Thẩm vấn trách nhiệm Cục Quản lý dược cấp phép VN Pharma khẩu thuốc giả
HĐXX đánh giá trách nhiệm của Cục Quản lý dược trong việc cấp phép cho VN Pharma nhập thuốc ung thư giả đã được tách ra trong vụ án khác nên không xem xét.
Ông Phan Công Chiến, một thành viên trong Tổ thẩm định đơn hàng H-Capital của VN Pharma Ảnh: Mạnh Cường
Chiều 25.9, HĐXX thẩm vấn để xem xét, đưa ra một số sai sót, trách nhiệm của Tổ thẩm định (Cục Quản lý dược) trong việc thẩm định đơn hàng nhập khẩu thuốc H-Capital, thuốc chữa bệnh ung thư giả do Công ty CP VN Pharma – VN Pharma của bị cáo Nguyễn Minh Hùng (nguyên Tổng giám đốc VN Pharma), là đạt chuẩn.
Xét hỏi ý kiến của từng cá nhân trong Tổ thẩm định
Tại tòa, ông Phan Công Chiến (Phó phòng quản lý kinh doanh dược), một thành viên trong Tổ thẩm định trình bày Tổ thẩm định (Cục Quản lý dược) được thành lập đầu tháng 1.2013, gồm 10 chuyên gia, chia làm 3 nhóm: Nhóm pháp lý; Nhóm thẩm định tiêu chuẩn chất lượng và phương pháp kiểm nghiệm; Nhóm thẩm định dược lý lâm sàng. Và Tổ trưởng Tổ thẩm định là ông Nguyễn Tấn Đạt (Trưởng phòng Quản lý kinh doanh dược thuộc Cục quản lý dược).
Cũng theo ông Chiến, trong quyết định thành lập Tổ thẩm định, ông nằm trong Nhóm pháp lý. Và theo sự hiểu biết chuyên môn của ông, hồ sơ cấp phép H-Capita gồm 6 danh mục tài liệu: Đơn hàng nhập khẩu, giấy phép lưu hành (FSC), giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc – GMP, tiêu chuẩn chất lượng và phương pháp kiểm nghiệm thuốc, mẫu nhãn và hướng dẫn sử dụng.
Về trách nhiệm của bản thân trong đánh giá hồ sơ của VN Pharma đạt yêu cầu, ông Chiến cho rằng với vai trò là thành viên của Nhóm pháp lý, ông đã thực hiện đúng và đủ theo quy chế của Tổ thẩm định và quy định tại Quyết định 151 Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 47.
Khi HĐXX hỏi ông Chiến có ý kiến gì về việc Tổ thẩm định đều đánh giá đơn hàng của VN Pharma đạt chuẩn, từ đó trình cho người thẩm quyền ký công văn đồng ý cho Công ty VN Pharma nhập khẩu 200.000 hộp thuốc H-Capita 500mg Capllet, trong khi toàn bộ hồ sơ của VN Pharma cung cấp là hồ sơ giả, ông Chiến cho rằng bản thân ông chỉ có thể ý kiến về Nhóm pháp lý.
Video đang HOT
HĐXX cũng cho hay HĐXX chỉ dừng lại ở việc hỏi ý kiến của từng cá nhân trong Tổ thẩm định bởi, về trách nhiệm của Tổ thẩm định hay Cục Quản lý dược trong việc cấp phép nhập khẩu cho VN Pharma đã được Viện KSND tối cao tách ra.
Theo hồ sơ vụ án, từ kết quả thẩm định của các nhóm và đề xuất của tổ trưởng Tổ thẩm định, ngày 20.12.2013, ông Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường (58 tuổi, nguyên Cục trưởng Cục quản lý dược giai đoạn năm 2013) ký công văn đồng ý cho Công ty VN Pharma nhập khẩu 200.000 hộp thuốc H-Capita 500mg Capllet.
Và theo diễn biến vụ án, ngày 18.9.2019, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc thẩm định, xét duyệt, cấp phép và cho thông quan nhập khẩu đối với các thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Công ty Helix Canada và nhãn mác Công ty Health 2000 Canada.
Việc khởi tố diễn ra chỉ vài ngày sau khi Thanh tra Chính phủ có kết luận thanh tra việc cấp phép nhập khẩu thuốc và cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc đối với 10 loại thuốc do Công ty Helix Canada sản xuất; cấp giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại VN cho Công ty Helix Canada năm 2014; việc trúng các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện của Công ty VN Pharma và đã chuyển tài liệu sang Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an để tiếp tục làm rõ.
Theo thanhnien
Không đến tòa dù bị triệu tập: Bất thường?
Theo LS Trương Xuân Tám, nhiều người có quyền, nghĩa vụ liên quan và người làm chứng vắng mặt tại phiên xử VN Pharma là bất thường.
Ngày 24/9, TAND TP.HCM mở phiên xét xử các bị cáo trong đường dây mua bán thuốc ung thư giả xảy ra tại VN Pharma.
Gần 200 người đã được triệu tập đến phiên tòa với tư cách người có quyền, nghĩa vụ liên quan và người làm chứng, tuy nhiên rất nhiều người vắng mặt. 5/9 thành viên của hội đồng giám định Bộ Y tế có mặt. Đại diện Cục Quản lý Dược tham dự phiên tòa là ông Nguyễn Thành Lâm, Phó Cục trưởng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường không đến tòa. Thời điểm xảy ra vụ án ông Cường là Cục trưởng Cục quản lý dược.
Đáng lưu ý, liên tiếp ghi nhận những phiên xử mà những nhân chứng và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan được triệu tập nhưng không đến tòa, điển hình nhất là phiên xử vụ gian lận thi cử tại Hà Giang và Sơn La.
Trao đổi với Đất Việt, LS Trương Xuân Tám (Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết, việc những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng, hoặc người vừa có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vừa là nhân chứng được triệu tập đến tòa mà vắng mặt là điều bất thường. Bởi lẽ, tòa xét thấy nếu cần thiết thì mới triệu tập, mỗi người có một tư cách tố tụng riêng và phải tôn trọng sự triệu tập của tòa.
Về nhân chứng, người làm chứng phải có trách nhiệm đến tòa theo lệnh triệu tập. Nếu người làm chứng không đến, tòa có thể dùng biện pháp áp giải, cưỡng chế đến tòa.
Nhiều người có quyền, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng vắng mặt tại ngày khai mạc phiên tòa xét xử vụ VN Pharma. Ảnh: Tuổi trẻ
Dẫn trường hợp mới nhất trong phiên xử sơ thẩm lần 2 vụ việc xảy ra ở VN Pharma, đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, trong đó có Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, không đến tòa theo lệnh triệu tập, theo LS Tám, là chưa hợp lý.
"Báo chí dẫn lịch công tác tuần của Bộ Y tế cho biết, ngày 24/9, đúng vào ngày diễn ra phiên tòa, Thứ trưởng Trương Quốc Cường được phân công "Làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn và Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về công tác Quản lý xuất nhập khẩu dược liệu tại cửa khẩu". Được biết cuộc họp này diễn ra tại tỉnh Lạng Sơn trong cả ngày 24/9.
Điểm khó hiểu là Bộ Y tế có nhận được giấy triệu tập hay không, nhận được trước hay sau khi sắp lịch công tác cho ông Cường. Bản thân người phân công ông Cường đi làm việc ở nơi khác trong ngày tòa triệu tập ông này khiến dư luận nghi ngờ về sự thiếu nghiêm túc của những người liên quan", LS Trương Xuân Tám nhận xét.
Theo vị luật sư, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khi đến tòa có các quyền và nghĩa vụ được quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự, trong đó có nghĩa vụ phải tuân theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng là tòa án và VKS, không thể đơn giản đến thì đến, không đến thì thôi.
"Đã gọi là người có quyền và nghĩa vụ liên quan nghĩa là không chỉ có quyền mà còn có nghĩa vụ đến tòa làm rõ họ có liên quan gì tới vụ án.
Có những người không liên quan trực tiếp đến tội phạm nhưng cũng có người liên quan trực tiếp đến tội phạm mà chưa bị truy tố. Ở nhiều vụ án, sau quá trình xét xử người ta còn kiến nghị khởi tố tại tòa hoặc kiến nghị cơ quan điều tra sẽ khởi tố những người liên quan ấy nếu qua xét xử mà thấy hành vi của họ có đầy đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm", LS Trương Xuân Tám chỉ rõ.
Giữ nguyên quan điểm rất nhiều người có quyền, nghĩa vụ liên quan và người làm chứng không đến phiên xử vụ là bất thường, ông Tám khẳng định, tòa hoàn toàn có quyền tiếp tục triệu tập những người này đến, buộc người đó phải có mặt ở tòa.
Mặc dù luật không quy định phải áp giải người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng bản thân người đó phải tôn trọng lệnh triệu tập của tòa, dù đó là cơ quan, tổ chức xã hội, cá nhân có chức vụ hay người bình thường.
Nếu người nào vừa có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vừa là nhân chứng, biết được những việc liên quan đến tội phạm thì tòa hoàn toàn có thể áp giải đến phiên xử.
Bên cạnh đó, vị luật sư cho hay, tòa hoàn toàn có quyền triệu tập những người có quyền, nghĩa vụ liên quan và người làm chứng đến trong những ngày xử tiếp theo nhưng triệu tập sau ấy rất phiền phức.
"Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải được giới thiệu về quyền và nghĩa vụ của mình, chẳng hạn có quyền trình bày ở tòa, có quyền tự bảo vệ mình và nhờ luật sư bảo vệ... Nhưng người đó không đến tòa ngay ngày được triệu tập mà đến giữa chừng thì tòa phải mất thời gian giải thích lại quyền và nghĩa vụ, bởi nguyên tắc tham gia tố tụng là phải được giải thích về quyền và nghĩa vụ" - LS Trương Xuân Tám nói rõ.
Từ đây, ông đề nghị: đối với những cá nhân, cơ quan được triệu tập đến tòa mà không đến thì phải xem lại. Đối với tòa cũng cần xem lại việc triệu tập người có quyền, nghĩa vụ liên quan và người làm chứng, chỉ triệu tập khi thực sự cần thiết, còn triệu tập tới vài trăm người đến tòa rất mất thời gian.
Thực tế cho thấy, có vụ án triệu tập tới 300-400 người, song cuối cùng lại chỉ hỏi 30-40 người, những người khác không hỏi đến.
Thành Luân
Theo baodatviet
Cựu chủ tịch VN Pharma 'luận' về thuốc ung thư giả Bị cáo Nguyễn Minh Hùng cho rằng không cố ý mua thuốc chữa ung thư giả mà tin tưởng vào sản phẩm ông Cường chào bán. Ngày 25-9, TAND TP.HCM tiếp tục xét hỏi 12 bị cáo trong vụ buôn bán thuốc chống ung thư giả tại Công ty cổ phần VN Pharma. Bị truy tố với vai trò chủ mưu, bi cáo...