Thầm lặng giúp đỡ người nghèo
Đã hơn 10 năm cô Phạm Thị Vân (60 tuổi, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường 4 quận 10, TPHCM) gắn bó với hoạt động từ thiện xã hội. Cô vận động các quán cơm trên địa bàn phường ủng hộ suất cơm để chăm lo hơn 20 cụ già ngụ tại khu phố có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, bệnh tật.
Những suất cơm ấm tình
Cô Vân nhớ lại những ngày đầu khi mở lời xin các quán cơm vài suất cho người nghèo, chủ quán nghi ngại, sau đó một thời gian thì họ đều hiểu. Cứ đúng giờ cơm trưa, cơm chiều, một số quán cơm trong phường lại chuẩn bị sẵn những suất ăn tươm tất đợi cô Vân ghé ngang thì đưa để gửi người nghèo.
Hàng ngày, cứ 10 giờ 30, cô Vân cùng chiếc xe đạp đến quán cơm Nụ Cười Mới, quán cơm 229 Vĩnh Viễn… mang những suất cơm nóng hổi về trao tận tay các cụ già. Dù trời nắng hay mưa, việc làm ý nghĩa này luôn được duy trì, tính đến nay đã hơn 10 năm với gần 60.000 suất cơm. Hồi trước, mỗi ngày cô Vân mang 15-20 suất cơm, giờ có cụ đã mất nên số lượng suất cơm giảm đi. Đây là một công việc thầm lặng, đã phần nào động viên tinh thần cho các cụ già.
Cô Phan Thị Vân (thứ 4 từ phải qua) tại buổi khánh thành cầu nông thôn
Như trường hợp ông Sou Hoa Cheng (70 tuổi) hoàn cảnh khó khăn, nhà cửa xuống cấp, xập xệ. Cả ngày ông không dám mở điện, thắp đèn dầu vào buổi tối, có bữa còn không thắp đèn. Trước đây, ông Sou Hoa Cheng nấu nồi cơm ăn mấy ngày, lúc nào cũng ăn kèm với nước tương. Biết hoàn cảnh, cô Vân báo lên phường nhờ giúp đỡ.
“Ở trên chung tay cùng mình vận động xây cho ông cái nhà tình thương. Bây giờ ông có nhà tươm tất để ra vào. Mỗi ngày ông được 2 suất cơm, có cá, thịt, rau… Thấy mình đem cơm tới, ổng mừng lắm”, cô Vân kể.
Video đang HOT
Gần giống ông Sou Hoa Cheng, trường hợp ông Nguyễn Văn Tấn bị mù cũng được cô Vân giúp đỡ tận tình. Kể cả những ngày có quá nhiều công việc, mệt đứt hơi, hoặc có đi đâu xa, thì vẫn cứ đúng giờ là cô Vân đều mang cơm đến. Mệt cỡ nào vẫn luôn tận tình nói: “Bác ơi, con mang cơm qua cho bác! Bác ăn đi”. Cô Vân kể: “Ông Tấn lớn tuổi lại bị mù, có bà má bị bệnh nặng vừa mới mất, vô cùng đáng thương. Nên mình cũng nhận lo phần cơm nước hàng ngày cho ông”.
Được lòng người
Có lần, khi mang cơm đến bà cụ nghèo nhất trong danh sách người già neo đơn cô hỗ trợ, cụ nói: “Tui ăn hoài, tui ngán cơm quá cô Vân ơi”. “Vậy chứ giờ bác muốn ăn gì?”. “Giờ tui muốn uống sữa”. Vậy là bữa sau cô Vân đem mấy hộp sữa tới. Có lần, cô Vân lên phát biểu, trao học bổng cho học sinh nghèo trong khu phố, mấy phụ huynh ngồi dưới mới biết cô là chủ tịch hội khuyến học và là bí thư chi bộ. Có người nói: “Trời ơi, đó giờ thấy bả đạp chiếc xe vòng vòng đi lấy cơm cho người này người kia, ai đâu biết…”.
Ngoài việc chăm lo cho người nghèo, cô Vân còn vận động xây cầu nông thôn giúp bà con vùng sâu. Năm 2019, cô Vân cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 4 quận 10 vận động hơn 73 triệu đồng xây cầu ở ấp An Bình 1, xã An Hòa Tây, huyện Ba Tri (tỉnh Bến Tre). Khi xây xong cây cầu, cô mời các mạnh thường quân đi cùng mình xuống tận nơi tham gia lễ khánh thành.
Rất rõ ràng trong chuyện vận động từ thiện, cô nói: “Việc làm thật 100%, người ta thấy rõ mình làm thì người ta mới hỗ trợ. Không thể nhận tiền rồi bảo “ờ, xây xong rồi”. Đã xây xong thì cũng phải cho người ta thấy cây cầu, chứ không qua loa được. Tiền bạc gì mình rất rõ ràng, nhờ địa phương làm giấy cảm ơn cho các mạnh thường quân. Nhiều anh chị nói không cần nhưng mình vẫn muốn tri ân cái tình họ dành ra với người nghèo và để họ biết là số tiền ủng hộ đã được thực hiện đúng. Mình xúc động khi các anh chị nói sang năm có xây ở đâu nữa, cô cứ nói tôi”.
TIỂU TÂN
Theo SGGP
Đến với những hoàn cảnh khó khăn sau giờ học cuối tuần
Sau giờ học vào thứ 7 hàng tuần, học sinh các chi đoàn thuộc Đoàn trường THPT Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) lại đến với những cụ bà có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trên tinh thần mỗi chi đoàn kết nối với một địa chỉ đặc biệt, mô hình này đang lan tỏa những việc làm tử tế của các em học sinh, đây cũng là cách hướng các em đến những bài học ý nghĩa sau giờ lên lớp.
Đại diện Đoàn trường và các em học sinh Chi đoàn 11A7 thăm, tặng quà cho bà Huệ
Khác hẳn mọi khi, hôm nay căn nhà nhỏ của bà Lê Thị Huệ (phường Đông Thanh, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) rộn rã hơn hẳn. Bà Huệ là một trong những hoàn cảnh khó khăn, được Đoàn trường THPT Đông Hà kết nối để đến thăm hỏi, động viên vào mỗi dịp cuối tuần.
Căn nhà ấy thường ngày vắng vẻ, vì bà Huệ sống neo đơn, già yếu và thường xuyên đau ốm, nhưng thứ 7 hôm nay lại khác, đông vui, phấn khởi vì có những em học sinh của Chi đoàn 11A7, Trường THPT Đông Hà đến với bà.
Tiết sinh hoạt của Chi đoàn 11A7 hôm nay có thêm phần đặc biệt, khi các em học sinh có đề xuất với giáo viên chủ nhiệm, mong muốn được tự tay vào bếp nấu bữa cơm trưa ấm áp dành tặng cho bà Huệ. Đến với những hoàn cảnh khó khăn, ngoài những phần quà ủng hộ, các em còn góp sức trong việc dọn dẹp lại nhà cửa, chăm sóc vườn, giặt giũ chăn màn...
Bữa trưa hôm nay có món thịt kho, có canh cá... và đặc biệt là có những niềm vui mang đến ngôi nhà nhỏ của bà Huệ. Lâu lắm rồi bà mới có một bữa cơm trưa ấm áp như thế. Bữa trưa ấy do các em học sinh lớp 11A7 tự tay chuẩn bị, dưới sự giúp đỡ của giáo viên chủ nhiệm và đại diện Đoàn trường.
Mỗi người một việc, các bạn nam thì dọn dẹp lại khu bếp, quét nhà, nhổ cỏ...; một nhóm nữ tất bật chuẩn bị cơm trưa và cả những bạn ngồi trò chuyện với bà Huệ, hỏi thăm sức khỏe của bà. Mắc bệnh suy giảm về thị lực, tuy có thể không nhìn rõ các em, song chắc rằng, tiếng cười nói, tiếng hỏi thăm rộn rã cả căn nhà từ vườn đến khu bếp, bà Huệ hẳn là cảm nhận được những tình cảm mà các học sinh lớp 11A7 mang đến ngày hôm nay.
Không chỉ có Chi đoàn 11A7, mô hình này hiện đang được các lớp 11A10, 11A1 và nhiều chi đoàn khác đăng ký nhận chăm sóc các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hiện nay, Đoàn trường đã kết nối, nhận chăm sóc, hỗ trợ 3 cụ bà sống ở thành phố Đông Hà gồm: Hoàng Thị Thỏn (phường Đông Giang), Lê Thị Huệ (phường Đông Thanh), Trương Thị Tuyết (phường Đông Lễ) và sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình đến nhiều chi đoàn khác.
Trao đổi với thầy Lê Anh Phong, Bí thư Đoàn trường THPT Đông Hà cho biết: "Đoàn trường đã phát động chương trình "Mỗi chi đoàn gắn liền với một việc làm tốt, một địa chỉ nhân đạo" và nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng cao.
Hoạt động nhận chăm sóc, hỗ trợ các cụ già có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của đoàn viên, thanh niên là một việc làm ý nghĩa, mang tính nhân văn sâu sắc, cũng là cách để giáo dục kỹ năng sống cho các em ngoài những giờ trên lớp".
Đến với những hoàn cảnh khó khăn và những hoạt động xã hội ý nghĩa, Đoàn trường còn có sự tham gia từ Câu lạc bộ (CLB) Kỹ năng, góp sức trong các hoạt động gây quỹ thiện nguyện, hỗ trợ thăm hỏi, tặng quà. Trải qua 5 năm hoạt động từ khi thành lập, CLB không chỉ là sân chơi bổ ích, mới mẻ, năng động, mà còn là lực lượng nòng cốt trong phong trào Đoàn, trong các hoạt động ngoại khóa, thiện nguyện của nhà trường.
Em Trần Thùy Dung (học sinh lớp 12A1, Phó Chủ nhiệm CLB) cho biết: "Không chỉ trong các hoạt động thiện nguyện đến với những hoàn cảnh khó khăn, CLB với những thành viên phần đông đang học lớp 10 và 11 đã thực hiện nhiều chuyến đi tặng sách ở vùng cao, tặng áo trắng và nhiều hoạt động ý nghĩa khác nữa. Chúng em hy vọng rằng Đoàn trường, CLB và các bạn thành viên sẽ tiếp tục là cầu nối, lan tỏa những việc làm tử tế đến với cộng đồng".
Tiếp tục nhân rộng mô hình, nhằm mục đích giúp đỡ, sẻ chia với những địa chỉ khó khăn: "Trong thời gian tới đây, Đoàn trường sẽ tiếp tục kết nối, lan tỏa hoạt động ý nghĩa này đến tất cả các chi đoàn trong nhà trường, cũng là cách để định hướng cho các em đến những việc làm tử tế" - thầy Lê Anh Phong nhấn mạnh.
Nguyễn Hoàng
Theo GDTĐ
Lộ mảng tối đáng sợ từ vụ cán bộ trung tâm Hỗ trợ xã hội dâm ô trẻ em Trước khi hành vi dâm ô trẻ em của nhân viên hợp đồng Nguyễn Tiến Dũng bị phát giác, đã có nhiều dư luận về việc trẻ lang thang cơ nhỡ đang được chăm sóc tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM bị dâm ô, xâm hại. Các đối tượng bị thu gom vào trung tâm phải "chung chi" nếu muốn rời...