Thẩm phán cao tuổi nhất của Tòa án Tối cao Mỹ thông báo kế hoạch nghỉ hưu
Ngày 26/1 (theo giờ Washington D.C), các phương tiện truyền thông Mỹ đưa tin thẩm phán Stephen Breyer của Tòa án Tối cao Mỹ đã công bố kế hoạch nghỉ hưu.
Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ Stephen Breyer. Ảnh: CNN
Báo The Hill và kênh CNN dẫn nguồi tin đáng tin cậy cho biết ông Stephen Breyer, năm nay 83 tuổi và là thẩm phán thâm niên nhiều thứ hai của Tòa án Tối cao Mỹ, quyết định sẽ nghỉ hưu từ tháng 9 tới.
Dự kiến, ông Breyer chính thức tuyên bố nghỉ hưu tại Nhà Trắng ngày 28/1.
Thẩm phán Stephen Breyer, một người theo chủ nghĩa tự do ôn hòa, do cựu Tổng thống Bill Clinton đề cử, sau đó được Thượng viện Mỹ phê chuẩn với số phiếu gần như tuyệt đối (87 phiếu ủng hộ, 9 phiếu chống) và nhậm chức tháng 8/1994. Hiện nay, ông là thẩm phán Tòa án Tối cao có thời gian phụng sự lâu thứ hai sau thẩm phán Clarence Thomas.
Trong gần ba thập niên làm thẩm phán Tòa án Tối cao, ông Stephen Breyer đã có nhiều đóng góp pháp lý quan trọng, bên cạnh những nỗ lực hậu trường nhằm tìm kiếm và xây dựng sự đồng thuận cho các quyết định của Tòa án Tối cao, nơi số lượng thẩm phán bảo thủ đang chiếm đa số.
Việc thẩm phán Breyer nghỉ hưu từ tháng 9 sẽ giúp Tổng thống Joe Biden có cơ hội đầu tiên để đề cử một thẩm phán mới vào Tòa án Tối cao Mỹ. Người tiền nhiệm của ông Biden, cựu Tổng thống Donald Trump, trong 4 năm lãnh đạo Nhà Trắng đã đề cử thành công tới 3 thẩm phán Tòa án Tối cao và đó đều là những người theo đường lối bảo thủ.
Trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2020, ông Biden từng cam kết sẽ giới thiệu một gương mặt nữ da màu vào Tòa án Tối cao nếu ông có cơ hội.
Theo Fox News, hai ứng cử viên sáng giá nhất hiện nay là thẩm phán liên bang Ketanji Brown Jackson, người từng nằm trong danh sách đề cử hồi năm 2016 của cựu Tổng thống Barack Obama, và thẩm phán tòa án tối cao tại California Leondra Kruger, một luật sư uy tín từng có quan hệ công việc mật thiết với cả hai chính quyền do đảng Dân chủ và Cộng hòa lãnh đạo.
Một ứng cử viên tiềm tàng khác là J. Michelle Childs, nữ thẩm phán tòa án liên bang 55 tuổi tại bang Nam Carolina. Điểm chung của ba ứng cử viên này là đều rất tài năng, còn khá trẻ. Bà Michelle Childs năm nay 55 tuổi, bà Jackson 51 tuổi, trong khi bà Kruger mới 45 tuổi.
Phát ngôn viên Nhà Trắng từ chối trả lời câu hỏi của báo giới về ứng cử viên dự kiến sẽ được Tổng thống Biden đề cử lên Thượng viện cho vị trí thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ.
Các thành viên Tòa án Tối cao Mỹ hiện nay. Ảnh: The Hill
Trong hơn 1 thập kỷ trở lại đây, Tòa án Tối cao Mỹ luôn có 3 nữ thẩm phán, kể từ năm 2010, khi Tổng thống Obama đề cử thẩm phán Elena Kagan thay thế thẩm phán về hưu John Paul Stevens. Hai nữ thẩm phán còn lại là Sonia Sotomayor và Ruth Bader Ginsburg.
Tháng 9/2020, thẩm phán Ruth Bader Ginsburg, người được nước Mỹ coi là biểu tượng của công lý và quyền bình đẳng, qua đời ở tuổi 87 vì ung thư tụy. Tổng thống Trump sau đó đã chỉ định nữ thẩm phán Amy Coney Barrett thay thế. Ngày 27/10/2020, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu xác nhận đề cử của Tổng thống Trump đối với bà Amy Coney Barrett vào vị trí thẩm phán Tòa án Tối cao.
Tòa án Tối cao là định chế quyền lực cao nhất của nhánh tư pháp tại Mỹ, có thẩm quyền tối hậu trong việc giải thích Hiến pháp và quyền tài phán chung thẩm đối với mọi vấn đề tố tụng liên bang. Dù cơ cấu chỉ có 9 thẩm phán, song Tòa án Tối cao là một nhánh quyền lực rất quan trọng. Người dân Mỹ dành tình cảm ngưỡng mộ và kính trọng cho các thẩm phán Tòa án Tối cao vì họ coi đó là “những người gác cổng, giải thích Hiến pháp, những người gánh trên vai trách nhiệm suốt đời bảo vệ công lý và lẽ phải”.
Theo Hiến pháp nước này, các thẩm phán Tòa án Tối cao do tổng thống đề cử, Thượng viện phê chuẩn và làm việc với nhiệm kỳ trọn đời. Việc bổ nhiệm các thẩm phán Tòa án Tối cao từ trước tới nay luôn là đề tài nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận và chính giới Mỹ.
18 bị cáo trong vụ 39 người Việt chết ngạt trong container ở Anh lãnh án
Tòa án ở Bỉ tuyên án đối với 18 bị cáo, trong đó có kẻ chủ mưu người Việt trong vụ 39 người Việt chết ngạt trong container tại Anh.
Phiên tòa tại Bỉ vào ngày 19.1. Ảnh REUTERS
Hãng Reuters ngày 19.1 đưa tin tòa án ở Bruges (Bỉ) tuyên án 15 năm tù giam đối với Vo Van Hong (45 tuổi), kẻ chủ mưu người Việt trong băng nhóm buôn người liên quan vụ 39 người Việt chết ngạt trong container tại Anh vào năm 2019.
Tòa án còn buộc bị cáo Hong phải nộp 920.000 euro (23,7 tỉ đồng) tiền phạt và tuyên án tù giam từ 18 tháng đến 10 năm đối với 17 bị cáo khác có vai trò trong vụ buôn người quy mô lớn từ Việt Nam sang Anh.
Trong phán quyết dài 234 trang, các thẩm phán cho rằng các bị cáo đã bóc lột những nạn nhân, trong đó mỗi người phải trả 25.000 euro cho chuyến đi đến Anh, và đối xử với họ như hàng hóa chứ không phải con người.
Trong số những người bị kết án có 11 người Việt Nam hoặc gốc Việt đã đóng vai trò trung gian và cung cấp nhà cho băng nhóm sử dụng làm nơi gặp gỡ những người nhập cư, sắp xếp tài liệu, thẻ SIM cho các nạn nhân.
Có 6 tài xế taxi chở những người di cư chủ yếu từ Brussels đến điểm hẹn trong các đợt buôn người khác nhau cũng bị kết án, trong đó kẻ cầm đầu là một người đàn ông Ma Rốc vẫn tiếp tục các hoạt động sau khi vụ án xảy ra vào tháng 10.2019.
Thi thể của 39 người Việt được tìm thấy trong xe container từng lên tàu tại cảng Zeebrugge ở Bỉ. Năm ngoái, tòa án ở Anh kết tội 4 người đàn ông, gồm 2 tài xế xe tải, về hành vi giết người và các vi phạm về di cư, tuyên án tù giam từ 13 - 27 năm.
Vụ 39 người chết trong xe container: Chuyện gì đã xảy ra?
Mỹ lấy tiền tịch thu của Triều Tiên trao cho gia đình sinh viên tử vong Một tòa án Mỹ đã quyết định trao 240.000 USD tịch thu từ một ngân hàng Triều Tiên cho gia đình sinh viên Otto Warmbier, người đã qua đời 6 ngày sau khi được Bình Nhưỡng trả tự do năm 2017. Otto Warmbier bị Triều Tiên bắt giữ hồi tháng 1/2016. (Ảnh: Reuters). AFP đưa tin, Thẩm phán Lawrence Kahn của Tòa án...