Thâm nhập thế giới đêm Đà thành (kỳ cuối): Quá dễ để lách luật “múa cột” trước mắt cơ quan chức năng?
Hoạt động múa cột trong Nghị định không nói cấm mà cũng chẳng nói cho phép. Nếu xử lý thì cũng chỉ xử lý ở mức độ ăn mặc không đúng thuần phong mỹ tục.
Nếu dùng khái niệm vũ trường thì tại Đà Nẵng hiện chỉ còn duy nhất New Phương Đông. Nghĩa là chỉ trên một vài tiêu chí cơ bản về quy mô, chứ thực tình nếu đem soi với những quy định khắt khe thì toàn thành phố không có một vũ trường nào. Nhưng na ná vũ trường thì rất nhiều. Chính cái na ná này đã khiến cơ quan chức năng không có chế tài để xử lý các vi phạm.
Thử lấy một vài điều kiện để kinh doanh vũ trường theo Nghị định của Chính phủ như: diện tích sàn tối thiểu phải 80m2, người dưới 18 tuổi không được vào, nằm tách biệt với khu dân cư, cách âm tốt… thì không có một tụ điểm ăn chơi nào mà nhiều người vẫn gọi là “vũ trường” đạt tiêu chuẩn. Chính vì những ràng buộc ngặt nghèo xuất phát từ chủ trương “không cấm nhưng không khuyến khích” này mà những người đầu tư đã dùng một khái niệm rất vô chừng là “bar”. Từ này ở nước ngoài đã phổ biến, nhưng ở Việt Nam thì nó chưa có định nghĩa cụ thể, chưa trở thành đối tượng điều chỉnh của luật, chưa nằm trong diện quản lý của các ngành liên quan. Và đây là kẽ hở để sinh ra nhiều biến tướng, vì núp dưới vỏ bọc của “bar”, nhiều nơi có đủ các trò của một vũ trường nhưng nộp thuế ít hơn, đầu tư ít hơn mà chế tài cũng không khắt khe, nếu không nói là bỏ trống.
Múa cột đã phổ biến tại các quán bar, vũ trường trong khi không có chế tài xử lý. Ảnh: C.K
Ông Lưu Văn Học – Phó Chánh thanh tra Sở VH-TT&DL TP Đà Nẵng cho biết, những tụ điểm mà họ tự nhận là bar ấy do Sở KH&ĐT cấp giấy phép đăng ký kinh doanh. Sở VH-TT&DL có một chức năng rất nhỏ trong này là cấp phép biểu diễn các chương trình nghệ thuật, kiểm tra danh mục các bài hát biểu diễn. Chế tài để xử lý các vi phạm bên lĩnh vực văn hóa đối với các tụ điểm này cũng còn gặp rất nhiều lúng túng. Cũng theo đại diện thanh tra Sở thì hoạt động múa cột trong Nghị định cũng không nói cấm mà cũng chẳng nói cho phép. Nếu xử lý thì Sở cũng chỉ xử lý ở mức độ ăn mặc không đúng thuần phong mỹ tục.
Trong số các tụ điểm ăn chơi ở Đà Nẵng, ông Học cho hay F.T.V là điểm đã bị cơ quan liên ngành xử phạt nhiều lần vì hoạt động quá giờ cho phép và nhắc nhở về cách ăn mặc của nhân viên múa cột. Còn S.V.T. thì từng bị xử phạt vì nhiều thành viên của ban nhạc người nước ngoài (Philippines) xin nhập cảnh vào TPHCM nhưng lại biểu diễn ở Đà Nẵng trong khi Visa đã quá hạn.
Ngoài ra, cách đây mấy tháng, tụ điểm Sao MTV cũng bị xử lý vì tiếng ồn quá mức cho phép, người dân sống xung quanh làm đơn kiến nghị liên tục. Theo quy định, nếu không phải là vũ trường thì không được tổ chức khiêu vũ, vậy nhưng quy định này đã bị xé rào ở một số tụ điểm ăn chơi có tiếng. Còn hành vi múa lửa của những người pha chế rượu, theo ngành Văn hóa thì rõ ràng là có nguy cơ cháy nổ rất nguy hiểm, nhưng nếu kiểm tra và xử lý thì chắc chắn lại thuộc về CSPCCC.
Video đang HOT
Các quán bar đã xé rào với màn múa lửa của nhân viên pha chế rượu. Ảnh: C.K
Còn theo ông Trần Văn Thôi – chuyên viên Phòng Nghiệp vụ văn hóa (Sở VH-TT&DL) thì hình thức hoạt động của các bar và vũ trường ở Đà Nẵng gần như giống nhau, nhưng bar lại không có chế tài xử lý trong khi vũ trường thì có quy định rất rõ. Các bar thì đăng ký kinh doanh tại Sở KH&ĐT nhưng gần như các mã ngành đều thuộc diện kinh doanh không điều kiện nên khó mà có cơ sở để kiểm tra, xử lý.
Hỏi về việc các nhân viên múa cột thường ăn mặc rất hở hang, sử dụng nhiều động tác kích động, kích dục, ông Thôi cũng thẳng thắn trao đổi: “Đây rõ ràng không phải là hoạt động khiêu vũ cũng chẳng phải một vở kịch múa nào. Nhưng trong tất cả các văn bản liên quan cũng không có văn bản nào nói đến múa cột cả. Vì thế cũng chẳng có căn cứ nào mà xử lý”.
Qua trao đổi với các đơn vị chức năng, các ý kiến đều cho rằng, nếu có chế tài cụ thể thì việc xử lý các sai phạm của những tụ điểm ăn chơi mà gần đây nhiều người gọi là bar thực sự không khó. Nhưng, nếu không có quy định cho loại hình này, không có căn cứ xử lý thì sẽ rất rối. Hành vi biến tướng lập lờ với rất nhiều hoạt động không được cho phép mấu chốt bắt nguồn từ những quy định ngặt nghèo về điều kiện kinh doanh vũ trường của Chính phủ cũng như lách thuế của các nhà kinh doanh. Theo thông tin mà chúng tôi có được thì ngành Văn hóa đang tham mưu cho UBND TP Đà Nẵng ra những quy định để quản lý, xử lý chặt chẽ các tụ điểm ăn chơi biến tướng này.
Các cơ quan quản lý nhìn nhận rằng, ở một thành phố lớn như Đà Nẵng, xuất hiện các quán bar, vũ trường cũng là một nhu cầu tất yếu về mặt tinh thần. Nếu hoạt động theo quy định, trong khuôn khổ pháp luật cho phép thì đây sẽ là nơi phục vụ nhu cầu của người dân địa phương, khách du lịch các nơi lưu trú tại Đà Nẵng và cả người nước ngoài nữa.
Theo chúng tôi, ở khía cạnh tích cực thì điều này đúng. Tuy vậy, hình thức kinh doanh này bao giờ cũng có mặt trái, và xử lý được điều này thì không phải là đơn giản. Đi liền với vũ trường, với bar là việc sử dụng ma túy, là mại dâm cao cấp, là giang hồ, bảo kê, ô nhiễm tiếng ồn cùng nhiều hành vi vi phạm pháp luật và các tệ nạn xã hội khác nữa. Ta không thể cấm người khác đi chơi ở vũ trường, ở quán bar, nhưng nếu làm tốt công tác quản lý thì sẽ biết được họ đến đó để chơi gì. Loạt phóng sự của chúng tôi sau chuyến xâm nhập các vũ trường, quán bar cũng chỉ mong nói lên điều đó.
Theo ANTD
Thâm nhập thế giới đêm Đà thành (7): Sa đoạ những cuộc vui thâu đêm ở vũ trường, quán bar
Trong cuộc vui bất tận thâu đêm suốt sáng ở quán bar, vũ trường, các vũ nữ chịu khá nhiều áp lực. Trong môi trường đầy rẫy cám dỗ, không ít trường hợp sa ngã, khi tỉnh ngộ, nhìn lại mình thì đã quá muộn...
Mỗi khi có khách vào, đội ngũ này sẽ sà tới và thăm dò nhu cầu. Ảnh: C.K
Thực tế hầu hết ở các vũ trường, quán bar tại Đà Nẵng, theo quan sát của chúng tôi, nơi nào cũng có các em xinh đẹp, dáng "chuẩn không cần chỉnh", "mặc hở không thể tả" phục vụ khách.
Ở vũ trường, số này được chia làm 3 dạng: múa cột, phục vụ bàn và hoạt náo viên. Tất cả phải tuân thủ theo tiêu chuẩn: trẻ đẹp, biết khiêu vũ và sẵn sàng làm vừa lòng khách. Vất vả nhất là những nhân viên múa cột, trong trang phục hai mảnh, số này phải liên tục lắc lư, tạo dáng theo tiếng nhạc đinh tai nhức óc trước hàng trăm cặp mắt có lúc như điên dại của dân chơi. Tầm 30 phút đổi phiên một lần, cứ như thế múa cho đến khi vũ trường đóng cửa. Số làm nhiệm vụ hoạt náo viên khoảng 10 em, mặc váy cực ngắn, bố trí đứng trên bục cao, liên tục lắc lư theo nhạc. Để tăng thêm phần hưng phấn, thỉnh thoảng các em chơi trò oẳn tù tì, ai thua thì phải uống rượu. Dưới bàn của thực khách, nhân viên phục vụ trong phục trang tươi mát, để lộ những phần khêu gợi nhất, sẵn sàng cụng ly tới bến.
Đó là vũ trường, còn quán bar thì không có hoạt náo viên, nhiều nơi "xé rào" phục vụ múa cột, riêng nữ nhân viên phục vụ bàn thì nơi nào cũng có. Sau mỗi một lần thâm nhập thực tế, bị "khủng bố" bởi tiếng nhạc đinh tai nhức óc, ngày đó chúng tôi không tài nào ngủ được, nhưng đối với vũ nữ thì đêm nào cũng "cháy hết mình". Tiếp xúc với một số người từng làm việc ở vũ trường, quán bar mới hay, hầu hết ông chủ chỉ trả lương rất thấp, khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Muốn có thêm thu nhập, các vũ nữ cố gắng phục vụ khách chu đáo để hưởng tiền boa, có trường hợp chấp nhận qua đêm với khách. Hầu hết các tụ điểm ăn chơi quy định rõ, nếu nhân viên nào phạm lỗi giành khách dẫn đến xô xát, đánh nhau thì bị xử phạt trừ lương. Và đến khi qua thời xuân sắc, không còn được khách ưa chuộng nữa thì "phải biết mình là ai", từ từ trở thành hàng dạt rẻ tiền.
Một cô gái tranh thủ ra khu vực vệ sinh để "bắt liên lạc" với dân chơi. Ảnh: C.K
Ở môi trường đầy rẫy cám dỗ, không phải ai cũng giữ được mình. Nhiều trường hợp sa vào ma túy, kết cục thân tàn ma dại. Tăng Thị Mộng Q. (28 tuổi, trú P.21, Q. Bình Thạnh, TPHCM) có khuôn mặt trái xoan, mũi dọc dừa, dáng cao ráo, chất giọng miền Nam nhẹ nhàng quyến rũ. Nhưng sau thời gian được sủng ái ở chốn ăn chơi với tấm thân gợi cảm của mình, giờ cô đã trở thành "phế phẩm", nghiện ma túy mức độ khá nặng, mỗi ngày phải "chơi" 2 cữ heroin mới đủ đô. Hỏi sao "chơi" ma túy, Q. bảo ban đầu muốn quên hết sự đời, lỡ thử một lần rồi không thể dứt ra được.
Cha mẹ mất sớm, từ nhỏ Q. đã phải lăn lộn mưu sinh nên ít học. Năm lên tuổi 18, Q. lấy chồng nhưng cuộc sống hôn nhân nhanh chóng tan vỡ. Khi 2 đứa con (1 trai, 1 gái) chào đời, chồng Q. bỏ cô theo nhân tình, chán đời, Q. gửi con nhờ anh chị ruột nuôi và bắt đầu cuộc mưu sinh kiếm tiền bất chính. Vốn có nhan sắc thiên phú, Q. lân la chốn vũ trường làm gái nhảy, gái bao, hằng đêm kiếm tiền boa của khách làng chơi. Năm 2009, Q. theo bạn ra TP Đà Nẵng hành nghề phục vụ bàn ở các quán bar, vũ trường. Ban đầu tiền kiếm được cũng khá, ngoài son phấn, áo quần, Q. như con thiêu thân nướng vào những cuộc vui bất tận. Dần dà, nhan sắc xuống cấp, các sàn nhảy không còn mặn mòi, Q. chuyển sang hành nghề cho vay nóng kiếm lời.
Thân cô thế cô, số tiền vài chục triệu cho chúng bạn vay mượn dần bị quỵt. Giữa lúc khốn khó, tiền hết, không chốn dung thân, Q. tình cờ quen biết với vợ chồng Nguyễn Đức Cường (1977, trú P. Thanh Bình, Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng), thuê phòng trọ lưu trú tại tổ 34, P. Hòa An (Q. Cẩm Lệ) hành nghề buôn bán trái phép chất ma túy. Q. tìm đến Cường để được động viên, chia sẻ và bắt đầu sa chân vào ma túy. Có tiền thì hít nhiều, không tiền Cường chiêu đãi miễn phí. Lặn ngụp trong đam mê ảo giác, thân xác Q. ngày càng tàn tạ. Ngày vợ Cường mất vì bạo bệnh, Q. thường xuyên lui tới phòng trọ cha con Cường để được thỏa mãn thú tiêu khiển chết người. Bản thân Cường là con nghiện nặng, để có tiền nuôi 2 con nhỏ, Cường thuê phòng trọ ở riêng, ra Nghệ An mua heroin mang vào TP Đà Nẵng phân thành nhiều tép nhỏ bán kiếm lời và sử dụng. Hành vi của Cường sau đó bị Đội CSĐTTPVMT CAQ Cẩm Lệ phát hiện, theo dõi và bắt quả tang. Cường bị truy tố về tội buôn bán trái phép chất ma túy, còn Q. khăn gói lên Trung tâm Giáo dục và Dạy nghề 05-06 TP Đà Nẵng cai nghiện tập trung.
Cùng cảnh ngộ, L.T.N (1983, quê Cà Mau) là nạn nhân đau xót nhất của chốn ăn chơi Đà thành. N. thuộc diện có nhan sắc mặn mòi, vòng nào ra vòng đó đến nỗi chỉ những tay chơi có số má mới được cô ngó ngàng. Nhưng cái câu "hồng nhan bạc phận" vận vào N. quả chẳng sai, bởi cuộc đời cô là chuỗi ngày buồn bất tận. Vốn có trình độ (N. thông thạo cả Anh lẫn Trung ngữ), thuở nhuận sắc, ai cũng thầm ghen với hạnh phúc của N. khi lấy được chồng là kỹ sư ngành Dầu khí và sinh 2 con kháu khỉnh. Nhưng hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, chồng N. nghiện cờ bạc kèm theo thói vũ phu nên sau đó cả hai quyết định ly hôn. Gia đình khó khăn, N. chấp nhận để 2 con nhỏ theo đằng nội, rời quê ra Đà Nẵng lập nghiệp. Giữa chốn xô bồ phố thị, cô sa vào vòng xoáy ăn chơi bất tận.
N. kể rằng, ban đầu phục vụ quán karaoke trên đường 2-9, sau đó quen biết và sống như vợ chồng với một tay quản lý tụ điểm ăn chơi. Thời gian này, N. chuyển sang nhân viên phục vụ bàn ở chốn xa hoa, đẳng cấp nên kiếm được rất nhiều tiền gửi về quê giúp bố mẹ và mua sắm vật dụng đắt tiền như xe máy, tivi, tủ lạnh... N. cứ đinh ninh rằng, hạnh phúc đã mỉm cười với mình, song cái tổ ấm bé nhỏ ấy chỉ là ảo ảnh. Sau lần về quê dự đám cưới em gái, khi quay ra lại Đà Nẵng, gã nhân tình hờ chiếm đoạt sạch tài sản của N. rồi quất ngựa truy phong.
Trắng tay giữa chốn Đà thành, N. cất công tìm kiếm kẻ bạc tình nhưng bất thành. Thất thểu quay ra Bến xe Đà Nẵng hồi hương nhưng trong túi chỉ còn đúng 300.000 đồng, không đủ tiền mua vé, N. mang chiếc ĐTDĐ - tài sản cuối cùng còn lại sau bao đêm "bán nhan sắc" ở chốn ăn chơi bán được 500.000 đồng. Biết hoàn cảnh của N., một đối tượng giang hồ cộm cán ở khu vực Bến xe Đà Nẵng ra tay tương trợ. Y khuyên N. ở lại Đà Nẵng làm ăn, khi nào có tiền bạc rồi hẵng về quê. Nghĩ đến cảnh cha già đau ốm, N. nhắm mắt đưa chân, thuê nhà chung sống như vợ chồng với ân nhân.
Giỏi ngoại ngữ, N. xin một chân nhân viên tại điểm vui chơi có thưởng ở Đà Nẵng, hằng đêm nhận được rất nhiều tiền boa của khách ngoại quốc. Tuy kiếm được nhiều tiền nhưng gã nhân tình hay ghen bóng ghen gió, không cho N. đi làm nữa. Sau gần 3 năm góp gạo thổi chung, sức khỏe của N. ngày càng giảm sút bởi căn bệnh hở van tim. Lúc nhan sắc phai nhạt, thể xác rã rời, N. lại gặp biến cố. Gã chồng hờ của N. bị CAQ Cẩm Lệ bắt tạm giam về hành vi "Bắt giữ người trái pháp luật và cướp tài sản", thế là bao nhiêu dự định, ấp ủ về một tương lai mới lại tiếp tục vỡ tan như bong bóng xà phòng.
Chuyện của Q. và N. là hai trong rất nhiều câu chuyện có kết thúc buồn của các chân dài hành nghề mua vui cho những kẻ lắm tiền ở chốn đèn màu, nhạc mạnh. Với họ, thời nhan sắc thì đi bán vốn tự có, đến khi quá đát thì gặm nhấm sự tủi nhục một mình.
Theo ANTD
Thâm nhập thế giới đêm Đà thành (6): Nghịch cảnh ở các tụ điểm ăn chơi "nhầy nhụa" Ngoài việc phải chịu được nhạc mạnh, đủ mùi các loại thuốc và "gắn bó" với khu vực nhà vệ sinh, họ nhiều lúc phải nhẫn nhục một cách khác thường... Như chúng tôi đã nói ở các kỳ báo trước, trong thế giới xa hoa, thác loạn của các tụ điểm ăn chơi, có người đầu đã bạc, da đã sạm màu...