Thăm, tặng quà tết hộ gia đình khó khăn, công nhân
Chiều 9-1, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia đã tham dự chương trình “Tết sum vầy, Tết vì người nghèo” và tặng quà các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, đồng bào dân tộc còn khó khăn tại tỉnh Yên Bái.
Đây là các chương trình xã hội do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Liên đoàn Lao động Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức trong nhiều năm qua mỗi độ tết đến, xuân về.
Tại chương trình, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo tỉnh Yên Bái, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, MTTQ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã trao tặng 400 phần quà cho hộ gia đình, nạn nhân chất độc da cam/dioxin và các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
* Cùng ngày, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu đoàn công tác đã đến thăm, chúc tết một số tỉnh, đơn vị quân đội phía Nam, tham gia đoàn có Trung tướng Trần Hoài Trung, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7. Trước đó, đoàn đã đến thăm và chúc cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn 16 (tỉnh Bình Phước). Tại Bình Phước, Đại tướng Ngô Xuân Lịch trao tặng 140 phần quà cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình chính sách, hộ nghèo, già làng, trưởng bản.
Cũng trong ngày 9-1, đoàn công tác thăm và chúc tết các nhà giàn DK1 của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đã tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sau khi kiểm tra, thăm hỏi, chúc tết và chuyển quà tết lên nhà giàn DK1/10, DK1/11, DK1/12, DK1/14, DK1/15.
* Ngày 9-1, đoàn lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM do đồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, làm trưởng đoàn đã đi thăm, chúc tết Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Ni trưởng Thích Nữ Hoạt Liên, Ni sư Thích Nữ Tín Liên, Ni sư Thích Nữ Phụng Liên nhân dịp Tết Canh Tý 2020.
Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan tặng quà tết các cán bộ, kỹ sư và công nhân đang thi công cống Tân Thuận. Ảnh: CAO THĂNG
Cùng ngày, đồng chí Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TPHCM, đã đến thăm, động viên và chúc tết các cán bộ, kỹ sư và công nhân đang làm việc tại cống Tân Thuận, ngã ba đường Huỳnh Tấn Phát – Trần Xuân Soạn, phường Tân Thuận Đông, quận 7, thuộc Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1.
Đồng chí Võ Văn Hoan yêu cầu các đơn vị tổ chức thi công khẩn trương, kể cả làm thêm giờ, tăng năng suất để đảm bảo đúng tiến độ đã cam kết, nhưng cũng đồng thời đảm bảo chất lượng công trình. Nhân dịp tết đến, đồng chí Võ Văn Hoan chúc công nhân, cán bộ, kỹ sư làm việc của dự án mạnh khỏe, gia đình an lành, cố gắng nỗ lực để mỗi người có một kỷ niệm trong cuộc đời trong sự nghiệp đóng góp công sức cho dự án của TP.
Video đang HOT
NHÓM PV
Theo SGGP
Xây dựng thế chiến lược phù hợp bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới
Suốt 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, vượt qua bao gian lao, thử thách, chấp nhận hy sinh, anh dũng chiến đấu, Quân đội nhân dân Việt Nam đã chung tay gìn giữ, xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa cũng như làm tròn nghĩa vụ quốc tế.
Chặng đường đó đã viết nên truyền thống hào hùng, với biết bao chiến công rực rỡ của Quân đội ta, gắn liền với những thành tựu vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, có ý nghĩa quốc tế và thời đại sâu sắc, xứng đáng là Quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn với Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về những kết quả nổi bật sau 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân và một số nhiệm vụ đặc biệt của Quân đội nhân dân Việt Nam trong tình hình mới.
Thưa Bộ trưởng, ngày 17/10/1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VI đã ban hành Chỉ thị số 381-CT/TW quyết định lấy ngày 22/12 - Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam là Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Xin Bộ trưởng đánh giá về kết quả nổi bật sau chặng đường 30 năm Ngày hội?
Ngày 22/12/1989 là Ngày hội Quốc phòng toàn dân đầu tiên được tổ chức tại tất cả các địa phương trong cả nước. Từ đó đến nay, ngày 22/12 trở thành ngày hội lớn của toàn dân tộc với các hoạt động hướng vào chủ đề quốc phòng và quân đội. Sau 30 năm, những thành tựu đạt được đó là:
Một là, nhận thức, ý thức trách nhiệm của toàn dân đối với sự nghiệp củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc được nâng cao; nhân dân đồng thuận, tin tưởng, đoàn kết và không ngừng nâng cao ý thức, trách nhiệm trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Hai là, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và an ninh cho sự phát triển đất nước; làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới đất nước, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Ba là, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc được tăng cường, tăng thêm khả năng ngăn chặn, loại trừ nguy cơ chiến tranh và khả năng đối phó thắng lợi các tình huống chiến tranh, các tình huống xâm phạm an ninh quốc gia, nếu xảy ra.
Bốn là, chúng ta đã xây dựng thế chiến lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa phù hợp trong điều kiện mới; thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân bảo vệ Tổ quốc được triển khai rộng khắp, chặt chẽ và liên hoàn, "thế trận lòng dân" được củng cố vững chắc.
Năm là, lực lượng vũ trang mà nòng cốt là Quân đội nhân dân có chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu ngày càng cao, phát huy được vai trò trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Sáu là, công tác đối ngoại quốc phòng ngày càng đi vào chiều sâu với sự đa dạng các hình thức đa phương và song phương, góp phần giữ vững môi trường hòa bình và an ninh quốc gia.
Năm 2019 cũng đánh dấu kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Quân đội trong thời đại mới đã có nhiều nhiệm vụ đặc biệt. Nếu như trước đây Quân đội làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc với ba không gian: Đất, trời, biển, thì giờ đây chúng ta có thêm không gian mạng. Bộ trưởng có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?
Với sự phát triển, tác động mạnh mẽ của công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, không gian mạng đã trở thành vùng "lãnh thổ đặc biệt" để các quốc gia khai thác, phục vụ phát triển kinh tế, đồng thời bảo đảm an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc. Cùng với các môi trường tác chiến trên bộ, trên không, trên biển; không gian mạng trở thành môi trường tác chiến mới, làm thay đổi phương thức tiến hành chiến tranh, xuất hiện các hình thái chiến tranh mới, tác động sâu sắc tới quốc phòng, an ninh, hòa bình của mỗi quốc gia, khu vực và thế giới.
Hiện nay, các thế lực thù địch, đồng minh và tay sai sử dụng không gian mạng để thực hiện "diễn biến hòa bình", thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, kích động bạo loạn, "cách mạng màu", "cách mạng đường phố"; kết hợp với can thiệp quân sự lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; đồng thời thực hiện các tình huống an ninh phi truyền thống nhằm phá hoại ta về kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; đánh cắp thông tin bí mật nhà nước, bí mật quân sự; tội phạm mạng, khủng bố mạng...; tiến hành chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng; tiến hành các hoạt động trên không gian mạng kết hợp với các biện pháp phi vũ trang hoặc vũ trang xâm phạm chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc; khi có thời cơ tiến hành tác chiến không gian mạng kết hợp với các phương thức tác chiến trên các môi trường khác trong chiến tranh xâm chiếm biển, đảo, biên giới, chiến tranh xâm lược quy mô lớn.
Để góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các lực lượng nắm chắc tình hình, đánh giá và dự báo sớm, sát, đúng để chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước xử trí tốt các tình huống trên không gian mạng; chuẩn bị đồng bộ lực lượng, phương tiện; tổ chức huấn luyện, diễn tập, tăng cường phối hợp, hiệp đồng tác chiến nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc trên không gian mạng ngay từ thời bình, không để bị động, bất ngờ.
Bên cạnh đó, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng; nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ sẵn sàng chiến đấu; tích cực nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ, vũ khí trang bị, nghệ thuật quân sự; tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm, tư tưởng, thông tin sai trái, phản động, thù địch trên internet, mạng xã hội.
Thưa Bộ trưởng, trước yêu cầu tổ chức lại Quân đội theo hướng tinh, gọn, mạnh nhưng vẫn phải bảo đảm yêu cầu và vẫn tổ chức thêm các đơn vị mới nhưng không tăng quân số (như Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả hóa học và môi trường...), Bộ Quốc phòng đã triển khai như thế nào để đáp ứng yêu cầu này, thưa Bộ trưởng?
Cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 trước khi lên đường làm nhiệm vụ gìn giữ hoà bình tại Phái bộ Liên hợp quốc ở Nam Sudan. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Việc điều chỉnh tổ chức là yêu cầu khách quan, cấp thiết, nhằm đáp ứng và thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo đảm cho Quân đội có cơ cấu tổ chức hợp lý, có chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu ngày càng cao.
Để hoàn thành nhiệm vụ này, Quân ủy Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 606 lãnh đạo triển khai Kết luận số 16-KL/TW của Bộ Chính trị về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam đến năm 2021; triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả"; Đề án về điều chỉnh tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2016-2021; Đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Quân đội; Đề án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập do các cơ quan, đơn vị Quân đội quản lý... , thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, bảo đảm không tăng quân số.
Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tập trung triển khai nhiều chủ trương, giải pháp, khâu đột phá trong điều chỉnh tổ chức, biên chế Quân đội theo hướng tinh, gọn, mạnh, linh hoạt, cơ cấu tổ chức đồng bộ, hợp lý giữa các thành phần lực lượng, giảm đầu mối trung gian và đơn vị bảo đảm phục vụ; đồng thời phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị; từng bước khắc phục sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị.
Đồng thời, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo tổ chức lại một số trường, bệnh viện, viện nghiên cứu, nhà máy sản xuất, sửa chữa quốc phòng, đoàn kinh tế đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Trong đó xác định chỉ tiêu giảm đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập cho từng năm theo nguyên tắc: Một đơn vị sự nghiệp công lập có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại; cơ cấu hoặc giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả.
Một số đơn vị được điều chỉnh thành lập mới, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, nhằm bảo đảm cho quân đội có sức mạnh tổng hợp, sức chiến đấu ngày càng cao, góp phần tăng cường khả năng phòng thủ đất nước, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia cả trên bộ, trên không, trên biển; xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam hùng mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Hiền Hạnh (Thực hiện)
Theo Tintuc
Bộ Quốc phòng hạ thủy tàu cứu hộ tàu ngầm đầu tiên đóng mới tại Việt Nam Chế tạo thành công tàu cứu hộ tàu ngầm cỡ lớn là một thành tựu đáng kể của nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam, đáp ứng nhu cầu đảm bảo hậu cần, cũng như duy trì năng lực tác chiến cho hạm đội tàu ngầm tấn công Kilo 636. Tàu tìm kiếm, cứu nạn tàu ngầm đa năng MSSARS 9316 mang tên...