Thẩm tra sơ bộ Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Ngày 4/9, tại Nhà Quốc hội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức phiên họp mở rộng để thẩm tra sơ bộ Đề án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Theo tờ trình của Chính phủ, trong những năm qua Đảng và nhà nước, các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị đã dành sự quan tâm đặc biệt; đầu tư phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội được đầu tư đồng bộ, giáo dục, y tế được quan tâm, an sinh xã hội được đảm bảo.
Công cuộc xóa đói giảm nghèo đạt được kết quả to lớn, đời sống của nhân dân vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được nâng lên rõ rệt. Kinh tế, xã hội phát triển, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, vị thế đất nước trên trường quốc tế được nâng lên, lòng tin của nhân dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng và nhà nước không ngừng được củng cố và tăng cường.
Bên cạnh những thành tựu to lớn có tính lịch sử mà đất nước ta đạt được hơn 30 năm đổi mới thì đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn rất nhiều khó khăn; tình trạng di cư không có tổ chức, tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt chưa được giải quyết thấu đáo; khoảng cách giàu, nghèo giữa vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn so với vùng phát triển có xu hướng gia tăng. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là khu vực được hưởng lợi từ thành quả đổi mới ít hơn, dễ bị tổn thương hơn trong cơ chế thị trường và biến đổi khí hậu, rất cần được sự quan tâm đầu tư để phát triển hơn nữa.
Về phạm vi, Đề án được thực hiện ở địa bàn các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đối tượng điều chỉnh là các xã, thôn đặc biệt khó khăn; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế hoạt động ở địa bàn vùng đặc biệt khó khăn.
Video đang HOT
Về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trọng tâm của Đề án là khai thác tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Về văn hóa – xã hội, Đề án hướng đến tập trung nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, dạy nghề để nâng cao mặt bằng dân trí, đổi mới tư duy, khơi dậy sự sáng tạo, tự lực, tự cường vượt khó vươn lên; nâng cao chất lượng y tế, dân số; đẩy mạnh sưu tầm và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Đối với quốc phòng, an ninh, Đề án hướng tới việc xây dựng thế trận lòng dân gắn với thế trận an ninh quốc phòng vững chắc; bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia; phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; tăng cường vai trò của Bộ đội Biên phòng gắn với xây dựng xã, thôn, bản vững mạnh.
Thẩm tra sơ bộ Đề án, Hội đồng Dân tộc đánh giá cao sự khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm của Chính phủ và các bộ, ngành, đặc biệt là Ủy ban Dân tộc, trong quá trình chuẩn bị, xây dựng Đề án.
Về sự cần thiết xây dựng Đề án, Hội đồng Dân tộc cơ bản tán thành với sự cần thiết xây dựng Đề án theo Tờ trình của Chính phủ và cho rằng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có vị trí, tầm quan trọng chiến lược về chính trị, kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại và bảo vệ môi trường sinh thái. Tuy nhiên, hiện nay đây là vùng có điều kiện khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ nghèo cao nhất. Do vậy, cần phải đổi mới chính sách đầu tư cho vùng này bằng việc xây dựng Đề án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, xác định mục tiêu cụ thể, giải pháp đột phá để thúc đẩy phát triển toàn diện vùng này, thu hẹp dần khoảng cách với các vùng phát triển.
Hội đồng Dân tộc cũng cơ bản đồng tình với quan điểm thể hiện trong Đề án và đề nghị Chính phủ phân tích, làm rõ quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách dân tộc trong giai đoạn qua đã phù hợp với tình hình thực tiễn hay chưa và trong giai đoạn mới cần có sự đổi mới tư duy và nhận thức như thế nào về quan điểm, chủ trương về chính sách dân tộc cho phù hợp với bối cảnh mới.
Ngoài ra, một số ý kiến của thành viên Hội đồng Dân tộc đề nghị cần rà soát để có sự thống nhất và tách bạch về các số liệu và thông tin liên quan đến tình hình thực hiện ngân sách đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến chủ trì phiên họp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Kết luận nội dung phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến đề nghị Chính phủ tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện Đề án theo những vấn đề đã được chỉ ra tại phiên họp thẩm tra sơ bộ; Hội đồng Dân tộc tiếp tục hoàn thiện báo cáo thẩm tra và phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Dân tộc để có một Đề án đảm bảo chất lượng, đủ điều kiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét, quyết định trong Kỳ họp thứ 8 tới đây.
Theo Xuân Tùng (TTXVN)
Giám sát chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số, miền núi
Chiều 2/8, tại Nhà Quốc hội, Đoàn Giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012 - 2018" tổ chức phiên họp thứ ba để thảo luận, cho ý kiến về dự thảo báo cáo kết quả giám sát trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến chủ trì phiên họp.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu khai mạc. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Theo dự thảo báo cáo, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được triển khai, thực hiện trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi luôn được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các cấp, các ngành. Kết quả giảm nghèo nói chung và giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi nói riêng đạt được nhiều thành tựu, được quốc tế ghi nhận, là điểm sáng trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội, tạo ra sự thay đổi diện mạo nông thôn vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo đã tạo sự chuyển biến rõ nét về cơ sở hạ tầng, khoảng 25.000 công trình hạ tầng được đầu tư, xây dựng trên địa bàn các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Cơ chế chính sách từng bước thay đổi về quan điểm, tư duy, từ cơ chế nặng về áp đặt chuyển sang cơ chế tự chủ, phân cấp cho địa phương trên cơ sở công khai, minh bạch trong công tác xây dựng và lập kế hoạch, bước đầu huy động sự tham gia của người dân ngay từ khâu xây dựng dự án đến tổ chức, triển khai thực hiện...
Tuy nhiên, dự thảo báo cáo nêu rõ, qua thực tế giám sát tại các địa phương cho thấy, kết quả giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi chưa thực sự bền vững; chất lượng giảm nghèo chưa cao. Một số vấn đề bức xúc chậm giải quyết như: Nhiều chương trình, dự án quy hoạch, xây dựng tập trung dân cư vùng dân tộc thiểu số, miền núi chưa được triển khai hoặc thực hiện dở dang. Vấn đề giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào người dân tộc thiểu số chưa được giải quyết triệt để. Đáng chú ý, các chỉ số mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo dân tộc thiểu số qua các năm giảm chậm; một số chỉ số thiếu hụt còn ở mức cao, nhất là các chỉ số thiếu hụt về chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở, nguồn nước sinh hoạt...
Phân tích về nguyên nhân của tình trạng này, dự thảo báo cáo chỉ rõ, điều kiện tự nhiên không thuận lợi, giao thông đi lại khó khăn, thời tiết diễn biến phức tạp... đã ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. Đồng bào vùng dân tộc thiểu số, miền núi còn thiếu phương tiện thoát nghèo bền vững như thiếu đất ở, thiếu phương tiện sản xuất, thiếu vốn sản xuất, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Bên cạnh đó, việc ban hành, rà soát tích hợp chính sách còn chậm, thiếu đồng bộ, nội dung chính sách còn bất cập, chính sách chưa gắn liền với ngân sách...
Dự thảo báo cáo được chuẩn bị công phu, chi tiết với nhiều số liệu, biểu mẫu có tính thuyết phục. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị, báo cáo cần làm rõ hơn các chỉ số tái nghèo, cận nghèo; bổ sung số liệu đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, thiếu đất sản xuất; đánh giá thêm vấn đề đào tạo, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Nhiều đại biểu kiến nghị, để việc thực hiện chính sách, pháp luật về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đạt hiệu quả, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, năng lực của cán bộ lãnh đạo, cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp cơ sở, xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, tâm huyết, trách nhiệm, biết vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách về giảm nghèo bền vững của Đảng, Nhà nước.
Một số ý kiến đề xuất cần tăng cường phát huy nội lực của địa phương, cộng đồng, ý thức tự lực, tự cường của người nghèo trong công tác giảm nghèo bền vững. Có ý kiến đề nghị đánh giá việc tham gia ý kiến người dân, địa phương trong việc hoạch định chính sách, quy trình xây dựng chính sách; bổ sung các kiến nghị phù hợp với thực tế, đưa chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững thành một chương trình mục tiêu quốc gia chung về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số...
Kết luận phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nêu rõ, các ý kiến sẽ được Đoàn Giám sát tiếp thu và có giải trình tại Phiên họp thứ tư của Đoàn Giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự thảo thành báo cáo chính thức.
Theo Phan Phương (TTXVN)
Xây dựng lực lượng vũ trang TP. Long Xuyên vững mạnh toàn diện "Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng công tác quân sự, quốc phòng địa phương, Ban Chỉ huy (BCH) Quân sự thành phố cần tăng cường công tác nắm chắc tình hình, chủ động các phương án sẵn sàng đối phó khi có tình huống xảy ra; tăng cường biện pháp chỉ đạo, quản lý chặt chẽ các đối tượng bối...