Thảm kịch người đẹp với “chồng” ngoại “tiền án nhiều hơn tiền mặt”
Kết quả điều tra của Công an tỉnh An Giang khiến nhiều người “ngã ngửa” khi biết hung thủ là kẻ từng nhiều lần vào tù ra tội ở xứ sở Kim Chi với 8 tiền án, tiền sự về các tội trộm cắp, giết người, cố ý gây thương tích.
Công an tỉnh An Giang mới chuyển hồ sơ lên Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp, đề nghị truy tố Lee Sang Jin, 37 tuổi, người Hàn Quốc về tội giết người trong án mạng xảy ra ngày 25/3/2012 tại ấp An Thạnh (xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới). Gã “ chồng ngoại” này là một tên côn đồ từng nhiều lần ra tù vào tội bên xứ sở Kim Chi.
Ngôi nhà xảy ra vụ án
Chị Tạ Thị Xậm (SN 1988, ngụ địa chỉ nêu trên) vốn là cô gái xinh đẹp, con út của bà Dương Thị Bí (65 tuổi) và ông Tạ Hữu Tình. Ít chuyên tâm chuyện học hành nên hết cấp 1, Xậm ở nhà giúp cha mẹ làm ruộng.
Năm 2008, “trào lưu” lấy chồng Hàn Quốc rộ lên tại những vùng nông thôn nghèo như nơi Xậm sinh sống. Đến độ tuổi lập gia đình, lại có chút nhan sắc, Xậm theo sự giới thiệu của người quen đã kết hôn với một người Hàn Quốc có gương mặt hiền lành, trắng trẻo, tên Lee Dong Seop, rồi về xứ sở Kim Chi làm dâu xứ người. Ai cũng tưởng đi lấy chồng ngoại là “cơ may đổi đời”, có tiền báo hiếu cho cha mẹ, nhưng cô gái này thì không.
Gia đình Lee Dong Seop nghèo chẳng kém nhà vợ. “Khi con đi lấy chồng thì nhà tôi vẫn nghèo vì con chẳng giúp được cha mẹ đồng tiền nào. Nó nói ở bên đó, bên chồng cũng nghèo chẳng kém gì bên mình”, cha cô gái cho biết.
Xậm sống với gia đình chồng được thời gian đầu đầm ấm, hạnh phúc song về sau thường xảy ra xích mích, lại nghèo túng nên mâu thuẫn vợ chồng càng nan giải. Người chồng có khuôn mặt hiền lành lộ rõ bản chất côn đồ khi thường xuyên đánh đập, hành hạ vợ, coi chị như một người hầu. “Tức nước vỡ bờ”, sau hai năm kết hôn, chị Xậm ly thân với chồng, bỏ ra ngoài ở riêng và đi làm thuê kiếm sống tại thành phố Dong Hae (thuộc tỉnh Kang Won, Hàn Quốc).
Dù đã qua một đời chồng nhưng cô gái nhìn vẫn son sắc, trẻ đẹp. Ra ngoài lao động tự do được một thời gian, tình duyên mới đến với chị. Người đàn ông ấy là Lee Sang Jin, một người trông bề ngoài khá lịch sự, điềm đạm lại ít nói. Lee là người địa phương tại nơi chị Xậm làm thuê, hai người quen nhau trong một lần làm thuê chung.
Thấy cô gái Việt trẻ đẹp, Lee lân la làm quen, tán tỉnh dù gã đã lập gia đình. Cô gái nhanh chóng bị Lee chinh phục. Đang trong lúc yêu mặn nồng, phát hiện Lee đã lập gia đình, thiếu nữ thất vọng rời bỏ xứ sở Kim Chi, muốn quên đi cuộc hôn nhân không mong đợi và cuộc tình dối trá.
Video đang HOT
Vốn là gã si tình, tính khí thất thường, trót lòng yêu thương cô gái người Việt, Lee không chịu chấp nhận việc “người trong mộng” bỏ mình trở về quê nhà. Thông qua các mối quan hệ, Lee dò bằng được địa chỉ nhà của Xậm ở Việt Nam để mò về gặp gỡ người yêu.
Ít nhất đã 3 lần Lee một mình lặn lội sang Việt Nam xin cô gái tha thứ, cầu xin trở lại Hàn Quốc sinh sống cùng. Cảm động trước lòng nhiệt thành và chân thành của người tình, Xậm không cầm lòng được, đã nối lại tình cảm, theo người yêu trở về Hàn Quốc thuê nhà trọ sinh sống như vợ chồng.
“Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”, chung sống được một thời gian, bi kịch như với người chồng cũ lặp lại với Xậm. Dù thương yêu thật lòng nhưng Lee lười lao động, lại hay mắng chửi “vợ hờ”. Đến khoảng tháng 5/2011, mâu thuẫn giữa hai người ngày càng lớn, cô gái một lần nữa quyết định dứt tình, trở về Việt Nam sống với cha mẹ.
Như một biện pháp để cắt đứt liên lạc người đàn ông Hàn si tình nhưng tính khí kì quái, chị Xậm lên TP HCM làm thuê. Cũng như lần trước, Lee không bỏ cuộc, lại nhập cảnh năm lần bảy lượt vào Việt Nam quyết tìm bằng được người yêu. TP HCM rộng lớn, gia đình cô gái lại không cho biết địa chỉ nơi chị Xậm làm việc nên Lee tìm kiếm mãi mà không gặp được người yêu. Khoảng 5 ngày trước khi vụ án xảy ra, Lee lại xuống nhà “vợ hờ” ở An Giang, được hai ngày thì gia đình sắp xếp tiễn gã về nước.
Sau này tại cơ quan điều tra, hung thủ khai khi ấy gã không chấp nhận “mất công”, lặn lội 5 ngàn cây số mà không có kết quả gì. Gã nghĩ việc không tìm được người yêu là do gia đình giấu giếm. Tối 25/3, vào khoảng 22h, gã bắt xe ôm từ bến xe quay lại nhà cha mẹ cô gái, thủ sẵn một con dao, một chai đựng đầy xăng.
Gia đình nạn nhân khi ấy vừa coi phim xong, mới đi ngủ. Bà mẹ cô gái như thường ngày ngủ ở gian nhà trước thì thấy Lee quay lại gọi cửa, lao vào giường bà lão đâm liên tiếp khiến nạn nhân tắt thở trên đường đi cấp cứu. Nghe tiếng la hét của bà, người nhà liền chạy ra vây bắt đối tượng.
Trong lúc điên cuồng, gã si tình dùng dao đâm tứ tung làm hai người nữa bị thương nặng. Đang lúc đổ chai xăng định châm lửa đốt nhà, hung thủ bị khống chế và giao cho công an xã.
Kết quả điều tra của Công an tỉnh An Giang khiến nhiều người “ngã ngửa” khi biết hung thủ là kẻ từng nhiều lần vào tù ra tội ở xứ sở Kim Chi với 8 tiền án, tiền sự về các tội trộm cắp, giết người, cố ý gây thương tích.
Dù án mạng thương tâm xảy ra đã hơn 8 tháng nhưng không khí tang thương vẫn nặng nề bao trùm căn nhà sàn cấp bốn tuềnh toành. Cuộc sống nơi nông thôn hẻo lánh trước đây đã buồn, nay lại càng buồn hơn, chồng nạn nhân lúc nào cũng ủ rũ, buồn bã như mất hồn.
Ông Tình phân trần: “Vợ tôi chết rồi, buồn lắm mấy chú ơi. Bà mất rồi, nhà chỉ còn hai ông cháu, giờ cũng không muốn làm ăn gì nữa, cả ngày lủi thủi trong nhà, góc sân”.
Ông nói tiếp: “Ai đâu ngờ thằng đó lại dã man thế. Nó xuống đây chúng tôi đối xử bình thường, bà nhà tôi còn nấu cơm cho nó ăn”.
Ông Tình cho biết thêm, sau khi vụ án xảy ra, con gái ông đau lòng vì chuyện tình duyên của mình mà mẹ mất mạng oan uổng nên lâu lâu mới về thắp hương cho mẹ và thăm cha, thời gian còn lại cô lao vào công việc để mong quên đi nỗi buồn…
Theo Dantri
Tuyển nhân viên phát thư... lừa
Cuối tháng 10/2012, qua Báo Mua và Bán với quảng cáo hấp dẫn "Cần tuyển người giao thư, làm việc theo ca, 2h/ca, lương 200.000 đồng/ca", anh Nguyễn Văn Minh (trú tại phường Minh Khai, Hà Nội) đã đến Công ty TNHH Việt Á (tại ngõ Hoàng Sâm, đường Hoàng Quốc Việt, HN) nộp hồ sơ xin việc.
Tại đây, anh Minh được yêu cầu nộp 400.000 đồng lệ phí hồ sơ (nếu được ký hợp đồng thì không trả lại) để ngày hôm sau đi làm. Đúng hẹn, anh Minh đến Công ty TNHH Việt Á nhưng họ lại giới thiệu anh đến Công ty Việt Nhật tại đường Trần Thiện Thuật, Hà Nội.
Tại công ty này, anh Minh lại bị yêu cầu nộp 200.000 đồng tiền phí đảm bảo không mất mát thư hoặc bóc thư (phí này cũng không trả lại). Tin tưởng, anh Minh ký hợp đồng làm việc. Ngày 26/10, anh đến nhận việc. Nhân viên công ty phát cho anh một xấp phong bì không tem, không dấu và địa chỉ chuyển đến thì không có tên người nhận. Anh Minh đi lòng vòng mất cả buổi mệt bã người mà địa chỉ ghi trong bì thư thì chỉ là một số trường đại học hoặc nhà dân.
Người lao động cần cảnh giác với những tờ rơi tuyển dụng lao động.
Đến Trường đại học thì họ không nhận vì kêu "ngày nào cũng có những thư rác thế này", còn đến nhà dân thì họ khá... ngơ ngác, có người nhận, có người từ chối. Sinh nghi, anh Minh đề nghị người nhận mở bì thư thì thấy ở trong thư chẳng có nội dung gì ngoài thư mời, đóng dấu phô tô nhoè nhoẹt chẳng của cơ quan nào cả. Thấy công việc khác xa so với tưởng tượng ban đầu, anh Minh quay về Công ty Việt Á hỏi cho ra lẽ thì nhận được sự giải thích chung chung. Anh đòi lại tiền phí đã đóng nhưng công ty nhất quyết không trả và cho rằng anh tự bỏ việc. Biết mình bị lừa, anh đã đến Công an quận Cầu Giấy trình báo.
Chúng tôi điện thoại vào số 04632... để liên hệ xin việc làm thì được một người phụ nữ nghe điện thoại nói rằng Công ty vẫn đang có nhu cầu tuyển dụng lao động làm công việc đi giao thư. Cô nhân viên với giọng ngọt ngào không ngừng quảng cáo: "Công việc nhàn hạ, lương lại cao. Cứ qua công ty chị sẽ giúp đỡ em".
Tuy nhiên, chỉ 2 ngày sau đó, cũng số điện thoại này, chúng tôi lại nhận được câu hỏi rất "dò xét": "Em biết số điện thoại này từ ai? Ai giới thiệu em đến Công ty". Khi tôi trả lời đọc được số điện thoại này trên Báo Mua và Bán thì người phụ nữ này lại từ chối: "Thế em nhầm máy rồi".
Đây không phải là lần đầu tiên các nạn nhân bị dính "bẫy" tuyển dụng lao động khiến tiền mất, bị đưa hết từ công ty này đến công ty khác rồi phải đi làm những công việc không thể thực hiện nổi dẫn đến chán nản rồi tự bỏ việc như dán phong bì, bán vé máy bay... Với việc gấp phong bì để đạt yêu cầu và được trả lương thì phong bì đó phải chuẩn về kích thước đến từng minimét. Hay, để trở thành nhân viên bán vé máy bay, người lao động phải học thuộc những mẫu bảng giá dài hàng chục trang để trải qua lớp thi tuyển đầu vào.
Công an phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội đã từng xử lý trung tâm tuyển dụng lao động tại 54 Nguyễn Tuân của đối tượng Hoàng Thị Thắng, 27 tuổi, quê ở Khoái Châu, Hưng Yên về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Sau khi thuê nhà tại địa chỉ 54 Nguyễn Tuân, Thắng tự ý treo biển đại lý bán vé máy bay không có giấy phép để tuyển dụng lao động như bán vé máy bay, gia sư, trực điện thoại, gấp phong bì, phát quà khuyến mại... với lệ phí tuyển dụng và đào tạo từ 300.000 đồng đến 700.000 đồng. Nhiều sinh viên đã nộp tiền nhưng không hề có việc làm như đã hứa hoặc có việc làm nhưng nhanh chóng phải bỏ việc do không đạt yêu cầu.
Một nạn nhân bị dính "bẫy" tuyển dụng lao động đến Báo CAND trình báo.
Đặc biệt, Thắng cũng áp dụng thủ đoạn "vòng tròn tuyển dụng" khi sử dụng nơi ở trọ của mình là số nhà 335 đường Nguyễn Trãi làm văn phòng "ma" lúc phòng bán vé máy bay bị quá tải. Để tạo niềm tin cho các "con mồi", trung tâm tuyển dụng này cũng có con dấu riêng để "cốp" vào các giấy tờ. Tuy nhiên, con dấu được sử dụng theo đối tượng khai nhận là do... nhặt được. Để có thể xử lý đối tượng Hoàng Thị Thắng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Công an phường đã triệu tập đến 53 bị hại.
Liên tiếp trong thời gian qua tại Hà Nội có nhiều người lao động bị dính "bẫy" lừa tuyển dụng của một số trung tâm, công ty giới thiệu việc làm. Thủ đoạn của một số cơ sở này đã được báo chí đăng tải, nhưng vẫn có nhiều người bị sập bẫy. Cấp phép tràn lan, hậu kiểm lỏng lẻo dẫn tới người lao động bị lừa mất tiền lại thêm mang bực vào người.
Để người lao động tránh bị lừa tuyển dụng, thiết nghĩ cơ quan Công an cần nhanh chóng vào cuộc, làm rõ trắng đen. Đồng thời, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch Đầu tư cần đẩy mạnh công tác hậu kiểm với doanh nghiệp được cấp phép, có khuyến cáo đến người lao động để họ cảnh giác.
Lời khuyên dành cho người lao động có nhu cầu việc làm là cần tìm đến các địa chỉ uy tín, được cấp phép rõ ràng. Nếu phát hiện các cơ sở tuyển dụng có dấu hiệu lừa đảo, cần liên hệ sớm với cơ quan Công an gần nhất để tránh tiền mất, tật mang
Theo Dantri
Lấy chồng ngoại 10 năm mà không biết ở cạnh tội phạm Năm 2009, sau khi cuỗm đi số tiền 300.000.000 KRW (tiền Hàn Quốc, tương đương 300.000 USD) của công ty, Yoon Haeng Joon (SN 1959, quốc tịch Hàn Quốc) bỏ trốn sang Việt Nam. Tại đây, tên tội phạm điển trai, xài tiền như nước "hóa thân" thành một ca sĩ, thu bộn tiền cát-sê. Lấy vợ Việt, sinh con, cuộc đời của...