Tham nhũng không được đặt tiền để tại ngoại
Nhiều trường hợp không được đặt tiền để tại ngoại, trong đó có người phạm tội về tham nhũng, ma túy, xâm phạm an ninh quốc gia…
Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, VKSND Tối cao và TAND Tối cao vừa xây dựng dự thảo thông tư liên tịch quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền đặt, việc tạm giữ, hoàn trả, tịch thu, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã đặt để đảm bảo theo quy định tại Điều 122 BLTTHS 2015. Nhiều chuyên gia cho rằng hướng dẫn là cần thiết, kịp thời vì BLTTHS đã quy định rõ nhưng nếu không chi tiết thì không áp dụng được.
Cần thiết vì luật đã quy định
Theo dự thảo thông tư, với tội phạm ít nghiêm trọng, số tiền phải đặt là 30 triệu đồng; tội phạm nghiêm trọng là 100 triệu đồng; tội phạm rất nghiêm trọng mức đặt là 200 triệu đồng. Mức tiền này có thể giảm nếu bị can, bị cáo là đối tượng chính sách, người dưới 18 tuổi, tâm thần, người đủ 70 tuổi trở lên, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi…
Dự thảo cũng đưa ra nhiều điều kiện để được đặt tiền bảo lĩnh. Nếu thực hiện không đúng cam đoan thì sẽ bị tạm giam, số tiền đã đặt sẽ bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước. Nếu chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ đã cam đoan thì VKS, tòa án có trách nhiệm trả lại số tiền đã đặt…
“Đặt cọc bằng tiền để bảo lĩnh tại ngoại là chế định phù hợp với xu hướng quốc tế, nhiều nước đã áp dụng. Nó khắc phục được tiêu cực trong việc cho tại ngoại cảm tính, giảm án oan, sai” – luật sư (LS) Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP Hà Nội) nói.
Theo LS Quynh, việc tạm giam hiện nay khá cảm tính khi quy định rằng có thể bắt tạm giam khi bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, ít nghiêm trọng mà BLHS quy định hình phạt tù trên hai năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội. Nhiều vụ bị can phạm tội đánh bạc, vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông, thuế… cũng bị bắt giam.
Nói cách khác, ranh giới giữa tạm giam và tại ngoại khá mong manh, có khi hai trường hợp giống nhau nhưng người thì được ở ngoài, người thì bị giam. Chẳng hạn một chủ doanh nghiệp bị bắt tạm giam để điều tra về tội ít nghiêm trọng như vi phạm giao thông thì nguy cơ doanh nghiệp đó bị phá sản rất lớn.
Theo dự thảo thông tư, các tội phạm về ma túy, tham nhũng… không được đặt tiền để tại ngoại. Ảnh minh họa: HTD
LS Bùi Quốc Tuấn (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng dự thảo thông tư ở thời điểm này là cần thiết. Bởi Điều 122 BLTTHS 2015 đã cho phép đặt tiền để đảm bảo là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Luật đã quy định thì cần phải có hướng dẫn để thi hành, tránh tình trạng luật thì tiến bộ nhưng không cụ thể hóa được. Thậm chí khoản 6 điều luật này còn yêu cầu rõ cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền đặt, việc tạm giữ, hoàn trả, tịch thu…
Còn theo ông Đinh Văn Quế (nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao), phải có hướng dẫn sớm và kỹ thì càng dễ thực hiện. Trước đây Điều 93 BLTTHS 2003 cũng từng quy định biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để đảm bảo là biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam. Nhưng hầu như không thực hiện được trong thực tế, ngoại trừ một số người phạm tội là người nước ngoài.
Không “có cửa” cho tội tham nhũng
Video đang HOT
Cũng theo dự thảo thông tư, các trường hợp không được đặt tiền gồm bị can, bị cáo phạm một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia; các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh.
Điều này cũng áp dụng với bị can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng do cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; các tội phạm về ma túy, tham nhũng, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; các tội cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản, cướp giật tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; khủng bố, đua xe trái phép.
Hay như trường hợp bị tạm giam trong trường hợp bị bắt theo lệnh, quyết định truy nã; phạm tội có tính chất chuyên nghiệp; nghiện ma túy; người chủ mưu, cầm đầu trong trường hợp phạm tội có tổ chức; người tái phạm nguy hiểm; hành vi phạm tội gây dư luận xấu trong nhân dân.
Theo LS Cao Minh Triết (Đoàn LS tỉnh Tiền Giang), quy định như trên là chặt chẽ, tránh tình trạng quan chức phạm tội nhưng dùng tiền để đổi lấy việc tại ngoại, gây bức xúc trong dư luận. Nó cũng thể hiện thái độ quyết liệt của nhà làm luật trong việc phải nghiêm khắc với loại tội liên quan đến tham nhũng. Tương tự, các tội phạm về ma túy cũng không thể cho nộp tiền bảo lĩnh dù hành vi phạm tội ít nghiêm trọng.
“Dự thảo thông tư có bổ sung thêm đối tượng được đặt tiền ngoài bị can, bị cáo còn có người thân thích của họ. Việc này phù hợp với thực tế pháp lý, tạo điều kiện cho bị can, bị cáo được đảm bảo các quyền lợi chính đáng của mình” – LS Triết nói.
Chú ý để tránh bị lạm dụng Theo ThS Nguyễn Đình Thắm (nguyên giảng viên Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM), cần chú ý việc đặt tiền ở giai đoạn cho phù hợp. Làm sao để việc tại ngoại không ảnh hưởng đến quá trình điều tra, tránh việc thông cung làm sai lệch hồ sơ vụ án. Theo đó, nên quy định theo hướng với một số vụ án có tình tiết phức tạp thì phải kết thúc điều tra mới cho đặt tiền tại ngoại. Với những vụ án nhiều bị can, bị cáo cũng cần chú ý không nên cho tại ngoại cùng lúc nhiều người để tránh việc thông cung, phản cung đồng loạt. Ông Đinh Văn Quế thì băn khoăn nên hướng dẫn rõ trường hợp người có nguy cơ bị tạm giam thì không được đặt tiền vì không thể biết được họ có bị tạm giam hay không mà đặt. Ngoài ra còn có trường hợp bị can đặt tiền xong rồi bỏ trốn thì chưa rõ ai chịu trách nhiệm. Do đó cần quy định biện pháp chế tài với cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng để bị can, bị cáo được đặt tiền bỏ trốn gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án, thậm chí phải tạm đình chỉ. Dự thảo thông tư mới chỉ nêu trách nhiệm của người đặt tiền, người được đặt tiền mà chưa có trách nhiệm của cơ quan có quyền cho đặt tiền.
SONG NGUYỄN
Theo_PLO
'Đả hổ, diệt ruồi, săn cáo' và những nữ quan tham sa lưới trời lồng lộng
Trong chiến dịch "Đả hổ, diệt ruồi, săn cáo" ở Trung Quốc từ sau Đại hội 18 (11/2014) đến nay, hàng ngàn quan tham đã bị cách chức, bắt giữ, bỏ tù; trong đó có không ít nữ quan tham. Lã Tích Văn, Thượng Quan Vĩnh Thanh, Dương Tú Châu...là những nhân vật nổi bật nhất.
Lã Tích Văn khi còn tại chức. Ảnh: Tân Hoa Xã
Nhận hối lộ tiền tỷ, "Hổ lớn Bắc Kinh" Lã Tích Văn lĩnh án 13 năm tù
Ngày 20/2/2017 Tòa án tỉnh Cát Lâm đã kết thúc xét xử vụ án Lã Tích Văn, nguyên Ủy viên dự khuyết TW, Phó Bí thư thành ủy Bắc Kinh nhận hối lộ; tuyên phạt bị cáo này mức án 13 năm tù giam, phạt 2 triệu NDT, tịch thu toàn bộ tang vật sung kho nhà nước về tội nhận hối lộ. Sau khi nghe tuyên án, bà Văn đã bày tỏ không kháng án.
Theo tòa, từ năm 2001 đến 2015, bị cáo Lã Tích Văn khi giữ các chức Phó Bí thư quận ủy, Chủ tịch, Bí thư quận ủy quận Tây Thành, Ủy viên thường vụ, Trưởng ban Tổ chức, Phó Bí thư thành ủy Bắc Kinh, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để giúp đỡ các đơn vị và cá nhân mưu lợi rồi nhận tiền, vật của người khác tổng cộng hơn 18,78 triệu NDT (62 tỷ VND).
Báo chí Trung Quốc ngày 26/5 đưa tin về việc xử nghiêm một quan chức ở tỉnh Hồ Nam mỗi lần tham nhũng 0,27 nhân dân tệ (tương đương 1.000 đồng), nhưng tổng số tiền tham nhũng lên tới 770.000 nhân dân tệ (hơn 2,5 tỷ đồng).
Bà Lã là quan chức kiểu "bản địa Bắc Kinh" liên tục công tác ở thành phố, từng là cán bộ cơ sở ở ngoại thành, từ sau 1999 quan lộ hanh thông, thăng tiến vùn vụt lần lượt giữ các chức lãnh đạo chính quyền và quận ủy Tây Thành; năm 2006 trở thành Ủy viên thường vụ, bậc phó tỉnh, rồi giữ chức Trưởng ban Tổ chức thành ủy 6 năm qua hai đời Bí thư Lưu Kỳ và Quách Kim Long, được gọi là "Chị Cả" của chính trường Bắc Kinh.
Tin Lã Tích Văn bị bắt điều tra khá bất ngờ. Tối 21/10/2016, trong tập 5 của bộ phim tài liệu 8 tập "Mãi mãi trên đường" của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (UBKTKLTW) được chiếu trên CCTV, Lã Tích Văn đã xuất hiện với những phát biểu ăn năn về những tội lỗi của mình.
Ngày 25/10, Viện kiểm sát Tối cao thông báo đã chuyển giao hồ sơ phạm tội của của Lã Tích Văn cho Viện kiểm sát tỉnh Cát Lâm để làm thủ tục tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự vì trong thời gian bà ta đảm nhiệm các chức vụ Quận trưởng, Bí thư quận ủy Tây Thành, Ủy viên thường vụ thành ủy, Trưởng Ban tổ chức thành ủy Bắc Kinh đã lợi dụng tiện lợi về chức quyền mưu giành lợi ích không chính đáng cho người khác rồi nhận hối lộ số tiền rất lớn. Tiếp đó, tối 27/10, Thông cáo kết quả Hội nghị TW6 khóa 18 cho biết Lã Tích Văn đã bị khai trừ đảng tịch.
Lã Tích Văn sinh năm 1955, quê Ninh Ba, Chiết Giang, tham gia công tác năm 1974, vào đảng 1982, tốt nghiệp chuyên ngành dệt, Học viện Công nghiệp Bắc Kinh, từng là Phó Bí thư đoàn Học viện Công nghiệp; sau đó chuyển sang ngạch tổ chức cán bộ, từ nhân viên lên đến Trưởng phòng Cán bộ kinh tế thành ủy, sau đó về làm Phó Bí thư, Quận trưởng, Bí thư quận ủy Tây Thành.
Tháng 9/2006, Lã Tích Văn được bầu vào Ban thường vụ thành ủy Bắc Kinh; tháng 5/2007 được bổ nhiệm kiêm chức Trưởng ban Tổ chức thành ủy. Tháng 11/2012 được bầu làm Ủy viên dự khuyết Trung ương tại Đại hội 18. Từ tháng 4/2013 là Phó Bí thư thành ủy, sau đó được giao kiêm nhiệm các chức Hiệu trưởng trường đảng, Viện trưởng Học viện Hành chính Bắc Kinh (7/2013), Hội trưởng Hiệp hội Hữu nghị đối ngoại Bắc Kinh (2014). Biệt danh "Chị Cả" cho thấy bà ta có vai trò rất quan trọng trong giới chính khách Bắc Kinh.
Ngày 11/11/2015, trang web của UBKTKLTW thông báo Lã Tích Văn bị tổ chức điều tra vì vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. Bà ta trở thành quan chức lãnh đạo cấp cao đầu tiên của thành phố Bắc Kinh bị ngã ngựa.
Ngày 5/1/2016, trang web của UBKTKLTW thông báo: "Qua điều tra cho thấy Lã Tích Văn đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật chính trị, bàn tán xằng bậy ("vọng nghị") phương châm lớn của trung ương, hoạt động gây bè phái trong thời gian dài, đối kháng công tác thẩm tra của tổ chức; vi phạm nghiêm trọng kỷ luật tổ chức, không báo cáo thật vấn đề cá nhân, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trái quy định, nhúng tay can thiệp sắp xếp nhân sự địa phương nơi từng công tác trước đây; vi phạm nghiêm trọng kỷ luật liêm khiết, lợi dụng tiện lợi về chức vụ mưu lợi cho người khác rồi nhận tiền, lễ vật, giúp thân nhân kinh doanh trục lợi, không quản lý chặt nhân viên bên cạnh; vi phạm nghiêm trọng tinh thần "8 điều quy định" của Bộ Chính trị, nhiều lần lui tới các hội sở tư nhân; vi phạm nghiêm trọng kỷ luật công tác, can dự và nhúng tay vào hoạt động kinh tế thị trường trái quy định, can dự trái phép vào hoạt động thực thi pháp luật; vi phạm nghiêm trọng kỷ luật sinh hoạt, sống xa hoa trụy lạc, ham hố hưởng lạc. Trong đó vấn đề lợi dụng chức vụ giúp người khác mưu lợi rồi nhận tiền, đồ vật đã có dấu hiệu phạm tội nhận hối lộ".
Tội lỗi cụ thể của Lã Tích Văn không được công khai, nhưng căn cứ vào lời sám hối của bà ta trong bộ phim đề tài chống tham nhũng được chiếu trên CCTV và những thông tin của báo chí, thấy nổi lên mấy điểm:
Thứ nhất, lợi dụng chức quyền để vơ vét kiếm lợi. Trong lời sám hối, Lã Tích Văn thú nhận trong thời gian làm lãnh đạo quận Tây Thành và thành phố đã "giúp đỡ, dìu dắt" Tập đoàn quốc doanh Kim Xúc Nhai trực thuộc quận Tây Thành. Để "bày tỏ cảm ơn", tập đoàn này cho bà mua 1 căn hộ với giá ưu đãi. Lã Tích Văn đã mua 1 căn ở khu đất vàng Tam Hoàn. Sau đó bà ta lại đề nghị họ bán thêm 4 căn nữa, 2 cho mình và 2 cho người thân với giá rẻ; riêng 3 căn Lã mua đã có mức chênh lệch tới 20 triệu NDT (70 tỷ VND) so với giá thị trường.
Báo điện tử "Sohu Tài kinh" cho biết, trước khi Lã Tích Văn bị điều tra 3 ngày thì Vương Công Vĩ, Chủ tịch Tập đoàn Kim Xúc Nhai đã bị bắt để điều tra. Tờ "Tài Tân" cho biết thêm, nhà Vương Công Vĩ ở cùng khu Xúc Trách Phủ với Lã Tích Văn; ngoài việc là người khống chế cổ phần của Tập đoàn Kim Xúc Nhai, ông ta còn giữ chức Phó chủ tịch HĐND quận Tây Thành; Ư Thiếu Khu, chồng Lã Tích Văn cũng là nhân vật có tiếng trong giới kinh doanh địa ốc với biệt danh "Tây Thành Tam ca" (Anh Ba khu Tây Thành), cũng bị bắt cùng lúc với Vương Công Vĩ và Cúc Cẩn, Tổng giám đốc Kim Xúc Nhai. Báo chí cho biết, con gái Lã Tích Văn cũng làm việc tại Tập đoàn Hoa Nhuận của Tống Lâm (đã bị bắt và mới bị xét xử).
Cũng theo lời Lã Tích Văn, sau khi trở thành người lãnh đạo thành ủy, dần dần xung quanh bà ta đã hình thành các nhóm lợi ích. Bà ta thích chơi Tennis, lập tức hình thành nhóm bạn tennis; bà ta đi tập dưỡng sinh, lập tức hình thành nhóm bạn dưỡng sinh; chồng Lã kinh doanh rượu vang, nhà bà ta liền định kỳ tổ chức các cuộc hội họp thưởng thức rượu, hình thành nhóm bạn bè thưởng rượu...Những nhóm này thực chất đều là những nhóm lợi ích hình thành xung quanh quyền lực của Lã Tích Văn.
Thứ hai, công khai chống lại cuộc chiến "Đả Hổ diệt Ruồi" do ông Tập Cận Bình phát động. Sau khi Lã Tích Văn bị bắt, báo chí đưa tin bà ta từng nhiều lần công khai phê phán chiến dịch "Đả Hổ" là quá mức cần thiết, gây mất ổn định, ảnh hưởng phát triển kinh tế...
Điều này đã được chính Lã Tích Văn xác nhận qua phát biểu hối lỗi trong tập phim trên CCTV. Bà ta nói: "Từ sau Đại hội 18, Tổng bí thư nói về một loạt vấn đề, UBKTKLTW nêu lên hàng loạt yêu cầu, ngay từ đầu tôi đã có cách nghĩ khác về những kỷ luật, yêu cầu đó. Tôi thấy làm như thế là quá nghiêm, quá mức cần thiết. Có lẽ tôi đã sai trong vấn đề này". Trước đó, báo chí Hong Kong đưa tin, trong một bài phát biểu nội bộ, ông Tập Cận Bình đã chỉ trích Lã Tích Văn "tán phát những lời lẽ độc địa về lãnh đạo trung ương".
Dương Tú Châu, nữ quan tham tự về nộp mạng sau 13 năm bỏ trốn
Theo thông báo của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc (UBKTKLTW), ngày 16/11/2016, nghi phạm Dương Tú Châu, nhân vật có biệt danh "Trung Quốc đệ nhất nữ quan tham", đứng đầu danh sách "100 quan tham bị truy nã đỏ" đã về nước đầu thú sau 13 năm lẩn trốn ở nước ngoài, trở thành người thứ 37 trong số này bị bắt. UBKTKLTW nêu rõ việc Châu về đầu thú là thành quả quan trọng của sự hợp tác tư pháp giữa hai nước Trung, Mỹ.
Dương Tú Châu bị bắt tại sân bay. Ảnh: Tân Hoa Xã
Dương Tú Châu nguyên là Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Chiết Giang, phạm tội tham ô. Tháng 4/2003, sau khi hành vi phạm tội bại lộ, Dương đã trốn ra nước ngoài, lần lượt lẩn trốn ở Hong Kong, Singapore, Pháp, Hà Lan, Italia và Mỹ; trong 13 năm lẩn trốn, Châu đã xin tỵ nạn ở Pháp và Hà Lan nhưng bị các quốc gia này bác bỏ.
Tháng 5/2014, Châu đã trốn sang Mỹ và lại xin tỵ nạn. Từ 2014 đến nay Tổ phối hợp chống tham nhũng trung ương, Văn phòng chống quan tham bỏ trốn Trung Quốc đã điều phối các ngành ngoại giao, tư pháp, chấp pháp, chống rửa tiền, chống tham nhũng...bằng nhiều cách tiến công, gây sức ép, vận động, khuyên nhủ Châu về nước đầu thú. Từ lúc tuyên bố "chết cũng chết ở Mỹ", dần dần rút lại đơn xin tỵ nạn rồi quyết định về nước đầu thú.
Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đang tập trung tăng cường kỷ luật trong hàng ngũ lãnh đạo sau khi hàng loạt quan chức cấp cao dính vòng lao lý về tội tham nhũng, vi phạm kỷ luật đảng, báo Hong Kong South China Morning Post ngày 10/9 dẫn lời một cựu phó giám đốc Trường Đảng Trung ương Trung Quốc.
Dương Tú Châu sinh tháng 5/1946, nguyên là Trợ lý Thị trưởng rồi Phó Thị trưởng thành phố Ôn Châu. Ngày 20/4/2003, khi đang giữ chức Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Chiết Giang, Châu đã mang theo con gái, con rể và cháu ngoại bỏ trốn từ Thượng Hải qua Hong Kong rồi đi Singapore...Báo chí cho biết, Châu đã tham ô số tiền lên tới 253 triệu NDT, mới thu hồi được 42,4 triệu và phong tỏa được 70 triệu. Tháng 2/2004, Viện kiểm sát tỉnh Chiết Giang đã phát lệnh truy nã đỏ Châu thông qua Interpol. Tháng 4/2015, Châu bị đưa vào và đứng đầu bán danh sách "100 quan tham bị truy nã đỏ". Châu được mô tả là kẻ tính tình thô lỗ, hung bạo, nhưng rất dâm đãng. Đội ngũ người tình của bà ta được ước lượng có tới "3 con số" (tức hàng trăm người).
Cơ quan pháp luật đã lập hồ sơ điều tra vụ án Dương Tú Châu, có tới hơn 100 người liên đới, trong đó có 2 quan chức cấp sở, 11 cấp phòng, 7 cấp ban. Châu còn trực tiếp liên quan đến 12 vụ án kinh tế khác, trong đó có các vụ án quan trọng rất được quan tâm là vụ Thị trưởng Ôn Châu Trần Văn Hiến nhận hối lộ và Cục trưởng CA quận Lộc Thành, Ôn Châu Vương Thiên Nghĩa tham ô. Việc Dương về đầu thú sẽ giúp cho việc điều tra, xét xử các vụ án này được thuận lợi.
Theo Đông Phương, trong gia đình Dương Tú Châu, ngoài bà ta, cả 2 em trai Dương Quang Vinh và Dương Tiến Quân cũng đều phạm tội tham nhũng, hình thành "một nhà ba quan tham". Trong đó, Dương Quang Vinh từng là Phó Tổng giám đốc Công ty phát triển nhà đất Cục Đường sắt Ôn Châu đã bị bắt, xét xử, nhận án tù; Dương Tiến Quân, Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn công ty Minh Hòa, Chiết Giang. Sau khi công ty làm ăn thua lỗ, Quân đã cuỗm hàng chục triệu NDT rồi bỏ trốn sang Mỹ từ tháng 12/2001. Quân cũng bị đưa vào danh sách "100 quan tham bị truy nã đỏ"; tháng 9/2015, Quân đã bị bắt tại Mỹ rồi đưa về nước.
(Còn nữa)
Theo Thu Thúy (Tiền Phong)
Cử tri TP.HCM nêu câu hỏi về biệt phủ Yên Bái với Chủ tịch nước Đề cập đến vấn đề phòng chống tham nhũng, cử tri TP.HCM đã đặt câu hỏi liên quan đến biệt phủ của Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Yên Bái với Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Sáng 7.7, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận 1, quận 3 và quận 4,...