Thảm họa ‘Titanic bản Mỹ’ từng kinh khủng nhất lịch sử, khiến hơn 1.700 người thiệt mạng trong 1 đêm
Do quá thảm khốc, tai nạn chìm tàu Sultana vào năm 1865 được cho là còn tồi tệ hơn vụ đắm tàu Titanic.
Khi nhắc đến thảm họa hàng hải trong lịch sử, vụ tai nạn của con tàu sang trọng Titanic huyền thoại luôn được nhắc đến bởi sự đau thương và tàn khốc của nó. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, trước khi Titanic được xây dựng và gặp nạn, thảm họa chìm tàu Sultana cũng được coi là thảm họa “Titanic phiên bản Mỹ” mỗi lần nhắc lại.
Thảm kịch kinh hoàng khiến con tàu Sultana còn được gọi là “Titanic phiên bản Mỹ”
Vào năm 1865, khi cuộc nội chiến kết thúc, đã có hàng nghìn binh sĩ Liên minh mới được ân xá. Đa phần, những binh sĩ này đều bị giam giữ tại các nhà tù ở Cahaba, bang Alabama và Andersonville, bang Georgia và họ sẽ được đưa tới một trại giam giữ nhỏ ở ngoại ô Vicksburg, bang Mississippi trước khi ngược sông lên phía Bắc.
Con tàu bị nhồi nhét
Vào thời điểm đó, thuyền trưởng James Cass Mason, người đang chỉ huy con tàu hơi gồm 85 thành viên tên Sultana đang trên đường hướng đến Missouri để vận chuyển bông. Tuy nhiên, trong một lần dừng chân ở Vicksburg để sửa chữa nồi hơi, James Cass Mason đã nhận được tin rằng chính phủ Hoa Kỳ sẵn sàng trả khoản phí lên tới 5 đô la cho mỗi người lính và 10 đô la cho mỗi sĩ quan để có thể vận chuyển các cựu tù nhân Liên minh trở lại miền Bắc.
Thuyền trưởng James Cass Mason
Bị thu hút và mờ mắt bởi lòng tham, vị thuyền trưởng này đã nắm bắt cơ hội và nhận hối lộ từ một sĩ quan để vận chuyển càng nhiều tù nhân càng tốt. Ông lo lắng rằng nếu đợi lò hơi sửa xong, những người lính sẽ tìm một con tàu khác. Do đó, thuyền trưởng Mason chỉ tạm thời sửa chữa qua loa phần nồi hơi của con tàu để có thể nhanh chóng thực hiện màn “hốt bạc” của mình.
Do không tốn nhiều thời gian sửa chữa, vào ngày 24/4/1865, tàu Sultana đã bắt đầu khởi hành từ Vicksburg để đi lên phía Bắc. Mặc cho sức chở hợp pháp của con tàu chỉ là 376 hành khách, thuyền trưởng đã cho chở tới 2.500 người, trong đó có khoảng 1.960 tù nhân, 22 sĩ quan, 70 hành khách trả tiền cho cabin riêng và 85 thủy thủ tàu. Số lượng người cho phép vượt quá gấp trăm lần khiến cho con tàu chật kín người.
Video đang HOT
Bi kịch ập đến
Bên cạnh việc sửa chữa qua loa phần nồi hơi và nhồi nhét chật cứng khách trên con tàu, thuyền trưởng Mason còn có thêm một quyết định táo bạo nữa là để con thuyền ra khơi trong điều kiện thời tiết xấu. Được biết, vào ngày hôm đó, sông Mississippi cuộn sóng dữ, nhiều thân cây và rác rưởi dập dềnh trên mặt nước khiến con tàu càng khó điều khiển khi đêm xuống.
Sau khi tạm dừng chốc lát ở Memphis ( bang Tennesse) rồi tiếp tục hành trình ngay trong đêm. Gần 2h sáng ngày 27/4, khi cả đoàn mới chỉ rời Memphis được vài dặm, một chiếc nồi hơi của tàu Sultana đã bất ngờ phát nổ khiến hàng trăm binh sĩ tử vong tại chỗ do bị các mảnh vỡ bắn vào người, bị bỏng vì hơi và nước sôi tóe ra từ nồi hơi.
Sự cố nổ nồi hơi đã khiến con tàu rơi vào cảnh hỗn loạn
Những người lính trên tàu Sultana, những binh lính vừa sống sót sau Nội chiến đẫm máu và những điều kiện khủng khiếp trong thời gian bị giam cầm như tù nhân, giờ lại phải hứng chịu một đòn đau thương khác.
“Khi tỉnh lại, tôi thấy mình… bị bao quanh bởi đống đổ nát, giữa khói và lửa. Những tiếng la hét của những người bị thương thật đau lòng, mọi thứ bỏ xa giới hạn tôi có thể chịu nổi và vượt quá khả năng diễn tả của tôi”.- một người lính sống sót sau thảm kịch mô tả.
Tuy nhiên, chỉ một lúc sau, hai nồi hơi tiếp theo trên con tàu cũng phát nổ theo và đặt con tàu Sultana vào cảnh hỗn loạn. Đứng giữa thảm kịch, những hành khách còn sống phải đưa ra lựa chọn ở lại tàu và có thể chết cháy hoặc nhảy xuống biển trong đêm tối.
Mô tả lại khung cảnh hỗn loạn trên tàu Sultana, sử gia Gene Salecker Potter viết: “Chỉ một phút trước họ còn đang ngủ lịm đi, thì phút sau đã thấy mình ngụp lặn trên sông Mississippi lạnh buốt”.
Con tàu chìm dần sau khi nồi hơi phát nổ, kéo theo nhiều sinh mạng
Vụ nổ khiến con tàu hư hỏng nặng và bắt đầu chìm dần khỏi mặt nước. Dù các tàu qua lại và cư dân địa phương đã tiến hành một chiến dịch cứu hộ khẩn trương nhưng việc hư hại nặng đã làm con tàu nghiêng hẳn sang bên kia và khiến cho khoảng 1.700 người trên tàu, bao gồm cả thuyền trưởng Mason, thiệt mạng chỉ trong vài tiếng đồng hồ.
Tuy nhiên, con số 1.700 người thiệt mạng được cho là số liệu ước chừng, trên thực tế con số này có thể còn cao hơn nhiều. Dù không nổi tiếng như Titanic nhưng vụ việc này vẫn được cho là một trong những thảm họa hàng hải thảm khốc nhất lịch sử và khiến nhiều người đau lòng mỗi khi hồi tưởng.
Đội cứu hộ bật khóc kể lại quá trình trục vớt mảnh vụn tàu Titan, miêu tả chính xác sự cố thảm khốc đã xảy ra
Người đứng đầu công cuộc vớt xác tàu Titan nhiều lần khóc trong buổi họp báo về quá trình giải cứu nhưng cuối cùng lại thành tìm kiếm các mảnh vỡ.
Vào ngày 30/6 (giờ Mỹ), Pelagic - công ty đã trục vớt và phục hồi xác tàu ngầm Titan bị đắm vào tuần trước đã tổ chức cuộc họp báo trước truyền thông. Edward Cassano, giám đốc điều hành và người đứng đầu công cuộc tìm kiếm đã rất xúc động và rơi nước mắt khi mô tả quá trình phát hiện những phần còn lại của con tàu dưới đáy biển.
Người đứng đầu công cuộc vớt xác tàu Titan nhiều lần khóc trong họp báo
Ông Cassano cho biết nhóm của mình đã sử dụng một phương tiện điều khiển từ xa, hay ROV, được gọi là Odysseus 6K có thể thực hiện nhiệm vụ trục vớt dưới biển sâu.
"Chỉ huy Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ đã liên hệ với các gia đình khi chúng tôi phát hiện ra mảnh vỡ. Từ ngày 22 tháng 6 đến ngày 27 tháng 6, chúng tôi đã sử dụng mọi khả năng của mình để phân loại các mảnh vỡ", ông nói.
Khi được hỏi chuyện gì thực sự đã xảy ra với tàu ngầm Titan, ông Cassano khẳng định: "Họ đã đưa tàu xuống quá độ sâu được phép". Vì vậy, con tàu đã ngay lập tức bị nổ thảm khốc, làm cả 5 người bên trong thiệt mạng rồi chìm vào sáng Chủ nhật (25/6). Không rõ vụ nổ xảy ra chính xác khi nào và ở đâu, nhưng một hệ thống âm thanh của Hải quân Hoa Kỳ đã phát hiện ra một "sự bất thường" vào Chủ nhật có khả năng là vụ nổ chết người của Titan.
Một robot dưới biển sâu do công ty của ông Cassano điều khiển đã phát hiện ra mảnh vỡ và được giao nhiệm vụ đưa nó lên. Công ty khác cũng hỗ trợ quá trình này là Deep Energy đã làm mất một trong hai tàu lặn điều khiển từ xa vì tìm kiếm Titan.
Sau đó, các thợ lặn phải mất một tiếng rưỡi để lặn xuống biển, lấy mảnh vỡ và đưa xác tàu lên mặt đất.
Polar Prince, tàu hỗ trợ chính cho tàu lặn Titan, cập cảng St. John's ở Newfoundland, Canada
Cassano giải thích trong suốt cuộc họp rằng ban đầu họ được gọi đến với tư cách là một đội giải cứu. Ông đã bay đến Newfoundland trong vòng 24 giờ sau khi nhận được cuộc gọi thông báo.
"Chúng tôi đã dự đoán nhiều kịch bản có thể xảy ra. Trường hợp mọi người đều mong muốn là Titan dưới đáy biển, phi hành đoàn còn nguyên vẹn, bình chịu áp lực còn nguyên vẹn", giám đốc Pelagic cho biết. Cả nhóm đã tiến hành kế hoạch giải cứu cặn kẽ nhưng kết quả lại là bi kịch.
Khi được hỏi ý kiến của mình về vụ bê bối OceanGate đang diễn ra, ông Cassano nói: "Tôi thực sự không có ý kiến gì". Ông cũng chia sẻ quá trình trục vớt xác tàu ngầm mất nhiều ngày. Khi được một phóng viên hỏi chi phí cho nỗ lực vớt tàu là bao nhiêu, Cassano chỉ trả lời "Rất nhiều" và không đưa ra con số cụ thể.
Các mảnh vỡ từ tàu lặn Titan, được trục vớt từ đáy đại dương gần xác tàu Titanic, được dỡ xuống từ tàu Horizon Arctic
Kể từ khi các bức ảnh chụp những mảnh vỡ được thu hồi và vận chuyển vào bờ ở St John's, Newfoundland, Canada, dư luận đã dấy lên câu hỏi về việc làm thế nào những mảnh vỡ lớn như vậy có thể tồn tại sau một vụ nổ lớn dưới đáy biển sâu.
Các mảnh vỡ bao gồm một phần kim loại cong lớn, màu trắng dường như là vỏ ngoài của Titan dài hơn 6m. Một mảnh khác cho thấy vẫn có cả dây cáp, máy tính tích hợp và các bộ phận cơ khí khác.
Trước đó, nhiều chuyên gia cho rằng lực của vụ nổ sẽ mạnh đến mức thân tàu bằng sợi carbon của Titan sẽ "đột nhiên biến mất", bốc hơi và giết chết tất cả những người bên trong trước khi họ kịp nhận ra điều gì đó không ổn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy Titan đã không bị vỡ vụn như dự đoán.
Một chuyên gia pháp lý cho biết OceanGate - công ty đứng sau chiếc tàu lặn Titan có thể phải đối mặt với cuộc điều tra liên bang về tội "giết người do cẩu thả".
Thủ tướng Hungary: EU không mang lại 'hòa bình và thịnh vượng' Thủ tướng Hungary Viktor Orban nói rằng Liên minh châu Âu (EU) hiện không mang lại hòa bình cũng như sự thịnh vượng. "Liên minh châu Âu (EU) được thành lập vì hai mục đích. Thứ nhất, vì hòa bình, và hiện chiến tranh đang hoành hành ở châu Âu. Thứ hai, vì sự thịnh vượng, và nền kinh tế châu Âu đang...