‘Tham nhũng nghiêm trọng, gây bất bình trong xã hội’
Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho rằng, tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, gây bức xúc, bất bình trong xã hội tiếp tục là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.
Sáng 22/10, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh báo cáo trước Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012. Theo đó, tuy đạt được kết quả tích cực nhưng nhìn chung công tác này chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là “ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng”.
“Tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội tiếp tục là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước”, ông Tranh nói.
Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh. Ảnh: N.H.
Nhiều nhược điểm cụ thể của công tác phòng, chống tham nhũng được Tổng thanh tra Chính phủ nhắc đến như việc minh bạch về tài sản, thu nhập hiệu quả thấp trong khi xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, sai phạm chưa nghiêm, không tương xứng với số vụ việc tham nhũng được phát hiện. Các vụ việc, vụ án tham nhũng có quy mô lớn được phát hiện, xử lý còn ít. Việc xử lý các vụ án tham nhũng thường kéo dài tội phạm tham nhũng được cho hưởng án treo tuy đã giảm so với năm 2011 nhưng vẫn còn chiếm tỷ lệ cao…
Để làm tốt hơn công tác phòng, chống tham nhũng trong năm 2013, người đứng đầu ngành Thanh tra nêu ra các nhóm nhiệm vụ cụ thể: cần sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng các quy định về một số biện pháp phòng ngừa khác để nâng hiệu quả phòng ngừa tham nhũng xóa bỏ tình trạng “xin, cho”, trong đó chú trọng các lĩnh vực về đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tín dụng – ngân hàng, quản lý tài chính, tài sản công… chú trọng cải cách thực chất chế độ tiền lương.
Ông Huỳnh Phong Tranh cũng nhắc tới việc cần khẩn trương hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác này, nhất là ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), nhằm thể chế hóa đầy đủ các giải pháp phòng, chống tham nhũng nội luật hóa những quy định của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng phù hợp với điều kiện của Việt Nam như công khai bản kê khai tài sản, thu nhập quy định người có nghĩa vụ kê khai tài sản phải có trách nhiệm giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm
Tại kỳ họp thứ 4, Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ được trình ra Quốc hội. Vì thế, Tổng thanh tra Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét thông qua việc sửa đổi, bổ sung luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Video đang HOT
Theo số liệu của Thanh tra Chính phủ, năm 2012, các cơ quan thanh tra đã phát hiện 49 vụ, 67 người có hành vi liên quan đến tham nhũng với giá trị tài sản hơn 130 tỷ đồng. Cảnh sát điều tra tội phạm đã thụ lý 337 vụ án với hơn 800 bị can về các tội danh tham nhũng, thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 410 tỷ đồng.
Qua thanh tra đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước gần 8.000 tỷ đồng và hơn 2.600 ha đất (đã thu hồi được 2.334 tỷ đồng) ban hành hơn 163.000 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 324 tỷ đồng (đã thu được 260 tỷ xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý hơn 30.000 tỷ đồng kiến nghị xử lý hành chính 520 tập thể, 899 cá nhân chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 25 vụ, 41 người.
Trong năm 2012, đã có 44 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng (giảm 34% so với cùng kỳ năm trước).
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đánh giá, năm 2012, công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng đã tăng cả về số vụ và số người phạm tội nhưng vẫn chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra số tài sản, đất đai sai phạm rất lớn nhưng thu hồi được còn rất ít.
“Nổi lên là tình hình tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính và lạm quyền trong khi thi hành công vụ tại địa phương trong năm qua gia tăng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhưng vẫn chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả”, ông Hiện nói và cho biết, việc xử lý một số vụ án nghiêm trọng, phức tạp vẫn bị kéo dài.
Trên thực tế, một số vụ án lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đối với tài sản của Nhà nước nhưng lại không phát hiện được hành vi tham nhũng hoặc ban đầu khởi tố, điều tra về hành vi tham nhũng nhưng sau đó lại chuyển sang các tội danh khác nhẹ hơn như tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng… đã gây bất bình, bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và nhân dân.
“Thực trạng xử lý chưa nghiêm minh đối với một số vụ án có biểu hiện tham nhũng hiện nay đã gây bất bình, bức xúc, chưa tạo được lòng tin của nhân dân vào công cuộc đấu tranh phóng chống tham nhũng. Số vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho tài sản của Nhà nước được phát hiện, xử lý còn chậm”, người đứng đầu Ủy ban Tư pháp Quốc hội nhấn mạnh.
Theo ông Hiện, báo cáo của Chính phủ chưa nêu rõ được các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị đã làm tốt hoặc chưa làm tốt công tác phòng chống tham nhũng những lĩnh vực, ngành còn để xảy ra nhiều tham nhũng, nguyên nhân để xảy ra tham nhũng và phương hướng phòng, chống, các giải pháp có tính đột phá để tăng cường hiệu quả công tác này.
“Một trong những nguyên nhân quan trọng của tệ nạn tham nhũng hiện nay là tình trạng suy thoái phẩm chất đạo đức của không ít cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, trong đó một số cán bộ là lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Bên cạnh đó là bệnh quan liêu, thành tích, hình thức vẫn còn nặng nề, nên không ít người đứng đầu vẫn còn có biểu hiện ngại đấu tranh với hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức do mình quản lý”, ông Hiện nói và cho rằng, những nguyên nhân trên cần được đánh giá làm rõ để tìm ra giải pháp khắc phục cụ thể, hiệu quả.
Theo VNE
Tranh luận về 3 'mô hình' Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng
Chiều 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận 3 phương án sửa đổi quy định về Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, do còn nhiều ý kiến khác nhau, phương án cuối cùng vẫn còn bỏ ngỏ.
Chiều 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Dự thảo luật sửa đổi lần này gồm 8 chương, 110 điều trong đó có tới hơn 50 điều sửa đổi. Theo Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, dự luật còn 3 vấn đề cần xin ý kiến của Thường vụ gồm các quy định về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập công khai bản kê khai tài sản, thu nhập và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Trên cơ sở kết luận hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành trung ương Đảng (khóa XI), Chính phủ đề xuất 3 phương án sửa đổi quy định về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Theo đó, phương án thứ nhất thể hiện theo đúng nội dung trong kết luận, Ban chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư đứng đầu có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước. Ban Nội chính Trung ương là cơ quan thường trực.
Phương án thứ hai quy định Ban chỉ đạo trong Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) để đảm bảo tính thống nhất, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo sẽ do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định.
Phương án thứ ba xác định Ban chỉ đạo là cơ quan của Đảng, không phải là cơ quan nhà nước, cho nên Luật sửa đổi sẽ không quy định về việc thành lập, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của cơ quan này. Vì vậy, hướng sửa Luật là bãi bỏ Điều 73 và bỏ cụm từ "Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng".
Cả 3 phương án theo ông Huỳnh Phong Tranh đều còn những vướng mắc, vì vậy Chính phủ trình để Quốc hội quyết.
Việc luật hóa Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: N.Hưng.
Là cơ quan thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, trong hệ thống pháp luật của Việt Nam, ngoài Điều 4 của Hiến pháp năm 1992 quy định về sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội thì các văn bản quy phạm pháp luật không quy định điều chỉnh về tổ chức, hoạt động đối với các cơ quan, tổ chức của Đảng. Do đó, việc quy định theo phương án một là không phù hợp. Tương tự như vậy phương án 2 lại đề xuất giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng không có căn cứ và chưa có tiền lệ này.
"Chỉ còn phương án 3 là không quy định tổ chức, hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng trong luật mà Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng là một ban của Đảng, do Ban chấp hành Trung ương hoặc Bộ Chính trị thành lập, trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng bí thư làm Trưởng ban", ông Hiện nói.
Đồng thời, theo phương án này, cũng không tổ chức Ban chỉ đạo tỉnh, thành phố về phòng, chống tham nhũng tỉnh ủy, thành ủy trực tiếp lãnh đạo công tác phòng, chống tham nhũng và có trách nhiệm phối hợp với Ban chỉ đạo trung ương khi có vụ việc tham nhũng nghiêm trọng xảy ra ở địa phương. Lập Ban nội chính Trung ương, Bộ Chính trị xem xét, quyết định cụ thể việc lập Ban nội chính ở các tỉnh ủy, thành ủy.
Phương án này theo ông Hiện là cách thể hiện đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương và tuân thủ tiền lệ xây dựng hệ thống pháp luật hiện hành. Đồng thời vẫn bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đối với công tác phòng, chống tham nhũng.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý lại cho rằng, phòng chống tham nhũng không chỉ trong Đảng mà còn trong toàn bộ hệ thống chính trị của đất nước. "Trong Luật cần có quy định về Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng vì thế nên chọn phương án 2", ông Lý nói và giải thích thêm rằng, nếu Ban chỉ đạo mà do Quốc hội thành lập thì càng "uy" hơn. Hơn nữa, nếu do Tổng bí thư đứng đầu tức "vừa là Đảng, vừa là Nhà nước thì vừa có sức mạnh, quyền lực".
Các phương án về Ban chỉ đạo được nhiều đại biểu tiếp tục mổ xẻ trong buổi làm việc song đều không thống nhất. Cuối buổi thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, để sửa văn bản luật này thì điểm nào đủ cơ sở và cần sửa thì mới sửa. Còn điểm dù cần sửa nhưng chưa rõ thì nên gác lại.
Đối với Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, ông Hùng cho rằng cần tính toán. "Là Ban chỉ đạo chứ không phải Ủy ban phòng chống tham nhũng, không phải ban Đảng. Tôi chưa nghĩ ra cách nào, các anh nghĩ thêm cho", ông Hùng nói.
Chốt lại phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hôi Uông Chu Lưu cho rằng, phạm vi của dự án luật này, nên tập trung vào nội dung, bám vào Nghị quyết trung ương 5 chứ chưa nên nói đến việc sửa toàn diện. Do còn nhiều tranh luận về luật hóa Ban chỉ đạo, ông Lưu đề nghị cần lý giải, phân tích được để chuyển hẳn mô hình từ nhà nước sang trực thuộc Bộ Chính trị do Đảng chỉ đạo, lãnh đạo và thành lập Ban Nội chính trung ương.
Do tiến độ của dự án luật phải thông qua vào kỳ họp Quốc hội vào tháng 10 tới, Phó chủ tịch Lưu yêu cầu cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm, rà soát và gửi sớm dự thảo cho các đại biểu Quốc hội.
Theo VNE
Thanh tra Chính phủ: Sai đâu phải sửa đó! Ngày 18-10, Thanh tra Chính phủ đã thông báo kết quả kiểm tra, rà soát, giải quyết 528 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài trên toàn quốc. Trong số này có những vụ gây rất nhiều bức xúc trong dư luận thời gian qua như vụ khiếu nại, tố cáo tham nhũng đất của nhân dân ở...