Tham vọng kiểm soát châu Á của quân đội Trung Quốc
Dưới sự chỉ đạo của ông Tập, quân đội Trung Quốc dường như đang được tạo mọi điều kiện để mở rộng ảnh hưởng ra khắp châu Á.
Ông Tập mặc quân phục dã chiến chụp ảnh cùng các tướng lĩnh Trung Quốc. Ảnh: CCTV
Ngày 21/4, truyền thông Trung Quốc đồng loạt đưa tin về sự kiện Chủ tịch Tập Cận Bình đi thăm Bộ chỉ huy tác chiến liên quân trong bộ quân phục dã chiến và nhấn mạnh rằng từ nay Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) được đặt dưới sự lãnh đạo của “Tổng tư lệnh” Tập, theoLiberation.
Theo bình luận viên Arnaud Vaulerin, chưa bao giờ một nhà lãnh đạo cao nhất Trung Quốc lại nắm trong tay nhiều quyền lực đến vậy: chủ tịch nước, tổng bí thư, chủ tịch Quân ủy Trung ương và tổng tư lệnh quân đội. Với các chức vụ này, ông Tập hoàn toàn có thể tiếp tục siết chặt sự lãnh đạo tuyệt đối của mình đối với lực lượng vũ trang đông nhất thế giới.
Trước đó, ông Tập đã giải thể 4 tổng cục quân đội phụ trách hậu cần, vũ khí, tuyển quân và chính trị mà ông cho là quá độc lập và không thể kiểm soát. Sau đó, các đơn vị này được tổ chức lại thành 15 cơ quan đặt dưới sự giám sát trực tiếp của Quân ủy Trung ương – cơ quan lãnh đạo cao nhất của quân đội mà ông Tập làm chủ tịch. Quân ủy Trung ương Trung Quốc từ nay sẽ giám sát toàn bộ các vấn đề chiến lược, quản lý nhân sự, thiết bị và chống tham nhũng của quân đội.
Tăng cường sức mạnh
Nhà nghiên cứu Shinji Yamaguchi của Viện Nghiên cứu Quốc phòng Tokyo, Nhật Bản, nhận định rằng nếu như việc giải thể các tổng cục là một động thái mà ông Tập muốn thắt chặt kiểm soát, thì việc cơ cấu lại các quân khu và thành lập các chiến lược khu mới là nhằm nâng cao sức mạnh chiến đấu cho quân đội.
Quân đội Trung Quốc hiện được chia làm nhiều nhánh có vai trò tương đương. Bên cạnh lục quân, hải quân và không quân, còn có sự hiện diện của các đơn vị tác chiến mạng và đặc biệt là lực lượng tên lửa, lực lượng được ông Tập giao nhiệm vụ phải là trung tâm của hoạt động răn đe chiến lược, bảo đảm an ninh quốc gia.
Bất chấp việc Bắc Kinh tuyên bố giảm ngân sách quốc phòng xuống còn 7,6% so với 10% năm 2015, hải quân và không quân nước này lại được chú trọng đầu tư và phát triển. Không quân Trung Quốc đã được trang bị các loại tiêm kích hiện đại hơn, chẳng hạn như máy bay J-10 sản xuất trong nước, cùng các phi cơ ném bom tầm xa.
Hải quân cũng đang trên đà củng cố năng lực tác chiến với các cuộc diễn tập dày đặc của ba hạm đội chính trong năm 2015. Bắc Kinh vào tháng 12/2015 loan báo đóng thêm chiếc tàu sân bay thứ hai, và dự kiến đóng thêm một chiếc nữa trong thời gian tới.
Theo một nhà ngoại giao quân sự châu Á giấu tên, không chỉ trên phương diện chính trị, ông Tập còn muốn chứng tỏ mình biết cách và có khả năng biến quân đội Trung Quốc thành một lực lượng mạnh và phản ứng nhanh để phục vụ các tham vọng địa chính trị của Bắc Kinh.
Đối với ông Tập, quân đội phải cơ động hơn, sức mạnh phải được phân bố đều trên ba lực lượng chứ không tập trung quá nhiều vào lục quân (khoảng 73%) như thời gian qua.
Video đang HOT
Các hành động cải tạo, xây đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông đã khiến cộng đồng quốc tế ngày càng lo ngại. Ảnh: CSIS
Tham vọng lục địa hóa Biển Đông
Bình luận viên Arnaud Vaulerin nhận định rằng từ trước đến nay quân đội Trung Quốc được bố trí chủ yếu hướng về phía Nga và Mông Cổ để bảo vệ biên giới trên bộ. Tuy nhiên thời kỳ đó đã qua, ông Tập hiện cần một quân đội mạnh về khả năng phối hợp hải, lục, không quân.
Quân đội đó đang đẩy mạnh các nước cờ chiến lược trên Biển Đông bằng cách tăng cường bồi đắp phi pháp các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hoạt động này được các chuyên gia quốc tế gọi là kế hoạch “lục địa hóa” Biển Đông.
Với các hải cảng, đường băng, giàn radar cao tần, cùng sự hiện diện của các loại máy bay quân sự, Bắc Kinh đang đẩy mạnh quân sự hóa trái phép các đảo nhân tạo phi pháp này, bất chấp sự phản đối kịch liệt của các nước như Việt Nam, Philippines, Malaysia và cộng đồng quốc tế.
Theo chuyên gia Shinji Yamaguchi, tham vọng của ông Tập không chỉ dừng lại ở Biển Đông mà còn bao trùm cả khu vực châu Á.
Mong muốn tạo nên bước đại nhảy vọt về quân sự, ông Tập đã đưa ra một quyết định chiến lược nhằm hiện thực hóa giấc mơ Trung Hoa trước năm 2020 bằng một quân đội hùng mạnh. Theo đó, quân đội phải chuẩn bị chiến đấu và chiến thắng trước mọi đối thủ.
Ngoài ra, hồi tháng ba, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tiếp tục bày tỏ quan điểm rằng Trung Quốc phải chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc xung đột quân sự toàn diện.
1.200 tên lửa tầm ngắn của nước này đang hướng về Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh đang ngày đêm muốn sáp nhập. Và Trung Quốc còn muốn vươn ra ngoài biên giới khi xây dựng một căn cứ hậu cần hải quân tại Djibouti, nơi có sự hiện diện của các căn cứ hải quân Mỹ và Nhật Bản.
Các hải cảng tàu quân sự Trung Quốc có thể đến tiếp tế hiện nay. Đồ họa:Newsbharati
Theo chuyên gia về Trung Quốc Jean-Pierre Cabestan, căn cứ Djibouti không chỉ để bảo vệ các công dân và công ty Trung Quốc ở châu Phi như những gì Bắc Kinh loan báo, mà còn dự trù trường hợp phải di tản công dân nước này khỏi các khu vực chiến sự. Điều đó có nghĩa Trung Quốc đã tính toán rất kỹ những biến động có thể xảy ra tại khu vực và thế giới.
“Trong vòng 10 năm, sức mạnh hải quân Trung Quốc đã tăng đáng kể bằng các khu trục hạm, chiến hạm kiểu mới. Số lượng tàu ngầm của nước này đã tăng từ 10 chiếc lên 45 chiếc. Một điều chưa từng thấy, thể hiện tham vọng của Bắc Kinh đã vượt ra khỏi khu vực Biển Đông”, Yamaguchi nhận xét.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
Hành trình chế ngự quân đội Trung Quốc của ông Tập
Bài học từ những người tiền nhiệm buộc ông Tập phải tìm ra cách buộc các tướng lĩnh quân đội phục tùng sự lãnh đạo của mình.
Ông Tập mặc quân phục dã chiến chụp ảnh cùng các tướng lĩnh Trung Quốc. Ảnh:CCTV
Mới đây, truyền thông Trung Quốc đưa tin về chuyến kiếm tra của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Bộ Tư lệnh Tác chiến Liên quân mới được thành lập của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Điều đặc biệt là trong bản tin này, ông được giới thiệu chức danh là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Trung Quốc, cùng hình ảnh ông mặc một bộ quân phục dã chiến bắt tay các tướng lĩnh, theo SCMP.
Theo Newsweek, chức danh tổng tư lệnh lực lượng vũ trang mà ông Tập mới nhận được là dấu hiệu cho thấy nhà lãnh đạo này đã nắm được quyền lực tối cao đối với PLA, hoàn tất chặng đường nhằm chế ngự lực lượng quân đội đông đảo nhất thế giới với quân số lên tới hơn hai triệu người.
Chuyên gia phân tích Derek Grossman thuộc tổ chức tư vấn RAND Corp cho rằng với 4 chức danh nắm giữ hiện nay là Chủ tịch nước, Tổng bí thư, Chủ tịch Quân ủy Trung ương và Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang, ông Tập đang nắm trong tay "quyền sinh quyền sát" đối với các tướng lĩnh quân đội nói riêng và các tầng lớp chính trị khác nói chung.
Grossman chỉ ra rằng ông Tập nhậm chức trong bối cảnh người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào bị cho là thiếu sức ảnh hưởng, quyền lực đối với quân đội Trung Quốc. Phải mất hai năm sau khi nắm quyền, ông Hồ Cẩm Đào mới trở thành chủ tịch Quân ủy Trung ương, nhưng tại cơ quan đầy quyền lực này, ông bị hai cấp phó là thượng tướng Quách Bá Hùng và thượng tướng Từ Tài Hậu hoàn toàn lấn lướt.
Bởi vậy, ngay sau khi tiếp quản quyền lực vào tháng 11/2012, ông Tập đã bắt đầu hành trình chế ngự quân đội của mình bằng cách phát động một chiến dịch chống tham nhũng chưa từng có tiền lệ, quán triệt nguyên tắc "Đảng lãnh đạo quân đội", và thực hiện cuộc tái cấu trúc PLA lớn nhất từ trước tới nay.
Phát súng đầu tiên của chiến dịch chống tham nhũng nhắm vào những "con hổ". Năm 2014, cựu phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu bị bắt vì có liên quan đến hoạt động "buôn quân hàm", chuyên nhận hối lộ của các sĩ quan để thăng cấp cho họ. Sau khi tướng Từ bị khai trừ đảng và bị điều tra, đến năm 2015, đến lượt Quách Bá Hùng trở thành tướng nghỉ hưu cấp cao nhất bị truy tố với tội danh tham nhũng.
Theo thống kê đến tháng 3/2016, chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" của ông Tập đã khiến ít nhất 60 sĩ quan quân đội sa lưới, và con số trong thực tế có thể cao hơn. Một số nguồn tin cho hay hơn 1.600 người đã bị bắt giữ, cách chức hoặc ngồi tù với tội danh tham nhũng kể từ khi ông Tập lên nắm quyền.
Theo Grossman, bài học từ những người tiền nhiệm khiến ông Tập tin rằng việc thiếu sự can thiệp của lãnh đạo dân sự đối với quân đội như dưới thời cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân đã khiến PLA ngày càng xa rời nguyên tắc "Đảng lãnh đạo quân đội" mà ông Mao Trạch Đông đề xướng.
Cựu chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào bắt tay tướng Từ Tài Hậu. Đứng bên cạnh là tướng Quách Bá Hùng. Ảnh: SCMP
Dưới con mắt của ông Tập, có vẻ như đây là lý do nạn tham nhũng trong PLA ngày càng hoành hành dưới thời những người tiền nhiệm. Bởi vậy, ông Tập muốn khiến các quan chức cấp cao của quân đội phải biết sợ bằng cách nhắc nhở họ rằng vị thế nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc trong nhiều thập kỷ có thể giúp ông ra tay để ghìm cương PLA.
Mũi tên trúng hai đích
Tháng 11/2014, ông Tập triệu tập 420 tướng lĩnh, sĩ quan cấp cao của PLA tham dự một hội nghị tại Cổ Điền, thị trấn nhỏ ở tỉnh Phúc Kiến. Thị trấn này chính là nơi Mao Trạch Đông tổ chức "Hội nghị Cổ Điền" vào năm 1929, đề xướng nguyên tắc "Đảng lãnh đạo tuyệt đối đối với quân đội".
Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo Trung Quốc triệu tập các tướng lĩnh quân đội ở Cổ Điền kể từ sau hội nghị lịch sử do Mao Trạch Đông tổ chức. Cuộc họp này được coi là một thông điệp mạnh mẽ mà ông Tập gửi tới các tướng lĩnh quân đội, rằng họ có thể trở thành nạn nhân trong chiến dịch chống tham nhũng của ông, giống như tướng Từ Tài Hậu vài tháng trước đó, nếu họ dám chống lại sự lãnh đạo của Đảng. Bởi vậy, Grossman nhận định rằng chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" chính là nguồn sức mạnh chủ yếu để ông Tập có thể kiểm soát được PLA.
Giáo sư Michael Chase, chuyên gia phân tích cấp cao tại trường Pardee RAND, cho rằng vũ khí thứ hai mà ông Tập sử dụng để kiềm tỏa quân đội chính là cuộc cải tổ sâu rộng cấu trúc, tổ chức của PLA, được ông tuyên bố vào lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II ở châu Á diễn ra tại Bắc Kinh.
Trên phương diện quân sự, cuộc cải tổ này nhằm xây dựng hệ thống chỉ huy kiểu Mỹ cho PLA, thay đổi cấu trúc từ một lực lượng quân đội nặng về lục quân sang ưu tiên phát triển hải quân và không quân, đồng thời rút gọn 7 đại quân khu thành các chiến lược khu để "tăng cường khả năng sẵn sang chiến đấu chiến đấu và nâng cao năng lực răn đe, kỹ năng tác chiến".
Quan trọng hơn, về mặt chính trị, cuộc cải tổ đã củng cố quyền lực tuyệt đối của ông Tập đối với PLA thông qua sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương. Ông Tập đã giải thể 4 cơ quan chỉ huy đầu não của quân đội, thay vào đó là 15 cơ quan chức năng chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương.
Ông Tập bắt tay các tướng lĩnh quân đội Trung Quốc. Ảnh: Chinanews
Theo ông Chase, cuộc cải tổ PLA lớn nhất trong lịch sử này đã giúp ông Tập "một mũi tên trúng hai đích". Không chỉ giúp ông Tập khẳng định quyền lực tuyệt đối đối với PLA, củng cố lòng trung thành của mọi quân nhân đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc, cuộc cải tổ còn nâng cao đáng kể khả năng chỉ huy, tổ chức, hiệp đồng tác chiến của quân đội, góp phần giúp ông Tập hiện thực hóa "Giấc mơ Trung Hoa" về một đội quân "sẵn sàng chiến đấu và giành thắng lợi trong mọi cuộc chiến".
Các chuyên gia phân tích cũng chỉ ra rằng tình hình khu vực và thế giới sẽ chịu những tác động đáng kể từ những tham vọng này của ông Tập. "PLA với diện mạo mới dưới thời của ông Tập sẽ sớm có thể tạo ra những thách thức lớn hơn đối với các nước láng giềng và cả những mục tiêu, chiến lược của Mỹ trong khu vực", ông Chase nhấn mạnh.
Trí Dũng
Theo VNE
Trung Quốc bị lộ mẫu máy bay do thám mới Một blog khoa học trong tuần đăng tải hình ảnh một mẫu máy bay do thám mới nhất của Trung Quốc có thể tham gia tác chiến điện tử. Phi cơ CSA-003 "Scout". Ảnh: CETC. CSA-003 "Scout" là mẫu phi cơ Tình báo Điện tử (ELINT) mới nhất của Trung Quốc do bộ phận Hệ thống điện tử, Tập đoàn Công nghệ Điện...