Thảm kịch chìm phà ở Hàn Quốc: Cuộc gọi kêu cứu đầu tiên
Cuộc gọi kêu cứu đầu tiên từ chiếc phà bị chìm ở Hàn Quốc là do một cậu bé thực hiện và diễn ra 3 phút sau khi chiếc phà đổi hướng lần cuối cùng.
Một thân nhân hành khách trên phà bị chìm ở Hàn Quốc đang chờ tin tức người thân tại đảo Jindo (Hàn Quốc) – Ảnh: AFP
Cậu bé này đã gọi số khẩn cấp 119 và cuộc gọi của cậu đã được chuyển sang đội cứu hỏa trước khi được chuyển tiếp sang lực lượng tuần duyên 2 phút sau đó, Reuters cho biết ngày 22.4.
Sau đó có khoảng 20 cuộc gọi khác cho số khẩn cấp từ những học sinh trên tàu, một nhân viên cứu hộ nói với Reuters.
Chiếc phà Sewol cao 5 tầng đã bị chìm vào hôm 16.4 trong khi đang di chuyển từ cảng Incheon đến đảo du lịch Jeju, phía nam Hàn Quốc.
Trong tổng số 476 hành khách và thủy thủ đoàn, 339 người là học sinh và giáo viên một trường trung học ở ngoại ô Seoul đang trên đường đi dã ngoại. Cho đến nay chỉ có 174 người được cứu sống, trong khi những người còn lại vẫn còn kẹt bên trong xác phà và được cho là đã chết.
Cậu bé thực hiện cuộc gọi kêu cứu đầu tiên nằm trong số những người còn kẹt lại trong phà, theo Reuters.
Một nhân viên thuộc sở cứu hỏa kể lại rằng giọng cậu trong điện thoại nghe run rẩy và hối hả. Đã phải mất một lúc các nhân viên trực tổng đài xử lý cuộc gọi khẩn cấp 119 mới xác định được danh tính chiếc phà là Sewol.
Video đang HOT
“Hãy cứu chúng tôi! Chúng tôi đang ở trên một chiếc thuyền và tôi nghĩ là nó đang chìm”, hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) dẫn lời cậu bé nói trong điện thoại.
Khi được yêu cầu đưa điện thoại cho thuyền trưởng, thì cậu bé nói rằng: “Ý cô/chú nói là giáo viên hả?”. Trong tiếng Hàn, từ “thuyền trưởng” và “giáo viên” có phát âm giống nhau.
Viên thuyền trưởng của chiếc phà, Lee Joon-seok, 69 tuổi, và các thành viên thủy thủ đoàn đã bị bắt giữ với tội danh sao lãng trong công việc.
Một số thành viên thủy thủ đoàn, bao gồm cả thuyền trưởng, đã rời phà khi nó đang chìm và sau khi yêu cầu ở yên tại chỗ được thông báo đến các hành khách, các nhân chứng cho biết.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye vào hôm 21.4 nhận xét chỉ đạo nói trên tương đương với “hành động giết người”.
Trẻ em nghe lời người lớn là phong tục tập quán của xã hội Hàn Quốc và các học sinh trên phà đã trả giá cho việc tuân theo mệnh lệnh ở yên tại chỗ bằng mạng sống của mình, theo Reuters.
Được biết, Bộ Đại dương và Thủy sản Hàn Quốc ngày 21.4 cho hay phà Sewol chỉ chuyển hướng dần dần 45 độ, loại trừ thông tin phà chuyển hướng gắt 90 độ mà trước đó được kết luận là nguyên nhân chìm phà, theo đài KBS (Hàn Quốc).
Một quan chức giấu tên của Bộ Đại dương và Thủy sản Hàn Quốc cho rằng dữ liệu từ hệ thống nhận diện tự động (AIS) của phà Sewol cho thấy chiếc phà đã chuyển hướng hình chữ J trong vòng 15 giây trước khi bị nghiêng và chìm vào ngày 16.4. AIS là thiết bị dùng để định vị và xác định đường đi của chiếc phà.
Tuy nhiên, vẫn còn khả năng phà Sewol bị chìm do chở quá tải, cũng theo vị quan chức này.
Theo TNO
Quan chức mất việc vì chụp ảnh trước gia đình nạn nhân chìm phà
Một quan chức cấp cao của Hàn Quốc phải đâm đơn xin nghỉ việc sau khi bị chỉ trích vì cố gắng chụp ảnh lưu niệm trước gia đình của các nạn nhân trong vụ chìm phà Sewol.
Thân nhân và một nhà sư cầu nguyện cho các nạn nhân của phà Sewol trên đảo Jindo hôm qua. Ảnh: Reuters
Theo Yonhap, hôm 20/4, quan chức thuộc Bộ An ninh và Quản lý Công cộng định chụp ảnh gần nơi các thân nhân đang tập trung để chờ tin tức của người nhà trên đảo Jindo, gần hiện trường vụ chìm phà.
Hành động này của ông làm dấy lên sự giận dữ không chỉ với các gia đình có người gặp nạn, mà còn cả dư luận trong nước.
Vào đầu ngày hôm qua, quan chức trên đã đệ đơn từ chức. Chính phủ Hàn Quốc ngay lập tức chấp thuận nguyện vọng này.
"Ông đã chụp ảnh lưu niệm mà không để tâm đến nỗi đau khổ của gia đình những người mất tích và các nạn nhân khác", Min Kyung-wook, phát ngôn viên của tổng thống, nói.
Giới chức Hàn Quốc thường chụp ảnh nhóm lưu niệm trong các chuyến công tác. Tuy nhiên, bất kỳ sai sót nào của họ cũng có thể thổi bùng sự tức giận trong dư luận, khi chính phủ Hàn Quốc bị chỉ trích là ứng phó chậm trễ trước thảm kịch hàng hải tồi tệ nhất trong hơn hai thập kỷ qua.
Bộ An ninh và Quản lý Công cộng yêu cầu các quan chức cẩn trọng trong lời nói và hành động vào thời điểm nhạy cảm này.
Chung Mong-joon, một nghị sĩ quốc hội và là ứng viên thị trưởng Seoul, hôm qua cũng phải xin lỗi người dân về những phát ngôn "làm tổn thương trái tim mọi người" của con trai mình.
"Tôi xin gửi lời xin lỗi sâu sắc đến các gia đình có người thiệt mạng hoặc mất tích cũng như toàn thể người dân", ông nói trong một cuộc họp báo.
Trước đó vài giờ, con trai ông Chung, một nam sinh 19 tuổi chuẩn bị thi đại học, đăng một bài viết lên Facebook và chỉ trích cách phản ứng gay gắt của các thân nhân với chính phủ trong vụ chìm phà.
"Sự cảm tính của mọi người rất thiếu văn minh và không có nghĩa lý gì khi mọi người mong chờ tổng thống đáp ứng tất cả nhu cầu của họ. Đất nước có văn minh khi người dân thiếu văn minh?", con trai ông Chung hỏi, nhắc đến việc Tổng thống Park Geun-hye bị hét vào mặt và Thủ tướng Chung Hong-won bị ném chai nước khi đến thăm hỏi các gia đình nạn nhân.
Nam sinh này sau đó đã xóa bài viết trên.
Phà Sewol có tổng trọng lượng khoảng 10.000 tấn đang nằm dưới đáy biển sâu 37 m sau khi bị chìm hôm 16/4. Tính đến trưa nay, có 105 thi thể đã được trục vớt từ phà, nhưng vẫn còn 197 người mất tích.
Số người thiệt mạng dự kiến sẽ tăng nhanh khi chiến dịch cứu hộ được đẩy mạnh trong điều kiện thời tiết thuận lợi hơn.
Theo VNE
Đắm phà HQ: Học sinh liên tiếp gọi điện cầu cứu Một cậu học sinh trên phà Sewol mới là người gọi điện cầu cứu đầu tiên. Ngày 22/4, các điều tra viên Hàn Quốc tiết lộ rằng cuộc gọi cầu cứu đầu tiên từ chiếc phà xấu số Sewol không phải là do thủy thủ trên phà thực hiện mà là từ một cậu bé gọi đến một trạm cứu hỏa với giọng...