pakistan.
Thủ tướng Pakistan, Nawaz Sharif bắt tay với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 4.2015 - Ảnh: Reuters
Pakistan cũng đã ký kết với Trung Quốc về thỏa thuận Vành đai Kinh tế Trung Quốc-Pakistan, trong có hàng loạt dự án cơ sơ hạ tầng nhằm nối liền khu tự trị Tân Cương (phía tây Trung Quốc) với các cảng ở Gwadar và Karachi của Pakistan.
Ở phía tây của Ấn Độ Dương, Trung Quốc cũng gặp được nhiều "Ngọc Trai" tiềm năng, đó là đảo quốc Seychelles và Maldives. Hai đảo quốc này được xem là ứng cử viên xán lạn để quân đội Trung Quốc chọn đặt căn cứ hải quân. Ấn Độ vừa qua lên tiếng phản đối Maldives sửa hiến pháp cho phép Trung Quốc mua đảo, với lo ngại Bắc Kinh sẽ tiến hành bồi đắp, xây dựng nhưng hòn đảo thành các căn cứ quân sự, tựa như những gì nước này đang hành động phi pháp ở Biển Đông.
Ngoài Pakistan, một ứng cử viên "Ngọc Trai" sáng giá khác cho Trung Quốc là Djibouti, một quốc gia nhỏ ở châu Phi. Djibouti cân nhắc cho phép xây dựng căn cứ hải quân ở cảng Obock của nước này. Tàu chiến của hải quân Trung Quốc cũng thường ghé qua cảng Djibouti để tiếp nhiên liệu trong những sứ mạng ở vịnh Aden.
Điều đáng chú ý là những quốc gia khác, như Mỹ, Pháp và Anh, lại đang cắt giảm sự hiện diện (được thiết lập từ lâu) ở Djibouti, theo The Diplomat.
Mặc dù vẫn chưa rõ Trung Quốc có thật sự đang tiến hành chiến lược "Chuỗi Ngọc Trai" hay không, nhưng giáo sư James Holmes, cựu sĩ quan hải quân Mỹ, nhấn mạnh: "Trung Quốc chưa xây dựng căn cứ quân sự nào ở Ấn Độ Dương, nhưng không có nghĩa Bắc Kinh sẽ không làm điều này trong tương lai".
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Rạn nứt mới trong quan hệ đồng minh Mỹ - Đức Đức đang hết sức tức giận trước những thông tin tiết lộ gần đây nói rằng tình báo Mỹ đã do thám một cách có hệ thống Bộ Ngoại giao Đức và yêu cầu phía Washington phải có câu trả lời chính thức cho vấn đề này. Dù là đồng minh thân cận của Mỹ nhưng giới chức Đức, kể cả Ngoại trưởng...