Tham vọng doanh thu một tỷ USD của Trung Nguyên
Ông chủ hãng cà phê Việt đặt ra mục tiêu đạt doanh thu một tỷ USD vào năm 2016 và thâm nhập thị trường Mỹ.
Theo ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Trung Nguyên sẽ tiến vào thị trường Mỹ với việc xúc tiến mua lại một số nhà máy rang xay cà phê ở Mỹ, đồng thời mở cửa hàng ở một số thành phố như Seattle, New York, Boston. “Để có kinh phí thực hiện, chúng tôi sẽ bán khoảng 15% cổ phần công ty để có kinh phí thực hiện”, ông nói.
- Là môt doanh nghiêp kinh doanh mặt hàng nông sản, ông đánh giá thế nào về lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam trong năm qua?
- Có thể nói rằng, điểm sáng lớn nhất năm qua trong lĩnh vực kinh tế thuộc về ngành nông nghiệp. Chưa có một năm nào ngành nông nghiệp lại mang về lợi ích cao đến vậy cho nền kinh tế Việt Nam, cho dù chúng ta mới dừng lại ở dạng khai thác thô.
Tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản lên đến gần 28 tỷ USD, trong đó, riêng trong ngành cà phê xuất khẩu tới 1,7 triệu tấn, mang về hơn 3,74 tỷ USD, các ngành lúa gạo, tiêu, điều, cao su, thuỷ sản… đều mang lại những giá trị tỷ đô cả. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như vậy, những con số trong xuất khẩu của ngành nông nghiệp càng cho thấy đây chính là thế mạnh chiến lược của Việt Nam.
Tôi tin là nếu chúng ta biết cách làm, không chỉ khai thác để xuất thô mà biết đóng gói, trình bày, biết cách làm thương hiệu, hình ảnh… thì nông sản, nông nghiệp có thể mang về giá trị cả trăm tỷ đô la cho Việt Nam mỗi năm. Bên cạnh đó, với khoảng 70 – 80% dân số sống ở nông thôn và sản xuất nông nghiệp vẫn là chủ yếu, nếu chúng ta làm tốt lĩnh vực này thì nông nghiệp sẽ còn đóng vai trò quan trọng để nâng cao đời sống của người dân và giúp ổn định xã hội.
Không những thế, khi chúng ta khai thác và nhìn nhận gắn với các giá trị lịch sử, văn hoá của dân tộc, thì nông nghiệp còn đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch sinh thái, dưỡng sinh… với những giá trị văn hoá ăn – ở – mặc của người Việt. Bên cạnh đó, nó còn đóng vai trò là ngọn cờ trong ngoại giao, vì nó giải quyết vấn đề an ninh lương thực cho thế giới và nông nghiệp cũng đóng góp rất hữu ích vào việc giữ gìn môi trường sống cho con người.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ
- Cảm nhận của ông sau một năm nhiều khó khăn của nền kinh tế với tư cách là môt doanh nhân?
- Năm 2012, chúng ta chứng kiến một năm đầy khó khăn của nền kinh tế, đặc biệt đối với các doanh nghiệp. Nền kinh tế phải đối mặt với một loạt vấn đề khó khăn như tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm, lạm phát gia tăng, niềm tin suy giảm, nhưng có lẽ lo lắng lớn nhất chính là vấn đề vốn đầu tư của xã hội giảm sút hơn bao giờ hết.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới vấn đề này, cả từ phía chủ quan và khách quan. Có thể thấy rằng, khi hội nhập vào quá trình toàn cầu hoá ngày càng sâu, các doanh nghiệp của chúng ta chưa có kinh nghiệm, chưa lường định được, khả năng nhận diện kém về những tác động tiêu cực của quá trình này.
Thêm nữa, trong vấn đề hoạch định chính sách, chiến lược, chúng ta chưa hướng ra bên ngoài và phóng tầm nhìn về tương lai mà còn luẩn quẩn với những tư duy hướng về quá khứ và quay vào bên trong.
Video đang HOT
Ngoài ra, chúng ta cũng thấy rằng động cơ, động lực của các doanh nhân còn mang tính cá nhân, thiên về lợi ích riêng lẻ của những nhóm, những cá thể… mà chưa hướng tới một nền kinh tế lành mạnh với động lực là tạo dựng sự phát triển mạnh mẽ và bền vững cho quốc gia, dân tộc.
- Theo ông, để vượt qua khó khăn hiện nay, các doanh nhân phải làm gì?
- Theo tôi, đã đến lúc các doanh nhân phải nhìn nhận lại chính mình, xem đâu là năng lực cốt lõi của mỗi doanh nghiệp, gạt bỏ những gì không phải là sở trường hoặc thu hẹp quy mô những lĩnh vực không nhiều cơ hội để tập trung cao độ vào lĩnh vực thế mạnh. Các lãnh đạo cũng phải tính toán tối ưu hóa tất cả mọi hoạt động của doanh nghiệp nhằm tiếp tục đối phó và phát triển khi cuộc khủng hoảng kinh tế trên toàn cầu có thể diễn ra trầm trọng hơn trong tương lai.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là vấn đề đối phó, để phát triển bền vững về lâu dài, các doanh nhân cũng cần phải xác lập lại tâm thế và đưa ra được những chiến lược phát triển đặc sắc của mình trong bối cảnh mới, khi mà các doanh nghiệp trong nước phải đối mặt và cạnh tranh sống còn với những doanh nghiệp lớn trên thế giới ngay tại thị trường Việt Nam.
- Ông mong đợi điều gì từ chính sách điều hành của Chính phủ?
- Tôi đã nhận thấy những tín hiệu tích cực từ những giải pháp của Chính phủ qua thông điệp của Thủ tướng Chính phủ ngay trong ngày đầu năm mới 2013 và đến Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ tiếp ngay sau đó. Trong đó, tôi đánh giá rất cao những nỗ lực để mang lại niềm tin cho thị trường, bởi niềm tin cũng như khả năng tự tin của doanh nghiệp chúng ta đang rất yếu ớt và để tạo lập, xác lập lại sẽ cần nỗ lực cao độ.
Tôi cho rằng triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm nay phụ thuộc rất nhiều vào những quyết định trong việc lựa chọn chiến lược của chính phủ. Nhìn lại những gì chúng ta đang trải qua, kinh nghiệm chúng ta cũng đã có sau những cọ xát của quá trình hội nhập toàn cầu, tôi nghĩ Chính phủ không những cần giải quyết những vấn đề cấp bách trong hiện tại để xây dựng niềm tin cho giới doanh nghiệp cũng như cộng đồng xã hội, mà song song đó, cần phải tính toán những biện pháp lâu dài để hướng tới mục tiêu đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững.
Những quyết định chiến lược của Chính phủ liên quan tới định vị chiến lược, lựa chọn chiến lược, xây dựng những hệ thống thực thi vào thời điểm này là rất quan trọng.
Chính những hậu thuẫn và chính sách vĩ mô trên những lựa chọn đúng đắn sẽ giúp doanh nghiệp thành công, hình thành nên những ngành thế mạnh của Việt Nam cạnh tranh với thế giới, tiến đến cụm ngành, liên ngành, thậm chí tiến đến hệ sinh thái đặc trưng kinh tế của Việt Nam ảnh hưởng trên thế giới, ví dụ như nông nghiệp.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần chuẩn bị cho một lớp doanh nhân mới, chuẩn bị cho họ từ tâm thế, cho tới những lĩnh vực, những ngành và chính sách thiết thực để có thể cạnh tranh được trên thế giới. Bên cạnh đó, cần có những quyết sách để giáo dục, nuôi dưỡng tâm thế khởi nghiệp mới này trên nhiều cấp bậc, thậm chí đưa vào hệ thống giáo dục đào tạo ngay từ bây giờ. Với khoảng 25 triệu thanh niên, một chương trình khuyến khích khởi nghiệp mang tầm cỡ quốc gia, thậm chí có thể là một Quốc sách, sẽ tạo ra vận hội mới cho tương lai Việt Nam.
- Ông có thông điệp gì đối với người tiêu dùng trong nước?
- Về phía công đồng, tôi cho rằng cần thiết phải truyền thông mạnh hơn nữa trong việc kêu gọi người tiêu dùng trong nước ưu tiên dùng hàng Việt Nam nếu như doanh nghiệp Việt có sản phẩm xứng đáng. Điều đó sẽ tạo ra nguồn cảm hứng cho các doanh nghiệp Việt, cảm thấy được nuôi dưỡng trong chính cộng đồng, đồng bào của mình, tạo hậu phương vững chắc để đi chinh phục các thị trường ngoài nước.
Ảnh hưởng của những cuộc khủng hoảng toàn cầu đang tạo ra sức ép cạnh tranh rất lớn từ bên ngoài, chính phủ của nhiều nước đã thậm chí coi đây là những cuộc “chiến tranh không khói súng” có sức tàn phá không kém gì những cuộc chiến tranh thực sự. Tôi cho rằng cộng đồng bên trong nên cùng nhau quyết tâm, đồng lòng thực thi những lựa chọn chiến lược đúng đắn để cùng vượt qua thời kỳ khó khăn này.
- Kế hoạch mới của Trung Nguyên trong năm 2013 là gì?
- Năm 2013, Trung Nguyên xác định bước ra thị trường thế giới, mà trước hết, chúng tôi sẽ tham gia vào thị trường ASEAN và coi đây như là thị trường nội địa của mình. Bên cạnh đó, Trung Nguyên sẽ tiến vào thị trường Mỹ với việc xúc tiến mua lại một số nhà máy rang xay cà phê ở Mỹ, đồng thời mở cửa hàng ở một số thành phố như Seattle, New York, Boston…, chúng tôi sẽ bán khoảng 15% cổ phần công ty để có kinh phí thực hiện.
Hiện Trung Nguyên có khoảng 3.000 nhân viên, doanh thu năm 2012 đạt 200 triệu USD, tăng 32% so với năm 2011. Dự kiến doanh thu năm 2013 sẽ tăng gấp đôi do nhu cầu cà phê đóng gói ở các nước trong khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc… tăng mạnh. Trung Nguyên đặt ra mục tiêu đạt doanh thu một tỷ USD vào năm 2016.
Tôi cho rằng, hội nhập sâu vào thị trường thế giới, cơ hội nhiều nhưng cũng có cả nguy cơ. Tuy nhiên chỉ có cạnh tranh trực tiếp với những thương hiệu toàn cầu thì Trung Nguyên mới có thể thành công ở thị trường thế giới được. Điều này đòi hỏi sự chuẩn bị thật kỹ càng về hành trang cho cuộc hội nhập để giành chiến thắng.
Theo VNE
Muôn vẻ cà phê ở Sài Gòn
Ở Sài Gòn người ta có thể uống cà phê từ sáng đến tối, tại quán cóc vỉa hè, công viên đến những địa chỉ sang trọng, ở nhiều tầm giá khác nhau.
6h sáng, từ các con hẻm nhỏ đến các quán lớn trên đại lộ, những hàng quán cà phê của người Sài Gòn đã mở. Sau khi ăn sáng, nếu rảnh rỗi, mỗi người có thể chọn một góc nhỏ, ngồi nhìn dòng người tất bất để đến địa điểm làm việc, bắt đầu một ngày mới.
Công viên 30/4 ngay cạnh nhà thờ Đức Bà đông khách một sớm cuối tuần. Một ly cà phê chưa tới 10.000 đồng, họ có thể gặp gỡ bạn bè, hàn huyên, gặp gỡ hội nhóm. Cà phê bệt được xem là một thứ văn hóa đặc trưng của giới trẻ Sài Gòn, khó trộn lẫn với các vùng miền khác.
"Cà phê Sài Gòn" là cách gọi dành cho những ly cà phê lớn, có nhiều đá và thêm ống hút. Cụm từ này khá phổ biến với các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào, để phân biệt với nâu đá của người Hà Nội. Tùy vào khẩu vị, người uống có thể chọn đen đá hay sữa đá.
Gần đây, với những người bận rộn, ra quán mua cà phê mang về (hay còn gọi là take away) trở nên phổ biến. Nhiều địa chỉ cũng tận dụng hình thức này, nhằm tiết kiệm diện tích, trong khi doanh số bán cà phê không thua kém nhiều những địa điểm được đầu tư bài bản.
Nếu như cà phê Hà Nội tập trung vào những quán nhỏ, không khí trầm mặc, cũ kỹ, thì người Sài Gòn lại chuộng các không gian lớn, thoáng và có xu hướng tràn ra mặt đường.
Cà phê được rang, xay trực tiếp và pha tại quán trong vài năm trở lại đây được ưa chuộng. Với nhiều người, vị cà phê xay đậm và thơm hơn, thức uống này cũng giúp họ thưởng thức đúng vị, không sợ bị pha tạp chất.
Các quán cà phê xay xuất hiện nhiều hơn trên các con phố trung tâm Sài Gòn như Mạc Thị Bưởi, Lê Thánh Tôn, Đinh Tiên Hoàng...
Một hình thức bán cà phê khác ở Sài Gòn. Người bán có thể mang quầy lưu động trên các con phố và dừng lại, pha chế.
Các thương hiệu cà phê nước ngoài cũng bắt đầu thu hút khách hàng trẻ.
Họ thường chọn vị trí đắc địa để mở quán, bán với giá cao hơn cà phê Việt, chừng 60.000 đến trên 100.000 đồng mỗi ly. Cà phê Việt thường có giá dưới 35.000 trở xuống.
Theo VNE
Cà phê Tây trên con đường chinh phục khẩu vị Việt Thức uống ngoại hương vị thơm nhẹ, giá cao, cửa hàng sang trọng, chưa phải là cách thưởng thức dành cho số đông thực khách bản địa đã quá gắn bó với những quán cóc vỉa hè, nhâm nhi từng giọt cà phê đậm đặc pha phin. Quán nhỏ vỉa hè, trong ngõ, đặc biệt ở phố cổ, được giới trẻ Hà Nội...