Thâm nhập xứ sở rượu thuốc phiện
Ban đầu là ngâm để uống, sau đó thì dùng để cho và tặng nhau làm quà. Một đồn mười, mười lại đồn trăm, từ những lời đồn thổi thiếu căn cứ khoa học về tác dụng của rượu ngâm cây thuốc phiện… khiến khoảng 3 năm trở lại đây, loại rượu này rất được ưa chuộng trên thị trường.
Như ngọn lửa âm ỉ, vì lợi nhuận, vì thị hiếu của người tiêu dùng, các đối tượng vẫn lén lút hoạt động với thủ đoạn tinh vi hơn. Tại các quán ăn, nhà hàng, khách quen vẫn có thể dễ dàng mua được loại rượu này. Cuộc chiến chống tái trồng cây thuốc phiện vì thế còn vô cùng gian nan.
Tận mắt nơi “sản xuất”
Để tận mục sở thị, chúng tôi ngược núi tìm vào Nghĩa Lộ, Văn Chấn, địa bàn từng là xứ sở của rượu ngâm cây thuốc phiện. Dẫn đường cho tôi trong chuyến công tác này là một đồng nghiệp người Yên Bái, từng có nhiều năm lăn lộn ở mảnh đất phía Tây, từng là thủ phủ của cây thuốc phiện…
Vào tới Văn Chấn, khí hậu đã có sự thay đổi rõ rệt, không gian mát mẻ, tươi mới khác hoàn toàn với cái oi nồng, bức bối ở thành phố, anh bạn đi cùng tôi bật mý: “Văn Chấn là một trong những địa bàn có địa hình, khí hậu thích hợp cho cây thuốc phiện sinh sống và phát triển. Ở Yên Bái, ngoài Văn Chấn còn có các huyện như Trạm Tấu và Mù Căng Chải, dân trồng cây thuốc phiện chủ yếu là người Mông, sinh sống ở những vùng núi cao hiểm trở, dốc dựng đứng với những thung lũng hẹp. Dân bản thường đốt nương, làm rẫy trồng cây thuốc phiện… Cây thuốc đã gắn bó với tập quán canh tác và đời sống của đồng bào dân tộc Mông đến mức họ có câu: Ở đâu có tổng quả sùi (cây sống qua mùa đông) thì ở đó có người Mông, Giàng cũng thả cây thuốc phiện xuống mặt đất cho người Mông”…
Hà Văn Chơ và Sùng A Cha cùng tang vật bị bắt giữ tại cơ quan điều tra Công an tỉnh Yên Bái.
Mải vui câu chuyện, chúng tôi tấp vào một quán nhà sàn ven đường lúc nào không hay, theo lời giới thiệu của cậu bạn tôi thì đây là quán ăn khá nổi tiếng trong vùng. Chừng giữa trưa, quán đã khá đông khách, những món ăn mang đậm phong vị của người Thái được bày biện thơm lừng, mang đậm bản sắc dân tộc như món thịt nướng, món xôi bảy màu, dế và bọ xít rang…
Khi bàn tiệc được sắp xếp thịnh soạn, anh bạn tôi ghé tai một nhân viên phục vụ, ngỏ ý muốn thưởng thức một chút rượu 138. Ban đầu, nhân viên chối bay rằng nhà hàng chẳng có một bình rượu nào vì dạo này Công an làm gắt. Nếu bị phát hiện không chừng sẽ bị bóc lịch… Anh bạn tôi nài nỉ, giọng tha thiết: “Anh có cô bạn ở Hà Nội lên chơi muốn thưởng thức chút phong vị núi rừng. Chú em giúp anh, anh sẽ trả công xứng đáng. Kiếm cho anh cái bình chất một chút, quả chưa khứa nhựa”.
Theo lời của anh bạn tôi thì công nghệ sản xuất rượu 138 (rượu ngâm cây thuốc phiện) trên thị trường hiện nay khá đơn giản. Thân cây thuốc phiện rửa sạch, một phần được đun lên để lấy màu, phần còn lại dùng để ngâm rượu vì thế trong các bình rượu này tỷ lệ thuốc phiện có hàm lượng rất thấp… các quả thuốc phiện chỉ được điểm vào cho đẹp mắt, sau đó đóng thành bình bán cho khách có nhu cầu. Hằng năm, vụ cây thuốc phiện thường từ tháng 10 đến đầu năm sau.
Vào thời điểm đầu năm 2012, một cân thuốc phiện tươi trên thị trường có giá khoảng 800 nghìn đồng/kg gồm thân, rễ, quả. Một kg thuốc phiện thường ngâm được 3 bình rượu nếu bán ra thị trường có giá 1,3 triệu đồng/ bình loại 5 lít. Đấy là còn mua được tại gốc chứ nếu mang ra đến TP Yên Bái hoặc về xuôi thì giá thành có thể lên tới gấp đôi, gấp ba… Vài ba cây thuốc phiện gập 3, gập 4 vào thì có thể kiếm được vài trăm nghìn đồng. Siêu lợi nhuận khiến các đối tượng không từ thủ đoạn nào để phạm pháp.
Video đang HOT
Câu chuyện của chúng tôi chợt bị ngắt khi một bình rượu chừng 2 lít cũng được nhân viên của nhà hàng đưa ra… và cái giá mà chúng tôi phải trả cũng không mềm chút nào, 1,3 triệu đồng/bình rượu. Cậu nhân viên lúc này cười xòa hóm hỉnh: Anh chị uống vào, biết ngay tác dụng. Rồi anh ta khoa môi, múa mép về tác dụng của loại rượu này như một loại thuốc đại bổ với các loại công dụng như sâm nhung làm bổ âm, bổ dương, tốt cho đường tiêu hóa…
Có cầu, ắt có cung
Số liệu thống kê của Công an huyện Văn Chấn (Yên Bái) cho biết, những tháng đầu năm 2012, Công an huyện đã phát hiện và bắt giữ 16 vụ, 20 đối tượng có liên quan đến việc mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy; trong đó có 3 vụ trồng cây thuốc phiện… So với những tháng đầu năm 2011 tăng 8 vụ bằng 12 đối tượng. Thực tế hiện nay cho thấy, không chỉ những người thiếu hiểu biết mới tham gia phạm tội, có trường hợp là cán bộ y tế xã cũng vì đồng tiền mà lóa mắt, tái phạm rất nhiều lần.
Phụng Thị Quyện, công tác tại Trạm y tế xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu là một trường hợp như thế. Trước đó, vào khoảng giữa năm 2011, Quyện đã bị bắt giữ về hành vi mua bán trái phép thân cây, quả thuốc phiện. Song hình thức xử lý đó cũng không làm Quyện lo sợ, Quyện vẫn lén lút mua bán thân, rễ, cây, quả cây thuốc phiện ngâm rượu, bán lại cho những người tiêu dùng có nhu cầu. Vào thời điểm bị lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy bắt quả tang (ngày 26/3), trong nhà đối tượng này có 13kg quả thuốc phiện, 34 thân, rễ cây thuốc phiện và 8 bình rượu ngâm thân cây. Vì lợi nhuận các đối tượng không từ thủ đoạn nào để hoạt động.
Trước đó, Công an huyện Văn Chấn cũng phục bắt quả tang hai đối tượng là Hà Văn Chơ (trú tại huyện Văn Chấn) và Sùng A Cha (40 tuổi, trú tại huyện Trạm Tấu, Yên Bái) khi đang vận chuyển 10,5kg quả thuốc phiện; 28kg thân, rễ cây thuốc phiện và 2 bình nhựa bên trong chứa 10 lít rượu ngâm thân, rễ và quả thuốc phiện tươi.
Theo quy định của pháp luật thì các đối tượng vận chuyển từ 5kg quả khô thuốc phiện trở lên sẽ bị khởi tố hình sự, trong trường hợp cơ quan Công an chứng minh được họ có mục đích mua bán. Điều đó có nghĩa là các trường hợp vận chuyển thân, rễ, lá thì chỉ xử phạt được hành chính.
Trường hợp phát hiện có rượu ngâm thân, rễ, lá và quả thuốc phiện thì chỉ xử lý được là rượu không có tem, dán nhãn và chuyển quản lý thị trường xử phạt hành chính. Chế tài xử lý chưa đủ mạnh, trong khi khoản lợi nhuận kiếm được từ việc sản xuất rượu ngâm các sản phẩm của cây thuốc phiện lại quá lớn nên việc sản xuất và mua bán loại rượu này vẫn diễn ra một cách âm ỷ. Điều đó, vô hình trung đã thúc đẩy cho việc tái trồng cây thuốc phiện.
Một cán bộ y tế cho biết: Rượu là chất kích thích, có quả cây thuốc phiện tức là có hàm lượng morphin… vì thế một số người sẽ lập luận rằng đó là một loại thuốc chữa bệnh. Bởi nhựa cô đặc từ quả anh túc hay còn gọi là quả thuốc phiện vẫn được dùng như một biệt dược để giảm đau, chữa bệnh đau bụng và để kích thích tiêu hóa. Song trên thực tế, trong y học việc sử dụng cũng phải theo chỉ định của bác sỹ, nếu quá liều sẽ vô tình gây tác hại. Rượu ngâm rễ, thân, lá cây anh túc, không có tác dụng gì vì hàm lượng chất gây nghiện tuy có tất cả ở thân, lá và rễ nhưng rất thấp. Vì thế, nếu có ngâm rượu thì cũng không thể có tác dụng chữa bệnh như những lời đồn thổi. Nếu sử dụng liên tục trong một thời gian dài, rượu ngâm các sản phẩm của cây thuốc phiện như rễ, quả, thân cây sẽ làm cho người sử dụng bị tê liệt thần kinh. Nhiều người trong số đó có thể bị giảm trí nhớ đó là còn chưa kể đến việc lạm dụng rượu sẽ có thể gây ảnh hưởng đến gan, thận và một số cơ quan nội tạng khác. Khi lạm dụng loại rượu này sẽ bị rối loạn về tiêu hóa, thậm chí có thể suy giảm về nhân cách.
Theo CAND
Thâm nhập nơi tài nguyên quốc gia bị ăn cắp trắng trợn
Tiến sâu vào con đường đất đỏ, trước mắt chúng tôi là mỏ quặng sắt không phép trải rộng trên diện tích hàng chục nghìn mét vuông bị san phẳng, ở giữa là những núi quặng cao đến 5, 6m được chia ra theo khu vực.
Ăn cắp tài nguyên quốc gia một cách trắng trợn
Qua nguồn thông tin phản ánh qua đường dây nóng 0985.57.88.55 về việc khai thác quặng trái phép ở khu vực Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn, từ thị xã Bắc Kạn, dọc theo tỉnh lộ 254 chừng 70km hướng Định Hóa - Thái Nguyên, men theo con đường đất đỏ sâu hun hút, chúng tôi đã có mặt tại khu vực đèo Kéo Lếch để "mục sở thị" địa bàn của "quặng tặc".
Được sự dẫn đường của anh T. một người dân sinh sống gần khu vực phát hiện "quặng tặc", chúng tôi đi bộ theo con đường đất đỏ in hằn những vết xe tải trọng tải lớn. Theo anh T, ở khu vực này xe tải chạy rầm rập suốt ngày đêm, máy ủi, máy xúc gầm rú đào bới phá tan sự yên tĩnh của núi rừng.
Đi được khoảng 15 phút, trước mắt chúng tôi là mỏ quặng sắt không phép trải rộng trên diện tích hàng chục nghìn mét vuông bị san phẳng, ở giữa là những núi quặng cao đến 5, 6m được chia ra theo khu vực. Một khu là quặng vụn có hàm lượng cao, một khu là quặng dạng cục, có những khối quặng đặc to bằng chiếc xe tải cỡ nhỏ, nặng hàng tấn.
Tiến sâu hơn vào phía trong là khu vực vừa khai thác. Một vách núi bị phạt xuống, còn lằn nguyên vết gàu của máy xúc. Phía dưới là những hố sâu hoắm, rộng hàng chục mét. Những dấu tích này cho thấy đã có một quá trình khai thác quy mô với nhiều máy móc cỡ lớn.
Bãi khai thác quặng trái phép ở khu vực đèo Kéo Lếch
Khi chúng tôi hỏi vì sao mỏ quặng lớn này lại bỗng nhiên "im hơi lặng tiếng" không có bóng dáng của công nhân, anh T. cho hay: "Sau khi bị thanh tra hồi đầu tháng 7/2012, mỏ quặng đã dừng hoạt động. Tuy nhiên với những gì sót lại gồm lán trại kiên cố rộng hàng trăm mét, có thể nhận thấy ở nơi đây đã từng tồn tại hàng trăm nhân lực cùng phương tiện cơ giới hoạt động liên tục để ăn cắp trắng trợn tài nguyên Quốc gia".
Mượn danh nghĩa trồng rừng để khai thác quặng trái phép
Qua nhiều nguồn thông tin và những tư liệu chúng tôi thu thập, được biết Nguyễn Tiến Oanh, một đại gia nổi đình nổi đám ở khu vực Chợ Đồn đã ký kết hợp đồng thuê lại 72.575 m2 đất rừng của ông Nông Văn Sính với mục đích để san lấp mặt bằng làm dự án 147.
Những mảnh quặng vương vãi trên bãi khai thác của "quặng tặc"
Hợp đồng có thời hạn 50 năm và được đích thân ông Ma Đình Oanh - chủ tịch UBND xã Lương Bằng đóng dấu xác nhận. Vì diện tích đất thuê là rất rộng lớn, nằm trên địa bàn cả hai xã Nghĩa Tá và Lương Bằng, nên chỉ cần lãnh đạo 1 xã xác nhận là giấy tờ trên hợp pháp. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà UBND xã Lương Bằng lại dễ dàng xác nhận hợp đồng cho thuê một diện tích rộng lớn được soạn thảo sơ sài và thiếu nhiều chi tiết quan trọng.
Kể từ đó, không biết bao nhiêu người, xe, máy xúc ùn ùn kéo đến dựng lán trại rồi ngày đêm khai thác trên mảnh đất được ngụy trang dưới mục đích cao cả: "là trồng cây, phủ xanh đất rừng".
Điều đáng nói, vụ ăn cắp tài nguyên quốc gia một cách trắng trợn suốt hơn một năm qua mà UBND xã Lương Bằng vẫn không hề hay biết. Chỉ duy nhất một lần, UBND xã Nghĩa Tá có lập biên bản kiểm tra hiện trường trên một tờ giấy viết tay vào tháng 7/2011 nhưng không hiểu sao cũng lại quên báo cáo lên cấp cao hơn.
Liên quan đến việc "quặng tặc" tung hoành ở Chợ Đồn, trao đổi với PV, Đại tá Ma Văn Lả, giám đốc công an tỉnh Bắc Kạn nêu rõ quan điểm: "Ngay khi tiếp nhận thông tin, chúng tôi đã vào cuộc chỉ đạo phòng cảnh sát kinh tế công an huyện Chợ Đồn (PC 46) khẩn trương điều tra làm rõ sự việc".
Ông Hoàng Văn Mão bày tỏ quan điểm sẽ điều tra xử lý quyết liệt những người có liên quan trong vụ việc.
Trong một diễn biến khác, sau khi chúng tôi đưa ra những chứng cứ không thể chối cãi về việc ăn cắp tài nguyên quốc gia, ông Hoàng Văn Mão - chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) cho biết: "UBND huyện đã tiến hành làm kiểm điểm đối với tập thể, cán bộ và cá nhân thuộc diện quản lý, gồm: Chủ tịch và phó chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn; chủ tịch và các trưởng, phó trưởng công an 2 xã Nghĩa Tá và Lương Bằng; các cán bộ công an huyện Chợ Đồn phụ trách địa bàn 2 xã trên và các cán bộ phòng tài nguyên và môi trường".
Kinh Vân
Theo Infonet.vn
Clip: Thâm nhập vào 'hang ổ' gái mại dâm ở Sầm Sơn Để tìm hiểu rõ về hoạt động mại dâm ở Sầm Sơn, PV báo GDVN đã có cuộc khảo sát, thâm nhập vào những động "sung sướng" tại phố biền Sầm Sơn này. Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải đoạn clip về "cò" mại dâm ở biển Sầm Sơn vào ngày 24/7. Trước những lời mời chào của...