Thảm kịch dân số của Trung Quốc
Khắc phục hậu quả sau 30 năm thực hiện chính sách một con không phải là điều dễ dàng.
Để lách luật, nhiều người Trung Quốc từng tìm đến các trung tâm kiểu Trung Quốc ở Mỹ để sinh con thứ 2 (Ảnh minh họa)
Năm 2008, một trận động đất rung chuyển tỉnh Tứ Xuyên đã làm hơn 70.000 người thiệt mạng. Đây là thảm họa kinh khủng nhất của Trung Quốc trong vòng 30 năm. Nhiều công nhân từ Bắc Kinh về quê hương xa xôi và thấy những người ở đó đã ra đi.
Đau lòng hơn, trong đó có rất nhiều trẻ em trong các gia đình chỉ có một con, vì Tứ Xuyên là nơi thí điểm chính sách một con trước khi Bắc Kinh ra luật chính thức. Hàng nghìn trẻ em trong các gia đình chỉ có một con đã thiệt mạng do những ngôi trường tuềnh toàng bị đổ sụp trong động đất.
Kết quả là sau khi động đất xảy ra, nhiều bậc cha mẹ đổ xô về các bệnh viện với hy vọng đảo ngược lại những thủ thuật triệt sản mà họ đã thực hiện trước khi quá muộn. Một số đã tuyệt vọng, như Zhu Jianming và vợ đã ở tuổi 50 và 45. Không có con, họ bị xóm làng ghẻ lạnh.
Mất mát của những bậc cha mẹ này không thể đong đếm được. Họ không chỉ mất đi đứa con, ký ức một phần cuộc đời, mà còn khổ sở vì lãnh đạo địa phương o ép với lý do phải lo cho Olympic Bắc Kinh. Họ bị bắt phải ký cam kết hứa sẽ “trở lại với cuộc sống bình thường và tiếp tục làm việc càng sớm càng tốt”.
Một thời, gia đình có một con ở Trung Quốc được tuyên truyền là gia đình hạnh phúc
Để đối phó với chính sách một con, nhiều người cố gắng lợi dụng việc thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) để có thể sinh đôi hay sinh ba mà không bị phạt. Mặc dù những biện pháp trừng phạt đã nới lỏng rất nhiều từ 1990, các công chức vẫn có thể mất việc nếu vi phạm chính sách này.
Thế nhưng không phải ai cũng lách luật thành công, có thể do nhiều yếu tố như ô nhiễm, lối sống. Khái niệm mới “ du lịch sinh sản” ra đời. Hiện giờ có rất nhiều người Trung Quốc tới Mỹ để sinh con trong những trung tâm sinh sản theo kiểu Trung Quốc truyền thống, nơi các sản phụ bị cách ly, tuân thủ chế độ ăn uống với thảo mộc và các vị thuốc xưa hàng tháng trời.
Video đang HOT
Tiêu biểu trong đó có cơ sở “Pretty Angel’s Home” ở phía Đông Los Angeles, được bảo vệ cẩn mật 24/24, trang bị bể bơi massage, thậm chí sân golf thu nhỏ. Để tận hưởng những tiện nghi này, họ phải trả khoảng 30.000USD.
Đương nhiên, không phải công dân Trung Quốc nào cũng tới Mỹ để sinh con, nhưng số lượng khách có nhu cầu đó đã tạo nên cả một phân khúc trong thị trường. Tại Trung Quốc, việc đẻ thuê là bất hợp pháp và bị giám sát rất chặt để tránh các cặp vợ chồng lách luật.
Trung Quốc hiện nay đã bỏ chính sách một con, nhưng các gia đình muốn sinh con thứ 2 vẫn phải xin phép
Các bậc cha mẹ Trung Quốc giàu có thì tìm đến dịch vụ tương tự tại Mỹ, cụ thể là ở California, chưa kể con của họ có thể có quốc tịch Mỹ, gây ra ‘làn sóng’ trẻ em Trung Quốc đổ về Mỹ. Có thể thấy việc sinh con vốn chỉ là bình thường ở các quốc gia khác lại vô cùng phức tạp tại Trung Quốc vì căng thẳng giữa mong muốn cá nhân, chính sách nhà nước và tình hình kinh tế.
Mất cân bằng nam nữ cũng là một hệ quả mà Trung Quốc đang cố gắng sửa chữa. Tuy nhiên sau khi dỡ bỏ chính sách một con ở thời điểm được coi là muộn màng, tỷ lệ nam/nữ chẳng hề được cải thiện, do số lượng nam giới đã quá lớn, chưa kể các gia đình vẫn phải xin phép nếu muốn sinh tiếp, và chỉ trong trường hợp bố hoặc mẹ là con một.
Một số học giả còn cho rằng nỗ lực của chính quyền theo kiểu này chỉ có thể làm chậm quá trình già hóa dân số chứ không thể nào cứu vãn được. Việc thiếu hụt nhân lực lâu dài là mối nguy hiểm tiềm tàng cho nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới.
Nhưng dù sao thì các gia đình vẫn rất hạnh phúc. Họ sẽ chẳng mất thời gian nghiên cứu thống kê và dự đoán như các chuyên gia, mà mong chờ thành viên mới trong gia đình. “Giờ chúng ta không phải sang Mỹ để sinh con nữa”, một người dùng mạng viết.
Theo Danviet
Chế độ một con ăn sâu bén rễ vào tâm trí người Trung Quốc
Ngay cả khi sống tại Mỹ, người gốc Hoa vẫn thường chỉ có một con vì lo ngại về vấn đề kinh tế và sợ làm phật ý cha mẹ tại quên nhà.
Li Yan sống ở An Huy, Trung Quốc, mang thai con thứ hai. Ảnh: Reuters
Ở một nơi xa xôi như tận Wisconsin, Mỹ, chính sách một con của chính phủ Trung Quốc vẫn in sâu trong tâm trí những người gốc Hoa, vốn đã lớn lên cùng chính sách đó, theo New York Times. Vì vậy, tiến sĩ Fuxian Yi giống như một kẻ lập dị giữa những người bạn Trung Quốc của mình vì ông có tới ba con.
"Nhiều người hỏi tôi rằng 'Sao ông lại có tận 3 đứa con vậy? 'Dũng cảm đấy. Tốn kém lắm'. Bởi vì họ chỉ có một hoặc hai con", Yi, một nhà khoa học tại đại học Wisconsin, chuyển đến Mỹ sinh sống từ năm 1999, kể.
Kể từ khi chính phủ Trung Quốc tuần trước thông báo có kế hoạch cho phép các cặp vợ chồng có hai con, nhiều bậc cha mẹ nói rằng họ không muốn có thêm đứa nữa do chi phí nuôi trẻ rất đắt đỏ.
Chính sách mới sẽ chưa có hiệu lực cho đến khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc sửa đổi luật, Uỷ ban Y tế và Kế hoạch hoá Gia đình Quốc gia nước này cho biết nhưng không đề cập đến thời gian cụ thể.
Tuy nhiên, dường như có điều gì đó ảnh hưởng đến các cặp vợ chồng này hơn là vấn đề về kinh tế. Sau hơn 4 thập kỷ duy trì chế độ mỗi hộ gia đình chỉ một con để tập trung phát triển kinh tế, nhiều người dân giờ đây đánh giá thành tựu của gia đình thông qua thước đo kinh tế chứ không phải tình cảm.
"Trung Quốc đã thành công trong việc thiết lập 'văn hóa' một con", Lionel Jensen, giáo sư ngôn ngữ và văn hoá Á Đông tại Đại học Notre Dame, nhận xét.
"Kể từ giữa những năm 1980 và một lần nữa vào sau năm 1992, các cơ quan cấp cao của chính phủ, cũng như lãnh đạo bấy giờ là Đặng Tiểu Bình, đã kêu gọi mọi người chú tâm vào việc phát triển kinh tế", ông Jensen viết.
"Làm giàu là vinh quang" và "bước chân ra biển thương trường" là những khẩu hiệu thuyết phục nhiều cá nhân và gia đình rằng, kiếm tiền là cách quan trọng để bảo đảm an toàn tài sản của mình, đồng thời đưa đất nước đi lên", ông nói.
Người Trung Quốc nhìn nhận rằng chỉ có một con là cách "thể hiện lòng yêu nước, tinh thần quyết đoán và hợp lý về mặt kinh tế", ông Jensen nói thêm.
Kết quả là, số lượng các cặp vợ chồng muốn sinh thêm con kể từ khi được cho phép vào năm 2013 là rất thấp (quy định này cho phép nếu vợ hoặc chồng là con một thì được phép sinh con thứ hai).
Đường dài
Vấn đề "trẻ ít, già nhiều" của Trung Quốc trở thành một câu hỏi hóc búa. Điều này ảnh hưởng đến kinh tế khi số dân trong độ tuổi lao động giảm và chi phí chăm sóc người già tăng lên, khiến cho tiến sĩ Yi đưa ra một dự đoán táo bạo rằng trong khoảng hai năm, nhà nước sẽ phải từ bỏ hoàn toàn các quy định về kế hoạch hóa gia đình.
'"Sự thay đổi năm 2013 không đạt được những gì chính phủ muốn". "Chính quyền muốn có thêm khoảng hai triệu trẻ ra đời mỗi năm". Nhưng trong năm 2014, con số này chỉ dừng ở mức vài chục nghìn, và năm 2015 là khoảng 300.000 trẻ, theo ông Yi, tác giả cuốn sách có tên "Big Country With an Empty Nest" (tạm dịch Nước lớn với cái tổ trống), chỉ trích chính sách kế hoạch hoá gia đình của chính phủ.
Cuốn sách được xuất bản lần đầu tiên vào năm 2007 tại Hong Kong nhưng bị cấm phát hành tại Trung Quốc đại lục cho đến năm 2013. Nó dự kiến sẽ được tái phát hành sớm bởi hội đồng in ấn quốc gia Trung Quốc.
Ngay cả người Trung Quốc sống tại Mỹ cũng thường chỉ có một con, ông Yi nói. Một lý do nữa là họ sợ cha mẹ không vừa lòng khi họ về thăm quê.
"Có một số người, nếu như họ mang thai đứa thứ hai, cha mẹ của họ sẽ hỏi 'tại sao con muốn có thêm một đứa nữa' và cha mẹ của những cặp vợ chồng đó sẽ khuyên họ đi phá thai", ông Yi nói.
"Tôi có những người bạn sinh con thứ hai ở Mỹ mà không dám nói với cha mẹ", ông kể.
Liệu rằng vấn đề này sẽ có sự thay đổi, có chăng là cần thời gian? 'Họ hiểu rằng rằng định nghĩa gia đình đã thay đổi", Jensen nói, ông cho rằng kinh tế vẫn sẽ là yếu tố mạnh mẽ trong việc ra quyết định trong một thời gian tới.
"Chính quyền sẽ còn phải đi một chặng đường dài nếu muốn thay đổi mô hình nhân khẩu của họ", ông Yi nói.
"Đó là hy vọng, và cũng là dự đoán của tôi. Tôi cho rằng trong khoảng hai năm, chính phủ sẽ cải cách chính sách dân số hoàn toàn. Đây sẽ là một khó khăn lớn với chính phủ, thậm chí là sự xấu hổ", ông nói. "Nhưng họ đã thực hiện quá nghiêm trong một thời gian dài. Vấn đề này, suy cho cùng, là chuyện cá nhân và gia đình".
Trọng Nghĩa
Theo VNE
Các cặp vợ chồng Trung Quốc vẫn chưa được sinh hai con Do chưa có quy định mới cho phép mọi cặp vợ chồng được sinh con thứ hai, dự kiến ban hành tháng 3.2016, hiện người dân Trung Quốc vẫn phải tuân thủ chính sách một con. Phải đến năm 2016, các cặp vợ chồng ở Trung Quốc mới được sinh con thứ hai - Ảnh: Reuters Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 29.10...