Thăm nhà máy in tiền đầu tiên của Việt Nam
Trong những năm đầu độc lập, đất nước ta gặp muôn vàn khó khăn về tài chính, ngân khố Quốc gia gần như là con số 0. Chính từ nhà máy in tiền ở Chi Nê – Hòa Bình, “tờ bạc tài chính cụ Hồ” đã ra đời, vực dậy nền tài chính non yếu…
Nhà máy in tiền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Tháng 9/1945, đất nước ta vừa mới giành được độc lập, gặp muôn vàn khó khăn. Trong đó kinh tế tài chính đặc biệt khó khăn do chưa phát hành được tiền tệ độc lập. Trong lúc đó, quân Tưởng ở miền Bắc đã tung tiền “quan kim” để cạnh tranh với đồng tiền Đông Dương của thực dân Pháp và phá hoại nền kinh tế của ta.
Khu di tích lịch sử cách mạng nhà máy in tiền đầu tiên của Việt Nam.
Bước đầu, để khắc phục những tình trạng khó khăn trên, chủ trương của chính quyền cách mạng đã kêu gọi nhân dân tích cực sản xuất và ủng hộ cho “Quỹ Độc lập”, “Tuần lễ vàng”… Nhưng đấy chỉ là giải pháp ban đầu, việc cấp thiết nhất được đặt ra là tổ chức in và phát hành giấy bạc Tài chính Việt Nam mới là chủ trương lớn, có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp kháng chiến cứu nước.
Tháng 10/1945, đồng chí Phạm Văn Đồng – Bộ trưởng Bộ Tài chính được Trung ương chỉ đạo, điều hành toàn bộ việc chuẩn bị về việc in và phát hành đồng tiền mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Trước cách mạng tháng Tám 1945, cả Đông Dương chỉ có 2 nhà máy in lớn là Nhà in Viễn Đông và Nhà in Tô panh. Vào thời điểm bấy giờ, cả hai nhà máy in này lại đều do quân Tưởng và Pháp chiếm đóng.
Đang trong lúc khó khăn về mọi mặt, từ địa điểm, cơ sở vật chất để xây dựng được nơi sản xuất, in ấn và phát hành đồng tiền mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chính quyền Cách mạng nhận được sự giúp đỡ từ ông Đỗ Đình Thiện (SN 1904 – mất năm 1972).
Đồng tiền “tờ bạc trâu xanh” ra đời tại nhà máy in tiền đồn điền Chi Nê.
Ông Thiện vốn là một nhà tư sản Việt Nam yêu nước, đã đứng tên và bỏ tiền túi ra mua lại Nhà in Tô panh (sau này là cửa hàng Bách hoá số 5 đường Nam Bộ – ngày này thuộc đường Lê Duẩn – Hà Nội) của thực dân Pháp. Sau đó, ông đã hiến cho Chính phủ để lập nhà in tiền. Để tránh bị lộ nhà in tiền, chính quyền Cách mạng đã để nhà in mang tên là Việt Nam Quốc gia ấn thư cục.
Sau thời gian in ấn, đến ngày 3/2/1946, đồng tiền Việt Nam được in tại nhà in Tô panh được tung ra khắp các tỉnh miền Nam Trung Bộ. Đó là những đồng tiền đầu tiên của ta đại diện cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc, chủ quyền thiêng liêng của quốc gia và trên đồng tiền mới có in hình Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khu vực đồn điền Chi Nê những năm 1946.
Video đang HOT
Nhưng chưa được bao lâu thì cơ sở in Tô panh bị lộ, quân địch luôn tìm cách phá hoại tại khu vực này. Tình huống khó khăn, cấp bách nên Bộ Tài chính quyết định sơ tán. Cũng chính lúc này, nhà tư sản yêu nước Đỗ Đình Thiện đã dành một địa điểm thích hợp, đồng thời cho mượn nhà xưởng, máy điện, nước của đồn điền Chi Nê (nay thuộc xã Cố Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình), cùng một số cơ giới kho tàng để đặt nhà máy in tiền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Đồn điền Chi Nê được xây dựng cuối thế kỷ XIX, rộng hơn 7.300 ha. Tại đây, chủ đồn điền là Bô-Ren, một người Pháp đã xây dựng nhiều khu nhà kiên cố, khu chế biến cà phê, chuồng trại trâu bò. Năm 1943, Bô-Ren bán lại đồn điền cho gia đình ông Đỗ Đình Thiện với giá hai nghìn lượng vàng.
Lắp đặt xong Nhà máy in tiền, để đảm bảo bí mật, công nhân làm việc từ 4 giờ chiều đến 3 giờ sáng hôm sau. Lúc đó, Nhà máy in tiền còn thô sơ, máy móc chưa hiện đại nên việc in tiền rất khó khăn, phải qua nhiều công đoạn như: In lần lượt từng màu, số sê ri, sau đó mới cắt. Mệnh giá lớn được in ốp sét, mệnh giá nhỏ in bằng máy sốp, ti pô (5 đồng, 2 đồng, 1 đồng, 5 hào, 2 hào, 1 hào). Tiền in xong được đóng hòm cho lên xe bò, xe ngựa chuyển lên cất giữ vào “kho bạc” tại gia đình ông Bùi Văn Xin, ở xóm Đồng Thung, xã Cố Nghĩa.
Bàn làm việc của Bác Hồ khi nghỉ ngơi tại nhà ông Đỗ Đình Thiện.
Bút tích Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi gia đình ông Đỗ Đình Thiện.
Ngày 31/11/1946, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa họp kỳ thứ hai, quyết định phát hành đồng tiền Việt Nam và tổ chức thu hồi, đổi tiền Đông Dương trên toàn quốc với mệnh giá 1 đồng, 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng, 50 đồng, 100 đồng và tiếp đó là loại 200 đồng, 500 đồng.
Đến tháng 4/1947, thực dân Pháp chuẩn bị tấn công đánh chiếm Hòa Bình lần thứ 2, khu vực Đồn điền Chi Nê bị máy bay Pháp ném bom, tàn phá nghiêm trọng. Vì vậy theo lệnh của Chính phủ, Bộ Tài chính đã chuyển Nhà máy in tiền và kho bạc lên căn cứ địa Việt Bắc.
Nơi lưu dấu ấn lịch sử về thời kỳ gian khó của dân tộc.
Ngày nay, tại Khu di tích lịch sử cách mạng nhà máy in tiền đồn điền Chi Nê còn lưu giữ rất nhiều những hiện vật, biểu trưng trong một thời gian khó, nhưng đầy hào hùng của dân tộc Việt Nam. Cũng chính tại nơi này “tờ bạc trâu xanh” có mệnh giá lớn nhất là 100 đồng Việt Nam lúc bấy giờ ra đời. Nhà máy in tiền đầu tiên của Việt Nam đã vực dậy nền tài chính non yếu, và loại bỏ đồng tiền Đông Dương của thực dân Pháp.
Căn hầm nơi Bác Hồ trú ần tại gia đình ông Đỗ Đình Thiện.
Nơi đây cũng còn lưu giữ rất nhiều dấu ấn lịch sử về hai chuyến thăm của chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhất là vào tối ngày 21/2/1947, trên đường đi Thanh Hóa công tác, Bác Hồ đã nghỉ lại tại Đồn điền Chi Nê của gia đình ông Đỗ Đình Thiện. Lúc đến nhà máy in tiền, Bác căn dặn: “Đây là Nhà máy in tiền của ta, các chú cần giữ gìn cẩn thận, phải thi đua nhau làm việc để in được nhiều tiền cho cả nước tiêu dùng và công cuộc kháng chiến cứu quốc”. Sau đó, Bác đến thăm một số gia đình đồng bào Mường ở xã Cố Nghĩa và gia đình ông Bùi Văn Xin.
Vào năm 2007, nhà máy in tiền đồn điền Chi Nê được Bộ Văn hóa, thể thao và du dịch xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đồng thời UBND tỉnh Hòa Bình đã có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Khu di tích lịch sử Nhà máy in tiền.Tổng diện tích công trình là 15,5 ha với tổng mức đầu tư trên 270 tỷ đồng, tiến hành trong hai giai đoạn. Giai đoạn một tổng mức đầu tư khoảng 61 tỷ đồng, giai đoạn hai tỉnh chủ trương đầu tư khoảng 210 tỷ đồng.
Hiện nay, tại kho bạc đồn điền Chi Nê, ngôi nhà của gia đình ông Đỗ Đình Thiện, nơi Bác Hồ đã nghỉ lại ngày 21/2/1947 và căn hầm Bác ở vẫn được bảo vệ, giữ gìn nguyên vẹn. Nơi đây đã được đầu tư sửa sang lại, có nhiều hiện vật, kỷ vật được trưng bày cho khách tham quan.
Bà Đinh Thị Bình, Phó Ban Quản lý các khu di tích huyện Lạc Thủy, Hòa Bình cho biết: “Hiện nay Khu di tích lịch sử Nhà máy in tiền vẫn đang trong quá trình xây dựng và tu bổ lại. Nhưng hằng năm vẫn có rất nhiều khách đến thăm quan, nhất là các đoàn học sinh đến để học tập…”.
Để ghi nhớ công ơn to lớn của nhà tư sản yêu nước Đỗ Đình Thiện, hiện nay tại xã Cố Nghĩa, huyện Lạc Thủy đã đặt tên trường mầm non mang tên ông, với mong muốn các thế hệ trẻ đều biết công lao to lớn của gia đình ông với Cách mạng Việt Nam.
Đức Văn
Theo Dantri
Bác Hồ với chuyến công du Xuân Canh Dần 1950
Mùa Xuân năm 1950, sau 5 năm chiến đấu và đứng vững trong vòng vây của kẻ thù, cách mạng Việt Nam đã giành được một thắng lợi vô cùng quan trọng. Đó là việc Trung Quốc, Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Góp phần quyết định vào thắng lợi đó, là chuyến công du bí mật sang Trung Quốc và Liên Xô của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên trong Đoàn công tác tại Trung Quốc, tháng 1/1950. Ảnh tư liệu/ Bảo tàng Hồ Chí Minh
Mục đích của chuyến đi, theo chúng tôi, không chỉ đơn thuần về mặt ngoại giao, mà quan trọng hơn là để giúp các nhà lãnh đạo 2 nước, đặc biệt là Liên Xô, hiểu rõ thực trạng tình hình, cũng như đường lối của Nhà nước Việt Nam, từ đó tiến tới giúp đỡ và hợp tác toàn diện với Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.
Đề cập đến mục đích chuyến đi này, trong Hồi kýChiến đấu trong vòng vây,Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết:"Cách mạng Việt Nam tiến hành trong một hoàn cảnh rất đặc biệt, đã phải vận dụng những chiến lược, sách lược riêng để tồn tại và đi lên giữa muôn vàn khó khăn, thù trong, giặc ngoài. Có lúc Đảng ta phải tuyên bố "Tự giải tán". Như lời Bác nói, đây là một giải pháp "đau đớn" mà Đảng ta buộc phải làm. Rồi kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Không riêng mối liên hệ với phong trào cộng sản mà mối liên hệ của ta với thế giới bên ngoài hầu như bị gián đoạn. Kháng chiến đang chuyển qua một khúc ngoặt mới. Ta cần thông báo với phong trào về tình hình cách mạng Đông Dương trong những năm qua cùng với những biến chuyển mới, để tranh thủ sự đồng tình và giúp đỡ, phối hợp"(1)
Để chuẩn bị cho chuyến đi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp viết một bản tường trình về tình hình quân sự ở Việt Nam với yêu cầu"viết ngắn, cần nêu được những vấn đề lớn"vì"người nghe thông báo sẽ là đồng chí Xtalin".Trước khi lên đường, ngày 29/12/1949, Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến đã cho người mang đến trao cho Hồ Chí Minh 50 đồng tiền vàng. Đây là số tiền vàng Việt Nam đầu tiên do Sở đúc tiền của Chính phủ ta đúc,"tượng trưng của một hệ thống tiền tệ độc lập",để Chủ tịch Hồ Chí Minh làm quà tặng trong chuyến công du bí mật ra nước ngoài đầu tiên kể từ ngày Toàn quốc kháng chiến - 19/12/1946.
Ngày 2/1/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời châu Tự Do (Tuyên Quang) lên đường sang Trung Quốc. Cùng đi với Người có đồng chí Trần Đăng Ninh, bác sĩ Chánh, đồng chí Nhất (bảo vệ). Trước đó một ngày, một đoàn cán bộ gồm Lê Phát (bảo vệ, phiên dịch) và Ngô Vi Thiện (điện đài) do đồng chí Lâm Kính phụ trách, đã lên đường làm nhiệm vụ tiền trạm.
Đây là chuyến đi bí mật và cũng đầy nguy hiểm, trong khi quân Pháp vẫn đóng dày đặc dọc biên giới, tàn quân Tưởng Giới Thạch vẫn còn đầy rẫy ở Hoa Nam. Phái đoàn lúc đi bộ, lúc đi ngựa qua những con đường nguy hiểm. Dọc đường, khi quan hệ với các địa phương, đồng chí Trần Đăng Ninh đóng vai Trưởng đoàn. Để giữ bí mật, Hồ Chí Minh luôn dùng một chiếc khăn che kín bộ râu của mình.
Ngày 19/1/1950, đoàn đến Long Châu (Trung Quốc), tiếp đó đáp ôtô đi Nam Ninh, Lai Tân, rồi đáp xe lửa đi Bắc Kinh. Về danh nghĩa, đây là phái đoàn của Trung ương Đảng ta sang thăm Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tại đây, phái đoàn đã được Thủ tướng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Chu Ân Lai cùng các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc nồng nhiệt đón tiếp. Sau khi làm việc trực tiếp với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, tranh thủ được sự ủng hộ của Trung Quốc với Chính phủ Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu Đại sứ Liên Xô ở Trung Quốc là Rôxin chuyển lời đề nghị được sang thăm Liên Xô. Sau vài ngày, phía Liên Xô trả lời đồng ý.
Ngày 3/2/1950, Thủ tướng Chu Ân Lai, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trần Đăng Ninh đáp tàu liên vận rời Bắc Kinh, tiếp tục hành trình bí mật sang Mátxcơva.
Theo hồi kýChiến đấu trong vòng vâycủa Đại tướng võ Nguyên Giáp vàHồi kýcủa Khơrúpsốp, thì khi đến Mátxcơva, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp và làm việc trực tiếp với các nhà lãnh đạo cao nhất của Liên Xô lúc đó như: Xtalin, Khơrúpsốp, Môlôtốp, Kazanôvích...
Trong lịch sử quan hệ ngoại giao Việt Nam - Liên Xô, chuyến đi thăm không chính thức của Hồ Chí Minh có vai trò và ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Đây chính là một cơ hội cực kỳ thuận lợi để Hồ Chí Minh trực tiếp trình bày với các nhà lãnh đạo Liên Xô về tình hình cách mạng Việt Nam; về những chủ trương, biện pháp mà Đảng Cộng sản Đông Dương và Chính phủ Việt Nam đã tiến hành từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, nhằm mục đíchgiải tỏa những hiểu lầm và ngộ nhậndo thiếu thông tin, hoặc thông tin không đầy đủ từ phía những nhà lãnh đạo Liên Xô với đường lối chiến lược và sách lược của những người cộng sản Việt Nam, từ đó tiến tới hoàn toàn ủng hộ và trực tiếp viện trợ vật chất cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam.
Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trước đó Liên Xô không hiểu rõ nội tình Việt Nam. Sau khi nghe Hồ Chí Minh trình bày, Xtalin đã đồng ý với đường lối chiến lược và sách lược của Đảng Cộng sản Đông Dương trong những năm qua. Nhưng Xtalin cũng phê bình Việt Nam chậm làm cách mạng ruộng đất và ấn tượng về những nhà cách mạng Việt Nam theo chủ nghĩa dân tộc vẫn còn đậm nét trong suy nghĩ của những nhà lãnh đạo Xôviết. Trong một cuộc hội đàm, Xtalin đã chỉ hai chiếc ghế và hỏi Hồ Chí Minh rằng: "Ghế này của nông dân, ghế này của địa chủ, người cách mạng Việt Nam ngồi ghế nào?"(2)
Trong thời gian ở Mátxcơva, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có những cuộc gặp với đại diện Đảng Cộng sản Pháp và nhiều tổ chức quốc tế để tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của các lực lượng tiến bộ trên thế giới đối với cuộc chiến đấu chính nghĩa vì độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam.
Đầu tháng 3/1950, Hồ Chí Minh rời Mátxcơva đến Bắc Kinh, Trung Quốc, tiếp tục hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai. Ngày 11/3/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường về nước, kết thúc chuyến thăm bí mật Trung Quốc và Liên Xô.
Chuyến đi thăm Trung Quốc, Liên Xô đầu năm 1950 của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đem lại kết quả cụ thể cho cuộc kháng chiến ở Việt Nam. Đó là việc các nhà lãnh đạo hai nước đồng ý viện trợ quân sự và vật chất cho Việt Nam kháng chiến. Về việc này, trong hồi kýChiến đấu trong vòng vâycủa Võ Nguyên Giáp cho biết: Trước mắt Liên Xô viện trợ cho Việt Nam một trung đoàn pháo cao xạ 37 ly, một số xe vận tải Môlôtôva và thuốc quân y. Trung Quốc sẽ trang bị vũ khí cho một số đại đoàn bộ binh và một đơn vị pháo binh, sẽ đảm nhận việc vận chuyển hàng viện trợ của Liên Xô cho Việt Nam. Trung Quốc sẽ cử cố vấn quân sự sang giới thiệu những kinh nghiệm chiến đấu của Giải phóng quân và đồng ý cho Việt Nam đưa trường Lục quân sang tỉnh Vân Nam để đào tạo và bổ túc cán bộ.
Việc Trung Quốc và Liên Xô viện trợ cho Việt Nam là sự ủng hộ kịp thời và tạo điều kiện thuận lợi để chúng ta đẩy cuộc kháng chiến lên giai đọan phát triển mới, mà trước hết là thắng lợi của Chiến dịch Biên giới 1950.
Trong lịch sử chiến tranh cách mạng Việt Nam, chiến thắng Biên giới có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng. Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới chính là sự phá vây trên thực tế, là cộng hưởng kết quả của những nỗ lực ngoại giao mà Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kiên trì tiến hành từ đầu cuộc chiến. Từ đây, Việt Nam đã có đủ điều kiện để tiếp nhận một cách thuận lợi sự giúp đỡ cần thiết về mọi mặt, đặc biệt là những hàng hóa có ý nghĩa chiến lược về quân sự và kinh tế của Trung Quốc, Liên Xô và các nước dân chủ cho cuộc kháng chiến. Từ đó, góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, nâng cao năng lực chiến đấu của các lực lượng vũ trang, đồng thời góp phần thúc đẩy nền kinh tế kháng chiến và củng cố niềm tin của nhân dân vào thắng lợi của cuộc kháng chiến với đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "Lừng lẫy non sông, chấn động địa cầu" năm 1954.
Có thể khẳng định rằng, chuyến công du không chính thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào mùa Xuân 65 năm trước đã làm cho Liên Xô và Trung Quốc hiểu rõ hơn bản chất của cách mạng Việt Nam và sự uyển chuyển ở chiến lược và sách lược cách mạng của Đảng Cộng sản Đông Dương trong tiến trình cách mạng, mà cụ thể là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Từ Việt Bắc qua Bắc Kinh đến Mátxcơva và ngược lại, bằng tài ngoại giao xuất chúng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm cho hai nước dân chủ lớn nhất là Liên Xô và Trung Quốc đồng ý viện trợ, thiết lập mối quan hệ tay ba Việt - Xô - Trung mang tầm chiến lược, có ảnh hưởng to lớn đến cách mạng Việt Nam sau này. Đồng thời, giúpnhân dân Pháp và bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về cách mạng Việt Nam với một phong trào ủng hộ Việt Nam kháng chiếnngày càng lan rộng, đưa nước ta lên một vị thế mới trên trường quốc tế, ngang hàng trong "đại gia đình dân chủ thế giới".
Chuyến công du sang Trung Quốc và Liên Xô đầu năm 1950 của Người dù không chính thức, nhưng thể hiện việc lựa chọn phương án ngoại giao phù hợp với hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Hiệu quả của chuyến đi không chỉ đạt được về mặt vật chất mà còn đưa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Đó chính là một nghệ thuật trong chính sách đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.Qua sự kiện này, chúng ta càng thấy rõ vai trò đặc biệt quan trọng, không thể thay thế của Nhà ngoại giao kiệt xuất Hồ Chí Minh vào những thời điểm có tính chất bước ngoặt của cách mạng Việt Nam.Một chuyến công du mùa Xuân - Chuyến công du nâng tầm đất nước!./.
Chú thích:
(1), (2): Võ Nguyên Giáp:Chiến đấu trong vòng vây (hồi ký),NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995, trang 408, 412).
Theo TS. Nguyễn Trọng Hậu
Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Thông xe thêm 4km đường nội đô đẹp nhất TPHCM Sáng 14/2, Sở GTVT TPHCM tổ chức lễ thông xe thêm hơn 4km đại lộ Phạm Văn Đồng (đoạn từ nút giao Linh Đông đến cuối tuyến - Ngã tư Linh Xuân, quận Thủ Đức). Chủ tịch UNBD TP Lê Hoàng Quân cùng lãnh đạo các Sở - ngành thành phố cắt băng thông xe thêm hơn 4km đại lộ Phạm Văn Đồng,...