Thẩm phán ‘làm tiền’ ngay tại tòa: Làm sao để ngăn chặn?
ĐBQH Chu Sơn Hà (Hà Nội) khẳng định gần đây đã có nhiều tiêu cực trong cơ quan xét xử, điển hình như việc Thẩm phán, Chánh án “làm tiền” ngay tại phiên tòa cho nên tiêu chuẩn của thẩm phán rất quan trọng.
Thảo luận tại hội trường Quốc hội về các Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân sáng nay (27/10), Phó trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội Chu Sơn Hà cho rằng tiêu chuẩn bổ nhiệm thẩm phán rất quan trọng, đặc biệt trong thời điểm mà các tiêu cực trong xét xử án ngày càng nhiều.
“Vừa qua, có nhiều tiêu cực trong cơ quan xét xử điển hình một số vụ án mà thông tin báo chí đã đưa như việc thẩm phán, chánh án làm tiền ngay tại phiên tòa. Cho nên, tiêu chuẩn của thẩm phán rất quan trọng”, ông Hà nhấn mạnh.
Theo ông Hà, hiện đã có những yêu cầu về đào tạo bồi dưỡng chuyên môn của thẩm phán nhưng đây mới chỉ là yêu cầu. Quan trọng là đào tạo, nâng cao, phẩm chất đạo đức của thẩm phán.
Cộng cả hai vấn đề đó thì thẩm phán mới đáp ứng được mong mỏi nguyện vọng của nhân dân và để các tổ chức, cá nhân tham gia tố tụng (từ hình sự, dân sự đến hành chính, hôn nhân gia đình) tin tưởng.
ĐBQH Hà Nội Chu Sơn Hà: ‘Có thẩm phán, chánh án làm tiền ngay tại phiên tòa’…
Nhìn nhận về công tác xét tuyển thẩm phán, Đại biểu này cho rằng, chúng ta phải tiến tới xét tuyển thẩm phán rất chặt chẽ. Không thể có chuyện cứ xét tuyển công chức xong là có thể trở thành thẩm phán được.
“Trong dự án luật quy định trong trường hợp đặc biệt thì TAND tối cao được phong người chưa là thẩm phán lên thẳng thẩm phán cao cấp. Tôi nghĩ rằng chúng ta hơi chủ quan. Nghề nghiệp của thẩm phán phải có quá trình, có kinh nghiệm từ xét xử sơ cấp, những vụ án, vụ việc chưa nghiêm trọng mới đến nghiêm trọng được. Đòi hỏi đối với thẩm phán cao cấp rất cao”, ông Hà nêu ý kiến.
Về quy định độ tuổi của thẩm phán tòa án nhân dân tối cao, Đại biểu Chu Sơn Hà cho rằng chỉ nên quy định của độ tuổi của thẩm phán theo quy định của Bộ Luật Lao động. Lý do là bởi, dự án Luật quy định thẩm phán là cán bộ công chức cho nên độ tuổi của thẩm phán phải theo Luật cán bộ công chức.
Còn đối với những trường hợp đặc biệt khác như thẩm phán có trình độ chuyên môn sâu, có đạo đức, có sức khỏe thì có thể áp dụng theo khoản 3 Điều 87 Bộ Luật Lao động để áp dụng kéo dài thời gian.
Đồng tình với ý kiến của ĐB Chu Sơn Hà về về việc cần coi trọng các tiêu chí xét tuyển thẩm phán của thẩm phán nhưng Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (Đoàn TP.HCM) quan ngại: Hiến pháp 2013 khẳng định quyền tư pháp của thẩm phán và. Theo Nghị quyết Bộ Chính trị về cải cách tư pháp thì lấy tòa án là trung tâm, trọng tâm là công tác xét xử. Yêu cầu tính độc lập của thẩm phán ngày càng cao.
Video đang HOT
ĐBQH Huỳnh Ngọc Ánh (TP.HCM)
Theo ông Ánh, luật tổ chức tòa án cần phải xoay quanh nguyên tắc thẩm phán, lấy thẩm phán làm trung tâm để xây dựng luật, cũng giống như Luật tổ chức Quốc hội thì phải lấy ĐBQH làm trung tâm.
“Cũng xin nhắc lại, nguyên tắc tổ chức bộ máy Nhà nước ta có sự phân công trách nhiệm thì mới có cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp. Không nên nhầm lẫn. Ngoài việc cán bộ tòa án, cán bộ của viện kiểm soát thì họ còn là những chủ thể đặc biệt, cho nên trong luật cần có quy định đặc biệt chứ không nên để thẩm phán giống công chức khác”, ông Ánh nhấn mạnh.
Về độ tuổi nghỉ hưu, theo Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh, thẩm phán tòa án tối cao không chỉ nước ta mà tất cả các nước đều có chế định đặc thù dành cho chủ thể này. Nên trong luật này phải cụ thể hóa tuổi của thẩm phán tối cao, ghi thẳng vào luật thì mới mang tính chủ thể đặc biệt, còn giống công chức khác thì không có gì đặc biệt.
“Nếu không quy định tuổi, năm nay 50 tuổi được bổ nhiệm lên thẩm phán tối cao, 55 tuổi sẽ hết nhiệm kỳ 5 năm lần đầu, qua nhiệm kỳ lần thứ 2 tôi vẫn còn tuổi làm việc tới 60 tuổi chẳng hạn thì tôi có được bổ nhiệm thẩm phán tối cao nhiệm kỳ tiếp theo 10 năm hay không?”, ông Ánh đặt câu hỏi.
Do vậy, ông Ánh đề nghị, đưa quy định tuổi của thẩm phán tối cao vào luật, chứ không cần quy định trong văn bản nào khác.
Theo VTC
Chủ tọa vừa buôn điện thoại vừa xử: "Tôi tự thấy hình ảnh của mình là phản cảm"
"Khi báo đăng bức ảnh này lên, bản thân tôi cũng thấy rất phản cảm về hình ảnh của tôi tại phiên toà. Tôi dằn vặt và tự thấy là mình đã vi phạm quy định của ngành cũng như quy định của cơ quan là khi xét xử thì không được nghe điện thoại", bà Đặng Thị Bích Loan, Chủ tọa - Thẩm phán phiên toà sơ thẩm nguyên nhà báo Phạm Đình Huy lên tiếng sau bức ảnh "chủ tọa vừa buôn điện thoại vừa xử" được cộng đồng chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.
Liên quan đến bức ảnh "Chủ toạ vừa buôn điện thoại vừa xử" đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng và được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Đặng Thị Bích Loan, thẩm phán Toà án nhân dân huyện Phúc Thọ (Hà Nội) - Chủ toạ phiên toà xử sơ thẩm nguyên nhà báo Phạm Đình Huy.
- Một số bức ảnh chụp tại phiên toà xử nguyên nhà báo Phạm Đình Huy cưỡng đoạt tài sản cho thấy hình ảnh bà -thẩm phán phiên toà cúi xuống nghe điện thoại trong lúc luật sư đang đang trình bày. Bà giải thích thế nào về điều này?
- Tôi được Chánh án giao giải quyết vụ án đối với bị cáo Phạm Đình Huy, bị truy tố tội cưỡng đoạt tài sản. Theo đó, ngày 30/9/2014, Toà án nhân dân huyện Phúc Thọ mở phiên toà xét xử bị cám Phạm Đình Huy. Bản thân tôi là người trực tiếp làm thẩm phán, chủ toạ phiên toà này. Trong suốt quá trình xét xử, diễn biến tại phiên toà kể từ khi bắt đầu phiên toà, tôi đã điều hành theo đúng trình tự quy định pháp luật. Tuy nhiên, đến gần cuối phần tranh luận (buổi chiều-PV), tôi có cuộc điện thoại của con trai tôi, khi đó cháu đang nằm điều trị tại bệnh viện198 Bộ Công an và trong tích tắc bộc phát, xuất phát từ tình cảm mẹ con nên tôi đã mở máy điện thoại nghe. Lúc đó, tôi đã cúi xuống nghe, hỏi cháu có việc gì không, cháu nói không có vấn đề gì thì tôi nói rất nhỏ, mẹ đang xử và tắt máy ngay.
Bức ảnh "Thẩm phán vừa buôn điện thoại vừa xử" đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng.
Tôi cũng không biết được phóng viên đã chụp hình ảnh đấy của tôi. Thậm chí, khi báo đăng hình ảnh của tôi, viện kiểm sát giữ quyền công tố lúc đó và một số người khác cũng giật mình hỏi: "anh không nhìn thấy cô nghe điện thoại lúc nào mà báo lại chụp được hình ảnh nhanh như vậy".
Khi báo đăng bức ảnh này lên, bản thân tôi cũng thấy rất phản cảm về hình ảnh của tôi tại phiên toà. Tôi dằn vặt và tự thấy là mình đã vi phạm quy định của ngành cũng như quy định của cơ quan là khi xét xử thì không được nghe điện thoại. Hành động đó chỉ bộc phát sau một phút thiếu suy nghĩ tưởng rằng nhỏ nhưng rất lớn.
Sau sự việc này cũng khiến tôi nhận ra rằng, việc tôi nghe tại phiên toà hôm đó cũng không giải quyết được vấn đề gì, ngay cả khi, tình trạng xấu nhất xảy ra với con trai thì tôi cũng không thể dừng phiên toà về lo cho con được. Bản thân là một thẩm phán tại phiên toà, tôi sẽ phải rút kinh nghiệm một cách sâu sắc rằng: không bao giờ được nghe điện thoai, bất kể tình huống gì đi chăng nữa.
Khi báo phản ánh vấn đề này, cơ quan có họp, tôi cũng tự viết báo cáo giải trình về vấn đề tôi nghe điện thoại tại phiên toà. Thế nhưng, không như báo phản ánh là tôi nhiều lần nghe điện thoại mà chỉ nghe một lần mặc dù hôm đó có rất nhiều cuộc gọi đến nhưng tôi đều tắt đi, không nghe. Trong bản tường trình, tôi có kèm giấy ra viện của con tôi sau cái ngày xét xử phiên toà bị cáo Huy.
Không chỉ với vụ án Phạm Đình Huy mà đối với nhiều phiên toà khác tôi luôn được các vị hội thẩm nhân dân cũng như kiếm soát viên giữ quyền công tố ghi nhận, đánh giá tôi rất cao trong việc điều hành phiên toà cũng như việc xét xử. Thế nhưng dù sao việc nghe điện thoại tại phiên toà, tôi nhận thấy là không nên và bản thân tôi cũng không chấp nhận được. Sơ suất này đã làm tôi mất hết cả 1 năm phấn đấu công tác.
-Bà nói chỉ nghe điện thoại một lần là của con trai đang nằm viện nhưng theo nội dung một số bài báo và người nhà bị cáo Phạm Đình Huy phản ánh thì bà nghe điện thoại rất nhiều lần, nhất là ở phần tranh tụng của phiên toà. Vậy bà có chắc chắn những điều bà nói ở trên là chính xác và đúng là chỉ nghe điện thoại 1 lần trong phiên toà xét xử nguyên nhà báo Phạm Đình Huy?
-Trong các phiên toà trước không bao giờ tôi nghe điện thoại mặc dù có nhiều cuộc gọi đến. Ở phiên toà xét xử bị cáo Phạm Đình Huy cũng có nhiều cuộc gọi đến nhưng tôi đều tắt bỏ, duy cuộc gọi cua con trai là tôi nghe. Thực tế, trong bài báo đăng tải 3-4 bức ảnh nhưng chỉ có hình ảnh chụp duy nhất chứ không có bức ảnh nào khác.
- Cũng theo phản ánh của một số bài báo ghi nhận phiên toà và người nhà bị cáo cho rằng, cùng với việc nghe điện thoại nhiều lần, bà đã phớt lờ, bác bỏ mọi ý kiển phản biện của luật sư và đương sự. Điều này có chính xác?
-Tất cả những ý kiến đối đáp tranh luận giữa viện kiểm sát và các vị luật sư, tôi đều lắng nghe và ghi chép đầy đủ. Tất cả các tài liệu đó tôi còn lưu giữ ở đây. Ghi được 3 tờ giấy ý kiến của viện kiểm sát với các luật sư xem xét ở đây có những tình tiết nào mới phát sinh tại phiên toà hay không.
Thẩm phán Đặng Thị Bích Loan - Chủ tọa phiên tòa xét xử nguyên nhà báo Phạm Đình Huy
Sau khi nghe đối đáp giữa các luật sư với viện kiểm sát tôi thấy, quá trình giải quyết ở tại cơ quan điều tra đã tiến hành và làm đầy đủ theo đúng trình tự của pháp luật. Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ, HĐXX giải quyết theo đúng chứ không hề phiến diện như báo đã phản ánh.
-Vậy đúng là nhiều ý kiến luật sư không được xem xét?
- Các ý kiến của luật sư không được xem xét, viện kiểm sát đã nói rất rõ.
Về việc luật sư cho rằng, trong hồ sơ không có quyết định, uỷ quyền của viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đối với việc giải quyết vụ án cho viện kiểm sát nhân dân huyện Phúc Thọ thì tại phiên toà, viện kiểm sát viên đã công bố quyết định đấy. Khi vị luật sư đề nghị cho xem quyết định đấy, kiểm sát viên giơ cho xem và quyết định đấy là bản gốc có đóng dấu đỏ. Luật sư cho rằng, tất cả các tài liệu lưu trong hồ sơ của viện kiểm sát nhân dân huyện Phúc Thọ phải là bản phô tô chứ không có bản gốc là dấu đỏ và cho rằng đây là vi phạm nghiêm trọng về luật tố tụng. Thế nhưng trong hồ sơ cũng đã có quyết định uỷ quyền cho viện kiểm sát nhân dân huyện phúc thọ giải quyết. Sai lầm của luật sư cứ cho rằng tất cả các tài liệu của viện kiểm sát đều phải là phô tô nhưng tài liệu này của cơ quan viện kiểm sát quyết định chuyển vụ án thì viện kiểm sát có rất nhiều bản chứ không phải có duy nhất một bản trong hồ sơ để chuyển cho toà án.
Về vấn đề vật chứng không niêm phong và việc cơ quan điều tra thuê công ty TNHH mở đọc, sao chép là không đúng quy định và vi phạm, HĐXX thấy rằng các dữ liệu được lưu trong các thiết bị điện tử, các cán bộ điều tra viên không có trình độ chuyên sâu về cái thiết bị điện tử này nên không thể làm được nên đã có hợp đồng thuê công ty trách nhiệm hữu hạn điện tử đến sao chép, đọc chép giúp và hợp đồng đó làm rất chặt chẽ. HĐXX thấy rằng trình tự đó làm đúng quy định luật tố tụng hình sự, không có gì vi phạm. Vì các tài liệu được lưu trong các dữ liệu đấy, cho nên cơ quan điều tra quyết định không niêm phong khi được bắt giữ mà chỉ lập biên bản, sau khi sao chép các dữ liệu đó ra làm căn cứ trong quá trình giải quyết vụ án. Lúc đấy, sau khi làm xong có sự chứng cứ có sự chứng kiến của bị cáo Huy và anh Đào Đình Long , cơ quan ddieeucf tra đã thực hiện việc niêm yết theo quy định pháp luật.
Tại phiên toà, luật sư có yêu cầu mở các thiết bị nhưng không mở được là do để lâu ngày, đồ điện tử không sử dụng chứ không phải do không niêm phong.
-Còn về tình tiết lời khai của ông Bá tại toà, người nhà bị cáo cho rằng chúng bất nhất và điều gì đó không minh bạch đằng sau vụ việc này. Là thẩm phán phiên toà, bà thẩm định thế nào về ý kiến này?
- Lời khai của ông Bá tại phiên toà không có gì mâu thuẫn. Có những chi tiết ông Bá cũng thừa nhận "do lâu ngày tôi không nhớ" còn những chi tiết quan trọng đó là chứng cứ cũng như căn cứ xem xét hành vi của bị cáo huy thì không mâu thuẫn và vẫn phù hợp với lời khai của ông Bá tại cơ quan điều tra.
-Tại phiên toà, bị cáo Huy đã kêu oan nhưng đã không được HĐXX yêu cầu điều tra lại mà vẫn tuyên án. Bà có thể giải thích thêm điều này?
-Tất cả lời luật sư hoặc bị cáo không thừa nhận tại toà chỉ là nại ra lý do thôi. Bị cáo Phạm Đình Huy là 1 người có trình độ hiểu biết pháp luật đã được học xong lớp cử nhân luật và đang được đào tạo học lớp luật sư vì vậy bị cáo Huy đầy đủ các trình độ hiểu biết về pháp luật để mình tự khai hoặc trả lời các câu hỏi của cơ quan điều tra. Không những thế tại biên bản ghi lời khai của bị cáo, sau khi xem lại, bị cáo đều ký vào tờ cuối cùng của dòng đấy và không để một dòng giấy trắng nào. Chính vì thế, những gì bị cáo nại ra chỉ là do bị cáo nại ra thôi chứ nếu bị cáo không có hành vi như vậy, là người hiểu pháp luật, không bao giờ bị cáo viết bản kiểm điểm tự nhận như vậy và bị cáo khai tại cơ quan điều tra.
Hội đồng xét xử cũng như bản thân tôi là thẩm phán của phiên toà đánh giá lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra là không bị nhục hình, không bị bức cung.
-Theo những gì bà đã nói ở trên thì bà khẳng định là mình là đã thực hiện đúng quy trình luật tố tụng, hoàn toàn không sai sót, vi phạm luật tố tụng?
-Trong phạm vi xét xử của toà án sơ thẩm, chúng tôi đã thực hiện theo đúng trình tự quy định của pháp luật. Về hình phạt cũng như tội danh căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ chúng tôi đã xử bị cáo Huy với mức án 18 tháng tù.
Bị cáo cũng như những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo nhưng cho đến thời điểm này, chúng tôi mới nhận được đơn kháng cáo của anh Đào Đình Long là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Nội dung kháng cáo của anh Long là kháng cáo toàn bộ bản án. Đơn kháng cáo này của anh Long là chưa đúng bởi vì người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan chỉ có quyền kháng cáo về những vấn đề trực tiếp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ. Về kháng cáo toàn bộ bản án, tức liên quan đến tội danh, án phạt của bị cáo Huy thì anh Long không có quyên kháng cáo. Kháng cáo ấy là dành cho bị cáo Phạm Đình Huy. Điều này tại phiên toà, anh Long đã được nghe giải thích. Trong bản án tôi cũng đã thể hiện rõ.
Tại phiên toà bị cáo Huy không thừa nhận hành vi của bị cáo và nói rằng việc thừa nhận trong các bản khai trước là vì anh Long bị đánh đập. Thế nhưng, không có tài liều nào chứng minh anh Long bị đánh đập. Hơn nữa, là người hiểu biết pháp luật nếu thật sự không phạm tội thì không bao giờ bị cáo Huy lại nhận như vậy. Đấy là lý do tôi cho rằng tất cả những gì bị cáo phủ nhận tại phiên toà chỉ là do bị cáo nại ra. Khi xét xử, không những chỉ căn cứ vào lời khai bị cáo, mà HĐXX còn căn cứ vào các tài liệu chứng cứ điều tra và cơ quan điều tra đã cung cấp.
Xin cám ơn bà!
Theo Người Đưa Tin
Chánh án bị tố "làm tiền" bị cáo ngay tại tòa Hành vi "làm tiền" bị cáo của Chánh án được thể hiện rõ trong những đoạn ghi âm mà bị cáo cung cấp cho cơ quan chức năng. Chánh án, thẩm phán và thư ký TAND huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) đã bị đình chỉ công tác để điều tra vụ việc. Ngày 17/9, ông Nguyễn Thành Bộ, Chánh án Tòa án nhân...