Tham nhũng để “gỡ” tiền chạy công chức
Bức xúc với “quốc nạn” chạy chức, nhiều bạn đọc đề nghị phải coi đây là tội phá hoại bộ máy hành chính công.
Chiều 18/12, trao đổi với báo chí, ông Phan Đăng Long, Phó trưởng Ban Tuyên giáo thành ủy Hà Nội khẳng định lãnh đạo Thành phố sẽ triển khai thanh, kiểm tra để tìm ra sự thật về thông tin chạy công chức với 100 triệu.
Chuyện ai cũng biết, nhưng không nói
“Thông tin anh Dực đưa ra tại kỳ họp không phải không có căn cứ. Chắc chắn với cương vị và trách nhiệm của mình, anh không thể phát biểu một cách hồ đồ”, ông Long nói.
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo ban ngành chức năng làm rõ sự việc trên.
Về phía độc giả, đa phần ý kiến đều ngạc nhiên khi cho rằng chuyện chạy chức đã trở thành phổ biến ở mọi lĩnh vực, mọi nơi, ai cũng biết vậy mà lãnh đạo ở trên bây giờ mới công khai nhắc tới.
Từ địa chỉ daigia…@yahoo.com viết: “Tôi thấy chuyện chạy tiền vào công chức vài chục triệu hay vài trăm triệu ko còn chuyện xa lạ nữa. Số tiền đó đâu phải một cá nhân được hưởng, nó còn được dùng để bôi trơn từ dưới lên, vậy mà cơ quan hay bộ có thẩm quyền giờ mới biết thì ko hiểu sao nữa?”
Tương tự, bạn đọc có địa chỉ: taviet…@yahoo.com.vn đặt câu hỏi: “Chuyện chạy công chức thì đến trẻ chăn trâu ở làng quê hẻo lánh cũng biết mười mươi mà đến bây giờ nhà mới công bố liệu có phải là nhanh? Thử hỏi bây giờ cho thi lại “với giám thị làm đúng chức trách” thì có bao nhiêu cán bộ công chức có đủ tầm thực sự?
Video đang HOT
Dư luận không bất ngờ trước thông tin chạy thi công chức (Ảnh minh họa: Dương Tùng)
Độc giả có địa chỉ thư: hoatxh…@gmail.com tỏ ra bức xúc: “Chuyện dùng tiền mua việc đã diễn ra từ khá lâu rồi, nhưng không ai dám lên tiếng bởi họ đã quá quen với việc này rồi. Nuôi con học ra trường rồi lại chạy vạy khắp nơi vay tiền để lo việc cho con, có khi không có người thân quen làm chức to có tiền cũng không xin được việc. Nghĩa là vừa phải có tiền đồng thời cũng phải có “cơ to” thì khả năng xin việc mới thành công”.
Để chấm dứt “quốc nạn” trên, theo bạn đọc có địa chỉ: trandong…@gmail.com, khi phát hiện những thông tin quan chức tiếp tay chạy chức, cần sớm chuyển sang cơ quan công an điều tra. “Tội này không chỉ tham nhũng mà còn đưa những người không đủ năng lực vào bộ máy công phá hoại nền hành chính công của chúng ta” bạn đọc này viết.
Chạy rồi lấy gì bù lại?
Nhắc tới thông tin chạy chức không dưới 100 triệu đồng, nhiều ý kiến còn cho rằng con số thực tế còn nhiều hơn rất nhiều. Ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD – ĐT nhận định: “Bỏ ra 100 triệu đồng để chạy một suất giáo viên mầm non, lương 1,2 – 1,3 triệu nhưng không lỗ đâu, chỉ một vài năm là hoàn vốn ngay”.
Bạn đọc có địa chỉ: chi…@gmail.com đặt vấn đề: “Vào công chức phải bỏ ra số tiền bằng mấy năm tiền lương, thử hỏi tại sao họ không quan liêu, tham ô tham nhũng cho được! Cứ như vậy thì muôn thủa không hết tiêu cực. Chỉ khổ dân nghèo thôi!
Tương tự, độc giả có địa chỉ Joet…yahoo.com.vn phân tích: “Mọi người ai cũng kêu phải chạy 100 triệu mới vào làm công chức. Đó là vế 1, còn vế 2 thì sao? Lương công chức chưa được 4 tr/tháng thì bỏ ra 100 triệu bao giờ mới trả ơn cha mẹ, trả nợ và nuôi mình? Như vậy, chỉ có con đường tham nhũng thì mới mong gỡ lại thôi. Vậy cứ đà này thì nạn tham nhũng sẽ tăng theo cấp số cộng hay cấp số nhân?”
Trước thông tin thanh tra vụ việc chạy công chức 100 triệu, nhiều bạn đọc tỏ nghi ngờ hiệu quả khi câu hỏi “Chống ai? Ai chống?” lâu nay vẫn được dư luận nhắc tới lời cửa miệng. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng ngay cả khi thanh tra vào cuộc thật, không khéo lại phát hiện ra chính mình cũng là “nạn nhân” của việc chạy công chức.
Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi thẳng: Thanh tra bằng cách nào? Bạn có địa chỉ: nhatdo..@yahoo.com viết: “Thật tình là chẳng ai dám đứng ra giữa thanh thiên bạch nhật bảo rằng: Tôi đã chạy công chức mất… triệu đồng! Vì sao ư? Đơn giản: Đã mất tiền để chạy được chỗ làm ấy rồi, dại gì mà nói ra!”.
Theo 24h
Có bằng chứng vụ 100 triệu đỗ công chức
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Trần Trọng Dực cho biết, việc ông chỉ ra Trưởng phòng Nội vụ một số quận, huyện ở Hà Nội là đầu mối nhận hồ sơ, chạy việc thì "phải biết chứ không thể lờ mờ được".
Trao đổi với PV ngày 17/12, ông Trần Trọng Dực - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội - khẳng định có bằng chứng việc "100 triệu đồng đỗ công chức" ở Thủ đô.
Tiếp nhận thông tin Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo làm rõ sự việc "100 triệu đồng đỗ công chức", ông Dực cho biết, những phát biểu của ông tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội vừa qua xuất phát từ phản ánh của dư luận nhân dân.
Phát biểu tại HĐND TP Hà Nội ngày 7/12, ông Trần Trọng Dực cho biết phải mất 100 triệu đồng mới đỗ công chức
Người đứng đầu Uỷ ban Kiểm tra Thành uỷ Hà Nội cho hay ông hoàn toàn lường trước được những hậu quả khi phát biểu như vậy. Ngoài 2 người đang công tác tại Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong đã bị ông đề nghị kiểm điểm, kỷ luật vì tự ý lấy bài thi để chấm, một số Trưởng phòng Nội vụ quận, huyện cũng có thể sẽ phải đối diện với những vấn đề pháp lý nếu việc nhận hồ sơ và nhận tiền chạy "đỗ công chức" với giá không dưới 100 triệu bị phanh phui.
Ông Dực cho biết, trách nhiệm của UBND TP Hà Nội là chỉ đạo các sở ngành liên quan tiến hành thanh tra ngay việc chạy suất công chức để ngăn chặn việc làm bôi nhọ hình ảnh Thủ đô. "Đến thời điểm này tôi không phải chịu sức ép nào cả" - ông Dực thẳng thắn.
Trả lời câu hỏi về việc nếu Hà Nội tiến hành thanh tra theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì có sẵn sàng cung cấp hồ sơ, tài liệu, ông Dực cho biết khi đấy sẽ tính.
"Việc tôi chỉ ra Trưởng phòng Nội vụ một số quận, huyện là đầu mối nhận hồ sơ, chạy việc thì phải biết chứ không thể lờ mờ được" - ông Dực nói và cho biết đến giờ vẫn chưa phải chịu bất cứ một sức ép nào sau khi công bố thông tin gây rúng động dư luận cả nước.
Trước đó, tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội ngày 7/12, ông Trần Trọng Dực cho biết, cơ quan mình có khoảng 30% cán bộ làm việc tốt, 35% làm việc khá và trung bình, còn lại là giao việc không yên tâm. Điều này cho thấy khoảng 40% cán bộ đang hưởng lương Nhà nước không đáp ứng được công việc, nhưng không thể cho nghỉ vì động chạm đến quyền lợi của một bộ phận cán bộ.
Việc tuyển dụng biên chế công chức ở Thủ đô Hà Nội hiện cũng có rất nhiều bất hợp lý, như UBND quận Long Biên có 230 biên chế thì thanh tra chiếm 70. Tương tự, huyện Sóc Sơn có 274 biên chế thì có tới 121 thanh tra xây dựng. Ông Dực cũng nhận xét chất lượng thi công chức có nhiều vấn đề, bài thi của một số công chức không sai so với đáp án một dấu phẩy.
Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho biết, chất lượng cán bộ yếu kém là tồn tại lịch sử, việc nhận cán bộ vào làm việc đã được phân cấp cho quận, huyện, sở, ngành khác.
Theo 24h
Hà Nội điều tra xã hội học 5 Sở "nhạy cảm" Hà Nội sẽ mở đợt điều tra xã hội học về việc năng lực, thái độ, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức thuộc 5 Sở quan trọng liên quan nhiều đến dự án đầu tư, đến người dân và doanh nghiệp. Trao đổi với PV, ông Phạm Thanh Học, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội...