Thẩm phán xử tử Saddam Hussein bị phiến quân sát hại
Thẩm phán Rahman bị phiến quân bắt khi cải trang tìm đường chạy khỏi thủ đô Baghdad để đến Anh tị nạn.
Ngày 23/6, tờ Al-Mesryoon của Ai Cập đưa tin vị thẩm phán từng kết án treo cổ cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein đã bị phiến quân thuộc tổ chức Quốc gia Hồi giáo Iraq và Syris ( ISIS) bắt cóc và sát hại để trả thù cho vị tổng thống người Sunni này.
Nghị sĩ Jordan Khalil Attieh viết trên trang Facebook của mình: “Các chiến binh Iraq đã bắt giữ và xử tử thẩm phán Raouf Abdul Rahman để trả thù cho cái chết của ông Saddam Hussein.”
Thẩm phán Rahman và cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein
Nghị sĩ Attieh cho biết ông Rahman bị phiến quân bắt giữ khi ông này cải trang thành một vũ công để tìm cách chạy khỏi thủ đô Baghdad để tới Anh tị nạn vì lo sợ gặp nguy hiểm. Vị thẩm phán này bị bắt giữ hôm 16/6 và bị xử tử 2 ngày sau đó.
Thẩm phán Rahman là một nhân vật rất được kính trọng trong ngành tư pháp ở Iraq. Ông này tiếp quản vị trí chủ tọa phiên tòa xét xử cựu Tổng thống Saddam Hussein sau khi vị thẩm phán trước từ chức vì “sự can thiệp của nước ngoài” trong quá trình xét xử.
Trong thời điểm đó, việc nắm giữ chiếc “ghế nóng” này vẫn là một vấn đề vô cùng hệ trọng, bởi rất nhiều người Iraq vẫn còn sợ không dám đứng lên chống lại Saddam vì lo rằng một ngày nào đó ông này sẽ nắm quyền trở lại.
Video đang HOT
Ông Saddam tại phiên tòa xét xử
Tuy nhiên thẩm phán Rahman không phải lúc nào cũng ủng hộ các hoạt động của chính quyền thay thế ông Saddam. Ngoài ra, ông cũng phải hứng chịu sự chỉ trích dữ dội của dư luận trong nước vì đã ra lệnh treo cổ ông Saddam trước công chúng.
Vụ sát hại thẩm phán Rahman là một bằng chứng nữa cho thấy Iraq đang trôi dần tới bờ vực của một cuộc nội chiến giữa người Sunni thiểu số và người Shia đa số ở đất nước này. Dưới thời Saddam Hussein, người Sunni là lực lượng lãnh đạo, tuy nhiên trong chính phủ Iraq hiện nay toàn là người Shia.
Mỹ đã cáo buộc Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki đối xử phân biệt với người Sunni, gây nên hố sâu ngăn cách và khiến người Sunni phải quay sang ủng hộ ISIS. Kể từ khi phong trào nổi dậy này bùng lên, Iraq đã liên tiếp mất nhiều thành phố quan trọng, trong đó có thành phố chiến lược Mosul. Hiện Iran đã phải điều lực lượng vệ binh cách mạng của mình tới Iraq để hỗ trợ nước làng giềng trấn áp phong trào nổi dậy.
Theo Khampha
Iraq mất thị trấn gần biên giới với Syria vào tay phiến quân Hồi giáo
Quân đội chính phủ Iraq vẫn đang tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong việc đối phó với các phiến quân Hồi giáo, khi một thị trấn gần biên giới Syria đã bị các tay súng chiếm giữ trong ngày 21/6.
Các binh sỹ Iraq diễu hành tại thủ đô Baghdad
Theo quan sát của các phóng viên, các tay súng của phong trào nhà nước Hồi giáo Iraq và cận Đông (Isis) dường như được trang bị tốt hơn và giàu kinh nghiệm chiến đấu hơn binh sỹ chính phủ.
Trước đó, các tay súng Hồi giáo dòng Sunni cực đoan đã tấn công thành phố Mosul và làm chủ một phần lớn lãnh thổ khắp Iraq.
Hiện không khí tại thủ đô Baghdad rất bi quan về cách chính phủ đang triển khai lực lượng chống lại Isis.
Cách đây 2 tuần không quân Iraq đã không còn tên lửa Hellfire của Mỹ và dù có tên lửa, hiện họ cũng chỉ còn 2 máy bay Cessna có khả năng bắn loại tên lửa này, phóng viên của BBC tại hiện trường cho biết sau khi trao đối với các chuyên gia quân sự.
Các chuyên gia khẳng định Isis đã thiết lập được một nơi trú ẩn an toàn, bao gồm một số khu vực tại nước Syria láng giềng, nơi sẽ khó có thể tấn công.
Căng thẳng sắc tộc
Trong hôm qua, các quan chức Iraq đã thừa nhận việc Isis chiếm giữ được một cửa khẩu gần thị trấn Qaim, sau khi sát hại 30 binh sỹ trong một cuộc chiến kéo dài cả ngày.
Các tay súng còn tuyên bố đã chiếm được các thị trấn Rawa và Aneh dọc theo sông Euphrates.
Các phóng viên cho biết, một cuộc hành quân dọc theo bờ sông có thể dẫn tới việc tấn công Baghdad từ phía Tây.
Việc chiếm giữ được cửa khẩu Qaim tại phía Tây Iraq cũng có thể giúp Isis vận chuyển vũ khí và các thiết bị khác tới các chiến trường khác nhau, các nhà phân tích cho biết.
Các tay súng cực đoan tuyên bố đã làm chủ một phần nhà máy lọc dầu lớn nhất Iraq, tại tỉnh Baiji, và chiếm được một xưởng vũ khí hóa học bỏ hoang tại Muthanna, cách thủ đô Baghdad 70km về phía Tây Bắc.
Chính phủ Iraq phủ nhận việc các phiến quân đã kiểm soát một phần nhà máy lọc dầu Baiji, nhưng cho biết quân đội đã đối mặt với "những cuộc tấn công bạo lực" từ các tay súng tại nhà máy này.
Cũng trong ngày thứ Bảy, hàng nghìn tay súng Shia trung thành với giáo sỹ Moqtada al-Sadr đầy quyền lực đã diễu hành qua các đường phố Baghdad. Giáo sỹ này, đã kêu gọi duyệt binh khắp cả nước.
Các phóng viên cho biết cuộc biểu dương lực lượng này được xem như một diễn biến rất đáng ngại của chính phủ Baghad, bởi cuộc diễu hành chỉ làm tăng căng thẳng sắc tộc, tại một thời điểm mà chính phủ đang chịu áp lực phải tập hợp cả nước để chống lại những phần tử cực đoan.
Thanh Tùng
Theo Dantri/ BBC
Cố vấn quân sự Mỹ được gửi tới Iraq là ai? CNN dẫn lời tướng hải quân Mỹ nghỉ hưu Adam Banotai cho biết, các cố vấn quân sự này thực chất là những chiến binh ưu tú nhất của quân đội Mỹ. Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 19.6 tuyên bố gửi 300 cố vấn quân sự tới Iraq để hỗ trợ chính phủ nước này đối phó với các chiến binh nổi...