Thăm thánh đường La Vang
Chúng tôi đến thăm nhà thờ La Vang ở ngoại ô thị xã Quảng Trị. Trong ký ức của tôi vẫn còn in đậm hình ảnh khu nhà thờ này đổ nát điêu tàn trong mùa hè đỏ lửa năm 1972.
Bây giờ, ngoài tháp chuông cũ bị đạn bom tàn phá còn lại như một dấu tích thời gian, trên nền đất ấy, một quần thể kiến trúc mới đã mọc lên.
Tiểu vương cung thánh đường La Vang là một địa chỉ hành hương nổi tiếng của người theo đạo Thiên chúa, gắn với câu chuyện Đức Mẹ hiện hình tại đây vào năm 1798 để an ủi, nâng đỡ đức tin cho những giáo dân bị xô dạt trong hoàn cảnh rất khó khăn, khổ cực.
Tên gọi La Vang, theo một số nhà nghiên cứu, có gốc có từ chữ Lá Vằng, loại cây mọc nhiều ở đây khi người dân đến khai khẩn làm ăn. Phường Lá Vằng thuộc làng Cổ Vưu có từ thời Lê. Họ đạo ở đây có từ thế kỷ 17. Khi dân cư đông đúc, sản xuất phát triển, tên gọi đổi thành La Vang.
Nhà thờ La Vang lúc đầu được xây là nhà thờ ngói, khánh thành vào năm 1901, bên trong thiết kế theo kiểu kiến trúc cổ Việt Nam có sức chứa vài trăm người; mặt tiền thì theo kiến trúc phương Tây, phía trước có hai tháp hai bên.
Nhà thờ được mở rộng quy mô vào năm 1928, với hai tầng mái và hai cánh thánh giá. Tháp chuông hình vuông hai tầng.
Vào các 1955, 1961 và sau đó, nhà thờ tiếp tục được nâng cấp, có thêm các công trình mới như quảng trường, hồ tịnh tâm, nhà tu viện, 15 pho tượng thánh bằng đá, các ban thờ, nhà cho khách đến viếng và một số hạng mục khác.
Năm 1961, nhà thờ La Vang được chính thức công nhận là Tiểu vương cung thánh đường theo một sắc chỉ của tòa thánh La Mã.
Năm 1972, trong chiến dịch Quảng Trị, nằm ở vùng giao tranh ác liệt kéo dài, vương cung thánh đường La Vang bị phá hủy, chỉ còn lại tháp chuông mang dấu vết đạn bom như chứng tích của một thời.
Sau chiến tranh, vào các thời điểm khác nhau, một số công trình ở La Vang được xây dựng lại như tháp chuông, nhà nguyện, nhà hành hương…
Năm 2008, được chính quyền tỉnh Quảng Trị cấp đất và tạo điều kiện, Hội đồng giám mục Việt Nam đã quyết định xây dựng lại nhà thờ La Vang; tổ chức cuộc thi kiến trúc để tìm phương án thiết kế tốt nhất.
Năm 2011 đã diễn ra lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Vương cung thánh đường mới. Công trình được xây dựng trên một mặt bằng có diện tích trên 13 ngàn mét vuông. Chiều dài công trình 132m, ngang 102m, có sức chứa 5.000 người.
Vương cung thánh đường có phong cách kiến trúc Việt mang hình dáng ngôi đình Việt. Nhiều công trình khác cũng đã được xây dựng cùng với khu nhà chính tạo nên một quần thể kiến trúc hài hòa.
Lễ hành hương ở Vương cung thánh đường La Vang hàng năm thu hút hàng trăm ngàn người về dự. Đây còn là một địa chỉ hấp dẫn khách du lịch gần xa.
Video đang HOT
Bài và ảnh: Trần Mai Hưởng
Theo baotintuc.vn
Bí mật chưa từng tiết lộ về Cửa Bắc thành Hà Nội
Không chỉ là một di tích còn sót lại của thành cổ Hà Nội, Cửa Bắc còn là minh chứng cho những cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân Hà Nội trong những ngày đầu chống lại sự xâm lăng của Pháp.
Nằm trên phố Phan Đình Phùng, Chính Bắc Môn hay Cửa Bắc được xây dựng năm 1805, là cổng thành duy nhất còn lại của thành Hà Nội thời nhà Nguyễn.
Công trình được xây trên nền Cửa Bắc thời Lê theo lối vọng lâu - phần lầu ở trên còn phần thành ở dưới, với chiều cao 8,71 mét, rộng 17,08 mét, tường dày 2,48 mét.
Phần thành được xây dựng hết sức kiên cố bằng đá và gạch, chân kè bằng đá. Gạch xây thành có kích thước 35,5cm x 10cm x 12cm. Đá kê có kích thước dài từ 38 đến 86cm.
Cổng thành thông từ mặt trước ra mặt sau, được cuốn vòm bằng gạch theo lối xếp một viên gạch ngang xen một viên đặt dọc.
Mép cửa kè đá hình chữ nhật, diềm trên bằng đá trang trí hoa sen.
Hai cánh cổng thành bằng gỗ đã được trùng tu có tổng diện tích 24m2, trọng lượng khoảng 16 tấn.
Cổng được đóng mở nhờ hai bánh xe bằng đồng trọng lượng khoảng 80 kg.
Phía ngoài bên trên cổng thành còn ba chữ Hán khắc đá: "Chính Bắc Môn", diềm biển trang trí hoa dây.
Phần lầu được tái dựng một phần bằng khung gỗ theo lối chồng diêm tám mái, lợp ngói ta, trổ cửa ra bốn hướng.
Nơi đây được dành làm nơi thờ hai vị quan Tổng đốc thành Hà Nội - Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu - đã tuẫn tiết vì không giữ được thành trước sức công phá của quân đội Pháp.
Cấu trúc gỗ bên trong phần lầu.
Nước mưa trên vọng lâu được dẫn thoát xuống dưới qua hai ống máng bằng đá.
Đứng trên Cửa Bắc thành Hà Nội, quan quân có thể phóng tầm mắt bao quát khắp trong ngoài thành, dễ dàng quan sát di - biến trong đội hình quân địch.
Do đó, khi chiếm được thành Hà Nội, quân đội Pháp vẫn sử dụng lầu trên Bắc Môn làm chòi canh gác.
Theo cứ liệu lịch sử và những bức ảnh tư liệu chụp từ thời thành Hà Nội chưa bị phá, hai bên Bắc Môn phía trong tường thành có lối dẫn lên vọng lâu được xây bằng gạch theo hình tam giác.
Hai lối này đã bị bít lại, chỉ còn dấu tích là hai vòm cửa.
Mặt trong tường thành của Bắc Môn ngày nay được dùng làm không gian trưng bày các tư liệu lịch sử về thành Hà Nội.
Trước Bắc Môn xưa có chiếc cầu gạch bắc qua con hào rộng khoảng 20 m bao quanh thành. Vị trí con hào phía trước Bắc Môn hiện nay chính là bãi cỏ, vỉa hè và một phần lòng đường phố Phan Đình Phùng.
Dù Bắc Môn là công trình do nhà Nguyễn xây dựng, nhưng dưới chân cổng thành sừng sững này là tầng tầng lớp lớp di chỉ thành quách từ các triều đại trước đó, khẳng định sự liên tục trong lịch sử ngàn năm của Hoàng thành.
Năm 1998, tại khu vực Bắc Môn, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều dấu vết kiến trúc ở độ sâu 1,66 mét và 2,2 mét, trong đó có vết tích của những đoạn tường thành xây bằng đá và gạch vồ thời Lê.
Không chỉ là một di tích còn sót lại của thành cổ Hà Nội, Cửa Bắc còn là minh chứng cho những cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân Hà Nội trong những ngày đầu chống lại sự xâm lăng của thực dân Pháp.
Phía ngoài Bắc Môn vẫn còn lưu dấu hai vết đạn thần công của Pháp khi chúng dùng chiến thuyền tấn công thành Hà Nội từ phía bờ sông Hồng năm 1882.
Nhiều người dân vẫn thường xuyên lên vọng lâu Bắc Môn để thắp nhang tưởng nhớ hai vị anh hùng lẫm liệt - những người được hậu thế kính cẩn đặt tên cho hai con đường hiện đại chạy hai bên tả hữu vòng thành cổ năm xưa.
Ngày nay, Bắc Môn là một công trình quan trọng trong quần thể Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, một điểm tham quan không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước khi đến Hà Nội. (Bài có sử dụng tư liệu của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội).
Quốc Lê
Theo kienthuc.net.vn
Hài cốt tướng của Napoleon ở Nga Bộ hài cốt 200 năm tuổi được khai quật ở Nga hồi tháng 7 được xác định là Charles-Etienne Gudin, một tướng dưới quyền Napoleon Bonaparte. "Một giáo sư ở Marseille đã xét nghiệm và ADN khớp 100%. Kết quả này quả xứng đáng với những nỗ lực của chúng tôi", nhà sử học Pháp Pierre Malinowski, người chỉ huy khai quật mộ,...