Tham nhũng “chìm” ở đâu?
Ngày 22-8, phiên trả lời chất vấn của Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh rất nóng với nhiều câu hỏi của các ĐBQH xung quanh công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng và hiệu quả hoạt động thanh tra đối với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.
Tôi không chịu bất cứ áp lực nào, không né tránh va chạm.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh
Mở đầu phiên chất vấn, ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) nêu vấn đề: “Vì sao chỉ có chưa đến 1% vụ việc vi phạm được thanh tra phát hiện chuyển cơ quan điều tra, còn lại đều xử lý hành chính, trong khi những vi phạm này có liên quan đến hàng nghìn hecta đất, hàng chục nghìn tỷ đồng?” Vị Phó Chủ nhiệm còn hỏi, trong quá trình thanh tra, có bao giờ phải “nắn dòng”, chuyển hướng kết luận thanh tra? Lật lại vụ việc tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) hỏi: “Tại sao không đề cập đến trách nhiệm của các bộ, ngành trong vụ Vinalines? Trong quá trình thanh tra, sao không thông tin cho các cơ quan liên quan, dẫn đến việc ông Dương Chí Dũng tiếp tục được bổ nhiệm?”.
Video đang HOT
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh khẳng định, Thanh tra Chính phủ (TTCP) và bản thân ông “luôn thực hiện công việc thanh tra theo đúng pháp luật, không chịu bất cứ áp lực nào, không né tránh va chạm”. “Chưa có sự can thiệp nào nhằm làm thay đổi kết luận thanh tra” – ông khẳng định. Trong thực tế, số vụ việc tham nhũng chuyển cơ quan điều tra ít có nguyên nhân chủ quan là năng lực phát hiện của cơ quan thanh tra còn hạn chế, trong quá trình thanh tra chưa phối hợp chặt chẽ với cơ quan tố tụng. Tổng TTCP phân trần: “Có trường hợp xin ý kiến cơ quan chức năng tới 2 tháng mà chưa được trả lời”.
Liên quan đến trách nhiệm của các bộ, ngành trong vụ Vinalines, Tổng TTCP cho biết, khi thực hiện thanh tra các tập đoàn, kết luận thanh tra thường chỉ nêu ra các đơn vị có liên quan và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý. Ông giải thích: “Ở vụ việc này, có 3 bộ, gồm Bộ GT-VT, Nội vụ và Tài chính có trách nhiệm xem xét lại các quy định về quản lý vốn và điều động, đề bạt cán bộ”.
Chưa hài lòng với thông tin được cung cấp, ĐB Lê Thị Nga chất vấn tiếp: “Tôi đề nghị Tổng TTCP xác định trách nhiệm của các bộ theo quy định của Luật Thanh tra chứ không phải theo thông lệ, thông thường!”. Tương tự, ĐB Lê Như Tiến cũng đứng lên: “Tổng TTCP cần làm rõ có hay không xu hướng hành chính hóa trong xử lý các vụ vi phạm pháp luật? Dư luận phản ánh, khi nhận được thông báo thanh tra, họ rất lo lắng. Bởi ngoài việc chuẩn bị báo cáo, còn phải lo “ứng xử” thế nào với thanh tra viên. Đây có phải nguyên nhân của hàng trăm cuộc thanh tra mà không phát hiện được gì hay không?”. ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) tiếp lời: “Tôi buồn vì phần báo cáo về phòng, chống tham nhũng chỉ có 2,5 trang và rất chung chung. Đây là việc hệ trọng, được nhân dân và cử tri rất quan tâm, nhưng chưa được báo cáo rõ ràng. Chung chung kiểu này thì không thấy tham nhũng ở đâu cả!”. ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cũng tỏ ra thất vọng vì “báo cáo kết quả thanh tra tập đoàn, tổng công ty nêu phát hiện sai phạm hàng chục nghìn tỷ đồng, hàng nghìn hecta đất, thế mà không có một từ nào về tham nhũng. Tham nhũng “chìm” ở đâu?”.
Một số ĐBQH cho rằng, ngành thanh tra ra quyết định thanh tra chậm chạp đã ảnh hưởng đến phòng, chống tham nhũng. Công nhận việc này xảy ra ở một số vụ việc, Tổng TTCP cho biết, để khắc phục, ngành ban hành quy chế để ra quyết định kịp thời. ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) băn khoăn, có lợi ích nhóm hay không, có bao che không khi mà lực lượng Thanh tra ngày càng được kiện toàn, nhưng số lượng vụ việc tham nhũng được phát hiện năm sau ít hơn năm trước. Tổng TTCP thừa nhận thời gian qua thực hiện kết luận thanh tra chưa tốt. Ông giãi bày: “Kiểm điểm lại trong khoảng thời gian 2007-2011, thanh tra nhiều vụ nhưng thực hiện kết luận thấp. Điều này là không tốt. Tới đây, phải rút kinh nghiệm làm sao kết luận khách quan, khoa học. Chúng tôi đang kiến nghị thành lập Vụ Theo dõi, giám sát kết luận thanh tra để xử lý vấn đề này”.
Chia sẻ với Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh về việc khó phát hiện hành vi tham nhũng, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ nhận định: Đặc thù tội phạm về tham nhũng là có trình độ, chức quyền cao và có kinh nghiệm để che giấu nên việc thanh tra thực sự khó khăn.
Qua thanh tra tại 7 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, TTCP đã phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi gần 3.930 tỷ đồng (đã thu hồi 2.137 tỷ đồng) kiến nghị loại khỏi giá trị quyết toán và kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý 29,8 nghìn tỷ đồng (đã xử lý 17.079 tỷ đồng) chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 3 vụ việc.
Theo VNE
Phát hiện tham nhũng, chuyển ngay sang cơ quan điều tra
Trước ý kiến về việc có dấu hiệu "hành chính hóa" các vụ tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết cơ quan thanh tra sẽ chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan điều tra nếu phát hiện vi phạm hình sự mà không chờ kết luận thanh tra.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh: VGP/Thành Chung
Đây là một giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng được Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh cho biết trong phiên chất vấn sáng 22/8 tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trước đó, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) đưa ra con số 464 vụ thanh tra được Thanh tra Chính phủ chuyển sang cơ quan điều tra (chiếm chưa tới 1% tổng số vụ thanh tra trong 5 năm qua), trong khi cơ quan thanh tra cũng thừa nhận thất thoát tài sản liên quan đến tham nhũng được phát hiện lên tới hàng nghìn ha đất, hàng chục nghìn tỉ đồng. Đại biểu đặt vấn đề "có xu hướng hành chính hóa các vụ tham nhũng hay không?".
Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, thời gian qua, công tác thanh tra ở một số nơi, lĩnh vực còn chưa được thực hiện nghiêm túc, chưa đi đến cuối cùng của vi phạm, nên việc phát hiện tham nhũng và đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc chưa nhiều là trách nhiệm của ngành.
Tiếp thu câu hỏi của đại biểu, Tổng Thanh tra cho biết cơ quan thanh tra sẽ tiếp tục xem xét và trong quá trình làm việc, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng, sẽ chuyển ngay sang cơ quan điều tra mà không cần chờ kết luận thanh tra. Năm 2012, Thanh tra Chính phủ đã chuyển 3 vụ thanh tra có dấu hiệu tham nhũng lớn sang cơ quan điều tra tiếp tục xử lý.
Trong phần trả lời bổ sung, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ cho biết nguyên nhân các vụ thanh tra chuyển sang điều tra ít là do tội phạm tham nhũng có kinh nghiệm che dấu hành vi phạm tội nên việc phát hiện không dễ dàng.
Những năm qua, Công an các địa phương đã nhận 8 vụ chuyển sang từ thanh tra địa phương. Thứ trưởng đề nghị, khi đã có dấu hiệu tội phạm thì thanh tra nên chuyển hồ sơ sớm để cơ quan Công an điều tra.
Kịp thời ra quyết định thanh tra
Một số đại biểu cho rằng ngành thanh tra ra quyết định thanh tra chậm chạp đã ảnh hưởng đến phòng, chống tham nhũng. Thừa nhận việc này xảy ra ở một số vụ việc, Tổng Thanh tra cho biết để khắc phục, ngành ban hành quy chế để ra quyết định kịp thời.
Tổng Thanh tra cũng chia sẻ, vấn đề chậm ra quyết định thanh tra là do ngành phải trao đổi ý kiến các cơ quan chuyên ngành vì nhiều lĩnh vực thanh tra không nắm hết được. Ông lấy ví dụ, "vừa qua, có bộ, ngành được chúng tôi xin ý kiến mà 2 tháng chưa trả lời" và kiến nghị nâng cao hơn trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương khi phối hợp tham gia với cơ quan thanh tra.
Bên cạnh việc "ra quyết định", việc thực hiện kết luận thanh tra cũng chưa tốt. Theo ông Huỳnh Phong Tranh, từ 2007- 2011, thanh tra nhiều việc nhưng tỷ lệ thực hiện kết luận sau thanh tra là dưới 40% về tiền và 20% về đất đai.
Theo Tổng Thanh tra, nguyên nhân là do chế tài xử lý việc không thực hiện kết luận thanh tra chưa mạnh, không có đơn vị theo dõi giám sát việc thực hiện kết luận.
Tổng Thanh tra đề nghị cần tăng chế tài và thành lập một Vụ Giám sát kết luận thanh tra để đôn đốc việc thực hiện.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, Luật Phòng, chống tham nhũng đang được sửa đổi theo ba hướng: Một là mở rộng đối tượng kê khai tài sản hai là công khai bản kê khai tài sản tại nơi công tác và cư trú ba là đối tượng kê khai phải giải trình lý do tăng thu nhập giữa hai kỳ kê khai.
Dự Luật sửa đổi này bao gồm 7 nội dung chính: Quy định trách nhiệm giải trình cán bộ, công chức trong đơn vị công tác quy định đối tượng kê khai quy định về bản kê khai tài sản thu nhập việc xử lý tài sản không được giải trình hợp lý biện pháp đình chỉ, chuyển công tác đối với người vi phạm trách nhiệm của Chính phủ và cơ quan nhà nước các cấp.
Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật này trong kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2012. Theo VNE
Kết luận điều tra vụ sập hầm thủy điện Nậm Pông Sau 2 ngày xảy ra vụ sập hầm thủy điện Nậm Pông làm 2 người chết, 5 người bị thương, sáng 21-8 công tác điều tra khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn đã cơ bản đã hoàn tất. Đường hầm thủy điện Nậm Pông đã hoạt động trở lại Sau khi khám nghiệm hiện trường và thu thập chứng cứ tại ngách...